Sri Lanka: Gian truân ghế Thủ tướng

Thứ Tư, 19/12/2018, 21:52
Phán quyết hôm 13-12 của Tòa án Tối cao có thể dẫn tới việc luận tội Tổng thống Maithripala Sirisena bởi 7 thẩm phán của Tòa án Tối cao đều nhất trí cho rằng, ông đã vi phạm hiến pháp khi quyết định giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.

Trước đó, đảng Thống nhất Dân tộc (UNP) của cựu Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tuyên bố, họ chờ phán quyết của Tòa án Tối cao để đưa ra quyết định có tiến hành các thủ tục luận tội Tổng thống Maithripala Sirisena hay không. 

Mấy ngày trước, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua đề nghị khôi phục chức Thủ tướng cho ông Ranil Wickremesinghe. Theo giới truyền thông, với tỷ lệ 117-0, các thành viên đảng UNP của ông Ranil Wickremesinghe tại Quốc hội và các đồng minh của họ đã bỏ phiếu thông qua đề nghị Tổng thống Maithripala Sirisena khôi phục ghế Thủ tướng cho ông Ranil Wickremesinghe. Bởi gần 2 tháng trước (26-10), ông Ranil Wickremesinghe đã bị Tổng thống Maithripala Sirisena cách chức. 

Phát biểu tại cuộc bỏ phiếu hôm 12-12 ở Quốc hội, ông Ranil Wickremesinghe tuyên bố, kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã "đánh bại cuộc đảo chính ngày 26-10". Cuộc bỏ phiếu kể trên diễn ra sau khi Quốc hội cắt mọi khoản chi tiêu của tất cả các bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Mahinda Rajapaksa.

Cựu Thủ tướng Ranil Wickremesinghe.

Tại cuộc bỏ phiếu hôm 29-11 ở Quốc hội, 122/225 nghị sỹ đã ủng hộ việc cắt ngân sách dành cho tất cả các bộ trưởng và nhân viên. Quốc hội nhất trí cắt ngân sách dành cho Văn phòng Thủ tướng, sau khi các nghị sỹ cho rằng, chính phủ dưới sự lãnh đạo của ông Mahinda Rajapakse không có quyền sử dụng công quỹ để chi tiêu hàng ngày. 

Kiến nghị cắt giảm ngân sách kể trên do cựu Bộ trưởng Tài chính Ravi Karunanayake đưa ra. Đảng UNP của ông Ranil Wickremesinghe từng tuyên bố, Quốc hội toàn quyền kiểm soát tài chính vì nội các do ông Mahinda Rajapakse bổ nhiệm là vi hiến, nên việc chính phủ này hoạt động là bất hợp pháp. 

Về phần mình, những nghị sỹ ủng hộ ông Mahinda Rajapaksa đã lên án cuộc bỏ phiếu hôm 29-11 là bất hợp pháp vì đang trong thời gian chờ tòa ra phán quyết liệu Tổng thống Maithripala Sirisena có vi hiến khi quyết định giải tán Quốc hội hôm 9-11.

Theo giới truyền thông, chỉ có 117 nghị sỹ tham gia bỏ phiếu hôm 12-12 cho dù Quốc hội có 225 thành viên - những người vắng mặt đều là các nghị sỹ ủng hộ Thủ tướng mới được bổ nhiệm Mahinda Rajapakse. 

Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Maithripala Sirisena chưa chắc chấp thuận kết quả cuộc bỏ phiếu hôm 12-12 bởi ông từng tuyên bố (25-11) - không bao giờ tái bổ nhiệm ông Ranil Wickremesinghe làm Thủ tướng. 

Mặc dù không vượt qua 2 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, nhưng Thủ tướng Mahinda Rajapakse vẫn không chịu từ chức, nên các nghị sỹ đã đề nghị tòa can thiệp. Và Tòa Phúc thẩm đã ra phán quyết - treo quyền Thủ tướng của ông Mahinda Rajapakse, đồng thời ngừng hoạt động của chính phủ. 

Dự kiến, phiên xét xử về việc này sẽ diễn ra vào ngày 16-1-2019. Theo quyết định hôm 3-12, Tòa Phúc thẩm cho rằng, nếu ông Mahinda Rajapakse tiếp tục lãnh đạo chính phủ sẽ gây thiệt hại cho Sri Lanka.

Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya từng tuyên bố, nước này không còn có thủ tướng hay chính phủ sau khi ông Mahinda Rajapakse và chính phủ của mình thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. 

Gần 1 tháng trước (23-11), các nghị sỹ đã trao quyền cho ông Ranil Wickremesinghe kiểm soát một ủy ban quan trọng có nhiệm vụ sắp xếp chương trình nghị sự lập pháp trong trường hợp không có một chính phủ hoạt động hiệu quả. Nhưng trước khi Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya tổ chức cuộc bỏ phiếu thành lập ủy ban này, các nghị sỹ ủng hộ Thủ tướng Mahinda Rajapakse đã bỏ ra phòng họp để phản đối. 

Ông Karu Jayasuriya ủng hộ ông Ranil Wickremesinghe và hiện đảng UNP vẫn nắm đa số tại Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya từng cáo buộc Tổng thống Maithripala Sirisena "tiếm quyền" của các nhà lập pháp và yêu cầu giới công chức không thực hiện "các mệnh lệnh bất hợp pháp" này.

Cuộc khủng hoảng về ghế Thủ tướng đã khiến Tòa án Tối cao Sri Lanka phải can thiệp để lập lại quyền lực của cơ quan lập pháp, sau khi Tổng thống Maithripala Sirisena đình chỉ hoạt động của Quốc hội hồi tháng trước. 

Ông Mahinda Rajapaksa từng là Tổng thống Sri Lanka (2005-2015) và đang phải đối mặt với cáo buộc lạm dụng quyền lực và tội ác chiến tranh. Gần 1 tháng trước (19-11), Tổng thống Maithripala Sirisena đã ra lệnh sa thải Chánh Thanh tra Cảnh sát Nishantha Silva, người đang phụ trách điều tra một loạt vụ việc liên quan tới thân nhân và các trợ lý của Thủ tướng Mahinda Rajapakse. 

Cuộc khủng hoảng bùng phát sau khi Tổng thống Maithripala Sirisena bất ngờ cách chức Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, bổ nhiệm ông Mahinda Rajapakse lên thay hôm 26-10, đồng thời đình chỉ hoạt động của Quốc hội từ ngày 27-10. 

Ngày 9-11, Tổng thống Maithripala Sirisena tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 5-1-2019. Đồng thời ấn định ngày Quốc hội mới ra mắt là 17-1-2019.

Tuệ Sỹ
.
.
.