Syria trong vòng xoáy tranh giành

Thứ Sáu, 23/08/2019, 17:08
Bất chấp cảnh báo từ Nga, Iran và các đồng minh khác ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua đang tìm cách thoả thuận với Mỹ và tiếp tục hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở Syria chống lại quân đội chính phủ Syria tại tỉnh Idlib. Điều này đẩy cuộc nội chiến kéo dài hơn 8 năm qua ở Syria sang một hướng mới với ảnh hưởng không nhỏ từ sự tranh giành quyền lợi giữa các quốc gia.


Chiến sự ác liệt

Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOH) và các nhà hoạt động địa phương hôm 20-8 cho hay, lực lượng nổi dậy ở Syria đã tháo chạy khỏi thị trấn phía Nam tỉnh Idlib, phía Tây Bắc Syria khi quân đội Chính phủ Syria với sự hỗ trợ của quân đội Nga tấn công khu vực này.

Đây được coi là thắng lợi quan trọng của Tổng thống Bashar al-Assad vì thị trấn ở tỉnh Idlib là thành trì cuối cùng của quân đội nổi dậy ở Syria. Trên đà thắng lợi, quân đội Chính phủ Syria còn tiếp tục giành nốt quyền kiểm soát ở Khan Sheihkoun, các thị trấn phía Bắc tỉnh Hama như Latamneh và Kafr Zeita…

Các chiến binh Quân đội Syria tự do (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Afrin, phía Tây Bắc Syria.

Quá lo lắng, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều ngay 50 thiết giáp gồm cả xe tăng và xe chiến đấu chở binh sĩ cùng nhiều đạn dược sang giúp phiến quân Idlib. Hãng tin SANA viết: "Ankara đang hỗ trợ những nhóm khủng bố này. Hãng tin Trung Đông Southfront đã đăng tải đoạn video ghi lại cảnh đoàn xe thiết giáp này xuất hiện gần Khan Sheihkoun, tiến vào lãnh thổ Syria qua thị trấn Saraqeb ở phía Đông Idlib. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã xác nhận việc triển khai các loại xe thiết giáp".

Cũng theo hãng tin này, Thổ Nhĩ Kỳ từng cảnh báo về việc thực hiện các hoạt động quân sự ở phía Đông sông Euphrates nhưng sau đó tạm dừng chiến dịch vì thoả thuận với Mỹ thiết lập vùng an toàn tại Đông Bắc Syria, dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vẫn nhấn mạnh việc tiêu diệt khủng bố tại miền Bắc Syria là ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và nước này sẽ tiến hành giai đoạn tiếp theo của chiến dịch quân sự tại Syria…

Thậm chí, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu còn khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ không rút quân khỏi các trạm quan sát ở miền Nam Idlib thuộc phía Bắc Syria. "Ngay bây giờ, chúng tôi không có ý định đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện công việc của mình. Các biện pháp quân sự và an ninh cần thiết cũng đã được tiến hành. Lực lượng vũ trang Damascus chớ nên đùa với lửa. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để đảm bảo an toàn cho lực lượng của chúng tôi", ông Mevlut Cavusoglu nói.

Đáp lại những động thái của chính quyền Ankara, Damascus khẳng định việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai một đoàn xe tiến về thị trấn trọng yếu ở khu vực Tây Bắc không ảnh hưởng đến quyết tâm truy quét các phần tử khủng bố, nổi dậy ở Khan Sheikhoun, Idlib và các khu vực khác. Ngược lại, Syria còn được cho là đã nã hàng chục quả pháo vào tuyến đường mà đoàn xe Thổ Nhĩ Kỳ đi qua.

Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tiến về phía biên giới Syria.

Ankara lên án việc sử dụng máy bay để tấn công vào đoàn xe và cho rằng cuộc không kích này trái với các thoả thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Thế nhưng, Syria và Nga vẫn không xuống nước mà còn đưa ra tối hậu thư cho Thổ Nhĩ Kỳ về trách nhiệm của nước này trong Idlib bằng việc rút các vũ khí hạng trung, hạng nặng và binh sĩ khỏi khu phi quân sự 20km, nếu không sẽ tiếp tục tấn công…

Theo các nhà phân tích, dù tối hậu thư không đề cập đến điểm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ là Morek nhưng việc quân đội Syria thiết lập toàn quyền kiểm soát Khan Sheikhoun, kiểm soát đường cao tốc Damascus-Aleppo, đồi Nimr, tháp nhà điều hành di động Syriatel, Wadi al-Fatal… đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đến bước đường cùng.

Mưu đồ nhập nhằng

Trên thực tế, quân đội Syria với sự hỗ trợ của Nga đã khởi động chiến dịch chống khủng bố và phiến quân ở Idlib từ đầu tháng 5. Damascus hiện giành lại nhiều khu vực chiến lược ở Idlib và tỉnh Hama lân cận. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại việc quân đội Syria giải phóng khu vực này sẽ làm giảm ảnh hưởng của nước này nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa Ankara và người Kurd (chủ yếu sinh sống ở ngã ba biên giới Thổ Nhĩ Kỳ- Syria-Iraq) ngày càng bị khoét sâu.

Trước đây, Nga từng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp các hoạt động quân sự tại Syria. Kế hoạch này không chỉ nhằm đối phó với hoạt động trái phép của các nước thứ ba trên lãnh thổ Cộng hòa Arab mà còn giúp quân đội Nga tránh khỏi những cuộc tấn công của phiến quân Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, Ankara lại hoàn toàn phớt lờ các yêu cầu của Moscow và quay sang tích cực thúc đẩy hợp tác độc quyền với Mỹ tại Syria mà cụ thể là thành lập một Trung tâm hoạt động chung tại Syria.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng Trung tâm hoạt động chung của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chỉ lên kế hoạch hoạt động mà còn phối hợp các lực lượng để hình thành một "khu vực an ninh" ở miền Bắc Syria. "Giọt nước tràn ly", chính động thái này của Ankara đã khiến Damascus và Moscow vốn coi Thổ Nhĩ Kỳ là "đối tác không đáng tin cậy", nay trở thành "đối đầu".

