Syria - "canh bạc" của hai vị Tổng thống

Thứ Hai, 27/04/2020, 17:07
Từ sau khi quân đội Mỹ rút khỏi nước Cộng hoà Kurdishtan của người Kurd ở miền Bắc Syria, cư dân Kurd đang phải đối mặt với quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng phiến quân Hồi giáo khác. Thế nhưng, quân đội Dân chủ Syria của người Kurd lại không hề bị đơn độc.


Bởi lẽ, họ đang có được một sự hỗ trợ rất tích cực từ phía liên quân của Nga và quân đội nhà nước Syria do Tổng thống Bassar al-Assad lãnh đạo. Tình hình chiến sự đang diễn ra vô cùng căng thẳng, phức tạp giữa các bên tại tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của người Kurd.

Tổng thống Putin và tổng thống Bassar al-Assad (thứ hai và ba từ phải sang) quan sát một cuộc duyệt binh của liên quân Syria - Nga.

Nhưng cuộc chiến chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh đó mà thôi. Đằng sau những cánh cửa đóng kín, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng ngoại giao để tìm cách kết thúc cuộc chiến này. Vì lẽ, cả Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đều có những lý do, toan tính với những đường hướng riêng của mình để đem đặt lên bàn hội nghị. 

Tổng thống Vladimir Putin

Mục tiêu của Nga tại Syria khá là rõ ràng: Nếu để cho tỉnh Idlib rơi vào tay các lực lượng Thổ Nhỹ Kỳ thì không những đồng minh của Nga, Tổng thống Syria Bassar al-Assad sẽ lập tức mất đi lãnh thổ của nước mình mà hơn thế, Nga sẽ còn phải chịu một thất bại về mặt địa chính trị trước Mỹ. Tuy vậy, từ một góc độ khác, cuộc chiến tại miền Bắc Syria còn có ảnh hưởng đến nền đối nội của nước Nga hiện nay. 

Ở một khía cạnh nào đó, ông Putin rất quan tâm đến việc liệu cuộc chiến ở Syria có làm giảm uy tín của mình với cử tri Nga không. Bằng chứng là trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Đài Truyền hình TASS, Tổng thống Putin tuyên bố: "Chúng ta không bắn súng vào ai ở Syria cả. Điều chúng ta đang làm ở Syria là tạo ra điều kiện để không bên nào bắn súng vào nhau hết!".

Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ lăn bánh đến thành phố Idlib, nơi giao tranh với quân đội người Kurd đang diễn ra quyết liệt.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Putin cũng đề cập ít nhiều tới câu chuyện nguồn ngân sách Quốc phòng của nước Nga đang giảm, trong khi ở Mỹ thì lại tăng. So sánh này liên quan trực tiếp đến mối lo về ngân sách của cử tri Nga. Từ năm 2012, ngân sách của Nga đã chịu nhiều thiệt hại từ lệnh cấm vận của Mỹ, và hiện nay còn phải đối mặt với đại dịch COVID-19 nữa. Chỉ cần có tin tức rằng, chính quyền không có đủ nguồn vốn để đối phó với đại dịch COVID-19 thôi cũng sẽ đủ khiến xã hội Nga trở nên bất ổn.

Thế nhưng cũng vì lý do chi phí mà ông Putin muốn sớm kết thúc cuộc chiến ở Syria. Chi phí về người và tiền của mà Nga phải chịu ở Syria là không hề nhỏ và lại càng khiến chính quyền Putin thêm quyết tâm giành chiến thắng về tay Tổng thống Bassar al-Assad bằng cách lấy lại quyền kiểm soát tỉnh Idlib. 

Vì lý do ngân sách và quyền lực địa chính trị nói trên mà khả năng Quân đội Nga đối đầu trực tiếp với các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ là khá thấp. Ông Anthony Skinner, Giám đốc của Viện Nghiên cứu rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft (Anh) cho biết: "Ông Putin cũng có động cơ sử dụng các công cụ ngoại giao mạnh như ông Erdogan vậy… Nga muốn bảo vệ quan hệ đồng minh với cả Syria lẫn Thổ Nhĩ Kỳ!". 

Điều kiện mà ông Putin có thể đặt lên trên bàn đàm phán là toàn bộ các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ rút ra khỏi phần lãnh thổ phía Tây sông Euphrates mà họ đang kiểm soát. Quân đội Chính phủ Syria sau đó sẽ tiến vào khu vực này để tái lập lại quyền kiểm soát của mình. Nhiều khả năng lực lượng người Kurd sẽ bị Damacus đặt ra rìa, nhưng cũng có thể là ông Putin sẽ can thiệp để Chính phủ Kurdishtan có một tiếng nói theo đúng thoả thuận mà họ đã ký với ông al-Assad từ trước đó.

Về lâu dài, ông Putin có vẻ như không mong muốn một nước Cộng hoà người Kurd hoàn toàn độc lập, mà thay vì đó người Kurd sẽ có khu vực tự trị của riêng mình. Chiến thắng của Tổng thống Nga khi đó là tình hình biên giới Syria -Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại ổn định, và Nga đặt được hai chân - một ở Syria, một ở Thổ Nhĩ Kỳ - tại khu vực Tây Á. 

