Số phận các cựu chiến binh ngoại quốc của IS

Thứ Sáu, 22/11/2019, 14:06
Sau sự sụp đổ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), một vấn đề cấp bách được đặt ra: xử lý thế nào với những thành viên IS mang quốc tịch nước ngoài? Ngày 14-11, Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã trục xuất các tay súng nước ngoài đầu quân cho IS về Mỹ, Anh và Đức.


Quyết định hồi hương các chiến binh IS nước ngoài được thực hiện sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gặp người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 13-11, trong đó hai lãnh đạo đã thảo luận về cuộc chiến chống IS.

Trong cuộc họp báo chung, Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang giữ hàng nghìn chiến binh IS trong nhà tù và sẽ thực hiện quá trình hồi hương những người này. Vấn đề này ngày càng trở nên khó xử lý và các chính phủ phương Tây đều lưỡng lự khi nhận phần trách nhiệm của mình.

Shamima Begum (sinh năm 1999), quốc tịch Anh. Khi mới 15 tuổi, cô đã rời bỏ gia đình để đến Syrie gia nhập vào IS. Hiện chính phủ Anh đã tước quốc tịch của cô và cấm cô vĩnh viễn không được đặt chân lên nước Anh nữa.

Nhiều nước muốn từ chối

Khi IS ra tuyên bố về sự ra đời của vương triều của mình, trong trạng thái ngây ngất, các chiến binh ngoại quốc, những người đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã hào hứng từ bỏ mọi mối liên hệ đã từng gắn bó họ với Phương Tây. Những chiến binh "thánh chiến" đến từ Pháp, Canada hay những nước khác đã tung lên mạng các clip quay cảnh họ hả hê đốt đi những cuốn hộ chiếu mang gốc tích Phương Tây của mình. Nhưng giờ đây, khi IS bước vào những ngày tàn, mọi thứ đã quay ngược lại 180 độ.

Những kẻ cực kỳ hung hãn và hiếu chiến lúc trước giờ lại vào vai những nạn nhân đáng thương, những du khách tội nghiệp vô tình tham gia vào một chuyến du lịch được tổ chức kém cỏi. Một người Canada đã phàn nàn rằng Đại sứ quán đã không tìm cách tiếp xúc với anh ta, còn một người Anh thì tuyên bố mình đã có “những thời khắc thú vị” ở Raqqa và bây giờ chỉ mong được giúp đỡ để trở về nhà.

Đối với những đất nước đã từng là quê hương của họ, các cựu chiến binh IS này đã đặt ra những vấn đề hết sức nghiêm trọng. Đã có hơn 41.000 người nước ngoài đến Syria và Iraq để gia nhập IS; vào giữa năm ngoái khoảng 7.366 người đã quay trở về nhà (theo số liệu do Trung tâm Nghiên cứu Các phong trào cấp tiến có trụ sở tại London công bố). Hàng nghìn người khác đã bỏ mạng trên chiến trường, hiện chỉ còn lại 850 cựu chiến binh nam giới và vài ngàn phụ nữ sống trong các trại tỵ nạn tạm bợ, lập ra vội vã và nằm rải rác ở miền Bắc Syria.

Hầu như không có quốc gia nào, nơi mà các chiến binh Hồi giáo này đã rời bỏ để đến gia nhập vào hàng ngũ IS, muốn nhận lại họ. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Syria, các lực lượng người Kurd đang kiểm soát vùng lãnh thổ này không có đủ nhân lực và phương tiện để quản lý hàng ngàn tù nhân là cựu binh IS.

Tổng thống Trump đang hối thúc các chính phủ cho hồi hương các công dân của họ. “Nếu không thì chỉ còn duy nhất một giải pháp, dẫu là rất tồi tệ: thả họ ra”,  ông Trump đã viết như vậy trên trang cá nhân trên mạng Twitter. Đây thực sự là một giải pháp tồi tệ, nhưng quả thật những giải pháp khác nếu có chưa chắc đã tốt hơn.

