Sherloc: Cổng thông tin trực tuyến về phòng chống tội phạm

Thứ Sáu, 17/04/2015, 11:00
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm có tổ chức hoạt động thành những mạng lưới phức tạp, có khả năng hoạt động vượt biên giới ngày càng tăng, nhu cầu chia sẻ thông tin và hợp tác đã trở thành vấn đề cấp thiết. Để đáp ứng yêu cầu này, Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã thiết lập cổng thông tin điện tử có tên SHERLOC.
Đây là cổng thông tin điều hành trực tuyến, hoạt động 24/24 giờ nhằm chia sẻ nguồn dữ liệu điện tử và luật hình sự, đồng thời phổ biến thông tin về cách thức các quốc gia thực hiện Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp quốc (UNTOC), đồng thời đóng vai trò thúc đẩy trao đổi giữa các quốc gia, các cơ quan thực thi pháp luật, và các tổ chức xã hội khác. Cổng thông tin này tạo điều kiện tối đa cho cảnh sát và lực lượng hành pháp các nước dễ dàng tiếp cận các vụ án có liên quan đến những quốc gia đang thực hiện công ước.

Hiện nay, SHERLOC đã có cơ sở dữ liệu chứa hơn 1.800 thông tin các vụ việc cá nhân và 2.100 trường hợp vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. SHERLOC đã được sử dụng rộng rãi bởi các tổ chức chính phủ, cơ quan tư pháp, cơ quan hành pháp, các nhà nghiên cứu và chuyên gia về luật, lực lượng cảnh sát…

Cảnh sát các nước có thêm kênh trao đổi thông tin trực tuyến về phòng chống tội phạm.

Cổng thông tin này cung cấp thông tin tập trung về loạt hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia với các hành vi buôn người, rửa tiền, cướp biển, buôn bán ma túy, vũ khí, khủng bố và khai thác rừng, động vật hoang dã trái phép. SHERLOC nhận được sự ủng hộ lớn về tài chính từ UNODC, các tổ chức quốc tế và các nước cũng như được lực lượng thi hành pháp luật các nước rất tích cực đóng góp, chia sẻ cơ sở dữ liệu. Trong thời gian tới, UNODC đã có kế hoạch phát triển, mở rộng và định hướng SHERLOC sẽ bao gồm 4 lĩnh vực chính nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác.

Đó là: Cơ sở dữ liệu luật pháp cung cấp cái nhìn tổng quan về pháp luật tại quốc gia nào đó và cách thức họ làm việc với UNTOC. Cơ sở dữ liệu này cho phép người dùng theo dõi xu hướng toàn cầu của tội phạm có tổ chức, và quan trọng hơn là hiểu cách áp dụng luật hiệu quả nhất; Cơ sở dữ liệu các vụ án bao gồm ghi chép về các hoạt động thực thi pháp luật thành công nhằm chống lại các nhóm tội phạm có tổ chức.

Các hoạt động thực tế được áp dụng trong công tác điều tra, bắt giữ, truy tố và xét xử tội phạm cũng được nhấn mạnh trong cơ sở dữ liệu này; Cơ sở dữ liệu thư mục bao gồm nhiều dữ liệu đóng góp từ các viện nghiên cứu, chuyên gia và các tác giả khác về các khía cạnh lớn hơn của tội phạm có tổ chức như chính trị, kinh tế và lịch sử; danh mục các nhà chức trách có thẩm quyền quốc gia bao gồm danh sách các cơ quan chức năng có thể xử lý các yêu cầu dẫn độ, tương trợ tư pháp và hợp tác nhằm ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp qua đường biển. SHERLOC được kỳ vọng sẽ là kênh thông tin hữu ích của Liên Hợp Quốc trong nỗ lực phối hợp quốc tế phòng chống tội phạm, vì một thế giới an toàn hơn.

Đoàn Oanh
.
.
.