Tổng thống Tayyip Erdogan

Từ khi xảy ra cuộc nội chiến Syria, đã có khoảng 5,6 triệu người dân của quốc gia này dù không muốn cũng buộc phải rời bỏ nhà cửa để đi tị nạn. Hầu hết những người đó đều đến Thổ Nhĩ Kỳ, và sau khi trừ đi những trường hợp đã sang được châu Âu, hiện Thổ Nhĩ Kỳ là "ngôi nhà chung" của hơn 3,6 triệu người tị nạn Syria. Với tiềm lực kinh tế thực có của mình, Thổ Nhĩ Kỳ gần như không có đủ mọi khả năng để hỗ trợ cho nhiều người tỵ nạn Syria đến vậy. Bởi thế cho nên, một trong những cái cách mà ông Erdogan nghĩ ra để giải quyết vấn đề người tị nạn là xây dựng một khu tái định cư cho họ ở trên lãnh thổ của người Kurd.

Tổng thống Erdogan cầm trên tay tấm bản đồ về kế hoạch tái định cư cho dân trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Chi tiết kế hoạch xây dựng khu định cư đã được ông Erdogan trình bày trước Đại hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 11 năm ngoái, chỉ vài tuần trước khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân vào Kurdishtan. Theo kế hoạch này Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây dựng khoảng 140 ngôi làng trong một dải đất dài 20 dặm chạy dọc biên giới nước này và Syria. Sẽ có khoảng một triệu người tị nạn Syria được chuyển đến sống trong những ngôi làng này. Tổng chi phí của dự án này dự tính vào khoảng 26 tỷ USD. 

Mục đích chính khiến ông Erdogan trình bày kế hoạch này trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là nhằm kêu gọi tiền tài trợ từ các quốc gia khác. Vị Tổng thống đó còn có nhiều lần ẩn ý khi bóng gió rằng, nếu Liên minh châu Âu không tài trợ cho dự án trên, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng mở cửa biên giới để người tị nạn Syria tràn vào các quốc gia thành viên EU. 

Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang từng ngày từng giờ chậm lại vì đại dịch COVID-19, yêu sách  nói trên của Tổng thống Erdogan khó mà nhận được sự đồng thuận của EU. Đấy còn là chưa kể sự phản đối của các đảng chính trị cấp tiến và tổ chức hoạt động nhân quyền ở phương Tây nữa.

Các ngành công nghiệp và dịch vụ của Thổ Nhĩ Kỳ đều đang trong tình trạng đình trệ vì virus COVID-19. Trong khi đó thì virus COVID-19 lại có điều kiện để lây truyền, một phần vì số người di cư thiếu nơi định cư ổn định hiện ở mức quá cao - hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ đã có hơn 15.679 ca mắc COVID-19 và 277 người chết vì thứ virus quái ác đó. Trong khi đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang rất thiếu nguồn vốn để đối mặt với đại dịch, mà lại còn phải chịu chi phí duy trì quân đội của mình ở Syria. Hoàn toàn có khả năng cuộc chiến và đại dịch sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào tình trạng phá sản về mặt kinh tế.

Theo những nguồn thông tin chính thức thì, cho tới thời điểm này, lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chưa từng một lần nổ súng vào các lực lượng Nga. Tuy vậy, có những dấu hiệu cho thấy vào cuối tháng 2 vừa qua, phiến quân Hồi giáo do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã bắn rocket vào máy bay Nga cất cánh từ căn cứ Khmeimim. Không quân Nga sau đó đã đánh trả bằng việc ném bom một đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trên đường đến Idlib, khiến cho 55 binh lính thiệt mạng. Có tin rằng sau đó Mat-xcơ-va đã từ chối yêu cầu mở không phận của Ankara để máy bay Thổ Nhĩ Kỳ chuyển binh lính bị thương về hậu phương.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp thượng đỉnh về Syria.

Cũng phải nói thêm về mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng phiến quân Hồi giáo đang chiến đấu với người Kurd ở Idlib. Vào khoảng giữa năm 2011, khi mà phong trào biểu tình Mùa xuân Arab đang ở hồi cao trào, Ankara đã gửi một phái đoàn dẫn đầu bởi bộ trưởng ngoại giao Ahmet Davutodlu đến Damacus. Họ cố gắng thuyết phục ông Assad thuận theo một số yêu sách của người biểu tình, và tuy phái đoàn này đã thất bại, việc Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra thân thiết với các lực lượng đối lập ở Syria đã thể hiện ra rõ.

Đến khi nội chiến xảy ra, ngoài việc tham gia liên minh chống chính quyền ông al-Assad do Mỹ dẫn đầu, Thổ Nhĩ Kỳ còn tự mình tài trợ cho một số lực lượng phiến quân Hồi giáo ở miền Bắc Syria. Chính những lực lượng này, mà tiêu biểu nhất là nhóm Quân đội Syria tự do (FSA), đã đóng vai trò tiền quân của Thổ Nhĩ Kỳ. Sai lầm của ông Erdogan ở đây là coi nhẹ sự cực đoan của phiến quân Hồi giáo do mình hậu thuẫn. Ngay sau khi chiếm được một số thị trấn ở Kurdishtan, FSA đã tiến hành mở cửa nhà tù thả quân khủng bố ISIS, đồng thời thực hiện nhiều vụ bắt cóc và ám sát các lãnh đạo của người Kurd.

