Số phận bi thảm của một người Iran bị cáo buộc làm điệp viên cho Mỹ

Chủ Nhật, 14/06/2020, 14:58
Ngày 9-6-2020, Chính phủ Iran tuyên bố Mahmoud Mousavi-Majd, một công dân Iran đã bị buộc tội làm điệp viên hai mang cho tình báo Mỹ và Israel trong vụ ám sát tướng Qasem Soleimani sẽ sớm bị xử tử.


Trong một buổi họp báo được truyền hình trực tiếp, người phát ngôn Bộ Tư pháp Iran Gholamhossein Esmaili đã phát biểu: "Mahmoud Mousavi-Majd, một trong các gián điệp cho CIA và Mossad, đã bị tuyên án tử vì tội tuồn thông tin về lịch trình của lực lượng Vệ binh Hồi giáo và của tướng Soleimani cho kẻ địch". Nhưng điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên Iran bị phản bội bởi chính công dân của mình, trong đó có Shahram Amiri, một nhà khoa học hạt nhân trẻ tuổi bị xử tử năm 2016 tại Iran. Câu chuyện đời bí hiểm của Amiri li kỳ không kém gì những bộ phim bom tấn.

Tướng Qasem Soleimani.

Vụ mất tích bí ẩn của nhà khoa học trẻ

Amiri sinh năm 1978 tại thành phố Kermanshah, Iran và là một chuyên gia về hạt nhân phóng xạ của Đại học Công nghệ Malek-Ashtar, Tehran. Anh ta cũng đồng thời làm việc tại Tổ chức Năng lượng Hạt nhân Iran. Đại học Công nghệ Malek-Ashtar có mối liên hệ mật thiết đến Bộ Quốc phòng Iran và vào năm 2003, đã từng tổ chức một khoá học về tên lửa hạt nhân, còn hiệu trưởng của trường là 1 trong 7 vị tướng quân đội liên quan đến chương trình thử nghiệm hạt nhân và từng bị nêu tên trong lệnh trừng phạt đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giáng xuống Iran.

Amiri biến mất lần đầu tiên vào tháng 6-2009 khi đang dự lễ hành hương Haj từ Iran đến Ả Rập. Tháng 10- 2009, báo giới Iran đưa tin Amiri đã bị bắt cóc, còn ông Manouchehr Mottaki, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran lúc bấy giờ, tuyên bố một cách đanh thép: "Chính phủ Iran đã có đầy đủ bằng chứng cho thấy sự liên quan của Mỹ đến vụ mất tích của Shahram Amiri. Chính phủ Ả Rập cũng phải chịu trách nhiệm cho sự việc này".

Amiri biến mất đúng lúc Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đẩy nhanh chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran và khiến căng thẳng giữa Tehran và Washington leo lên đến đỉnh điểm, đến mức cơ quan tình báo Mỹ coi việc phá hoại vũ khí hạt nhân tại Iran là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất.

CIA thành lập một chiến dịch mang tên "Chảy máu chất xám" để tuyển mộ các nhà khoa học Iran sang Mỹ làm việc, còn Chính phủ Mỹ thì hợp tác với Israel, tạo ra virus Stuxnet hòng huỷ hoại hệ thống máy tính của Iran.

Năm 2006 cũng xảy ra một loạt cuộc biểu tình ở Iran với quy mô kỷ lục kéo dài hàng tháng trời phản đối việc Tổng thống Ahmadinejad tái đắc cử. Nhiều quan chức Iran cho rằng Mỹ đứng sau chuỗi biểu tình này.

Sự trở lại bất ngờ

Amiri mất tích tròn một năm và đột ngột xuất hiện trong một loạt video được đăng tải trên Internet vào tháng 6-2010. Video thứ nhất tối, có độ phân giải thấp, được ghi hình vào ngày 5-4 và được phát trên đài truyền hình Iran vào ngày 7-6.

