TU - 160 “Blackjack” bóng ma trên bầu trời Bắc Mỹ

Thứ Ba, 20/03/2012, 15:46

Nga và Mỹ là hai siêu cường quân sự, không chỉ về lục, thủy quân mà cả không quân với nhiều loại máy bay ném bom chiến lược, trong đó máy bay ném bom siêu âm hạng nặng Tu-160 Balckjack nổi tiếng với việc ném bom với khối lượng lớn ở tầm xa, phá hủy những mục tiêu quân sự chủ chốt, cơ sở hạ tầng quan trọng của đối phương và trở thành nỗi kinh hoàng trên bầu trời quân sự Bắc Mỹ.

Thế chiến II kết thúc, thế giới lại rơi vào tình trạng xung đột chính trị, căng thẳng quân sự và cạnh tranh kinh tế. Tâm điểm là Liên bang Xô viết và các quốc gia vệ tinh của nó, với các cường quốc thuộc thế giới phương Tây, gồm cả Hoa Kỳ. Dù các lực lượng tham gia chủ yếu không bao giờ chính thức xung đột, họ đã thể hiện sự xung đột thông qua các liên minh quân sự, những cuộc triển khai lực lượng quy ước chiến lược, chạy đua vũ trang hạt nhân, tình báo, chiến tranh ủy nhiệm, tuyên truyền, và cạnh tranh kỹ thuật, trong đó có cuộc chạy đua không gian.

Năm 1945, khi cuộc chiến tranh thế giới lần 2 đang ở vào giai đoạn quyết định. Phát xít Đức đã đầu hàng. Phát xít Nhật dốc toàn bộ sức tàn ra chống đỡ. Những cuộc tấn công của quân Đồng minh, mà chủ yếu là Mỹ vào lãnh thổ Nhật Bản đang được triển khai trên toàn bộ các mặt trận. Trên biển, các tàu sân bay của Nhật liên tục bị nhấn chìm. Trên bộ, quân Nhật bị đẩy lui khỏi các vị trí phòng thủ. Lãnh thổ Nhật, đặc biệt là các thành phố lớn, các vị trí quân sự, nhà máy bị không quân Mỹ oanh kích dữ dội.

Trong một cuộc oanh kích tầm xa, bốn chiếc siêu pháo đài bay B-29 của Mỹ đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống lãnh thổ Xô viết do hết nhiên liệu. Đây là lần đầu tiên giới quân sự Xô viết được tận mắt nhìn thấy những chiến đấu cơ khổng lồ mang tính chiến lược quan trọng đến như vậy. Ngay lập tức Andrei Nikolayevich Tupolev, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học, Tổng công trình sư về chế tạo máy bay của Liên bang Xô viết nhận được lệnh nghiên cứu và phát triển một loại máy bay tương tự. Những chiếc B-29 nhanh chóng được văn phòng thiết kế của ông mô phỏng và hình thành nên loại máy bay ném bom chiến lược liên lục địa đầu tiên của Xô viết. Chiếc Tu-4 “Bull”.

Sau hai năm nghiên cứu, chế tạo Tupolev đã cho ra đời chiếc Tu-4 “Bull” và cất cánh lần đầu tiên vào năm 1947. Ngay sau đó nó đã được sản xuất với với số lượng đáng kể. Tu-4 là kiểu riêng biệt trong giai đoạn phát triển thời hậu chiến của Tupolev, nhiều chiếc máy bay quan trọng thời gian sau này có đặc tính kỹ thuật trái ngược với máy bay của Mỹ.

Trong nhiều thập kỷ sau thế chiến 2, Tupolev và các cộng sự của ông đã cho ra đời rất nhiều các thế hệ máy bay Tu và có nhiều biến thể khác nhau gồm cả máy bay quân sự và dân sự.

Đến thập kỷ 1980, Alexei Andreyevich Tupolev, con trai của nhà thiết kế hàng không vĩ đại A.N.Tupolev. Nối tiếp nghiệp cha A. A. Tupolev đã phát triển loại máy bay ném bom siêu âm chiến lược hạng nặng Tu-160 “Blackjack”. Đặc điểm chính của nó là cánh biến đổi, như cách gọi dân dã người ta thường gọi nó là máy bay cánh cụp cánh xòe. So sánh về mặt kỹ thuật thì Tu-160 có nhiều tính năng tốt hơn so với các đối thủ phương Tây như Rockwell B-1B Lancer.

Tu-160 “Blackjack” là bản thiết kế máy bay ném bom chiến lược cuối cùng của Liên Xô và là máy bay chiến đấu lớn nhất từng được chế tạo. Được đưa ra giới thiệu từ năm 1987, nhưng đến nay việc chế tạo máy bay này vẫn đang tiếp tục, với 14 chiếc hiện đang phục vụ trong Không quân Nga.

