Sống chung với… "ngáo"

Thứ Năm, 21/07/2016, 15:00
"Nghe thấy ánh sáng và nhìn được âm thanh" - Đại tá Nguyễn Hải Phong, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) - Công an tỉnh Quảng Ninh đã hóm hỉnh mô tả về năng lực "siêu phàm" của những kẻ "ngáo đá" như vậy...


Theo y học, đó là chứng "ảo giác, hoang tưởng loạn thần" mà người dùng ma túy đá mắc phải, như "ảo thị", "ảo thanh", "ám ảnh bị hại, bị giết", hoặc "nhìn thấy quái vật"... Điều này kích động tâm lý đối tượng, dẫn đến hàng loạt hành vi không bình thường. Nhẹ thì khóc lóc vật vã, lảm nhảm, leo lên mái nhà, cột điện. Nặng thì vơ lấy những vật nguy hiểm để tấn công người khác hay tự sát.

Trong nhiều vụ thảm án đã xảy ra thời gian qua, thủ phạm đã khai lý do giết người vì nạn nhân là... "yêu quái". Sống chung với "ngáo", cần phải "dắt lưng" những kỹ năng ứng phó, để giảm thiểu tác hại từ những tai họa " trên trời rơi xuống".

Tội ác không báo trước

Chỉ trong tháng 7/2016, ở nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra những vụ án mạng thảm thương, mà thủ phạm là những kẻ "ngáo đá", còn nạn nhân là những đứa trẻ vô tội, hay chính người thân trong gia đình kẻ thủ ác.

Chiều ngày 7-7-2016, tên Nguyễn Văn Hồng (ở xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đến chơi nhà hàng xóm. Tại đây,  y bắt đầu nói lảm nhảm rồi bất thần vơ lấy dao chém chết tại chỗ 2 cháu Lê Minh Đ. (7 tuổi) và Lê Ngọc C. (5 tuổi) là con của chủ nhà.

Cùng ngày 7-7, tiếp tục xảy ra vụ thảm án tại nhà chị Trần Thị Hương (25 tuổi, ở phường Kênh Dương, quận Lê Chân, TP Hải Phòng). Nghe tiếng kêu thất thanh phát ra từ nhà chị Hương,  người dân chạy đến xem xét thì bắt gặp chồng chị là Nguyễn Thanh Tùng đang cầm con dao dính máu, bên thi thể vợ với nhiều nhát đâm trên cổ và ở 2 tay. Cho đến khi bị bắt đưa về cơ quan điều tra, Tùng vẫn đang lảm nhảm trong cơn "ngáo".

Một đối tượng "ngáo đá" tấn công người dân.

Tại Thái Nguyên, vụ án con chém cha, giết bác xảy ra cuối năm 2015 ở xã Phú Định, huyện Định Hóa vẫn chưa thôi ám ảnh người dân. Sáng đó sau khi sử dụng ma túy đá, trong khi cãi nhau với bố đẻ, tên Ma Đình Tiệp (24 tuổi) đã xách dao rượt chém ông Ma Đình V. Nghe thấy tiếng la hét, bác ruột tên Tiệp là ông Phạm Thế D. ở bên hàng xóm sang can ngăn thì bị y chém tử vong tại chỗ. Điều đáng nói là sau khi bị khống chế đưa về trụ sở Công an huyện Định Hóa, mất vài ngày sau Tiệp mới tỉnh táo để khai báo về tội ác của mình.

Người dân Hà Nội hẳn chưa quên vụ Trần Tuấn Khương (SN 1971, trú tại tập thể Thành Công, Hà Nội) xông vào tận giường bệnh cắt gần rời chân chị gái mình là Trần Thị Thanh D., khi chị đang điều trị tại bệnh viện Xanhpôn. Tại cơ quan điều tra, Khương khai lý do phạm tội vì "nhìn thấy có ma nhập vào người chị gái, nên dùng dao cắt chân chị để con ma thoát được ra ngoài cùng với máu". 

Những thảm án do ma túy "đá" gây ra vẫn chưa dừng lại, khiến bao gia đình tan nát. Bản thân kẻ phạm tội, sau lúc "thăng hoa" bởi ảo giác, mới rụng rời, bàng hoàng vì bàn tay đã dính máu người thân hay hàng xóm, láng giềng, rồi đợi chúng là những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Đại úy Lê Minh Hải (Phòng CSHS- Công an TP Hà Nội) phân tích: "Điều 13- Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: "người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự".