Trong video này, Amiri khẳng định mình đã bị bắt cóc bởi tình báo Mỹ và Ả Rập: "Họ đưa tôi đến một nơi nào đó ở Ả Rập, tiêm thuốc mê cho tôi và khi tôi tỉnh lại thì đã đang trên đường đến Mỹ. Trong suốt 8 tháng ở Mỹ, tôi đã bị tra tấn dã man cả về thể xác lẫn tinh thần bởi đội thẩm vấn của CIA. Họ ép tôi phải dự một cuộc phỏng vấn với nhiều đài truyền hình lớn của Mỹ, sau đó tự tuyên bố rằng tôi là một nhà khoa học đóng vai trò quan trọng trong chương trình vũ khí hạt nhân của Iran và hiện tôi đang tị nạn ở Mỹ. Tôi cũng bị ép phải khai rằng mình có mang theo nhiều tài liệu quan trọng và một máy tính có chứa các dữ liệu tuyệt mật. Mục đích chính của Mỹ là gây sức ép chính trị và bôi nhọ Iran bằng những lời dối trá".

Shahram Amiri khi mới trở về Iran sau thời gian ở Mỹ.

Video thứ hai được quay chuyên nghiệp đã xuất hiện trên Youtube vài giờ sau đó. Trong video này, Amiri mặc vét, ngồi phát biểu trong một căn phòng sáng choang, có bàn cờ tướng, quả địa cầu và đèn bàn.

Lần này, anh tự nhận mình đang học vật lý y khoa tại Mỹ: "Xin chào, và tôi muốn nói rằng mình rất biết ơn khi được trao cho cơ hội để lên tiếng với cả thế giới. Mục đích của tôi ngày hôm nay là chấm dứt mọi lời đồn và cáo buộc nhắm vào tôi trong năm vừa qua. Tôi là người Iran và tôi chưa bao giờ chống lại tổ quốc của mình. Mong ước duy nhất của tôi là được chứng kiến Iran trở nên tiến bộ và thịnh vượng".

Bằng thứ ngôn ngữ cứng nhắc và có vẻ như được lên kịch bản sẵn bởi tình báo Mỹ, Amiri tuyên bố mình không liên quan đến chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân và muốn sớm được quay trở lại Iran: "Nếu tôi có thể được hồi hương một cách an toàn, tôi hy vọng những kiến thức được học ở đây sẽ giúp ích cho những người dân Iran và cộng đồng khoa học cũng như học thuật quốc tế". Amiri kết thúc video bằng lời cảm ơn gửi đến cộng đồng quốc tế vì đã thấu hiểu và ủng hộ Iran và đến Chính phủ Iran vì đã luôn bảo vệ gia đình anh: "Tôi muốn người thân của tôi biết tôi luôn yêu thương họ và chưa bao giờ rời bỏ họ".

 Một tuần sau, video thứ ba xuất hiện trên Youtube và được phát sóng trên truyền hình Iran. Trong video này, Amiri một lần nữa lại thay đổi mọi lời nói của mình. Anh ghé sát vào ống kính, thì thầm với nét mặt hoảng loạn rằng anh đã trốn thoát khỏi các đặc vụ Mỹ nhưng có thể sẽ sớm bị bắt lại. Amiri cũng thừa nhận rằng video thứ hai được dàn dựng bởi cơ quan tình báo Mỹ: "Tôi không được tự do khi ở đây và tôi cũng không được trò chuyện với gia đình. Nếu tôi không thể quay về Iran một cách suôn sẻ thì chính bên Mỹ chịu trách nhiệm cho việc đó". Cuối video, Amiri cầu xin sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế.

Video thứ tư và cũng là video cuối cùng, chỉ dài có 33 giây và được đăng tải vào ngày 23-6-2010. Trong video này, Amiri mặc áo thể thao kẻ sọc, dựa lưng vào tường: "Tôi sẽ quay về Iran trong vài ngày tới. Tôi mong gia đình sẽ mạnh mẽ, kiên trì và hãy cầu nguyện cho tôi được trở lại an toàn".

Anh kết thúc video bằng một lời cầu nguyện trong kinh Koran. Các quan chức Mỹ sau này đã nhận định rằng Amiri là một kẻ xin hàng - một người có nhiều thông tin tình báo giá trị, muốn phục vụ cho Mỹ ngay từ khi người này vẫn đang cư trú tại quốc gia của anh ta. Những kẻ như thế trên thực tế không hề hiếm - cuốn tiểu thuyết "The Increment" được xuất bản năm 2010 của tác giả David Ignatius, cựu phóng viên tờ Washington Post đã khắc hoạ chân dung của những kẻ phản bội một cách khá chi tiết.