May bay siêu âm ném bom hạng nặng

Tupolev nhận được yêu cầu thiết kế loại máy bay siêu âm ném bom chiến lược hạng nặng này khi người Mỹ đang bắt đầu thực hiện dự án XB-70 vào năm 1967.

Theo như yêu cầu thì Tupolev sẽ phải thiết kế một chiếc máy bay có tốc độ bay vượt Mach3, để đối đầu với loại XB-70 Valkyrie của Mỹ. Sau khi nghiên cứu và tính toán khả năng thực hiện dự án, Tupolev nhận thấy khả năng chế tạo một chiếc máy bay như vậy không khả thi vì quá đắt và khó chế tạo. Sau các báo cáo của Tupolev, các tiêu chuẩn của nó được hạ thấp xuống. Trong khi đó, tại Mỹ dự án XB – 70 sản xuất loại máy bay tương tự đã bị hủy bỏ vì không thể thực hiện.

Năm 1972, Liên bang Xô viết đưa ra dự án về một loại máy bay ném bom đa nhiệm vụ mới với các tính năng: siêu âm, thay đổi hình dạng cánh (máy bay ném bom hạng nặng "cánh cụp cánh xoè") với tốc độ tối đa lên tới Mach 2.3, để cạnh tranh với dự án máy bay ném bom B-1 của Không quân Hoa Kỳ. Phòng thiết kế của Tupolev đưa ra mẫu thiết kế có cánh kéo dài với tên hiệu Aircraft 160M, kết hợp một số yếu tố của loại Tu-144, để cạnh tranh với các bản thiết kế của Myasishchev M-18 và Sukhoi T-4. Thiết kế của Myasishchev đề xuất một máy bay có thể thay đổi hình dạng cánh, được coi là kiểu thành công nhất, dù Tupolev được đánh giá cao về khả năng thực hiện dự án. Cuối cùng, năm 1973 Tupolev được chỉ định làm công ty phát triển loại máy bay mới dựa trên thiết kế của Myasishchev.

Dù dự án B-1A của Mỹ đã bị bãi bỏ năm 1977, nhưng công việc phát triển loại máy bay ném bom mới của Liên Xô vẫn tiếp tục, và cùng trong năm đó, thiết kế của nó đã được ủy ban nhà nước chấp nhận. Mẫu của loại máy bay này đã được một hành khách trên một chuyến bay thương mại chụp ảnh tại sân bay Zhukovski vào tháng 11/1981, khoảng một tháng trước khi chuyến bay đầu tiên của nó diễn ra vào ngày 18/12/1981. Năm 1984 Tu-160 “Blackjack” được phép sản xuất, bắt đầu tại Tổ hợp hàng không Kazan.

Đội bay: 4 người. Chiều dài: 54,1 m. Chiều cao: 13,1 m. Sải cánh: 55,7 m. Diện tích bề mặt cánh: 400 m². Trần bay tác chiến: 15.000 m. Tầm bay tác chiến: 14.000 km. Tốc độ tối đa: 2.220 km/h. Trọng lượng vũ khí tối đa: 40 tấn. Loại máy bay này ban đầu được dự kiến sản xuất 100 chiếc, dù trên thực tế mới chỉ có 35 chiếc xuất xưởng, gồm cả ba mẫu. Mẫu thứ hai đã bị phá hủy trong một chuyến bay thử nghiệm năm 1987, tổ lái đã nhảy dù thoát an toàn. Vì thiếu vốn nên hoạt động chế tạo diễn ra chậm chạp, và đã ngừng lại năm 1994, dù một số chiếc vẫn ở tình trạng chưa hoàn thành.

Đạt kỷ lục thế giới

Tu-160 được giới thiệu trước công chúng lần đầu tiên trong một cuộc duyệt binh năm 1989. Trong những năm 1989-1990 nó cũng đã lập ra 44 kỷ lục thế giới về tốc độ đối với máy bay ở hạng trọng lượng của nó. Việc phân chia loại máy bay này về các phi đội Không quân tầm xa đã bắt đầu từ tháng 4/1987. Tới năm 1991, 19 chiếc phục vụ trong Trung đoàn Ném bom Hạng nặng Cận vệ 184 ở Pryluki, Cộng hòa XHCN Ukraina, thay thế những chiếc Tu-16 'Badger' và Tu-22M3 'Backfire'.

Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, những máy bay đó trở thành tài sản của Ukraina, dù một thỏa thuận năm 1999 giữa Nga và Ukraina dẫn tới việc Ukraina trao trả lại cho Nga tám chiếc để đổi lấy việc Nga giảm bớt số nợ về năng lượng của Ukraina. Ukraina đã chính thức từ bỏ vũ khí hạt nhân để đánh đổi số nợ theo một thỏa thuận về việc giải tán Liên Xô, nên đã phá hủy những chiếc Blackjack thuộc sở hữu của họ, ngoại trừ một khung máy bay nhằm mục đích trưng bày.

Đơn vị Tu-160 thứ hai của Nga, Trung đoàn Ném bom Hạng nặng Cận vệ 121 đóng tại Engels, được thành lập năm 1992, nhưng cho tới năm 1994 nó chỉ nhận được 6 chiếc. Từ năm 1999 đến 2000, 8 chiếc của Ukraina trước kia đã được trao cho trung đoàn, một chiếc nữa được hoàn thiện trong nhà máy và được chuyển giao năm 2000. Ít nhất một chiếc đã bị mất trong một chuyến bay thử sau khi sửa chữa động cơ ngày 16/9/2003.

Có 14 chiếc Tu-160 đang phục vụ ở thời điểm tháng 11/2005. Hai chiếc khác mới sản xuất đang sắp hoàn thành ở Nhà máy hàng không Kazan, một chiếc đưa vào sử dụng tháng 3/2006, chiếc kia vào cuối năm 2006.

Năm 2001, sáu chiếc Tu-160 khác được dùng làm máy bay thực nghiệm ở Zhukovski, bốn chiếc trong số đó vẫn sử dụng được. Hoàn thành thêm 2 chiếc nữa trong năm 2007, nâng tổng số máy bay hoạt động lên 30 chiếc vào năm 2012. Ngày 30/12/2005, theo sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tu-160 chính thức được đưa vào sử dụng trong Không quân Liên bang Nga.

Ngày 17 tháng 8 năm 2007, Tổng thống Putin tuyên bố nước Nga tiếp nối những chuyến tuần tra thời Chiến tranh lạnh, cho những chiếc máy bay ném bom thực hiện những chuyến bay tầm xa nhằm thử nghiệm hệ thống phòng thủ của các nước khác và quan sát. Người phát ngôn Không quân Nga Alexander Drobyshevsky được trích dẫn đã nói: "Hiện nay, nhiều cặp máy bay Tu-160 và Tu-95MS đang trên không phận Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, và được theo dõi bởi máy bay của khối Nato."

Sức mạnh vượt trội

Tu-160 rất giống với loại B-1B Lancer của Bắc Mỹ dù nó lớn hơn và bay nhanh hơn khá nhiều tuy độ cao trần thấp hơn hẳn (15.000 m so với 18.000 m của B-1). Blackjack có cùng kiểu cánh hỗn hợp và thay đổi hình dạng, với góc nghiêng tùy chọn từ 20° tới 65°. Phía trước và sau cánh có các tấm cánh lái (slat - flap). Tu-160 có hệ thống kiểm soát fly-by-wire.

Blackjack sử dụng bốn động cơ phản lực cánh quạt đẩy đốt hai lần NK-32, loại động cơ mạnh nhất từng được lắp cho máy bay chiến đấu. Không giống như loại B-1B, vốn đã loại bỏ yêu cầu tốc độ Mach 2+ của loại B-1A nguyên bản, nó giữ các cửa hút gió biến đổi, và có thể bay hơi nhanh hơn Mach 2.

Tu-160 được trang bị một hệ thống nạp nhiên liệu trên không cho phép tăng tầm hoạt động, dù nó hiếm khi được sử dụng bởi số lượng nhiên liệu nạp lớn lên tới 130 tấn, khiến không cần tái nạp nhiên liệu nó cũng có thể hoạt động 15 giờ.

Dù Tu-160 được thiết kế để giảm khả năng bị cả radar và các hệ thống hồng ngoại phát hiện, nó không phải là một máy bay tàng hình. Các nguồn tin Nga tuyên bố rằng nó có diện tích phản hồi radar (RCS) nhỏ hơn chiếc B-1B, nhưng điều này chưa từng được kiểm định độc lập, và có lẽ là không đúng bởi vì chiếc Blackjack có cửa hút khí và diện tích cánh lớn hơn. Tuy nhiên, vào ngày 25/4/2006, Chỉ huy Igor Khvorov tuyên bố rằng, Tu-160 có khả năng xâm nhập bầu trời Bắc Mỹ mà không bị phát hiện, dẫn đến một cuộc điều tra của NATO.

