Sirya lại chìm trong bom đạn

Thứ Bảy, 12/10/2019, 18:39
8 năm kể trừ bắt đầu cuộc nội chiến, Sirya luôn là chiến trường nỏng bỏng nhất thế giới, nơi mà các cường quốc thể hiện sự ảnh hưởng qua việc ủng hộ các phe phái. Giờ đây, khi người Mỹ đã rút đi, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đưa quân vào, trong khi IS cũng đã trỗi dậy, Syria lại ngập trong bom đạn.


Chiến dịch "Mùa xuân hoà bình"

Ngày 9-10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được pháo binh và không quân yểm trợ đã tràn qua biên giới Syria, chính thức mở màn chiến dịch quân sự nhằm các lực lượng người Kurd tại khu vực Đông Bắc quốc gia Trung Đông này.

Ông Fahrettin Altun, người đứng đầu cơ quan truyền thông của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Quân đội Syria Tự do đã vượt qua biên giới Syria, một phần trong chiến dịch truy quét các tay súng thuộc tổ chức Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) mà Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Trước đó, ngày 8-10, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông qua bản kiến nghị cho phép chính phủ nước này tiến hành các chiến dịch quân sự qua biên giới tại Iraq và Syria thêm 1 năm.

Nhiều khu vực ở Sirya đã bị Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích.

Để dọn đường cho bộ binh, trong đêm 7 và sáng 8-10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã pháo kích và không kích các khu vực tại Đông Bắc Syria; pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã pháo kích vào một số vị trí của các lực lượng vũ trang người Kurd ở thành phố Tell Abyad, trung tâm hành chính của tỉnh Raqqa, miền Bắc Syria.

Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) xác nhận máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công các vị trí tại tỉnh Hasakah ở Đông Bắc nước này, thông tin ban đầu chưa rõ có thương vong trong vụ không kích hay không.

Thổ Nhĩ Kỳ leo thang và mở chiến dịch quân sự bên trong lãnh thổ Syria chỉ vài ngày sau khi Mỹ quyết định rút quân và không can dự vào tình hình chiến sự tại Đông Bắc Syria. Trong một tuyên bố ngày 6-10, Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham khẳng định quân đội Mỹ đã xóa sổ "Vương quốc Hồi giáo" của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại khu vực này và giờ là thời điểm rút quân.

Đoàn xe của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Sirya.

Khu vực biên giới phía Đông Bắc Syria đang được kiểm soát bởi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, trải dài 480 km từ sông Euphrates ở phía Tây đến biên giới Iraq về phía Đông.

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã mất nhiều năm để mở rộng quyền kiểm soát trên khắp miền Bắc và miền Đông Syria. Họ được hậu thuẫn bởi liên minh do Mỹ lãnh đạo trong những năm chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Người Kurd là trường hợp hiếm hoi ở bên chiến thắng trong cuộc chiến Syria đã cùng với các đồng minh thành lập được cơ quan chính quyền của riêng mình, trong khi vẫn luôn khẳng định mục tiêu của họ là tự trị, không phải độc lập.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch tạo một vùng an toàn không có các chiến binh Kurd ở vùng biên giới Syria và để tái định cư những người Syria tị nạn. Trọng tâm trước mắt của các kế hoạch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ vạch ra dường như xoay quanh khu vực biên giới giữa các thị trấn Ras al-Ain và Tel Abyad, cách nhau khoảng 100 km.

Tại Hội đồng Liên Hiệp Quốc gần đây, ông Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đưa ra một bản đồ cho thấy "khu vực an toàn" dài 480km và sâu 30km mà ông muốn Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát dọc biên giới với Syria. Điều này sẽ tái định cư 2 triệu trong số hơn 3,6 triệu người tị nạn Syria hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ.  Tuy nhiên, có vẻ như ông Erdogan muốn đẩy sâu hơn nữa "vùng an toàn" vào Syria, vượt ra ngoài khu vực an toàn đề xuất hiện tại, với tới thành phố Raqqa và Deir al-Zor, nhằm cho phép thêm nhiều người tị nạn trở lại Syria.

Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết, mục đích của chiến dịch có tên "Mùa xuân Hòa bình" là để "ngăn chặn việc thành lập một hành lang khủng bố" ở biên giới. Theo ông, chiến dịch nhắm đến không chỉ các tay súng người Kurd mà Ankara tin rằng đang liên kết với đảng Công nhân Kurd (PKK) chống Thổ Nhĩ Kỳ hàng chục năm qua, mà cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuy nhiên Hội đồng Dân chủ Syria liên kết với SDF cho rằng một cuộc tấn công như vậy sẽ kích hoạt một làn sóng tị nạn mới.

