So sánh sức mạnh tàu sân bay Mỹ - Nga - Trung

Thứ Ba, 13/06/2017, 08:00
Gần đây, rộ tin Trung Quốc chuẩn bị hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên và cũng là tàu sân bay thứ 2 của nước này, Type-001A, trong khi Nga loan tin chuẩn bị đóng tàu sân bay lớn nhất thế giới, Shtorm. Cùng lúc, tàu sân bay Mỹ đang là nỗi lo của Bình Nhưỡng tại khu vực Ðông Bắc Á. Vậy, sức mạnh những chiếc tàu sân bay của 3 thế lực Mỹ - Nga - Trung hiện nay ra sao?


Kỳ 1: Mỹ - Siêu mẫu hạm

Hiện Mỹ có tới 19 tàu sân bay đang hoạt động, 3 chiếc đang đóng, 1 chiếc đã được đặt hàng và 16 chiếc trong kế hoạch được đóng. Trong khi đó, tổng số tàu sân bay của các nước còn lại trên thế giới chỉ có 21 chiếc. Rõ ràng, về sức mạnh tàu sân bay hiện chưa có thế lực nào vượt qua Mỹ. Không chỉ vượt trội về con số, tàu sân bay Mỹ còn vượt trội cả về kích thước lẫn uy lực.

Mẫu hạm đắt nhất thế giới

Siêu hàng không mẫu hạm là những tàu sân bay có trọng lượng rẽ nước từ 64.000 tấn trở lên. Trong khi cả thế giới hiện chẳng có lấy một chiếc siêu mẫu hạm nào, Mỹ lại sở hữu tới 10 chiếc siêu mẫu hạm thuộc lớp Nimitz (3 chiếc) và Nimitz cải tiến (7 chiếc), gọi chung là lớp Nimitz. Đây là lớp tàu sân bay uy lực nhất trên thế giới hiện nay.

Tàu sân bay hiện đại nhất đang hoạt động, USS George H.W.Bush.

Tàu sân bay Nimitz có tổng chiều dài 333m và trọng lượng rẽ nước từ 102.000 - 106.000 tấn); bề ngang ở mực nước 41m và chỗ rộng nhất của sàn bay từ 77,76 - 78,41m; thủy thủ đoàn có thể lên đến 3.200 người (không kể không đoàn gồm 2.480 người). Tất cả 10 tàu lớp Nimitz đều được đóng trong giai đoạn 1968 - 2006 tại Công ty Newport News, Virginia, trong ụ khô lớn nhất Tây Bán cầu - ụ khô số 12, dài 662m. Kể từ USS Theodore Roosevelt, tất cả các tàu đều được đóng theo cấu trúc mô-đun hóa (USS George H.W. Bush được lắp từ 161 "siêu mô-đun").

Hiện nay, Pháp là nước duy nhất ngoài Mỹ sở hữu tàu sân bay chạy năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, tất cả tàu lớp Nimitz của Mỹ (10 chiếc) đều được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân A4W. Các lò hạt nhân cung cấp năng lượng cho 4 cánh quạt, giúp tàu có thể đạt tốc độ tối đa trên 30 hải lý/giờ (56km/h) và công suất tối đa 260.000bhp (190MW). Nhờ sử dụng năng lượng hạt nhân, những tàu này có khả năng hoạt động liên tục trong vòng 20 năm mà không cần phải nạp nhiên liệu, và dự tính sẽ phục vụ trong 50 năm.

Nổi bật và tối tân nhất trong các tàu thuộc lớp Nimitz là tàu sân bay hạt nhân USS George H.W.Bush. Đây là con tàu lớp Nimitz cuối cùng của Mỹ. Do chế tạo muộn, nó đã sử dụng công nghệ năng lượng nguyên tử tiên tiến hơn, mức độ hiện đại hóa cao hơn. 

Tàu sân bay USS George H.W.Bush đã được cải tiến mang tính thực chất và đã áp dụng nhiều công nghệ mới. Chẳng hạn, đã sử dụng hệ thống vệ sinh chân không trên biển mới, hệ thống phân phối nhiên liệu mới (cho máy bay), còn có một lượng lớn hệ thống điều khiển và vật liệu đường ống mới. Những cải tiến này sẽ làm giảm chi phí cho tuổi thọ tàu sân bay.

