Sếp trong quân đội Mỹ "trúng mỹ nhân kế" với bồ trẻ người Trung Quốc

Thứ Ba, 02/04/2013, 15:49

Một nhà thầu quốc phòng Mỹ vừa bị buộc tội làm lộ bí mật an ninh quốc gia cho cô bạn gái kém 32 tuổi người Trung Quốc.

Say tình, khoe hết

Theo Telegraph, Benjamin Pierce Bishop, 59 tuổi, thuộc Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii, bị bắt mới đây mà không được báo trước, tại văn phòng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự Thái Bình Dương với cáo buộc cung cấp cho cô bạn gái 27 tuổi những thông tin vô cùng nhạy cảm về quốc phòng Mỹ. Vụ việc xảy ra ngay sau khi tân Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel công khai tuyên bố kế hoạch tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa ven biển ở Mỹ để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.

Các thông tin mật được gửi đến cho cô gái trên thông qua email, trong đó có những chi tiết về vũ khí hạt nhân và quan hệ của Mỹ với các đối tác quốc tế.

Ông Bishop cũng bị cáo buộc cung cấp cho cô gái thông tin về khả năng của Mỹ trong việc phát hiện các tên lửa đạn đạo tầm thấp và trung từ nước ngoài, việc sử dụng hệ thống radar cảnh báo sớm của Mỹ ở bờ Thái Bình Dương và kế hoạch triển khai hệ thống hạt nhân chiến lược của Mỹ.

Đại tá Mỹ bị truy tố với tội danh là cố ý trao đổi thông tin quốc phòng quốc gia cho một người không có quyền nhận các thông tin này, và một tội danh nữa là lưu trữ trái phép các tài liệu liên quan đến quốc phòng quốc gia. Nếu bị kết án, ông có thể đối mặt với bản án tối đa 20 năm tù.

Bishop là một nhà thầu quốc phòng dân sự. Ông gặp cô bạn gái trẻ tại một hội thảo về các vấn đề quân sự quốc tế và hai người bắt đầu hẹn hò từ tháng 7/2011.

Dù ông Bishop được cấp phép tiếp cận với các thông tin an ninh mật cấp cao từ tháng 7/2002, nhưng bạn gái của ông này thì không. Ông được cho là đã cố gắng che giấu các đồng nghiệp về mối quan hệ này, do vị trí của ông yêu cầu phải trình báo mỗi khi liên hệ với nhiều người nước ngoài.

Tháng 11/2012, một tòa án có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra nhà ông này và phát hiện 12 tài liệu mật. Theo bản khai có tuyên thệ, cô gái trên đã hỏi ông Bishop rằng, các nước phương Tây biết gì về "hoạt động của một đơn vị hải quân thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa". Ông Bishop đã tiến hành tra cứu về vấn đề này, dù không thuộc nghĩa vụ của ông, và đã đọc cũng như thu thập các thông tin mật.

Luật sư do tòa án chỉ định bào chữa cho ông Bishop, Birney Berver, tuyên bố: "Đại tá Bishop đã phục vụ cho đất nước 29 năm nay. Ông sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì gây tổn hại cho nước Mỹ". Ông Berver cho biết, ông Bishop từng là một trung tá trong quân đội dự bị Mỹ.

Đại tá Benjamin Pierce Bishop và ngôi nhà ở Hawaii.

Phiên điều trần sơ bộ dự kiến diễn ra vào ngày 1/4 tới. Ông Bishop dự kiến sẽ ra tòa để tham dự phiên điều trần về việc bảo lãnh.

Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có một lịch sử lâu dài cài cắm gián điệp vào nhau để tìm hiểu các thông tin mật của đối phương.

Khi Mỹ là mục tiêu của tình báo Trung Quốc

Hoạt động khả nghi tình báo Trung Quốc xâm nhập căn cứ quân sự Mỹ tăng lên thời gian gần đây sau khi Bắc Kinh liên tiếp tiến hành 3 vụ thử tên lửa đạn đạo chiến lược tầm xa.

Mới đây, một tốp những người đàn ông châu Á đã dừng xe trước cổng căn cứ không quân F.E. Warren - 1 trong 3 căn cứ tên lửa hạt nhân chiến lược của Mỹ tọa lạc tại một địa điểm cách Cheyenne, Wyoming khoảng 3 dặm về phía Tây, là nơi đóng quân của liên đội tên lửa 90, hiện đang triển khai một số tên lửa hạt nhân Minuteman III.

