Syria: Cuộc chiến của nhiều cuộc chiến

Thứ Hai, 23/04/2018, 09:29
Ðêm 13 rạng sáng ngày 14-4, các nước Mỹ - Anh - Pháp đồng loạt bắn tên lửa tới các cơ sở mà họ cho là có liên quan đến vũ khí hóa học của chính quyền Syria, nhằm trừng phạt Tổng thống Assad về các cuộc giết hại thường dân bằng khí độc.


Cuộc tấn công khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, vì e rằng sẽ dẫn tới sự đối đầu trực diện của 2 nước từng là địch thủ thời Chiến tranh lạnh, Mỹ và Nga. Bởi trước đó Nga từng răn đe sẽ bắn hạ bất cứ quả tên lửa nào nhắm tới Syria, và kể cả những khí tài quân sự làm bệ phóng cho những tên lửa đó.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Mỹ-Anh-Pháp dường như đã xem nhẹ lời cảnh báo đó, họ đã nã 105 tên lửa vào lãnh thổ Syria, nhắm vào các mục tiêu mà họ tin đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học của Syria. Đó là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Barzah gần Damascus và Khu liên hợp vũ khí hóa học Him Shinshar gần Homs (gồm Boongke quân sự Him Shinshar CW và Kho quân sự Him Shinshar).

Lý lẽ của các bên

Ngay sau cuộc tấn công của liên quân Mỹ-Anh-Pháp, Điện Kremlin ra thông cáo “cực lực lên án” và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn. Trong thông cáo có đoạn “Nga đề nghị triệu tập HĐBA LHQ họp khẩn về các hành động gây hấn của Mỹ và các đồng minh”. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lên án “một đòn tấn công nhắm vào thủ đô của một quốc gia có chủ quyền, từ nhiều năm nay đã nỗ lực để tồn tại được trong môi trường khủng bố hung hãn”. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, chiến dịch can thiệp phương Tây diễn ra đúng vào lúc Syria đang có cơ may “tìm lại được hòa bình”. 

Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Anatoli Antonov, nhấn mạnh rằng cuộc tấn công vừa qua là hành động “lăng nhục đối với Tổng thống Nga, không được phép và không thể chấp nhận được; đồng thời cảnh báo sẽ có các cuộc trả đũa.
Mỹ và đồng minh Anh, Pháp ngày 14-4 đã tiến hành cuộc tấn công tên lửa nhắm vào các mục tiêu ở Syria.

Tương tự, Trung Quốc gọi hành động của liên quân là vi phạm Hiến chương LHQ. "Mọi hành động quân sự đơn phương trái với quy tắc của Hiến chương LHQ, vi phạm quy tắc và thỏa thuận quốc tế, càng làm vấn đề Syria thêm phức tạp", bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh. Bà Hoa cũng đồng thời kêu gọi các bên liên quan "trở lại khuôn khổ luật pháp quốc tế và giải quyết vấn đề Syria thông qua đối thoại và tham vấn". 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh ủng hộ điều tra khách quan vụ tấn công hóa học ở Syria; đồng thời cho rằng các bên cần chờ đợi kết luận điều tra trước khi hành động.

Tuy nhiên, phía Anh-Pháp-Mỹ cho biết HĐBA đã không thể thành lập nhóm điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, vì Nga sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ cuộc điều tra đối với đồng minh của mình, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. 

Thủ tướng Anh Theresa May cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng sử dụng mọi kênh ngoại giao để có thể đạt được điều này. Nhưng nỗ lực của chúng tôi đã liên tiếp bị cản trở. Ngay trong tuần này, người Nga đã bác bỏ một nghị quyết tại HĐBA LHQ về việc thiết lập một cuộc điều tra độc lập về vụ tấn công Douma”.

Bà May khẳng định: “Vì vậy, không có phương án thay thế cho việc sử dụng vũ lực để làm suy giảm và ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học của chế độ Syria. Đây không phải là can thiệp vào một cuộc nội chiến. Đây không phải là thay đổi chế độ. Đây là một cuộc tấn công có giới hạn và có mục tiêu, điều đó sẽ không làm leo thang căng thẳng trong khu vực và đó là điều cần thiết nhằm ngăn ngừa thương vong của người dân”.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định ông có bằng chứng cho thấy chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thực hiện vụ tấn công chết người này, khiến hàng chục người tử vong và hàng trăm người bị thương.

Nhưng theo Reuters ngày 15-4, HĐBA LHQ đã không thông qua dự thảo nghị quyết lên án Mỹ, Anh, Pháp sau vụ không kích Syria vào rạng sáng 14-4 khi chỉ có Trung Quốc, Bolivia cùng Nga bỏ phiếu ủng hộ. Đây là cuộc họp theo yêu cầu của Nga và là lần thứ 5 HĐBA họp kể từ khi Chính phủ Syria bị cáo buộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma vào ngày 7-4.

Tại cuộc họp, Mỹ, Pháp và Anh đều biện hộ cho hành động quân sự đối với Syria, còn Đại sứ Nga Vassily Nebenzia tức giận về việc các thành viên không chờ đợi kết quả cuộc điều tra về nghi vấn; đồng thời cáo buộc Mỹ, Pháp và Anh đã “bất chấp luật pháp quốc tế”. Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các nước kiềm chế giữa “các tình huống nguy hiểm” và tránh hành động làm leo thang căng thẳng và khiến người dân Syria phải hứng chịu.