Về mặt phòng thủ tự vệ, dù cho phòng thủ dưới nước, phòng thủ đối với tên lửa chống hạm, nó đều được coi trọng hơn, bao gồm 2 mạn tàu, đáy tàu, kho chứa máy bay, đường băng đều có kết cấu 2 tầng, trong tàu có hàng chục vách ngăn kín nước dày, bộ phận dưới nước được tăng dày cho sàn tàu, khoang chống ngư lôi nhiều tầng. Về phương diện khả năng tấn công, nó có thể mang tối đa 100 máy bay và có nhiều hệ thống phóng tên lửa đối không và pháo phòng thủ gần. USS George H.W.Bush được cho là chiến hạm đắt nhất thế giới hiện nay, với giá trị khoảng 6,2 tỷ USD.

Mẫu hạm tương lai, pháo đài 13 tỷ đôla

Ngoài lực lượng tàu sân bay hùng hậu hiện có, Mỹ đang chế tạo lớp siêu mẫu hạm mới, lớp Ford. Chiếc đầu tiên, Gerald R. Ford (CVN-78) được hạ thủy vào ngày 9-9-2013, dự tính vào biên chế năm 2016 nhưng hiện đang vướng một số trục trặc kỹ thuật. Gerald R. Ford sẽ tham gia hạm đội và thay thế chiếc tàu đã dừng hoạt động USS Enterprise (CVN-65), đã dừng phục vụ sau 51 năm trong biên chế cho đến tháng 12-2012. Tàu Ford trị giá lên tới 13 tỷ USD.

Mỹ.
Về kỹ thuật, Gerald R. Ford được cho là lớp tàu sân bay hiện đại nhất và có những tính năng vượt trội so với lớp tàu sân bay tiền nhiệm Nimitz. Cụ thể, tàu lớp Ford đảm bảo khả năng cất cánh và hạ cánh cho các máy bay không người lái. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng nếu tính đến triển vọng sẽ có nhiều hơn các máy bay không người lái kiểu mới được sử dụng trong tác chiến thời gian tới. Công suất của 2 lò phản ứng nguyên tử tăng thêm 25%, không phải thay các  thanh nhiên liệu trong suốt vòng đời của tàu sân bay (50 năm).
Nga.
Trung Quốc.

Tỷ lệ sử dụng vật liệu composit và các loại vật liệu khác của công nghệ tàng hình tăng nhiều so với Nimitz, vì vậy trọng tải hữu ích, độ bền tăng lên đáng kể trong khi khả năng dễ bị tổn thương lại giảm rõ rệt. Gerald Ford có thể mang được 90 máy bay và máy bay lên thẳng, trong đó có cả máy bay tiêm kích tấn công F-35 (các máy bay chủ yếu của tàu lớp Nimitz là F/A-18F Super Hornet và F/A-18C Hornet).

Tàu sân bay Gerald R. Ford.

Tàu sẽ dùng hệ thống phóng phi cơ điện từ (EMALS) để hỗ trợ máy bay cất cánh, thay cho hệ thống phóng thủy lực trước đây. Gerald R.Ford có thể phóng nhiều phi cơ hơn 25% mỗi ngày và cần ít hơn 25% thủy thủ so với lớp Nimitz. Hải quân Mỹ dự tính nó sẽ tiết kiệm hơn 4 tỷ USD cho chi phí vận hành trong khoảng thời gian phục vụ 50 năm.

Phương tiện phòng không của tàu là các tên lửa ESSM với 2 bệ phóng, mỗi bệ phóng có 32 tên lửa. Để tác chiến phòng không tầm gần, tàu có các tên  lửa phòng không RAM. Hệ thống radar 2 dải tần DBR có nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu của đối phương. Gerald Ford có thể đạt tốc độ hơn 30 hải lý/giờ (hơn 56km/h).

Bên cạnh tàu Gerald R. Ford, vào tháng 8-2016, Mỹ đã khởi công đóng chiếc tàu lớp Ford thứ 2 là USS John Kennedy (CVN 79). Tàu sẽ được trang bị 2 hệ thống phóng thẳng đứng kiểu mới, dùng để phóng tên lửa hải đối không RIM-7 Sea Sparrow. USS John Kennedy có khả năng mang được 75 máy bay chiến đấu các loại, trong đó bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-35C, tiêm kích hạm F/A-18E/F, máy bay cảnh báo sớm E-2C, trực thăng. Ngoài ra, còn có lượng lớn máy bay không người lái như X-47B.

(Còn tiếp...)

Hồng Ðịnh
.
.
.