Căn cứ này đồng thời cũng là sở chỉ huy chung của 3 căn cứ phóng tên lửa đặt tại đông nam Wyoming, Tây Nebraska và Bắc Colorado, chịu trách nhiệm tất cả các hoạt động của chi đội không quân 20 được trang bị các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) cũng đóng quân tại đây (chi đội không quân 20 thuộc Bộ Tư lệnh không quân tấn công).

Nhóm người trên đề nghị cho dùng nhờ toilet của nhà khách căn cứ. Tiếp theo, họ bắt đầu lân la làm quen và ngỏ ý muốn chụp ảnh cùng các sĩ quan không quân để tạo không khí thân mật. Sau đó, các vị khách khả nghi này đề nghị được chụp ảnh dãy tên lửa sát cổng căn cứ nhưng đã bị từ chối.

 Lý do nghi ngờ Trung Quốc do thám quân sự Mỹ không phải không có căn cứ. Trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, một nhóm nhân viên tình báo chuyên về trinh sát điện tử của quân đội Trung Quốc đã bị phát hiện khi đang theo dõi các hoạt động quân sự của Mỹ ở vịnh Ba Tư.

Ngày 26/2/2004, 2 quan chức ngoại giao Trung Quốc đã bị chặn lại bên ngoài Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở bang New Mexico. Hai quan chức ngoại giao trú tại tổng lãnh sự Trung Quốc ở Los Angeles này bị chặn lại khi đang điều khiển một chiếc xe thuê chạy rất nhanh qua một trạm kiểm soát an ninh, sau đó 2 quan chức này đã bị áp giải rời khỏi khu vực trên. Con đường mà họ đi không phải là đường dành cho công chúng mà nó chạy qua 2 khu vực rất nhạy cảm là phòng thực nghiệm quốc gia Los Alamos, còn gọi là cơ sở lắp ráp quan trọng thuộc khu công nghệ 18 (Critical Assembly Facility) và cơ sở nghiên cứu plutonium thuộc khu công nghệ 55 (Plutonium Research Facility). Đây đều là các cơ sở nghiên cứu vũ khí hạt nhân bí mật.

Phòng thực nghiệm hạt nhân quốc gia Los Alamos, Mỹ, từng bị tình báo Trung Quốc do thám.

Nhân viên tình báo Trung Quốc còn bị phát hiện ở khu vực Fort Greely, bang Alaska khi đang tiến hành theo dõi một trong 2 căn cứ tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Căn cứ tên lửa thứ 2 nằm ở California cũng là mục tiêu thu thập tin tức tình báo trọng yếu của tình báo Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ cũng từng thừa nhận, Trung Quốc đang tiến hành rất nhiều hoạt động tình báo quân sự ở Mỹ, trong đó đặc biệt chú trọng tuyển mộ gián điệp người bản xứ có khả năng tiếp xúc với các nguồn thông tin mật. Theo đà phát triển của công nghệ thông tin, gần đây Trung Quốc còn đẩy mạnh và kết hợp chặt chẽ các hoạt động đánh cắp thông tin trên Internet và hoạt động nghe trộm điện tử, tăng cường thu thập thông tin tình báo điện tử trên đất Mỹ, chủ yếu sử dụng thiết bị của các Đại sứ quán và cơ quan ngoại giao, các tổ chức thương mại.

Một cựu quan chức phản gián cấp cao Mỹ nhận định: "Dựa trên những cứ liệu của lịch sử, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin rằng, Trung Quốc đang tiến hành những hoạt động thu thập tình báo đối với Mỹ".

Ngoài ra, cựu nhân viên tình báo này còn cho rằng, căn cứ vào các hành động và cách thức xây dựng quan hệ, cùng với đặc điểm là người châu Á, ông tin rằng, sự việc khả nghi này là một phần của "hoạt động thu thập tin tình báo Trung Quốc", hoặc giả là một hoạt động huấn luyện nhân viên của họ. Ông còn tiết lộ, từ trước đến nay, Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI (đảm trách công tác chống gián điệp) luôn xem nhẹ vấn đề "thu thập tin tức tình báo của nước ngoài". Việc FBI chẳng bỏ mấy công sức vào công tác phản gián đã dẫn đến sự gia tăng các hoạt động tình báo, gián điệp quân sự tại Mỹ mà họ không hề phát hiện ra. Vị chuyên gia này cũng đã đưa ra một vài dẫn chứng lịch sử mà ông từng biết.