Bên cạnh 3 phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết, Peru, Kazakhstan, Ethiopia và Guinea Xích Đạo bỏ phiếu trắng, trong khi 8 thành viên còn lại bỏ phiếu chống. Nghị quyết chỉ được thông qua khi có ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có phiếu chống nào từ một trong các nước Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh.

Mặt trận của nhiều mặt trận

Những bất đồng giữa các bên tại Syria hiện nay cho thấy sự phức tạp của vấn đề. Nó cũng phơi bày một thực tế: Cuộc nội chiến ở Syria chính là một cuộc chiến của nhiều cuộc chiến. 

"Nếu bạn nghiên cứu các tài liệu về nội chiến, bạn sẽ thấy rằng càng có nhiều thế lực nước ngoài tham gia, cuộc nội chiến càng khó kết thúc - bởi vì hầu hết các thế lực nước ngoài đều không muốn từ bỏ cho đến khi họ hoặc không còn sức theo đuổi, hoặc đã đạt các mục tiêu mong muốn”, theo ông Christopher Phillips, tác giả của cuốn sách “Trận chiến Syria: Cuộc cạnh tranh quốc tế ở Trung Đông mới”. "Và bởi vì hầu hết thông qua chiến tranh ủy nhiệm, chi phí không nhất thiết là cao".

Trong 7 năm chiến tranh ở Syria, nước này đã thu hút nhiều quốc gia khác, những người đã cố gắng tạo ra xung đột với mọi công cụ từ đánh bom đến lính đánh thuê cho đến vũ khí và tiền bạc. Cuộc chiến tranh đã ngày càng trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn theo thời gian, và tương lai của Syria hiện đang được xác định bên ngoài biên giới của nó.

Mỹ từng tuyên bố sự tham gia của họ ở Syria chủ yếu là vì chống IS. Nhưng Mỹ cũng đang theo đuổi các lợi ích khác ở đó - bao gồm kiềm chế ảnh hưởng của Iran, và cũng để trừng phạt việc sử dụng vũ khí hóa học. Năm 2012, ông Obama cũng đặt ra một "lằn ranh đỏ" về vũ khí hoá học. Mỹ đã đánh bom Syria lần đầu tiên vào các mục tiêu liên quan đến IS. Nước này đã tiếp tục ném bom kể từ đó. Tổng thống Trump gần đây nói rằng Mỹ sẽ rời Syria "rất sớm". Nhưng cuộc tấn công nghi ngờ vũ khí hóa học ngày 7-4 đã làm thay đổi cục diện.

Các nước châu Âu như Pháp và Anh cũng ở Syria vì IS. Nhưng sự khác biệt là châu Âu cũng đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng người tị nạn từ Syria. Cuộc khủng hoảng đã làm thay đổi động lực chính trị trên lục địa già, giúp mang lại lá phiếu cho những đảng phái chống nhập cư. Gérard Araud, Đại sứ Pháp tại Washington, cho biết: "Để đối mặt với những mối đe dọa này, chúng ta cần phải làm ổn định Syria, và để ổn định, chúng ta cần có sự chuyển tiếp chính trị đáng tin cậy".

Trong khi đó, Nga đang ở Syria để bảo vệ chế độ Assad khỏi phiến quân mà họ gọi là khủng bố, cũng như nhằm tăng vị thế ở Trung Đông. Sự can thiệp quân sự của Moskva vào tháng 9-2015 đã giúp Assad không chỉ đảo ngược những tổn thất của mình mà còn giành lại được phần lớn Syria. Mối quan hệ của Nga với chế độ Syria bắt đầu từ Chiến tranh lạnh. Syria là căn cứ hải quân duy nhất của Nga trên Địa Trung Hải (ở Tartous).

Tương tự, Iran đang ở Syria để bảo vệ chế độ Assad; đồng thời sử dụng chiến tranh ủy nhiệm để đe doạ kẻ thù là Israel. Syria là một đồng minh của Iran kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 của Iran, và là nhà nước duy nhất của Ảrập ủng hộ Iran trong cuộc chiến với Iraq trong những năm 1980. Syria cũng có giá trị chiến lược, vì nó đóng vai trò như một vùng đệm chống lại bất kỳ hành động quân sự nào của Israel hoặc những nước khác từ phía Tây.

Ảrập Xêút ở Syria chủ yếu bằng cách tài trợ cho cuộc nổi dậy để kiềm chế Iran. Tương tự, Israel cũng ở Syria để chống lại Iran. Israel đã theo dõi ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Iran với mức báo động. Người Do Thái lo ngại Tehran sẽ thiết lập các căn cứ quân sự vĩnh viễn bên trong Syria, cùng với Hezbollah.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria vì người Kurd. Khi bắt đầu cuộc xung đột, Ankara đã chống lại Assad, người trước đây từng là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các nhóm đối lập với Assad, bao gồm cả những người Hồi giáo. Nhưng một hậu quả ngoài ý muốn của cuộc xung đột Syria là sự nổi lên của người Kurd. 

Họ nhanh chóng trở thành một trong những lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất ở Syria, giúp Mỹ trong cuộc chiến thành công chống lại IS. Một số người Kurd Syria liên minh với đảng Lao động người Kurd, một nhóm hoạt động bên trong Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara coi đây là một tổ chức khủng bố.

Đó chỉ là các thế lực quốc tế ở Syria, chưa tính đến các phe phái khác nhau giữa phe đối lập và trong chế độ. Vì vậy, tình hình Syria cho đến nay vẫn không ai dám chắc sẽ đi về đâu.

Vĩnh Đông
.
.
.