Sự thật về "vùng 51" siêu mật của quân đội Mỹ

Thứ Tư, 11/12/2013, 08:00

Nhóm ký giả đặc biệt của tờ The Guardian, nhật báo hàng đầu ở Vương quốc Anh vừa tiếp cận được với các hồ sơ thuộc Viện Lưu trữ An ninh quốc gia của Trường đại học Tổng hợp George Washington (GWU), có trụ sở đặt tại thủ đô Washington D.C của Mỹ. Lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ qua, sự thật về một trong những khu vực bí mật nhất trên đất Mỹ đã được bóc trần.

Đó là những tài liệu về căn cứ không quân mang mật danh "Area 51" (vùng 51) rộng 40km2, nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Quốc phòng và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), tọa lạc trong khu vực thung lũng Emigrant giáp ranh với hồ muối Groom, thuộc sa mạc Mojave phía nam tiểu bang Nevada và cách "thủ đô cờ bạc" Las Vegas 130km theo hướng tây bắc.

Ít người biết được rằng theo các tài liệu đã công bố nhờ Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA) trong thời gian qua, ngoài chiến dịch "tung hỏa mù" của CIA nhằm thêu dệt huyền thoại về "Area 51" là nơi lưu giữ và nghiên cứu các vật thể bay không xác định có nguồn gốc ngoài hành tinh (UFO), cũng như tiết lộ mới đây là nơi nghiên cứu và thử nghiệm nhiều loại máy bay bí mật của quân đội Mỹ ra, thì vùng 51 còn là địa điểm tiến hành những chuyến bay mô phỏng từ các phi cơ tiêm kích của Không quân Xô Viết mà người Mỹ "tình cờ" có được. Song song với những chuyến bay thử nghiệm thuộc các chương trình đào tạo phi công đặc biệt, mà ngay cả giới lãnh đạo 2 căn cứ không quân kề cận trong vùng là Edwards và Nellis cũng không hề hay biết, là những phi vụ "đội lốt" phi công Xô Viết hòng khám phá các bí quyết kỹ thuật của Không lực Liên Xô.

Thiết bị MiG -17 đã tháo rời được chở đến từ Israel.

Trong những năm 60 và 70 thế kỷ trước, các dòng máy bay tiêm kích phản lực MiG -17 và MiG -21 đang là "át chủ bài" của Không quân Xô Viết giữa cao điểm của thời Chiến tranh lạnh. MiG -17 được giới chuyên gia quân sự Khối minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm Mỹ và các đồng minh phương Tây đặt biệt hiệu là "Fresco" (Bích họa), mô tả những đường bay lắt léo khó thực hiện giữa trời cao; còn MiG -21 là "Fishbed" (Nơm cá) ám chỉ khả năng không chiến lợi hại của dòng phi cơ tiêm kích siêu thanh này.

Trong thực tế riêng loại MiG-21 có thể đạt đến vận tốc Mach -2 gấp 2 lần tốc độ âm thanh, cũng là kiểu máy bay quân sự có vận tốc độ tối đa cao nhất trong nhiều thập niên kế tiếp. Lịch sử ghi nhận loại phi cơ tiêu biểu MiG -21 của Không quân Liên Xô đã đạt được một loạt kỷ lục đáng nể trọng, như là kiểu máy bay phản lực được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử hàng không thế giới, là loại phi cơ chiến đấu được xuất xưởng nhiều nhất sau Thế chiến II, đồng thời cũng là kiểu máy bay quân sự có thời gian sử dụng lâu nhất. Trong vòng nửa thế kỷ kể từ cuối thập niên 1950, đã có gần 10.500 chiếc MiG-21 được chế tạo và hiện vẫn còn trong biên chế quân số thường trực của hơn 50 quốc gia trên hành tinh.

Chiếc Mig -21 "chiến lợi phẩm" đầu tiên mà Washington có được là do viên phi công người Iraq Munir Redfa (1934-1998), kẻ đã mắc bẫy "mỹ nhân kế" của Cơ quan Tình báo Israel (Mossad), rồi đào nhiệm lái chiếc MiG -21 đến căn cứ không quân Hatzor gần thành phố Ashdod phía nam Israel dạo giữa tháng 8-1966. Chỉ nội trong vòng 3 tuần lễ sau đó, chiếc tiêm kích lợi hại này đã được tháo rời và chuyển đến "vùng 51" để nghiên cứu những tính năng tối ưu của phương tiện bay siêu thanh. Do ở cùng thời điểm các phi đội Mỹ sừng sỏ nhất khi lao vào đánh phá miền Bắc Việt Nam, luôn bị máy bay MiG -21 của Không quân Việt Nam do Liên Xô viện trợ ngăn chặn và tiêu diệt trong các cuộc không chiến, với phần thắng áp đảo nghiêng về kiểu tiêm kích MiG -21 là gần 8,5 lần.

Kế đến vào ngày 12/8/1968, hai Trung úy phi công thuộc không lực Syria là Walid Adham và Radfan Rifai đang bay huấn luyện trên 2 chiếc phi cơ MiG- 17 Fs, phiên bản mới nhất của dòng máy bay tiêm kích "Fresco" đã bị lạc phương hướng và hạ cánh xuống một khu vực thuộc miền bắc Israel. Ngay lập tức những chiếc MiG-17 "chiến lợi phẩm" đã được tháo rời, chuyển đến căn cứ không quân "Area 51" bằng máy bay vận tải DC-8 của CIA, để giới chuyên gia quân sự Mỹ nghiên cứu về tính năng chuyển hướng bay vượt trội của loại phi cơ tiêm kích này.

Ngoài ra ở "vùng 51" còn tồn tại một hệ thống phức hợp về hỏa lực đất đối không, mô phỏng hệ thống phòng không đa năng tiêu biểu của Liên Xô, nhằm tạo điều kiện cho giới phi công quân sự Mỹ luyện tập thực địa cùng những biện pháp đối phó khi "lâm trận" trên bầu trời Xô Viết. Đồng thời tài liệu mật của CIA cũng cho biết, để ngăn chặn những cặp mắt tò mò không thân thiện, khoảng không phía trên thung lũng Emigrant và hồ Groom đã được đánh dấu khoanh tròn màu đỏ, được phổ cập trên bản đồ bay của tất cả các hãng hàng không dân sự Mỹ là vùng cấm bay, với tên gọi cụ thể theo quy ước không lưu là "Red Square" (Quảng trường Đỏ).

Trên đây là những phần chính yếu mà nhóm phóng viên của tờ The Guardian tiếp cận được, trong khi tài liệu gốc về "vùng 51" từ CIA chuyển sang cho Viện Lưu trữ An ninh quốc gia thuộc GWU hầu hết đều bị tẩy xóa bôi đen, tiềm ẩn các điều bí mật mà những ai muốn áp dụng đạo luật FOIA để khám phá không thể biết hết được

Trần Hồng (Theo Secret Services)
.
.
.