SpaceCom và cuộc đua mới trong vũ trụ giữa các cường quốc

Thứ Tư, 04/09/2019, 07:55
Ngày 29-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức cho ra mắt Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ (SpaceCom). Đây là một bước đệm tiến tới thành lập Lực lượng Không gian – quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ. Đây là Bộ Tư lệnh thứ hai do Tổng thống Donald Trump thành lập.


Bộ Tư lệnh thứ 11 của quân đội Mỹ

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng không gian quốc gia tại Chantilly, bang Virginia, Tướng Dunford nói rằng, Phó Tổng thống Mike Pence, người chủ trì buổi lễ cho biết, ngay sau buổi lễ, Lầu Năm Góc sẽ chuyển giao 87 đơn vị cho SpaceCom dưới sự chỉ huy của Tướng John Raymond, người được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử và được Quốc hội phê chuẩn là người đứng đầu SpaceCom. Theo Tướng Dunford, năng lực của SpaceCom sẽ bao gồm cả hoạt động cảnh báo tên lửa và vệ tinh. 

Phát biểu trước lễ ra mắt SpaceCom, Tướng John Raymond, người đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cơ quan này cho biết, các đối thủ của Mỹ là Trung Quốc và Nga đang đầu tư nguồn lực khổng lồ vào những hoạt động trong không gian với niềm tin rằng họ có thể làm giảm lợi thế của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.

Bộ chỉ huy không gian là bộ chỉ huy thứ 11 trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Năm 2018, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thành lập Bộ chỉ huy chiến tranh mạng (CyberCom) với nhận thức rằng hoạt động tấn công và phòng thủ trên mạng cũng hợp thành một mặt trận chiến đấu riêng biệt.

Mặc dù vậy Tổng thống Trump vẫn có một tầm nhìn tham vọng hơn với chiến lược trong không gian. “SpaceCom sẽ được theo sau bởi việc thành lập Lực lượng không gian Mỹ với tư cách là nhánh thứ 6 của lực lượng vũ trang Mỹ. Lực lượng không gian sẽ tiến hành tổ chức, huấn luyện và đào tạo cho các binh sỹ để hỗ trợ sứ mệnh của SpaceCom”, Tổng thống Trump tuyên bố.

SpaceCom ngang hàng với Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ đặc trách Trung Đông và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, phụ trách các tuyến phòng thủ ở Tây Thái Bình Dương và châu Á. Trước đó, không quân Mỹ cũng được giao nhiệm vụ thuộc các chiến dịch dành cho chiến tranh không gian. Nay nhiệm vụ này thuộc SpaceCom sẽ nâng tầm quan trọng của chiến dịch cũng như các hệ thống chuyên biệt, được huấn luyện để đối đầu trong không gian vũ trụ. 

Theo ông Trump, SpaceCom sẽ bảo vệ các lợi ích chính của Mỹ trong không gian - lĩnh vực hoạt động quân sự tiếp theo của các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ. Theo ông, bây giờ không gian sẽ được coi là một lĩnh vực hoạt động quân sự độc lập, cũng giống như ở các lĩnh vực "trên mặt đất, trên biển, trên không và trên không gian mạng". Hay nói cách khác, chiến tranh trên không gian sẽ là hình thái tác chiến thứ 5.

Trên thực tế, đã nhiều đời tổng thống Mỹ có ý tưởng thành lập lực lượng không gian và cùng với thời gian, chiến lược này đã nhiều lần được điều chỉnh nhưng tư tưởng xuyên suốt vẫn là xây dựng được một lực lượng tác chiến vũ trụ mạnh, đủ sức bảo đảm an ninh cho nước Mỹ trong mọi tình huống.

Tổng thống Donald Trump và tướng John Raymond, Tư lệnh đầu tiên của SpaceCom.

Cuộc đua mới trong không gian

Việc Mỹ thành lập SpaceCom làm dấy lên lo ngại về việc quân sự hóa, kích hoạt một cuộc đua vũ trang và thậm chí là chiến tranh không gian.

Ngày 13-7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông đã phê chuẩn thành lập lực lượng không gian nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Pháp. “Nhằm đảm bảo sự phát triển khả năng không gian của Pháp, lực lượng không gian sẽ được thành lập trong không quân vào tháng 9 tới”, ông Macron cho biết. Ông nói thêm rằng, sau này lực lượng này sẽ đổi tên thành "Lực lượng Không gian và Không quân". 

Năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết bà cam kết sẽ trao cho nước Pháp quyền tự chủ không gian chiến lược trước những mối đe dọa ngày càng tăng từ các cường quốc khác, trong bối cảnh đang có một cuộc đua quân sự hóa mảng không gian vũ trụ. 

Kế hoạch ngân sách quốc phòng giai đoạn 2019-2025 của Pháp dành 4,06 tỷ USD để đầu tư thêm và trang bị mới các vệ tinh. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã công nhận không gian vũ trụ là một phần của chiến trường hiện đại.

Trong khi đó, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga - Tướng Gerasimov chỉ trích ý định của Mỹ sử dụng không gian vũ trụ cho mục đích quân sự là nhằm mục đích tạo điều kiện tiên quyết cho hoạt động quân sự hóa không gian. 

Nga cho rằng nếu Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên vũ trụ, nhân loại có thể đối mặt thảm họa diệt vong, Nga sẽ buộc phải đối phó với mối đe dọa tiềm ẩn bằng những biện pháp tương ứng và bất đối xứng.

Theo GS Farley (Trường Ngoại giao và Thương mại quốc tế, ĐH Kentucky - Mỹ), động thái của Mỹ sẽ là lý do để Nga và Trung Quốc phát triển thêm vũ khí chống vệ tinh cũng như khả năng cản trở Mỹ sử dụng không gian cho mục đích quân sự.

Tiến sĩ Khoa học Quân sự Konstantin Sivkov, Chủ tịch Viện Hàn lâm các vấn đề địa-chính trị của Nga nhận xét, việc bắt đầu chức năng của Bộ chỉ huy vũ trụ Hoa Kỳ đã khởi động quá trình quân sự hóa không gian, biến không gian thành một chiến trường mới. Tuy nhiên, ông Sivkov nhấn mạnh rằng, bất kể Mỹ có ưu thế vượt trội về kỹ thuật, Nga vẫn có sẵn những vũ khí để chống lại.

Đức Quý
.
.
.