Sri Lanka mạnh tay với tham nhũng

Thứ Tư, 07/02/2018, 17:31
Quyết định thành lập một tòa án đặc biệt với 3 thẩm phán để điều tra các vụ hối lộ và tham nhũng hiện đang bị tắc tại các tòa án cấp dưới được coi là quyết tâm chống tham nhũng của Tổng thống Maithripala Sirisena.


Bởi kể từ khi lên nắm quyền (đầu năm 2015), Tổng thống Maithripala Sirisena đã cam kết dập tắt nạn tham nhũng và trừng trị những người bị cáo buộc "ăn" số tiền lớn dưới thời cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse. 

Giới truyền thông cho biết, có tới 50% hợp đồng mua sắm công thời ông Mahinda Rajapakse nắm quyền (2005-2015) có hiện tượng tham nhũng khiến chính phủ của Tổng thống Maithripala Sirisena phải tái thương lượng một số dự án có trị giá hàng tỷ USD. 

Trong thông báo công bố hôm 31-1, Chính phủ Sri Lanka cho biết, Tòa án đặc biệt kể trên sẽ bắt đầu hoạt động từ giữa năm nay, với nhiệm vụ làm rõ các vụ tham nhũng trị giá hàng tỷ USD dưới thời cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse. 

Và việc này được coi nhằm vào gia đình ông Mahinda Rajapakse. Bởi cho đến nay, 2 trong số 3 con trai của ông Mahinda Rajapakse bị cáo buộc rửa tiền, còn những thành viên khác trong gia đình cựu Tổng thống phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng. Nguyên trợ lý trưởng của ông Mahinda Rajapakse đã bị kết án 3 năm tù giam về tội biển thủ 4 triệu USD.

Động thái kể trên diễn ra sau khi Tòa án Tối cao bác bỏ việc kéo dài nhiệm kỳ của Tổng thống Maithripala Sirisena thêm 1 năm. Và nỗ lực kéo dài thời gian nắm quyền đang ảnh hưởng tới mối quan hệ trong liên minh cầm quyền của đảng Thống nhất dân tộc (UNP). 

Tổng thống Maithripala Sirisena không những bất đồng về chính sách kinh tế với Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, mà còn công khai cáo buộc đảng UNP của ông Ranil Wickremesinghe tham nhũng. 

Điều đáng nói là khi ông Maithripala Sirisena tuyên thệ nhậm chức, cũng là thời điểm Quốc hội Sri Lanka nhất trí thông qua quyết định hạn chế quyền lực của tổng thống. 

Bởi trong 10 năm cầm quyền, cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse đã có quyền hạn quá lớn - từ kiểm soát lực lượng cảnh sát, cơ quan tư pháp tới các cơ quan công quyền.

Cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse.

Theo giới truyền thông, để mở đường ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, ông Mahinda Rajapakse đã yêu cầu và ngày 11-6-2010, Chính phủ nhất trí bãi bỏ giới hạn tổng thống chỉ được giữ 2 nhiệm kỳ như quy định trong Hiến pháp. Nhưng ông Mahinda Rajapakse không ngờ bị bại trước ứng cử viên "dưới cơ" Maithripala Sirisena. 

Tuy chỉ là Bộ trưởng Y tế và được coi là chính trị gia khá lặng lẽ, nhưng ông Maithripala Sirisena đã đánh bại ông Mahinda Rajapaksa, để trở thành Tổng thống thứ 6 của Sri Lanka, sau cuộc bầu cử ngày 8-1-2015. 

Ngày 28-4-2015, Quốc hội thông qua một loạt sửa đổi Hiến pháp, trong đó có giảm bớt quyền lực của tổng thống. Theo đó, tổng thống không được giải tán quốc hội trước khi cơ quan này hoạt động được 4 năm rưỡi trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, thay vì chỉ được 1 năm như trước đây. 

Ngoài việc thất cử trước ông Maithripala Sirisena, cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse còn vỡ mộng làm Thủ tướng. Ngày 18-8-2015, ông Mahinda Rajapakse đã thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử vào Quốc hội. 

Bởi trước đó (13-8-2015), Tổng thống Maithripala Sirisena cam kết phủ quyết mọi nỗ lực trở thành Thủ tướng của ông Mahinda Rajapakse. Và một trong những nguyên nhân khiến cử tri bỏ phiếu cho ông Maithripala Sirisena bởi họ đã quá ngao ngán với thái độ lộng quyền và tham nhũng của gia đình nhà Rajapaksa.

Theo giới truyền thông, thành tựu lớn nhất trong 10 năm cầm quyền của ông Mahinda Rajapaksa là đánh bại lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE), giải phóng hàng chục ngàn người (có tài liệu nói 50.000) bị mắc kẹt trong vùng chiến sự. 

Dư luận cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến ông Mahinda Rajapakse quyết tâm tiêu diệt LTTE bởi lực lượng này được coi đứng sau vụ ám sát nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Gothabaya Rajapakse (em trai Tổng thống) hôm 1-12-2006. 

Chính phủ Sri Lanka chấm dứt thoả thuận ngừng bắn với LTTE sau khi có ít nhất 5 người chết và hơn 20 người bị thương trong vụ tấn công nhằm vào chiếc xe buýt quân sự tại Thủ đô Colombo hôm 2-1-2008. 

Đến tháng 5-2009, cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa đập tan LTTE, chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người và kỳ tích này giúp ông giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng 1-2010. 

Theo giới truyền thông, dưới thời ông Mahinda Rajapakse nắm quyền, 5 thành viên trong gia đình được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng trong Chính phủ và Quốc hội. 

Và đó là gia đình quyền lực nhất, có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử Sri Lanka, kể từ khi ông Mahinda Rajapakse trở thành chính khách trẻ nhất trong Quốc hội, được nữ Tổng thống Chandrika Kumaratunga bổ nhiệm làm Bộ trưởng Lao động, Bộ trưởng Ngư nghiệp và Thủ tướng. Và ngày 17-11-2005, ông Mahinda Rajapaksa trở thành Tổng thống thứ 5 của Sri Lanka.

Nhiệm Bình
.
.
.