Singapore: Mạnh tay với các băng trộm cắp người nước ngoài

Chủ Nhật, 07/07/2019, 15:46
Từ tháng 1 đến tháng 6/2019, cảnh sát Singapore nhận được khiếu nại về 1.718 vụ trộm cắp từ các cửa hàng trên cả nước. Hồi năm 2018, Singapore ghi nhận 3.800 trường hợp trộm cắp từ các cửa hàng, giảm từ 3.919 vụ trong năm 2017 và 3.940 vụ trong năm 2016.


Nạn trộm đồ tung hoành

Nhà chức trách Singapore vừa công bố báo cáo cho thấy nạn trộm cắp trên máy bay ở nước này đã tăng mạnh. Những con số thống kê cho thấy một sự thật đáng kinh ngạc là 87% trong số những tên trộm bị bắt giữ đều đến từ một tỉnh ở Trung Quốc.

Các chuyến bay của các hãng hàng không Singapore bao gồm Singapore Airlines (SIA), SilkAir và Tigerair - liên tục phải đối mặt với nạn hành khách bị trộm đồ. Trong năm 2018, cảnh sát Singapore đã bắt giữ 47 người nước ngoài trộm cắp trên máy bay thì 41 trong số này đến từ tỉnh Hà Nam của Trung Quốc. Con số này của năm 2016 là 29 người Hà Nam, Trung Quốc trong tổng số 31 người bị bắt giữ vì hành vi trộm đồ.  

 
Hình phạt cho kẻ trộm ở Singapore.

Sở Cảnh sát Bedok vừa bắt giữ 4 người Malaysia dọc đường Chin Swee mới đây, hơn 1 ngày sau khi nhận được khiếu nại của một chủ cửa hàng ở khu vực Pasir Ris Close. 4 người Malaysia nói trên ra toà về hành vi trộm cắp. Nếu bị kết án, họ có thể đối mặt với án tù 7 năm và bị phạt tiền. 4 nghi phạm gồm 2 người đàn ông và 2 phụ nữ, tuổi từ 26-31. Họ bị cáo buộc ăn cắp số quần áo nữ trị giá 26.000 USD, trong đó có cả đồ lót.

Tại một cuộc họp báo cùng ngày, Cảnh sát Singapore cho hay đây là số quần áọ bị trộm lớn nhất trong vài năm trở lại đây. Các nghi phạm đã gói quần áo vào túi giấy lót thiếc để qua mặt hệ thống cảm biến chống trộm tại cửa hàng. Trong một số cảnh quay do camera an ninh ghi lại, họ mang theo cả các túi hành lý.

Cảnh sát đã tịch thu 529 chiếc áo ngực, một số túi hành lý, kìm và móc treo. Nhà chức trách tin rằng các nghi phạm lên kế hoạch sử dụng túi hành lý để vận chuyển quần áo cũng như các mặt hàng khác ra khỏi Singapore trước khi tiêu thụ.

Giám đốc Sở Cảnh sát Bedok, Tan Tin Wee, nói: "Trường hợp này cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa cảnh sát và các nhà bán lẻ trong việc chống tội phạm. Cảnh sát sẽ không tha thứ cho các băng nhóm tội phạm nước ngoài đang tìm cách hoạt động ở đây. Những người bị phát hiện sẽ bị truy tố dưới khung hình phạt tối đa".

Hình phạt khủng khiếp cho tội trộm cắp ở Singapore

Người phạm tội nặng sẽ bị lột trần, đánh bằng một loại roi đặc biệt và bôi qua một loại thuốc nước có tác dụng làm vết thương thêm "cắt da cắt thịt". Tại Singapore, hình phạt cho những kẻ trộm cắp là rất nghiêm khắc.

Tội nhẹ sẽ bị phạt tiền, ngồi tù, còn tội nặng sẽ áp dụng hình thức phạt đánh bằng roi. Đây là một hình phạt rất đáng sợ, vì chiếc roi không những là loại được chế tạo đặc thù để làm tăng độ đau đớn, mà còn được bôi lên một loại thuốc nước đặc biệt. Mỗi lần thi hành hình phạt roi, đều có quan chức giám sát hiệu quả thực hiện. Nếu cảm thấy hình phạt còn nhẹ và chưa "hợp lệ", người này sẽ yêu cầu người đánh tăng mạnh hơn.

Tang vật trộm cắp thu giữ được.

"Hợp lệ" là mức độ của hình phạt phải đạt đến độ "thịt nát xương tan". Ngoài ra, loại thuốc nước còn làm cho người bị đánh càng thêm cắt da cắt thịt và đau đớn trong thời gian dài. Một tên trộm bình thường chỉ bị đánh một roi. Nếu người nào bị phạt nhiều roi, đòn đánh sẽ được chia ra thành nhiều lần. Theo đó, cứ đợi đến lúc vết thương trước tạm lành, người bị đánh sẽ tiếp tục chịu roi tiếp theo cho đến khi nào không thể chịu đựng nổi.

Theo thống kê, số người tái phạm tội trộm cắp sau khi chịu hình phạt roi này hầu như rất ít. Một phần là do họ không thể nào quên được những đớn đau từng chịu đựng. Tính răn đe của luật pháp Singapore còn nằm ở chỗ công chính nghiêm minh và không nể nang tình cảm. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến người dân Singapore luôn chấp hành nghiêm chỉnh các luật lệ.

Nguyễn Lai
.
.
.