"Siêu bão thanh trừng" trong Hoàng gia Arab Saudi

Thứ Tư, 11/03/2020, 14:51
Trong 2 ngày (6 và 7/3), chính quyền Arab Saudi đã tiến hành bắt giữ 1 Hoàng thân và 3 Hoàng tử với cáo buộc âm mưu đảo chính, phản quốc. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Thái tử Mohammed bin Salman đang củng cố quyền lực. Một số nhà phân tích cho rằng đây là thời điểm mà Thái tử Mohammed bin Salman "thanh trừng" những kẻ chống đối và cả đối thủ trong cuộc chiến giành ngai vàng.


4 vụ bắt giữ

Hãng tin The New York Times sáng sớm 8/3 (theo giờ địa phương) đưa tin, cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến với Thái tử Mohammed bin Salman trong hoàng gia Arab Saudi đã được mở rộng vào ngày 7-3 với việc bắt giữ Hoàng tử Nayef bin Ahmed, cựu lãnh đạo tình báo quân đội. Hoàng tử Nayef bin Ahmed là con trai của Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz Al Saud, người đã bị bắt ngày 6/3 cùng với các cháu trai của mình, cựu Thái tử Mohammed bin Nayef và Hoàng tử Nawaf bin Nayef".

Thái tử Mohammed bin Salman (trái) và cựu Thái tử Mohammed bin Nayef. ảnh: Getty.

The New York Times cũng trích dẫn thông tin từ những người gần gũi với Thái tử và những người đang bị giam giữ nói rằng, Thái tử Mohammed  bin Salman đã mất kiên nhẫn với tất cả mọi người từng bất đồng chính kiến trong Hoàng gia Arab Saudi và bực mình với những phàn nàn của người khác về Hoàng tử Nayed bin Ahmed. 

Sau đó, một nhóm thành viên Hoàng gia đã bỏ phiếu về vấn đề kế vị và về việc Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz Al Saud và cựu Thái tử Mohammed bin Nayef âm mưu đảo chính. "Rõ ràng Thái tử đương nhiệm không làm hài lòng những người lớn tuổi, những người xung quanh trong đại gia đình và quyết định loại trừ họ", Nabeel Khoury, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện là thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương nói với hãng Bloomberg News.

Cũng theo hãng Bloomberg News, Vua Salman được cho là đã ký các lệnh để bảo đảm em trai mình - Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz Al Saud và cựu Thái tử Mohammed bin Nayef bị bắt giữ. Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz Al Saud là  người trong một thời gian đã là niềm hy vọng lớn của các thành viên khác trong gia đình cũng như phe muốn ngăn chặn Thái tử Mohammed bin Salman (34 tuổi) lên ngôi.

Ông cũng được cả hoàng tộc kính nể vì là người em trai cùng dòng máu duy nhất còn sống của Vua Salman. Nhưng ông lại không có dấu hiệu thách thức Thái tử Mohammed bin Salman cho dù trước đây, ngôi vị ở Arab Saudi thường được truyền từ anh sang em. Còn cựu Thái tử Mohammed bin Nayef từng là Bộ trưởng Nội vụ Arab Saudi và được giới chức Mỹ yêu thích, tôn trọng.

Cựu Thái tử được đánh giá rất cao trong việc phát triển mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan an ninh- tình báo Arab Saudi với các cơ quan tình báo Mỹ. Nhưng từ năm 2017, ông Mohammed bin Nayef đã bị lật đổ khỏi vị trí Thái tử và bị quản thúc tại gia. Hoàng tử Nawaf bin Nayef là em trai của cựu Thái tử Mohammed bin Nayef, người bị coi là cái gai lớn trong mắt Thái tử đương nhiệm.

Chỉ vài giờ sau khi bị bắt giữ, Toà án Hoàng gia Arab Saudi đã cáo buộc Hoàng thân Ahmed bin Adbulaziz Al Saud và cựu Thái tử Mohammed bin Nayef có âm mưu đảo chính để lật đổ Nhà vua và Thái tử đương nhiệm. Nhiều khả năng hai người này sẽ phải chịu mức án từ chung thân đến tử hình. Hai Hoàng tử còn lại là Nayef bin Ahmed và Nawaf bin Nayef bị cáo buộc hỗ trợ bố và anh trai âm mưu đảo chính, phản quốc và có thể nhận mức án nhẹ hơn, từ vài năm tù cho đến tù chung thân.