Arab Saudi đã lựa chọn một thái độ khác 

Giải pháp đơn giản nhất là phó mặc vấn đề cho những nước khác. Một đạo luật được thông qua vào năm 2015 cho phép chính phủ Australia được tước quốc tịch của những công dân Australia nếu họ là những thành viên của một tổ chức khủng bố.

Đạo luật này được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2017 cho trường hợp Khaled Sharrouf, một công dân Australia gốc Liban, gã này đã chụp ảnh cô con gái mình đang chặt đầu một binh sĩ Syria và đưa lên mạng. Luật pháp quốc tế ngăn cấm các chính phủ có hành động biến công dân của mình thành những kẻ vô tổ quốc.

Vợ con các cựu chiến binh ngoại quốc của IS đang bị giam giữ trong một trại ở miền Bắc Syria.

Nước Anh dường như không bận tâm nhiều đến các quy định cấm đoán của quốc tế. London đã tước bỏ quốc tịch Anh của Shamima Begum, một cô gái đã gia nhập IS khi ở tuổi thiếu niên với lý do rằng cô ta có đầy đủ khả năng để trở thành công dân Bangladesh, quê hương của mẹ cô. Tổng thống Trump đã khẳng định không chấp nhận cho hồi hương một người phụ nữ sinh ra trên đất Mỹ và đã hoạt động cho IS trong vai trò một tuyên truyền viên.

Nhiều quyết định dạng như vậy sẽ có thể bị hủy bỏ bởi trái luật. Trong mọi trường hợp, việc một nhà nước rũ bỏ công dân của mình và đẩy cho những nước khác phải gánh chịu có vẻ không phải là một hành động “chơi đẹp”. Trong vấn đề này, các nước phương Đông dường như có cách hành xử đúng đắn hơn các nước phương Tây, ví dụ như Liban hoặc Bangladesh.

Arab Saudi đã chọn một giải pháp khác. Năm 2004, sau một loạt vụ khủng bố xảy ra trên lãnh thổ của mình, chính quyền đã lập ra một trung tâm tái hòa nhập cộng đồng dành cho những kẻ cực đoan. Những người bị bị giam giữ được sống trong các tòa nhà đầy đủ tiện nghi, liệu pháp điều trị tâm lý thông qua các hoạt động manh tính nghệ thuật. Các cuộc thăm viếng của vợ hoặc chồng là được phép.

Nhưng các chương trình như thế này đòi hỏi chi phí rất tốn kém, ngoài ra các giáo viên và những chức sắc tôn giáo phải dành ra những mối quan tâm đặc biệt cho từng tù nhân. Chương trình này hiển nhiên không thể áp dụng đại trà ở các nước phương Tây. Cách đây 3 năm, nước Pháp cũng đã từng lập ra một trung tâm để giáo dục và cải tạo những kẻ cực đoan.

Trung tâm này đặt trong một tòa lâu đài ở một thung lũng vùng Loire. Mỗi học viên sẽ lưu trú ở đây trong 10 tháng, được nghe giảng về lịch sử và triết học, gặp gỡ các giáo sĩ để trò chuyện hay tranh luận về tôn giáo. Nhưng trung tâm này đã phải đóng cửa khi vấp phải sự phản đối của các cư dân địa phương chống lại sự có mặt của những kẻ cực đoan ở gần nơi sinh sống của họ.

Cực đoan hóa trong các nhà tù

Hầu như khó có thể biết được rằng các chương trình giáo dục “giải cực đoan hóa” trên có tác dụng hay không. Các chuyên gia không thể thống nhất với nhau về biện pháp nào là cần thiết để cải tạo đầu óc cho những kẻ cực đoan. Arab Saudi khẳng định rằng ít nhất đã có khoảng 20% trong số 3.000 người tham gia chương trình giải cực đoan hóa đã quay lại tham gia "thánh chiến".

