Vụ thảm sát đẫm máu nhất nước Mỹ:

Súng đạn vẫn thoải mái sử dụng

Chủ Nhật, 08/10/2017, 15:28
Lực lượng cảnh sát và lính đặc nhiệm là những người phải hoạt động "hết công suất" trong tối xảy ra vụ xả súng ở Las Vegas - trắng đêm xử lý công việc. Và họ là chỗ dựa vững chắc của người dân trong tình cảnh đó. Được biết, đại đa số cảnh sát và lính đặc nhiệm có mặt tại hiện trường đều mặc áo chống đạn cùng vũ khí được trang bị. Vụ thảm sát ở Las Vegas một lần nữa cho thấy thực trạng của "văn hóa súng đạn" ở Mỹ.


Sẽ thảo luận luật kiểm soát súng đạn

Ngày 3-10, Tổng thống Donald Trump cho biết, luật kiểm soát súng đạn sẽ được thảo luận. Trước đó, khi phát biểu ở Nhà Trắng, Thư ký báo chí Sarah Sanders lại tuyên bố, hiện không phải thời điểm thích hợp cho một cuộc tranh cãi, mà cần tập trung đoàn kết đất nước.

Tuy nhiên, bà Sarah Sanders cũng để ngỏ khả năng thảo luận vấn đề kiểm soát súng đạn "trong những ngày tới". Ngày 4-10, Tổng thống Donald Trump tới Las Vegas để gặp lực lượng thực thi pháp luật, lực lượng phản ứng nhanh và gia đình các nạn nhân.

Trước đó, ông Donald Trump ra lệnh treo cờ rủ để tưởng niệm các nạn nhân và gọi vụ xả súng là "tận cùng của tội ác". "Hắn là tên bệnh hoạn, kẻ loạn trí, có nhiều vấn đề, và chúng tôi đang điều tra đối tượng này hết sức kỹ càng", ông Donald Trump nhấn mạnh.

Lực lượng an ninh tại hiện trường vụ xả súng ở Las Vegas.

Tình trạng bạo lực súng đạn là vấn đề nhức nhối ở Mỹ trong nhiều năm qua khi có khoảng 90 người thiệt mạng mỗi ngày. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, một số nghị sĩ đảng Dân chủ đã chỉ trích Quốc hội vì vẫn không có động thái nào sau những vụ xả súng liên tiếp tại Mỹ.

Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal và Chris Murphy đều kêu gọi Quốc hội có quan điểm khắt khe hơn về kiểm soát súng. "Những lời chia sẻ cảm thông của chính trị gia đều là giả dối, nếu họ không đưa ra chính sách siết chặt kiểm soát súng đạn", Thượng nghị sĩ Chris Murphy tuyên bố. Hạ nghị sĩ Jared Huffman coi vụ xả súng là "chiến thắng của nền công nghiệp súng đạn vô tình".

"Sự thương tiếc của chúng ta là chưa đủ. Chúng ta có thể và phải đặt chính trị sang một bên, hãy phản đối Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) và hợp tác cùng nhau để cố ngăn sự việc này tái diễn", bà Hillary Clinton nhấn mạnh. Theo giới truyền thông, NRA đã ủng hộ 30 triệu USD cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Donald Trump và ông chủ Nhà Trắng cũng từng coi mình là "người bảo vệ cho quyền sở hữu và mang vũ khí".

Vụ xả súng diễn ra vào tối 1-10 ở Las Vegas, bang Nevada khiến 59 người chết và hơn 520 người bị thương. Theo tờ The Guardian, vụ xả súng xảy ra trong lúc ngôi sao nhạc đồng quê Jason Aldean đang biểu diễn và khoảng 40.000 người tham dự lễ hội âm nhạc này. Và nghi phạm Stephen Paddock, 64 tuổi đã xả súng vào đám đông tham dự lễ hội âm nhạc đồng quê Route 91 Harvest.

Stephen Paddock là triệu phú có 2 máy bay riêng và 1 ngôi nhà sang trọng trong cộng đồng nghỉ hưu tại khu sân golf yên bình ở Mesquite, bang Nevada. Hiện cơ quan thực thi pháp luật và các thành viên gia đình của Stephen Paddock chưa lý giải được động cơ khiến cựu nhân viên kế toán, không có tiền án tiền sự lại gây ra một vụ thảm sát đẫm máu như vậy.

"Stephen Paddock là người giàu có, thích chơi video poker và du lịch trên biển", Eric Paddock, em trai của nghi phạm cho phóng viên biết tại nhà riêng ở Orlando, bang Florida. Những người quen biết Stephen Paddock cũng đều cho rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy hắn muốn thực hiện vụ tấn công đẫm máu như vậy.