Chưa hết, một nguồn tin thân cận khác trong Hoàng gia Arab Saudi nói với hãng CNN rằng những cuộc bắt bớ sẽ còn tiếp diễn trong vài ngày tới với việc mở rộng khả năng bắt là những người thân của gia đình Hoàng thân và các Hoàng tử.

"Người này nói rằng, số Hoàng tử bị bắt giữ có thể lên tới 20 người. Ngoài ra, còn có các sĩ quan và các quan chức cấp cao khác trong chính phủ. Cuộc đàn áp dường như nhằm nhắc nhở Hoàng gia Arab Saudi rằng bất kỳ gợi ý nào về sự không trung thành sẽ không được dung thứ", hãng CNN viết. Ali Shihabi, một nhà bình luận và là người ủng hộ Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz Al Saud đã bác bỏ những tin đồn về một cuộc đảo chính.

Ali Sahihabi nhận xét: "Điều mà mọi người phải đánh giá cao là Hoàng gia Arab Saudi đã phải trải qua một thế hệ kế thừa rất tinh tế. . . với số lượng lớn các hoàng tử đủ điều kiện về mặt kỹ thuật để thành công hay trở thành người ngồi trên ngai vàng". Trong khi đó, Tariq al-Harbi, người dẫn chương trình truyền hình thì nói: "Quá trình bắt giữ này diễn ra mà không có bất kỳ sự đổ máu nào là điều hiếm khi xảy ra trong lịch sử. Thông điệp rất rõ ràng rằng sẽ không có gì được phép gây bất ổn đất nước hoặc gây ra bất kỳ sự đổ máu nào.Vua Salman và Thái tử Mohammed bin Salman đang kiểm soát rất tốt tình hình này".

Củng cố quyền lực

Vụ bắt giữ Hoàng thân và các Hoàng tử diễn ra trong bối cảnh Thái tử Mohammed bin Salman đang nỗ lực củng cố quyền lực, nhất là khi Vua Salman sức khoẻ ngày càng yếu. "Đây là một bước đi của Thái tử Mohammed bin Salman để gia tăng quyền lực và là thông điệp cho bất cứ ai, bao gồm cả thành viên hoàng gia, không được phép vượt mặt ông ấy", Becca Wasser - nhà phân tích chính trị tại RAND Corporation có trụ sở ở Mỹ nói.

Vua Salman (giữa), cựu Thái tử Mohammed bin Nayef (trái) ở sân bay quốc tế ở Riyadh. Ảnh chụp năm 2015. ảnh: AP

The New York Times nhận định, động cơ hành động lần này của Thái tử Mohammed bin Salman có thể liên quan đến việc cha của ông là Vua Salman đang ngày càng cao tuổi (84 tuổi). Có thể Thái tử muốn "trói tay" những người có thể thách thức việc kế vị của mình một khi Vua Salman băng hà hoặc thoái vị.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Vua Salman đã luôn thể hiện sức khoẻ của mình bằng những bức ảnh họp hoặc gặp gỡ với Đại sứ, quan chức nước ngoài… Hôm 6-3, trước khi ký quyết định bắt giữ em trai và các cháu trai, Vua Salman cũng đã dùng cơm trưa với các hoàng thân quốc thích.

Theo các nhà quan sát, hiện nay tại Arab Saudi, Thái tử Mohammed bin Salman đang là người nắm thực quyền và đề ra những cải cách kinh tế cũng như chỉ đạo chiến dịch can thiệp quân sự ở Yemen. Nhưng nỗ lực hiện đại hóa vương quốc theo cách bảo thủ của Thái tử Mohammed bin Salman đã đi kèm với làn sóng đàn áp nhắm vào các thành viên của hoàng gia, doanh nhân, học giả, nhà hoạt động, blogger và nhà báo.