Lo ngại IS trỗi dậy

Hiện tại, hàng đoàn xe đang chở người di tản khỏi hai ngôi làng Tel Abyad và Ras al-Ain của Syria nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng người Kurd trước đó đã cảnh báo về một "thảm họa nhân đạo nghiêm trọng".

Hôm 9-10, chính quyền Đức cho rằng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn đến sự bất ổn hơn nữa ở Syria và có thể khiến lực lượng nhà nước Hồi giáo trỗi dậy. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker kêu gọi Ankara ngừng ngay các hoạt động quân sự.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hối thúc tất cả các bên kiềm chế tối đa và bảo vệ dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự cũng như đảm bảo công tác cứu trợ nhân đạo được thông suốt.

Việc rút lui đột ngột của Mỹ diễn ra đúng vào lúc Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tái tập hợp lực lượng. IS được thành lập trong cơn hỗn loạn cuộc nội chiến Syria và với việc Mỹ rút đi, sự hỗn loạn nhờ thế có cơ hội trở lại.

Sirya lại chìm trong bom đạn.

Xung đột và hỗn loạn có thể mang đến cho IS cơ hội hồi sinh. SDF đã tiến hành các hoạt động chống lại các phần tử IS đang ẩn náu kể từ khi giành lại được vùng lãnh thổ cuối cùng của mình vào đầu năm nay.

Các nhà lãnh đạo người Kurd Syria từ lâu đã cảnh báo rằng SDF có thể không thể tiếp tục giam giữ tù nhân IS nếu tình hình rơi vào mất ổn định bởi cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại SDF vẫn  giam giữ 5.000 chiến binh IS quốc tịch Syria, Iraq và hơn 1.000 chiến binh nước ngoài từ hơn 55 quốc gia khác.

Nhưng nếu các chiến binh SDF đang bảo vệ các trại và nhà tù bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, khả năng và mong muốn ở lại của họ rõ ràng sẽ bị đặt câu hỏi và các chính quyền châu Âu nói riêng lo sợ các chiến binh thánh chiến và gia đình của họ có thể trốn thoát và tìm cách trở về quê hương.

Trong khi đó, Nhà Trắng khẳng định Mỹ sẽ không còn hiện diện ở khu vực trực tiếp thuộc miền bắc Syria nữa, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mở một cuộc xâm lược vào nơi này và để Ankara chịu trách nhiệm về số chiến binh IS bị bắt.

''Chính phủ Mỹ đã thúc giục Pháp, Đức cùng nhiều nước châu Âu - nơi ra đi của nhiều chiến binh IS bị bắt giữ - hãy nhận họ trở lại nhưng các nước này không muốn họ và từ chối.

Mỹ sẽ không giữ họ vì những gì có thể là nhiều năm trời và chi phí lớn cho người đóng thuế Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây phải chịu trách nhiệm cho tất cả các chiến binh IS ở khu vực đã bị bắt trong 2 năm qua sau khi Mỹ đánh bại Vương quốc lãnh địa đó", thông cáo của Nhà Trắng viết.

Trả lời phỏng vấn hãng PBS hôm 9-10, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết thêm, Thổ Nhĩ Kỳ có "những lo ngại an ninh hợp pháp". Và rằng, Washington đã ủng hộ Ankara ngăn chặn bạo lực tràn vào nước này.

Ông Pompeo cũng tuyên bố rõ rằng, ưu tiên hàng đầu của ông là bảo vệ Mỹ khỏi bọn khủng bố, dù điều đó có thể dẫn tới việc không thể bảo vệ người Kurd - vốn đang dẫn dắt Lực lượng Dân chủ Syria và là đồng minh trung thành với Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 

Khi nhận được câu hỏi, liệu Mỹ có nên nhận trách nhiệm về các vụ tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ hay không, gồm cả việc nếu dân thường bị giết hại và IS tái trỗi dậy, ông Pompeo trả lời: "Chúng tôi sẽ làm những việc để đảm bảo rằng IS không có vương quốc Hồi giáo mở rộng ở Syria và Iraq…".  Ngoại trưởng Pompeo cũng khẳng định Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh đánh bại IS và hiện quân đội Mỹ đang gặp nguy hiểm ở đông bắc Syria.

Ngoại trưởng Mỹ cũng bác bỏ những lo ngại liên quan tới thông tin khoảng 12.000 tên khủng bố IS bị người Kurd giam giữ ở Syria sẽ được tự do để khôi phục phong trào sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát tương lai chưa rõ ra sao nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, nó sẽ đẫm máu hơn và hỗn loạn hơn.

Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.
.