Theo hãng NBC News, trong mấy tuần qua, Stephen Paddock đã thực hiện nhiều giao dịch cờ bạc trị giá hàng chục nghìn USD.

Nhận định của giới chuyên môn

Hãng Telegraph dẫn lời Cảnh sát trưởng Las Vegas Joseph Lombardo cho biết, sau khi Stephen Paddock tự sát, cảnh sát đã tìm thấy tổng cộng 23 khẩu súng cùng hàng trăm viên đạn trong phòng của hắn ở tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay. Cảnh sát trưởng Joseph Lombardo còn nói, Stephen Paddock đã thuê phòng khách sạn ở Mandalay Bay từ ngày 28-9 và hắn đã mang theo khoảng 10 vali vào trong phòng.

Nghi phạm Stephen Paddock, kẻ đã gây ra vụ thảm sát kinh hoàng ở Las Vegas.

Cảnh sát trưởng Joseph Lombardo còn nói, nghi can hành động một mình và từ chối khẳng định đây là vụ tấn công khủng bố "cho đến khi xác định được động cơ" của hung thủ. "Chúng tôi tin rằng hắn hành động theo kiểu sói đơn độc", ông Joseph Lombardo đánh giá. Theo tờ New York Times, việc Stephen Paddock nấp trong phòng bắn ra ngoài khiến người ta khó phát hiện ra vị trí của hắn.

Sự chuẩn bị trước đã giúp hắn trở thành mục tiêu khó bị hạ. Và hành động của Stephen Paddock cho thấy, hắn đã lên kế hoạch thực hiện vụ xả súng ít nhất một vài ngày trước khi động thủ. Cựu phát ngôn viên FBI John Iannarelli cho rằng, vụ này đã được lên kế hoạch rất kỹ - chờ đến khi sự kiện ngoài trời, đông người, và thuê một phòng đối diện để động thủ.

Hãng AFP vừa dẫn nhận định chung của các chuyên gia an ninh sau vụ xả súng khiến gần 600 người thương vong - không thể ngăn chặn kiểu thảm sát ở Las Vegas. Bởi rất khó áp dụng các chính sách an ninh khắt khe tại những địa điểm, sự kiện mang mục đích thư giãn và giải trí.

"Đây là sự việc không thể ngăn chặn", ông Patrick Brosnan, cựu thám tử thuộc Sở Cảnh sát New York nhận xét. Theo cựu sĩ quan cảnh sát Las Vegas Randy Sutton, một người có thể mang nhiều vũ khí như thế vào trong phòng khách sạn, chứng tỏ hắn không mang vào cùng một lúc mà chia nhỏ thành nhiều lần.

Theo ông Tegan Broadwater, Chủ tịch hãng tư vấn an ninh Tactical Systems Network ở bang Texas, việc dễ dàng mang 23 khẩu súng cùng đạn dược vào khách sạn Mandalay Bay cho thấy các biện pháp an ninh của khách sạn khá lỏng lẻo.

Ông Richard Frankel, cựu nhân viên FBI cho rằng, vụ thảm sát ở Las Vegas sẽ khiến nhà chức trách phải cân nhắc lại các biện pháp an ninh tại các sự kiện ngoài trời như bố trí lính bắn tỉa trên nóc các tòa nhà, dùng trực thăng hoặc máy bay không người lái tuần tra. FBI đã bác bỏ vụ tấn công tối 1-10 với khủng bố, bất chấp việc IS tuyên bố nhận trách nhiệm.

Những con số biết nói

Theo tờ New York Times, súng của Stephen Paddock bắn được 90 phát đạn trong 10 giây và điều này cho thấy hắn đã sở hữu súng tự động từ trước năm 1986, hoặc cải tiến súng bán tự động kiểu AR-15 thành súng tự động.

Hãng AP dẫn lời cảnh sát cho biết, sát thủ có 2 báng súng cải tiến (bump-stock) để chuyển đổi súng bán tự động thành tự động hoàn toàn. Giới truyền thông dẫn nguồn tin từ cảnh sát cho biết, họ đã thu hồi tổng cộng 34 thiết bị vũ khí của Stephen Paddock, trong đó có 16 thiết bị từ phòng khách sạn ở Mandalay Bay và 18 thiết bị khác tại nhà riêng của hắn ở Mesquite, bang Nevada.

Cảnh sát cho biết, đang tìm cách thẩm vấn bạn gái của Stephen Paddock, mặc dù tuyên bố người này không liên quan đến vụ tấn công tối 1-10. Theo tờ Daily Mail, bà Marilou Danley, 62 tuổi là bạn gái của Stephen Paddock, từng có một đời chồng ở Australia và hiện đang ở Philippines.