Ngoài việc phải đối mặt với áp lực của dư luận thế giới vì những hành động tàn bạo do FSA tiến hành, Thổ Nhĩ Kỳ còn phải đối mặt với những tên khủng bố ISIS được trả tự do. Ngoài một số chạy sang Palestine, Iraq và Lebanon, những tên khủng bố cũng có thể qua Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục hoạt động hoặc tìm cách xâm nhập châu Âu. Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã - đang phải đối mặt với làn sóng khủng bố nội địa, mà nay lại phải đối mặt thêm với những thành viên có kinh nghiệm của ISIS. Dự báo rằng trong những tháng tới, tình hình an ninh tại quốc gia này sẽ trở nên vô cùng bất ổn.

Toan tính và hành động

Trong chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Putin vào ngày mùng 5 tháng 3 vừa qua, ông và Tổng thống Erdogan đã có cuộc họp kín bàn thảo về Syria. Theo thông cáo báo chí thì, ông Erdogan đã đề xuất thành lập một vùng phi quân sự dài khoảng 6km ở hai bên con đường cao tốc M4 để ngăn cách quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân Syria.

Để Nga chấp nhận kế hoạch trên, ông Erdogan đang sử dụng các giếng dầu ở miền Bắc Syria làm vật trao đổi. Ông Erdogan đã phát biểu trước các phóng viên sau cuộc họp kín như sau: "Qamishli và Deir ez-Zor là hai khu vực rất giàu dầu mỏ… Tôi đã đề nghị với Tổng thống Vladimir Putin rằng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng nguồn thu dầu mỏ để tái thiết lại miền Bắc Syria và đặt dấu chấm hết cho cuộc nội chiến của họ!".

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra gần biên giới với Syria.

Có một điều kỳ lạ ở đây là ông Putin có vẻ như đã tỏ ra chần chừ trước đề nghị nói trên của Tổng thống Erdogan. Các nhà quan sát từ lâu đã cho rằng Nga có kế hoạch cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có một sự hiện diện quân sự trên đất Syria, và đổi lại Ankara phải ngừng chiến dịch đánh chiếm Syria của mình lại. Nhưng nếu đúng là như thế thì đáng lẽ ra ông Putin đã phải đồng ý với kế hoạch nói trên ngay lập tức?!

Đây là lúc bản lĩnh ngoại giao của vị Tổng thống Nga lộ ra. Ông Putin đã nhận ra rõ rằng: ông Erdogan chỉ đang muốn cố gắng kéo dài thời gian! Giả dụ Nga chấp nhận đề nghị của ông Erdogan, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngay lập tức tập trung lực lượng tiêu diệt quân đội của người Kurd, và liền ngay sau đó là việc bắt tay vào kế hoạch xây dựng khu tái định cư đã nói đến ở trên. Dĩ nhiên là ông Putin hoàn toàn không thể để người Kurd lẫn Syria mất đi một phần chủ quyền lãnh thổ của mình như vậy được.

Ở phía bên kia, ông Erdogan đang rất mong ngóng việc Nga có thể thuyết phục Tổng thống al-Assad chịu ngồi vào bàn đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên do khiến cho kế hoạch này khó đạt được thành công là do đã bị Ankara "bắt bài". Từ nhiều tháng nay ông Bassar al-Assad, dưới sự cố vấn của Nga, đã tìm cách hàn gắn mối quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh như Bahrain và Arab Saudi, đồng thời ra nhiều tuyên bố chỉ trích hành động của Thổ Nhĩ Kỳ và coi nước láng giềng như một mối nguy đối với cả thế giới Hồi giáo. Rất có thể nhờ thế mà Syria sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp của các quốc gia vùng Vịnh để tự mình thực hiện quá trình tái thiết mà "dửng dưng" không cần quan tâm đến Thổ Nhĩ Kỳ.

*

Hai vị Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi một ván cờ, mà bàn cờ là Syria và phần thưởng là tương lai của quốc gia này. Syria đang đứng trước thềm kết thúc cuộc nội chiến đã kéo dài gần chín năm, nhưng câu hỏi hiện nay là: ai sẽ là người chính thức cầm cây bút ký vào văn bản để kết thúc cuộc chiến lẽ ra không đáng có này đây?! Với tình hình hiện nay thì nhiều khả năng người đó sẽ là ông Putin. 

Tuy vậy, tình hình chiến sự hiện giờ tại đất nước Syria lại đang diễn tiến quá nhanh và hết sức khó lường cho nên, khó có bất cứ nhà quan sát chính trị nào trên thế giới lại đủ tự tin mà cho rằng: ván cờ giữa Tổng thống Putin và ông Erdogan đã đi đến hồi kết!.

LÊ CÔNG VŨ (tổng hợp)
.
.
.