Sudan: Đằng sau cuộc đảo chính của quân đội

Thứ Tư, 17/04/2019, 21:09
Sau khi phế truất Tổng thống Omar al-Bashir, quân đội Sudan tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài trong 3 tháng. Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Awad Mohamed Ahmed Ibn Auf xác nhận, Tổng thống Omar al-Bashir đã bị phế truất và đang được “tạm giữ tại một nơi an toàn”.


Đề nghị của ông Kumi Naidoo, Tổng Thư ký của Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) thực sự thu hút mối quan tâm của dư luận, khi cho rằng Tổng thống bị phế truất Omar al-Bashir bị truy nã vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng - việc giao nộp ông Omar al-Bashir cho Tòa án hình sự quốc tế (ICC) sẽ chứng tỏ cho các nạn nhân thấy công lý đã được thực thi. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Sudan chuyển giao chính quyền một cách dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Ngày 12-4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp để thảo luận tình hình Sudan. Liên minh châu Âu cũng kêu gọi tiến hành sự chuyển giao quyền lực hòa bình ở Sudan. 

Người đứng đầu Ủy ban các Vấn đề Đối ngoại thuộc Hạ viện Nga, ông Leonid Slutsky cho biết, Moskva sẽ tiếp tục hợp tác với Sudan bất kể bên nào nắm quyền kiểm soát ở quốc gia châu Phi này. Mấy ngày trước (9-4), Mỹ, Anh và Na Uy từng hối thúc chuyển giao chính trị sau nhiều tháng biểu tình tại Sudan. Được biết, từ năm 1993, Mỹ đã liệt chính phủ của ông Omar al-Bashir vào danh sách những nhà tài trợ khủng bố, chứa chấp các phần tử Hồi giáo. 

Cùng ngày 9-4, người đứng đầu Cơ quan Nhân quyền của Liên hợp quốc, bà Michelle Bachelet cũng kêu gọi đối thoại giữa chính phủ và người biểu tình ở Sudan. Bà Michelle Bachelet bày tỏ quan ngại về các vụ đụng độ với người biểu tình đã khiến hơn 70 người thiệt mạng. Trong khi đó, lãnh đạo đảng đối lập Umma Sadiq al-Mahdi cũng kêu gọi lựa chọn một chỉ huy quân sự để đàm phán quá trình chuyển tiếp.

Tuy nhiên, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki lại khẳng định, việc quân đội tiếp quản chính quyền không phải là cách phản ứng phù hợp nguyện vọng của người dân. Động thái kể trên diễn ra ngay sau khi quân đội Sudan tiến hành vụ đảo chính, chấm dứt 30 năm cầm quyền của Tổng thống Omar al-Bashir. 

Theo giới truyền thông, Tổng thống Omar al-Bashir đang bị ICC truy nã với tội danh phạm tội ác chiến tranh và diệt chủng. Bởi từ năm 2008, ICC đã cáo buộc ông Omar al-Bashir phạm tội diệt chủng và tội ác chiến tranh ở Darfur. 

Sau khi phế truất Tổng thống Omar al-Bashir, quân đội Sudan tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài trong 3 tháng. Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Awad Mohamed Ahmed Ibn Auf xác nhận, Tổng thống Omar al-Bashir đã bị phế truất và đang được “tạm giữ tại một nơi an toàn”. 

Hội đồng Chuyển tiếp do Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Ahmed Awad Ibn Auf đứng đầu đã được thành lập, dự kiến kéo dài trong 2 năm, để hỗ trợ việc chuyển giao quyền lực. Tham mưu trưởng quân đội, Tướng Kamal Abdelmarouf, được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch hội đồng này. Người dân Sudan đã đổ ra đường ăn mừng ngay sau khi biết tin Tổng thống Omar al-Bashir từ chức.

Bộ trưởng Quốc phòng Awad Mohamed Ahmed Ibn Auf phát biểu trên truyền hình.

Chính phủ, Hội đồng Quốc gia và các cơ quan chính phủ đều bị giải tán và Quốc hội ngừng hoạt động. Quân đội cũng đã bắt Thủ tướng Mohamed Taher Ayala và người đứng đầu đảng cầm quyền Ahmed Haroun. Hàng chục quan chức, cựu quan chức khác cũng bị bắt. 

Theo trang mạng Al-Mashhad Al-Sudany, Thủ tướng Mohamed Tahir Ayala mới lên nắm quyền chưa đầy 2 tháng, đã bị bắt ở thủ đô Khartoum. Trong số những người bị bắt đáng chú ý có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Rahim Mohammed Hussein, lãnh đạo đảng Đại hội Quốc gia cầm quyền Ahmed Haroun và cựu Phó Tổng thống thứ nhất Ali Osman Taha. Những tù nhân chính trị bị bắt trong phong trào chống chính phủ hồi cuối năm ngoái sẽ được phóng thích. 

Nhưng lãnh đạo nhóm biểu tình chính ở Sudan đã phản đối thông báo của quân đội, đồng thời kêu gọi tiếp tục các cuộc biểu tình - kéo dài cuộc biểu tình ngồi bên ngoài Bộ Quốc phòng được bắt đầu từ ngày 6-4. Hãng Reuters cho biết, quân đội và lực lượng An ninh đã triển khai lực lượng quanh trụ sở Bộ Quốc phòng, trên các tuyến đường và cầu đường chính ở thủ đô Khartoum.

Với diện tích đứng thứ 16 thế giới cùng dân số hơn 40 triệu người, nên Sudan có vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình ở châu Phi. Ông Omar al-Bashir, 75 tuổi, lên nắm quyền sau cuộc đảo chính chống lại cựu Thủ tướng Sadiq al-Mahd năm 1989, trở thành một trong những tổng thống tại vị lâu nhất châu Phi. 

Và trong 30 năm cầm quyền, ông Omar al-Bashir thường xuyên phải đối mặt với âm mưu đảo chính, nhưng các kế hoạch này đều thất bại, hơn 30 quân nhân, cảnh sát đứng sau âm mưu đảo chính kể trên đều bị tử hình. 

Được biết, làn sóng biểu tình tại Sudan bắt đầu bùng nổ hôm 19-12-2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, đồng thời bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. 

Theo hãng AFP, binh sĩ đã đột kích vào các văn phòng của một nhóm có liên hệ với đảng Đại hội Quốc gia (NPC) cầm quyền của Tổng thống Omar al-Bashir tại thủ đô Khartoum. Không phận và các cửa khẩu biên giới của Sudan được lệnh đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. 

Tuệ Sỹ
.
.
.