Trước khi đến Mỹ, bà Marilou Danley từng sống ở khu vực Nerang, thành phố Gold Coast, Australia. Sở dĩ cảnh sát muốn thẩm vấn bà Marilou Danley bởi Stephen Paddock đã sử dụng giấy tờ của bà khi làm thủ tục nhận phòng ở khách sạn Mandalay.

Theo tờ Daily Mail, bà Marilou Danley (đã đến Mỹ hôm 3-10) từng sống với Stephen Paddock ở khu vực Babbling Brook Court, cách Las Vegas về phía Đông Bắc 128km.

Tính đến tháng 4-2017 có tổng cộng 630.019 khẩu súng máy được người dân và cảnh sát đăng ký và chỉ riêng bang Nevada có tới 11.752 khẩu. Tổ chức phi chính phủ Gun Violence Archive vừa công bố số liệu thống kê, theo đó 9 tháng đầu năm 2017 có 11.650 người ở Mỹ chết vì súng đạn (chưa tính số tự tử bằng súng), và có tổng cộng 273 vụ xả súng nhằm giết người hàng loạt.

Marilou Danley, người tình nghi phạm.

Vẫn theo thống kê của Gun Violence Archive, kể từ sau vụ xả súng hồi tháng 12-2012 ở trường tiểu học Sandy Hook, thành phố Newtown, bang Connecticut, giết chết 20 trẻ em và 6 người lớn, Mỹ đã xảy ra ít nhất 1.518 vụ xả súng với ít nhất 1.715 người thiệt mạng và 6.089 người bị thương.

Và số liệu kể trên chỉ mang tính tương đối bởi tổ chức này nhiều khả năng bỏ qua một số vụ xả súng. Còn theo số liệu của Liên hợp quốc, tỉ lệ người chết vì súng đạn ở Mỹ trong năm 2012 là 29,7/1 triệu người, trong khi tỉ lệ này ở Thụy Sĩ, Canada và Đức chỉ lần lượt là 7,7, 5,1 và 1,9. Còn theo hãng AFP, bạo lực súng đạn khiến hơn 33.000 người chết mỗi năm ở Mỹ.

Theo hãng CNN và Fox News, từ năm 1949 đến nay đã có 10 vụ xả súng nghiêm trọng diễn ra ở Mỹ. Đứng sau vụ xả súng tối 1-10 là vụ nổ súng hôm 12-6-2016 tại hộp đêm Pulse (một câu lạc bộ đêm đồng tính ở thành Orlando, bang Florida) - sát thủ Omar Saddiqui Mateen, 29 tuổi đã khiến ít nhất 49 người chết và hơn 50 người bị thương.

Ngày 2-12-2015, cặp vợ chồng Syed Rizwan Farook và Tashfeen Malik đã nổ súng vào đám đông đang tập trung tại Trung tâm Inland Regional ở thành phố San Bernardino, California, khiến 14 người chết. Ngày 14-12-2012, sát thủ Adam Lanza, 20 tuổi, đã nổ súng bắn chết 20 trẻ em và 6 người lớn (là nhân viên và giáo viên tại trường Tiểu học Sandy Hook, thành phố Newtown, bang Connecticut).

Ngày 5-11-2009, Thiếu tá Nidal Malik Hasan đã bắn chết 13 người và làm bị thương 32 người khác tại thành phố Fort Hood, bang Texas. Hơn 10 năm trước (16-4-2007), Seung-Hui Cho, sinh viên 23 tuổi, đã bắn chết 32 người ở 2 địa điểm tại trường Đại học Virginia Tech và làm bị thương nhiều người khác ở thành phố Blacksburg, bang Virginia.

Ngày 16-10-1991, George Hennard, 35 tuổi đã lái xe tải húc đổ bức tường Luby's Cafeteria, sau đó bắn chết 23 người rồi tự sát ở thành phố Killeen, bang Texas. Ngày 20-8-1986, Patrick Henry Sherrill đã bắn chết 14 công nhân bưu chính trong vòng 10 phút tại thành phố Edmond, bang Oklahoma.

Ngày 18-7-1984, James Huberty, 41 tuổi, đã bắn chết 21 người lớn và trẻ em tại một tiệm McDonald ở thành phố San Ysidro, bang California. Ngày 1-8-1966, lính thủy quân lục chiến Charles Joseph Whitman đã bắn chết 16 người và làm bị thương ít nhất 30 người khác tại thành phố Austin, bang Texas.

Trịnh Huyền My
.
.
.