Blackjack được trang bị một radar tấn công ("Obzor-K", NATO "Clam Pipe") trong một mái che máy radar chất điện môi hơi hướng lên trên, và một radar theo dõi mặt đất "Sopka" riêng biệt, khiến nó có chế độ bay hoàn toàn tự động theo địa hình ở độ cao thấp. Tu-160 có một máy ngắm ném bom điện quang, và các hệ thống phòng thủ điện tử (ECM) tích hợp chủ động và thụ động.

Đội bay Tu-160 gồm bốn người (phi công, phi công phụ, sĩ quan điều khiển các hệ thống vũ khí và người điều hành các hệ thống phòng vệ) với các ghế phóng K-36DM. Phi công sử dụng thanh điều khiển kiểu máy bay chiến đấu, nhưng các dữ liệu bay vẫn theo kiểu đồng hồ thông thường. Một khu vực nghỉ ngơi cho đội bay, một toilet và một bếp được thiết kế phục vụ cho những chuyến bay dài. Nó không có hệ thống hiển thị trên mũ bay, và cũng không có các thiết bị hiển thị CRT đa chức năng như trên máy bay nguyên bản, tuy nhiên các kế hoạch nhằm hiện đại hoá toàn bộ Tu-160 đã được thông báo từ năm 2003. Nó sẽ có thêm một hệ thống kiểm soát bay kỹ thuật số mới và khả năng mang các kiểu vũ khí mới khác, như các tên lửa hành trình tầm xa không mang đầu đạn hạt nhân.

Sức mạnh của Tupolev Tu-160 được thể hiện trong hai khoang vũ khí, mỗi khoang có thể chứa 20.000kg, mang các loại tên lửa hành trình có thể gắn đầu đạn hạt nhân, tên lửa có hướng dẫn tầm thấp, bom hạt nhân, bom thông thường, địa lôi và thuỷ lôi. Các loại vũ khí rơi tự do hay một máy phóng quay cho các tên lửa hạt nhân. Tu-160 không được trang bị các loại vũ khí phòng thủ, biến nó thành loại máy bay ném bom đầu tiên của Xô viết thời hậu chiến không được trang bị vũ khí.

Trong năm 2006, Không quân Nga nhận được 5 chiếc nâng cấp và 1 Tu-160 chiếc hoàn toàn mới. Mỗi năm Không quân Nga sẽ nâng cấp 5 chiếc Tu-160, có nghĩa là việc hiện đại hóa đội máy bay sẽ hoàn tất trong vòng 3 năm.

Hệ thống điện tử toàn kỹ thuật số, dự phòng nhiều lớp, chịu được bức xạ hạt nhân và nơ-tron. Hỗ trợ hoàn toàn việc lái và dẫn đường bằng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS. Động cơ NK-32 nâng cấp nhằm tăng độ tin cậy. Mang được tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân hoặc không hạt nhân (Kh-555) dẫn đường bằng GLONASS. Mang được tên lửa phóng vệ tinh dân dụng hay quân sự. Mang được bom dẫn đường bằng laser. Radar phát xạ tiên tiến xuyên qua được lớp ngụy trang.

Đại tướng Vladimir Mikhailov tuyên bố vào tháng 1/2007 rằng cứ mỗi 3 năm không quân sẽ nhận 2 máy bay Tu-160 mới, và sẽ bắt đầu một chương trình mới nâng cấp hệ thống điện tử trên đội máy bay 16 chiếc ném bom hiện có.

Tupolev Tu-160 được thiết kế để phóng các loại vũ khí hạt nhân và thông thường, chống những mục tiêu của đối phương ở những khu vực xa xôi. Nhưng không giống như loại máy bay tương đương của Mỹ là Boeing B-1 Lancer, phi cơ Tu-160 của Nga chưa từng tham gia các chiến dịch quân sự thực tế. Từ cuối thập kỷ 80 đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Tupolev Tu-160 thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ tuần tra tầm xa tại Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương nhưng không hề mang theo vũ khí, và hiện nay Nga đang nối lại những chuyến bay tuần tra như trước kia, điều này đang gây cho phương Tây những khó chịu.

Nga và Mỹ là hai siêu cường quân sự, không chỉ về lục, thủy quân mà cả không quân với nhiều loại máy bay ném bom chiến lược, trong đó máy bay ném bom siêu âm hạng nặng Tu-160 Balckjack nổi tiếng với việc ném bom với khối lượng lớn ở tầm xa, phá hủy những mục tiêu quân sự chủ chốt, cơ sở hạ tầng quan trọng của đối phương và trở thành nỗi kinh hoàng trên bầu trời quân sự Bắc Mỹ

Trần Tú – Mạnh Hưng
.
.
.