Cần phân biệt một kẻ thực hiện tội phạm trong tình trạng "ngáo đá", với người bị bệnh tâm thần gây án ở chỗ: người tâm thần mất khả năng nhận thức do bệnh tật, tức là do nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn. Còn kẻ "ngáo đá" tự đẩy mình vào tình trạng mất kiểm soát. Đó là do hệ quả trực tiếp hành vi tác động (của mình) đối với chính mình, chứ không phải do nguyên nhân khách quan. Nếu không "phê" sẽ không mất trí, vì thế "ngáo đá" không thể coi là mất năng lực hành vi.

Trước luật pháp, "ngáo" giống người bình thường về năng lực trách nhiệm hình sự. Thực hiện tội phạm trong tình trạng "ngáo đá", vẫn bị trừng trị theo tội danh đã phạm".

Nguồn cơn tội lỗi

Đại tá Nguyễn Hải Phong cho biết, "đá" là tiếng lóng chỉ một dạng ma túy tổng hợp có tên là: "methamphetamine hydrochloride" (viết tắt là meth). Gọi là "đá" vì hợp chất này ở dạng tinh thể, kết tinh thành từ những mảnh vụn li ti, gần giống với hạt mì chính và óng ánh. Hiện nay, dân "chơi" ưa sử dụng loại ma túy này, vì nó gây ra ảo giác, biến những mong muốn của người dùng thành hiện thực.

Đại tá Nguyễn Hải Phong - Trưởng phòng PC47, Công an tỉnh Quảng Ninh.

Người dùng luôn ở trạng thái kích dục, hưng phấn, không biết mệt mỏi trong 3 - 10 ngày liên tiếp, có thể thức liên tục trong thời gian phê thuốc, không muốn ăn vài ngày, thậm chí vài tuần. Tuy nhiên, vì não không tự tiết ra chất "dopamin" (chất dẫn truyền thần kinh), nên kẻ chơi "đá" phải dùng ngày một tăng liều lượng, nếu không sẽ bị trầm cảm, buồn bã, sợ hãi, lo lắng.

Và rồi khi dùng nhiều, hệ thần kinh sẽ bị phá hủy, người dùng rơi vào trạng thái loạn thần, ảo giác hoang tưởng, không thể suy nghĩ tỉnh táo được nữa, luôn bị kích thích theo thiên hướng liều lĩnh, ngông cuồng trong hành động. Những người bình thường hiền lành, nhưng sau khi "đập đá", lập tức biến thành con người khác hoàn toàn. Họ có những hành động điên rồ, gây hại cho bản thân và cho những người xung quanh, đe dọa an ninh cộng đồng. Đáng lo ngại là "phu đá" có thể bị loạn thần ngay lần đầu, còn nếu "chơi" trong thời gian dài, chứng loạn thần sẽ trở thành mãn tính.

Ứng phó với "ngáo"

Trung tá Trần Văn Cường (Cục C47- Bộ Công an) tư vấn: "Người dân rất cần được trang bị những kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ mình trong những tình huống đối mặt với kẻ "ngáo đá". Nếu bất ngờ gặp "ngáo đá" thì tùy điều kiện, hoàn cảnh thực tế để có phản ứng thích hợp. Nếu sự việc chưa diễn biến phức tạp, đừng tò mò xúm lại xem xét, bình phẩm hay khuyên can, trêu chọc, vì làm như thế sẽ càng kích động đối tượng.

Hãy tránh cho xa, chớ nên tiếp cận đối tượng. Những gia đình ở trong khu vực đó hãy đóng cửa hoặc cất giấu những đồ vật nguy hiểm (như dao, búa...) có thể bị đối tượng lấy làm hung khí, đồng thời gọi điện báo lực lượng chức năng khi thấy cần thiết. Nếu đối tượng đã trở nên hung hãn, dùng hung khí uy hiếp, đe dọa tính mạng mình và người xung quanh, thì nạn nhân và những người xung quanh hãy cố giữ bình tĩnh.

Không nên ứng xử manh động dễ kích động đối tượng hoặc làm họ hoảng sợ, sẽ châm ngòi cho tội ác bùng phát. Lực lượng chức năng hay người thân khi dùng biện pháp thuyết phục, cần lưu ý không tiếp cận quá gần đối tượng, vì lúc đó đối tượng không thể nhận biết được thân sơ, phải trái. Khi thuyết phục, không nên nói chuyện phải quấy, mà hãy dẫn dụ, đánh lạc hướng đối tượng như chuyển cho đồ ăn, thức uống, hỏi han những việc đơn giản, không liên quan đến sự việc, hoặc dùng lời lẽ ngọt ngào thuyết phục họ bỏ vũ khí.