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 19-8, Bộ Ngoại giao Syria khẳng định đoàn xe của Thổ Nhĩ Kỳ "được nạp đạn và vũ khí" nhằm mục đích giúp đỡ những kẻ khủng bố bị đánh bại của Mặt trận Nusra, một chi nhánh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda hiện được gọi là Jabhat Fateh al-Sham tại Khan Sheikhoun và rằng "Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hậu quả của sự vi phạm trắng trợn chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria".

Đánh giá về những sự việc liên tiếp diễn ra giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua, hãng tin The New York Times cho rằng, ngay từ ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò bất ổn đe dọa Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ủng hộ một cuộc nổi loạn của người Hồi giáo Arab Sunni chống lại nhà lãnh đạo này. Iran, một đồng minh thân cận của ông Bashar al-Assad, bắt đầu huy động lực lượng, phần lớn là các đặc nhiệm Hồi giáo Shiite được giao nhiệm vụ củng cố quân đội Syria đang bị bao vây.

Nhưng động lực của cuộc xung đột đã thay đổi đáng kể với sự tham gia của Nga, buộc Thổ Nhĩ Kỳ ngồi vào bàn đàm phán ba bên với hai đồng minh của Tổng thống Syria nhất là khi một phe đối lập Hồi giáo mất sự kiểm soát vùng lãnh thổ và sự hỗ trợ quốc tế từ Mỹ cùng các đồng minh khu vực.

Cũng trong khoảng thời gian này, Lầu Năm Góc chính thức liên minh với một nhóm chủ yếu là người Kurd được gọi là Lực lượng Dân chủ Syria chủ yếu là người Kurd (SDF). Tổ chức này bị Thổ Nhĩ Kỳ phản đối do mối quan hệ chặt chẽ của họ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm. "Với việc nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bại, Ankara  thấy mình ở giữa tầm nhìn cạnh tranh của Washington và Moscow đối với Syria nên đã cố gắng thúc đẩy lợi ích của chính mình. The New York Times nhận định.

Trong khi đó, tờ Moscow Times của Nga lại cho rằng, một khi Thổ Nhĩ Kỳ vào các khu vực do người Kurd nắm giữ ở phía Đông Bắc Syria, Nga có thể được trao quyền làm trung gian thỏa thuận giữa người Kurd và chính phủ Syria.

Bởi lẽ, theo Moscow Times, "Thổ Nhĩ Kỳ coi SDF và chi nhánh của nó, Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), là phần mở rộng của PKK và đã nhiều lần cho biết kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công quân sự chống lại YPG tại một số vùng đất ở phía Đông Bắc Syria dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. YPG đã tạo thành xương sống của liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại ở Syria.

Nga tin rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ cho các nhóm đối lập Syria đã góp phần tiếp tục can thiệp nước ngoài vào Syria. Nga cũng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Idlib, vùng đất nổi dậy cuối cùng ở nước này, nơi các cuộc đụng độ vũ trang giữa các nhóm thánh chiến và lực lượng Syria do Nga hậu thuẫn đã leo thang kể từ tháng 4. Và có vẻ như sự khởi đầu của hoạt động quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế có thể mang lại lợi ích cho Moscow.

Một khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc tấn công và người Mỹ không thể cung cấp thêm vỏ bọc, người Kurd có thể quay sang Nga, trao quyền cho Moscow cố gắng tạo điều kiện cho một nỗ lực khác trong một mối quan hệ giữa người Kurd và chính quyền Tổng thống Bashar al -Assad. Hồi trung tuần tháng 8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng đã cho biết Moscow ủng hộ đối thoại giữa Damascus và chính quyền người Kurd ở phía Bắc và phía Đông của nước này".

Tuy nhiên, vẫn còn hai ẩn số quan trọng. Thứ nhất, Mỹ sẽ thấy vai trò của chính mình trên mặt đất như thế nào trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công? Thứ hai, người Kurd và Damascus có thể phá vỡ tiền lệ và chứng minh rằng họ có thể vượt qua những bất đồng và đạt được thỏa thuận hay không?

Trước khi Syria xảy ra nội chiến, Thổ Nhĩ Kỳ vốn có mối quan hệ tương đối thân thiện với Syria. Nhưng từ năm 2011, chính quyền Ankara bắt đầu lên án Tổng thống Syria Bashar Assad và sau đó gia nhập với liên minh các quốc gia khác yêu cầu ông này từ chức. Tiếp đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã huấn luyện những người đào thoát khỏi quân đội Syria trên lãnh thổ của mình và vào tháng 7 năm 2011, nhóm này tuyên bố sự ra đời của tổ chức Quân đội Syria Tự do (FSA), dưới sự giám sát của tình báo Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 10 năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho nhóm này một khu vực an toàn và một căn cứ hoạt động.

Cùng với Arab Saudi và Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cung cấp cho phiến quân vũ khí và các thiết bị quân sự khác. Căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên tồi tệ hơn sau khi lực lượng Syria bắn hạ một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6 năm 2012 và các cuộc đụng độ biên giới nổ ra vào tháng 10 năm 2012. Ngày 24 tháng 8 năm 2016, các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu một cuộc can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria với tuyên bố là theo đuổi mục tiêu tiêu diệt IS và các lực lượng phiến quân liên kết với người Kurd ở Syria.

Khánh Chi
.
.
.