Thời gian gần đây, Thái tử đương nhiệm đang phải đối mặt với nhiều áp lực và nguy cơ nhất là khi giá dầu trên thế giới sụt giảm ảnh hưởng tới cổ phiếu của Saudi Aramco khiến giá cổ phiếu giảm xuống dưới mức chào bán công khai hồi cuối tháng 2 tại Riyadh. Tiếp đó là sự sụp đổ của liên minh OPEC+ khi Nga từ chối lời kêu gọi của chính quyền Riyadh để cắt giảm sản lượng, bù đắp sự suy giảm nhu cầu do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Thêm vào đó, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đã rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất trong nhiều năm sau khi các đặc vụ Arab Saudi giết nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10 - 2018. Dù đã cố gắng tránh tranh cãi khi tổ chức hội nghị G20 trong năm nay nhưng Arab Saudi vẫn bị chỉ trích khá nhiều về việc này.

Đó là chưa kể đến việc Thái tử bị phản đối vì đơn phương cho dừng việc hành hương tới Mecca, tạo ra sự bất mãn trong thế giới Hồi giáo và sự thất bại trong chiến dịch quân sự 5 năm ở Yemen gây ra một thảm hoạ nhân đạo lớn…

Vì thế, các vụ tống giam này là minh chứng mới nhất cho việc Thái tử sẵn sàng thực hiện các biện pháp mạnh, phi thường để dẹp tan mọi đối thủ trên con đường tiến tới ngai vàng. Thực tế, năm 2017, Thái tử Mohammed bin Salman từng thể hiện "bàn tay sắt" của mình khi nhốt hàng trăm người thân trong hoàng gia và doanh nhân giàu có người Arab Saudi trong khách sạn Ritz-Carlton.

Tỷ phú, Hoàng tử Alwaleed bin Talal bị giam giữ tại khách sạn Ritz Carlton trong nhiều tháng và Hoàng tử Miteb, con trai của vua Abdullah (đã từ trần) bị cách chức Giám đốc Vệ binh quốc gia trong khi Hoàng tử Turki bin Abdullah, một người con trai khác của cựu vương - vẫn bị quản thúc tại gia. Cựu Thái tử Mohammed bin Nayef là anh họ của Thái tử đương nhiệm cũng bị quản thúc tại gia…

Và chỉ sau đó nửa năm, tức vào tháng 5 - 2018, Thái tử Mohammed bin Salman đã phải đối mặt với những cáo buộc và lời kêu gọi lật đổ từ Hoàng tử đang bị lưu đày tên là Khaled bin Farhan. Hoàng tử này đã xuất hiện trên kênh Press TV kêu gọi đảo chính phế truất Vua Salman và ngăn chặn Thái tử Mohammed bin Salman gây thiệt hại thêm cho đất nước.

Cụ thể, Hoàng tử Khaled bin Farhan tuyên bố rằng Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz Al Saud và Hoàng tử Muqrin bin Abdulaziz nên sử dụng tầm ảnh hưởng của họ, tác động lên các thành viên hoàng gia và quân đội để đảo chính phế truất Vua Salman; chặn cơ cấu cầm quyền hiện hành, dưới sự lãnh đạo của Thái tử Mohammed bin Salman. Khi đó, Hoàng tử Farhan khẳng định cần phải có một sự thay đổi để cứu vãn tình hình ở Arab Saudi. Nếu Thái tử Mohammed bin Salman tiếp tục nắm quyền, tình hình sẽ thêm tồi tệ.

Nabeel Khoury, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện là thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận xét: "Thái tử Mohammed bin Salman có lẽ cảm thấy không an toàn kể cả sau khi ông đã làm nhiều việc kèm theo các biện pháp mạnh. Ông ấy cũng không hài lòng những người lớn tuổi, những người xung quanh ông ấy trong đại gia đình hoàng tộc".

Còn Ayham Kamel, người đứng đầu văn phòng tư vấn của Eurasia Group tại Trung Đông và Bắc Phi cho rằng, những diễn biến gần đây có thể đã khiến Vua Salman và Thái tử Mohammed bin Salman nhạy cảm hơn với những rủi ro có thể xảy ra từ một cuộc đảo chính và họ muốn hành động sớm để ngăn chặn.

Khánh Chi (tổng hợp)
.
.
.