Động tác này trong nhiều trường hợp làm đối tượng "quên" con mồi. Nhưng nên nhớ, đây chỉ là biện pháp "câu giờ", trong lúc đó vẫn phải chuẩn bị triển khai các biện pháp cần thiết khác. Trong những tình huống đối tượng đang rất manh động, nguy cơ tội phạm xảy ra ngay tức khắc, thì phải sử dụng vũ khống chế ngay".

Lê Thọ Trường (28 tuổi, quê Thanh Hóa) trong cơn “ngáo đá” đã nhảy từ tầng 11 tòa tháp chùa Cót (Cầu Giấy, Hà Nội) xuống đất.

Về quyền phòng vệ của người dân trong tình huống bị "ngáo" tấn công, Luật sư Lê Hồng Hiển (Giám đốc Công ty Luật Nay&Mai) phân tích: "Bất kỳ người dân nào cũng có quyền dùng vũ lực chống trả lại đối tượng "ngáo đá" đang uy hiếp, tấn công mình hoặc người khác. Bởi đây là quyền phòng vệ chính đáng được quy định trong Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên cần lưu ý là việc chống trả lại đối tượng, chỉ có mục đích nhằm thoát ra khỏi tình huống nguy hiểm, hoặc để khống chế, ngăn chặn tội phạm, chứ không nhằm giết hại hay gây thương tích cho đối tượng. Có những vụ sau khi bắt giữ được "ngáo", người dân xúm lại đánh đập cho bõ tức. Điều này bị nghiêm cấm. Nếu làm đối tượng chết hoặc bị thương tích nặng, người đánh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, hay cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng về chính đáng".

Phát hiện sớm

Khác với kẻ nghiện heroin, người mới dùng ma túy đá không có biểu hiện rõ ràng nào khi lên cơn "vật" thuốc. Điều này khiến cho người thân khó phát hiện ra cho đến khi tai họa ập xuống. Về những dấu hiệu lâm sàng để nhận biết một kẻ "đập đá", Bác sỹ Nguyễn Đình Văn (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Chỉ dấu đầu tiên dễ nhận biết đó là đồng tử người nghiện nở rộng, mắt thường đảo qua đảo lại, dưới tác dụng của chất "methamphetamine" (thành phần chính của ma túy đá). Tiếp đến là hiện tượng da nhăn nheo, nhiều mụn trứng cá lở loét trên khắp cơ thể.

Ngoài ra, chất "amoniac khan, phosphorus đỏ" và "lithium" trộn lẫn trong ma túy đá gây xói mòn men răng, dẫn đến khô miệng và ít tiết nước bọt. Thiếu nước bọt, người nghiện dễ bị sâu răng, viêm nướu và hơi thở có mùi khó chịu. Bên cạnh đó, bệnh nhân hay bị chảy máu mũi, vì "methamphetamine" khi tiếp xúc bên ngoài có thể ăn mòn vách ngăn bên trong niêm mạc mũi, lâu dần dẫn tới hiện tượng chảy máu cam thường xuyên và thậm chí bị bỏng ngoài da.

Chưa hết, mồ hôi người nghiện có mùi khai, xuất hiện quầng thâm mắt hay các bọng mắt, sụt cân và gầy đi rất nhanh. Trong sinh hoạt, khi thiếu thuốc bệnh nhân thường có những biểu hiện kỳ lạ, như cứ vài phút lại đi vệ sinh, khát nước và rửa tay liên tục. Khi nghiện nặng, bệnh nhân liên tục thấy ngứa ngáy như có kiến bò dưới da, gãi đến bật máu và lở loét mà vẫn không đỡ. Cuối cùng là biểu hiện tâm trạng nóng giận thất thường, liên tục gặp ảo giác của người nghiện ma túy đá lâu năm". 

 Vẫn theo bác sỹ Văn, khi người thân có biểu hiện "ngáo đá", gia đình cần nhanh chóng đưa đối tượng đến cơ sơ tâm thần để điều trị. Người mới sử dụng cần sớm đoạn tuyệt với loại ma túy này. Nếu đã mắc nghiện, nên vào các trung tâm để được chữa trị phục hồi chức năng.

Đào Trung Hiếu
.
.
.