Có thể thấy rằng những biện pháp mang mục đích tốt đẹp trong chương trình tái hòa nhập cộng đồng hoàn toàn không có tác dụng với những kẻ thánh chiến lì lợm, sau khi kết thúc theo học các chương trình này, chúng thường nhanh chóng quay về gia nhập lại IS và tiếp tục việc tàn sát hay giam giữ những người vô tội làm nô lệ.

Việc đưa ra xét xử những cựu chiến binh của IS cũng vấp phải những rào cản không nhỏ về mặt pháp lý. Những lời khai của nhân chứng thu được tại trận, trên chiến trường không có giá trị pháp lý, những tài liệu của Daech mà các chiến binh người Kurd thu nhặt được cũng bị từ chối không sử dụng trong quá trình xét xử.

Australia đã đưa ra một nguyên tắc khá thực tiễn: “Phạm tội khi xâm nhập vùng cấm”, công dân Australia sẽ được xem là có hành vi phạm tội khi đi vào các vùng bị cấm, cụ thể là các thành phố Mossoul và Raqqa của Syrie. Nhưng để áp dụng được luật này, công tố viên phải chứng minh rằng nghi phạm đã đặt chân đến các thành phố này và đó là một việc hoàn toàn không dễ dàng.

Một khi nghi phạm bị kết án, chính phủ các nước phải suy tính xem giam giữ họ ở đâu. Nước Mỹ chỉ có hơn 300 công dân tham gia IS và nhiều người trong số đó đã không trở về, vì thế việc giam giữ các cựu thành viên IS rất dễ dàng.

Tình thế hoàn toàn khác đối với các nhước châu Âu, nơi mà có quá nhiều công dân đã sang Syria và Iraq để tham gia vào IS. Một số nước thì đau đầu với hiện tượng cực đoan hóa trong các nhà tù, đưa một cựu chiến binh IS vào giam trong nhà tù thường lại làm sản sinh thêm hàng loại những kẻ cực đoan mới.

Công lý, giám sát và tái hòa nhập

Đối mặt với một vấn đề đau đầu như vậy, nhiều lãnh đạo quốc gia chỉ muốn phủi tay và đó là điều dễ hiểu. Nếu công dân nước họ phạm các tội ác ở nước ngoài, tại sao lại không xét xử tại đó? Nhưng bộ máy hành chính trong vùng người Kurd đang kiểm soát miền Bắc Syria không phải là một chính quyền, hệ thống xét xử và giam giữ tù nhân của họ không đủ năng lực để làm việc này. Còn nếu trao những tù nhân này cho Chính quyền của Tổng thống Syria Assad thì thế giới đều hiểu kết cục nào đang đón chờ họ.

Để quản lý được các cựu chiến binh IS sau khi họ hồi hương, các chính phủ phương Tây cần tiến hành song song các biện pháp: quản lý bằng luật pháp, giám sát và tổ chức tái hòa nhập. Cảnh sát cần có những nguồn tin đáng tin cậy, chính quyền có đủ khả năng cung cấp cho tòa án các thông tin nhạy cảm, việc giải cực đoan hóa phải tiến hành có hiệu quả hơn, nhất là ở trong các nhà tù vì nhiều tù nhân, khi họ đặt chân đến Syria hay Iraq vẫn đang còn ở tuổi vị thành niên.

Không có một nhà lãnh đạo phương Tây nào muốn mở cửa để rước về những mối nguy cơ tiềm tàng trong tương lai. Nhưng không thể vứt những công dân này lại trên đất Syria hay đẩy họ ra để rồi những nước nghèo phải oằn mình ra gánh vác. Trong trường hợp đó, các chính quyền phương Tây đã thật sự vô trách nhiệm với cái chết của hàng triệu người Syria và Iraq mà những công dân của đất nước họ là hung thủ hay đồng lõa.

Dương Quốc Tuệ (Tổng hợp)
.
.
.