Có vẻ như Amiri đã hối hận, hoặc quá nhớ nhà, hoặc gia đình anh ta phải chịu sức ép của Chính phủ Iran. Anh đã bỏ gia đình gồm vợ và một cậu con trai nhỏ ở lại Iran, và Amiri nhớ con đến mức ngay sau khi ổn định cuộc sống ở Mỹ, anh đã cố tìm cách gọi điện về nhà để nghe giọng con.

Tình báo Mỹ liên tục khuyên Amiri không nên về nước và đã cảnh báo anh về những hậu quả đang đợi chờ anh ở Iran, nhưng Amiri phớt lờ tất cả và vào ngày 13-7-2010, Amiri đã bắt taxi đến cơ quan đại diện cho nhà nước Iran tại thủ đô Washington, Mỹ để có thể trở về Tehran.

Bà Hillary Clinton, lúc đó vẫn là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đã trả lời phỏng vấn như sau khi được hỏi về Amiri: "Anh Amiri đã tự quyết định việc đến và ở lại Mỹ và anh cũng được tự do rời đi. Đáng lẽ anh Amiri có thể bay về Tehran từ trước, nhưng anh không có đủ thời gian để sắp xếp một số việc cần thiết. Tất cả đều là quyết định của Amiri".

Cựu cố vấn về chính sách hạt nhân dưới thời cựu Tổng thống Obama, Gary Samore cũng trả lời phỏng vấn báo The New Yorker: "Không ai có ý muốn giam giữ Amiri tại Mỹ. Không có tranh cãi nào cả. Anh ấy muốn rời đi và CIA thì không bao giờ ép ai ở lại bất kì nơi nào". Thế nhưng theo như những email được tiết lộ với công chúng trong cuộc điều tra bà Hillary Clinton thì Bộ Ngoại giao có vẻ lo lắng về chuyện Amiri đến tìm gặp cơ quan đại diện cho Iran tại Hoa Kỳ. Cố vấn của bà Clinton là ông Jake Sullivan lo ngại việc Amiri đột ngột về nước sẽ kéo theo nhiều tin tức "không có lợi" trên mặt báo.

Kết cục bi thảm

Khi trở về Iran vào ngày 15-7-2010, Amiri được chào đón như một người hùng tại sân bay quốc tế Imam Khomeini bởi gia đình, một uỷ ban chào đón, báo giới và rất nhiều hoa tươi. Trên màn hình tivi, Amiri bế con trai trên tay và giơ chữ "V" trước ống kính.

Trong vài tuần sau đó, Amiri liên tục xuất hiện trên các chương trình đàm thoại trên truyền hình, tường thuật lại vụ bắt cóc, sự chống trả của anh và lòng trung thành anh dành cho Iran: "Tôi một lòng tin tưởng tổ quốc và Iran cũng tin tưởng tôi không về phe Mỹ. Chính phủ đã dốc hết sức kiếm tìm và giải cứu tôi". Nhiều bài báo viết rằng anh là một gián điệp hai mang, phục vụ cho cả Iran lẫn Mỹ nhưng ông Gary Samore khẳng định những thông tin đó là sai lầm.

Và rồi "người hùng" Amiri lại biến mất một lần nữa. Đầu tiên, Chính phủ Iran cho biết anh đang nằm trong chương trình bảo vệ nhân chứng của chính phủ. Vào năm 2010, gia đình Amiri cho biết anh đã bị toà tuyên án 10 năm tù và 5 năm khổ sai vì tội phản quốc.

Vào năm 2016, Iran thừa nhận đã xử tử Amiri sau khi gia đình Amiri nhận được thi thể của nhà khoa học này với vết dây thừng hằn trên cổ. Phát ngôn viên của cơ quan tư pháp Iran lúc bây giờ là ông Hossein Mohseni-Eje'i phát biểu với báo giới trong nước: "Shahram Amiri, người có quyền tiếp cận và truy cận nhiều tài liệu tuyệt mật của chính phủ, thực ra có mối quan hệ với kẻ thù số một của chúng ta: nước Mỹ. Hắn đã tuồn cho kẻ thù nhiều thông tin quan trọng của đất nước".

Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng trên Twitter: "Nhiều người đang nói Iran đã giết nhà khoa học bắt tay với nước Mỹ dựa vào những email bị hack của Hilary Clinton".

Huyền Thi
.
.
.