Mỹ cáo buộc công ty viễn thông Trung Quốc đe dọa quốc gia

Tháng 11/2012, sau cuộc điều tra kéo dài gần 1 năm được Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ (UB) thực hiện đã kết luận rằng, các nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc là Huawei Technologies và ZTE là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia nước này. Đồng thời UB cũng tư vấn cho các công ty Mỹ mua thiết bị mạng từ các nhà cung cấp khác.

Theo báo cáo, một số công ty Mỹ đã sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE từng gặp phải những trường hợp "kỳ lạ" và "đáng báo động". Nhiều chuyên gia an ninh Mỹ cáo buộc một số thiết bị của Huawei và ZTE được cài sẵn mã độc để chuyển thông tin nhạy cảm từ Mỹ về Trung Quốc.

Hồi tháng 9/2012, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm Huawei tham gia một dự án xây dựng mạng không dây tầm cỡ quốc gia. Bộ Thương mại đã từ chối giải thích thêm, chỉ cho biết vì lý do an ninh. Đáp lại, Huawei cho biết, hành động ngăn chặn này có thể gây ra "tác động rất xấu" đến doanh nghiệp Mỹ và nêu ra nghi vấn "liệu quyết định này có thực sự vì vấn đề an ninh hay do lý do chính trị". Trước đó, nhà chức trách Mỹ đã ngăn việc Huawei mua lại Công ty vi tính Mỹ 3Leaf Systems. Trong bản phúc trình sơ bộ do Ủy ban tình báo Mỹ tiết lộ mới đây, Huawei có thể là công cụ của chính quyền Trung Quốc, phục vụ mục tiêu gián điệp quân sự và công nghiệp.

Đầu năm 2012, Huawei cũng đã rút lại hợp đồng chuyển nhượng trụ sở tại California sau khi chính quyền bang này yêu cầu. Kể từ đó, Huawei đã liên tục lên tiếng nhằm bảo vệ uy tín của mình, đề nghị chính phủ Hoa Kỳ điều tra công ty để xóa bỏ những mối lo ngại về an ninh.

Hãng tin Reuters mới đây cũng cho biết, Huawei đã bị loại ra khỏi cuộc đấu thầu xây dựng một mạng lưới thông tin bảo mật của chính phủ Canada sau khi người phát ngôn của thủ tướng nước này tuyên bố: "Chính phủ sẽ lựa chọn cẩn thận (đối tác) khi xây dựng mạng lưới và yêu cầu có một ngoại lệ an ninh quốc gia". Cũng theo Reuters, ông Ray Boisvert, cựu nhân vật thứ 3 trong CSIS (Cơ quan Tình báo Canada), khẳng định rằng, Huawei là "mối đe dọa thực sự". Ông ủng hộ việc chính phủ Canada "cấm cửa" Huawei tham gia xây dựng mạng lưới dữ liệu và thông tin mới của chính phủ.

Không chỉ Canada, Australia cũng đề phòng Huawei. Chính quyền và Quốc hội Australia đã ngăn Huawei tham gia đấu thầu dự án băng thông rộng trị giá 36,6 tỉ USD. Chính quyền Australia khẳng định, làm như vậy vì lo ngại nguy cơ bị Trung Quốc tấn công mạng và đánh cắp thông tin tình báo. Các quan chức Huawei đã vận động hành lang dữ dội nhưng vẫn bị các nghị sĩ Australia tẩy chay.

Khi các lệnh cấm cửa này được tiến hành thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho Huawei. Có mặt tại hơn 140 quốc gia, Huawei sử dụng 110.000 nhân viên, hơn nửa số nhân viên làm việc tại các trụ sở nước ngoài với doanh số 32 tỷ đô la, dựa theo số liệu năm 2011. Ngoài thị trường linh kiện, cung cấp cho khoảng 50 công ty điện thoại lớn trên thế giới, Huawei còn có tham vọng sánh vai với Samsung của Hàn Quốc và Apple của Hoa Kỳ

Minh Nguyễn - Anh Tuấn (tổng hợp)
.
.
.