Singapore và Interpol sử dụng công nghệ chống tội phạm

Thứ Tư, 16/11/2016, 10:17
Nhiều biện pháp tăng cường an ninh được Singapore và Interpol áp dụng khi khủng bố được nhận định là nguy cơ tiềm tàng và đang ở mức độ cao.


Theo thông báo của Cơ quan Di trú và Kiểm soát Singapore (ICA), Singapore sẽ triển khai quét mống mắt, nhằm tăng cường an ninh xuất nhập cảnh.

Theo đó, ICA sẽ áp dụng biện pháp quét mống mắt của du khách tại các điểm xuất nhập cảnh cả đường bộ và đường biển.

Theo hãng Channel New Asia, công nghệ quét mống mắt sẽ được áp dụng đầu tiên đối với công dân Singapore và người ngoại quốc có thẻ thường trú ở nước này. Và việc thu thập hình ảnh mống mắt sẽ bắt đầu từ năm 2017. 

ICA cho biết, việc áp dụng biện pháp quét mống mắt không những tăng cường an ninh, mà còn giảm thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Trước đó (từ 20-4), Singapore đã áp dụng việc quét vân tay đối với tất cả du khách xuất nhập cảnh. Và việc này được thực hiện ở các cửa khẩu đường bộ và đường biển, sau đó triển khai tại các sân bay. Theo thông báo của ICA, việc lấy dấu vân tay áp dụng cho du khách từ 6 tuổi trở lên và ngón lấy dấu vân tay là hai ngón cái.

Lấy dấu vân tay tại cửa khẩu Singapore.

Việc lấy dấu vân tay là một trong nhiều biện pháp tăng cường an ninh được ICA áp dụng khi khủng bố được nhận định là nguy cơ tiềm tàng và đang ở mức độ cao ở Singapore.

ICA khẳng định, việc triển khai hệ thống mới nhằm tăng khả năng xác minh nhân thân của du khách khi xuất nhập cảnh từ Singapore và tăng cường an ninh biên giới.

Và quy định này chỉ ảnh hưởng tới khách du lịch, còn công dân nước này và những người nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc dài hạn ở Singapore không ảnh hưởng bởi từ trước đến nay vẫn có làn xuất nhập cảnh tự động cho đối tượng này tại cửa khẩu sân bay - quét hộ chiếu và vân tay tự động.

Quyết định của ICA diễn ra trong bối cảnh Interpol thông qua việc triển khai hệ thống kiểm soát hộ chiếu giả. 190 nước thành viên của Interpol đã được "bật đèn xanh" để triển khai hệ thống kiểm soát và phát hiện hộ chiếu giả có tên gọi là I-Checkit.

Và quyết định này vừa được thông qua tại Đại hội đồng lần thứ 85 của Interpol (diễn ra trong 4 ngày tại Bali, Indonesia). Được biết, từ năm 2015, hệ thống I-Checkit đã được hãng hàng không AirAsia đưa vào sử dụng.

Và với việc ứng dụng I-Checkit, các doanh nghiệp, công ty trong lĩnh vực giao thông vận tải, ngân hàng và du lịch tại bất cứ quốc gia thành viên Interpol nào cũng có thể cập nhật thông tin từ kho cơ sở dữ liệu của Interpol để kịp thời phát hiện các trường hợp sử dụng giấy tờ giả mạo.

Kiểm tra dấu vân tay khi xuất nhập cảnh vào Singapore.

Hãng AFP cho biết, ngày 11-11, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định kéo dài thời gian kiểm soát biên giới trong khu vực đi lại tự do Schengen thêm 3 tháng. Đức, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy đều được phép duy trì các biện pháp kiểm soát, do các nước này áp dụng từ năm 2015 khi dòng người di cư và tị nạn tràn vào châu Âu.

Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kalinak cho biết, mục tiêu cuối cùng là đưa Schengen quay trở lại càng sớm càng tốt, và tình hình đang được cải thiện.

EU muốn khôi phục đầy đủ chức năng của khu vực Schengen (gồm 22 quốc gia thành viên EU cùng với Na Uy, Iceland, Thụy Sĩ và Liechtenstein) trước cuối năm 2016.

Việc này diễn ra khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo, sẽ mở cửa cho hàng triệu người tị nạn Syria vào châu Âu để trả đũa lại việc Brussels gia tăng chỉ trích các hoạt động trấn áp của Ankara sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua tại nước này.

Trong một diễn biến liên quan, nhiều hoạt động tưởng niệm đã được tổ chức tại Paris và vùng phụ cận để tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ thảm sát 1 năm trước (tối 13-11-2015, làm 130 người thiệt mạng và 350 người bị thương) ở thủ đô Paris.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi người dân ghi nhớ những thời khắc đau thương và có hành động giúp đỡ, động viên gia đình các nạn nhân, đồng thời thể hiện tình đoàn kết quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố. Đã một năm trôi qua, nhưng rất nhiều người sống sót và gia đình các nạn nhân chưa vượt qua được cú sốc tâm lý và những chấn thương tinh thần.

Và bóng ma khủng bố vẫn ám ảnh mọi người, trở thành thách thức đối với lực lượng an ninh, cảnh sát và là mối đe dọa thường trực của người dân Pháp.

Công tố viên liên bang Bỉ, ông Frederic Van Leeuw cho biết, các vụ tấn công tại Paris và Brussels là do cùng một nhánh khủng bố duy nhất thực hiện (nhận chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo cấp cao IS) và hiện một số thành viên của nhóm này đang bị truy nã.

Trước đó (10-11), chính quyền Paris đã mở cửa khu trại tạm cư đầu tiên dành cho người nhập cư trái phép và người tị nạn.

Vào trại này không có nghĩa là được định cư tại Pháp vì đây chỉ là nơi cư ngụ tạm thời của người di cư khi đơn xin tị nạn của họ đang trong quá trình xem xét.

Quốc Dũng
.
.
.