Tái diễn thủ đoạn lừa đảo “yêu cầu chuyển tiền để điều tra”

Thứ Tư, 13/03/2019, 07:00
Loại tội phạm lừa đảo mạo danh cán bộ Công an thông báo về việc bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm tiếp tục xuất hiện trở lại...


Những ngày gần đây, loại tội phạm lừa đảo mạo danh điều tra viên, cán bộ Công an thông báo về việc bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm xuyên quốc gia, ma túy, rửa tiền mà cơ quan Công an đang tiến hành điều tra tiếp tục xuất hiện trở lại. Không ít người thiếu cảnh giác đã rơi vào tình cảnh bị lừa mất số tiền lớn…

Kịp dừng chuyển số tiền 250 triệu đồng

Anh Huỳnh Vĩnh T. (SN 1987, thường trú phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP Hồ Chí Minh) kể lại vụ việc của mình. Theo đó, sáng 5-3-2019, anh nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại giống như số của một tổng đài nói rằng anh đang liên quan đến một vụ án hình sự và nếu muốn biết chi tiết tội trạng của mình thì bấm số 9 để nghe. 

Không kịp suy nghĩ, anh làm theo và nghe thông tin rằng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đang thụ lý vụ việc anh liên quan đến một đường dây điều chế, buôn bán ma túy tại Đà Nẵng, dù anh cho biết mình trước giờ chưa hề đến Đà Nẵng.

Theo anh T., cùng với cuộc gọi, thì anh còn được nhận một Giấy triệu tập của Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Đà Nẵng (do người tự xưng là Thượng tá Phạm Ngọc Nguyên, Phó Thủ trưởng Cơ quan ANĐT ký). Trong đó, nêu năm 2018, từ tháng 4 đến tháng 10, anh T. đã sử dụng thẻ BHYT đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ TP Đà Nẵng khám 260 lần, lãnh 260 hộp thuốc giảm đau Trapadol. 

Vì thuốc giảm đau Trapadol có thành phần điều chế chất ma túy tổng hợp, cho nên Công an TP Đà Nẵng nghi ngờ anh T. có ý đồ điều chế chất ma túy tổng hợp nên mới yêu cầu anh trình bày rõ. Nếu anh không đến nói rõ, thì bên Bảo hiểm xã hội sẽ thông qua pháp luật khấu trừ tất cả tài khoản ngân hàng dưới tên của anh với số tiền đã lãnh 260 hộp thuốc giảm đau Trapadol là hơn 46 triệu đồng…

Lệnh bắt bị can và giấy triệu tập giả mà anh T. nhận được từ nhóm lừa đảo.

Ngay sau đó, anh T. lại được kết nối máy với đường dây điện thoại của Công an TP Đà Nẵng. Người nói chuyện với anh tự xưng tên là Trung úy Đặng Thế Vinh và nói cho anh T. nghe về nhiều nội dung luật liên quan… 

Sau đó, anh T. được yêu cầu liệt kê các số tài khoản ngân hàng để xác minh, lý do là vì anh T. còn liên quan đến một đường dây rửa tiền trốn thuế xuyên quốc gia cho đường dây buôn bán ma túy theo lời khai của một đối tượng là Nguyễn Thành Phúc (?)

Và để kiểm tra nguồn tiền, anh T. phải chuyển số tiền 250 triệu đồng để họ kiểm tra, nhằm lọc ra số tiền sạch; nhưng bình thường phải mất khoảng 2 năm mới được hoàn lại. 

Trong trường hợp anh T. muốn được hưởng chế độ ưu tiên để sớm nhận lại tiền thì anh phải nói chuyện với “chú Lê” bên Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng để xin có thể tra xét nhanh. Và anh T. lại tiếp tục được chuyển máy đến “chú Lê”, rồi được ông này yêu cầu anh phải chuyển tiền qua số tài khoản 70301044.16006 mang tên Nguyễn Hoàng Nguyên, tại Ngân hàng Quân đội - Phòng giao dịch Lê Đại Hành quận 11) do ông ta đưa…  

Cứ thế, anh T. liên tục làm theo ý những cuộc gọi dồn dập. Và bản thân anh T. thừa nhận không hiểu lý do gì gần như anh không có sự “phản kháng” hay nghi ngờ gì cho đến khi anh ra ngân hàng. Trong khi ngồi chờ làm thủ tục để chuẩn bị chuyển tiền 250 triệu đồng vào tài khoản kể trên anh mới khựng lại và suy nghĩ thấy quá vô lý… 

Qua sự giới thiệu của một người quen, anh T. đã liên hệ và tới gặp Thượng tá Nguyễn Duy Thanh, Đội trưởng Đội 4, Phòng 5 Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, để trình bày lại toàn bộ sự việc. Khi đó, anh mới biết tất cả chỉ là một “vở kịch” mà anh may mắn kịp dừng lại.

“Chẳng hiểu sao khi nhận được cuộc gọi đó và lần lượt chuyển qua nhiều người khác nhau mà họ tự xưng ở các cơ quan khác nhau như Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao, Công an TP Đà Nẵng…, tôi cứ như bị thôi miên và làm hết mọi việc theo ý họ. 

Nhưng có lẽ chính vì song song với các cuộc gọi đó, họ còn gửi nhiều văn bản cho tôi, thậm chí cả lệnh bắt tạm giam, triệu tập và có đủ các thông tin cá nhân của tôi, khiến tôi lo sợ mà làm theo những gì họ yêu cầu… May mắn là tôi chưa chuyển tiền cho họ”, anh T. chia sẻ.

Theo thông tin riêng, chúng tôi được biết trên địa bàn TP Đà Nẵng từ đầu năm đến nay, Công an TP Đà Nẵng đã nhận được 5 đơn trình báo của người dân bị nhóm lừa đảo dùng chung thủ đoạn như đã dùng với anh T. để lừa đảo nhưng may mắn là chưa ai bị mất tiền. Hiện cơ quan Công an đang điều tra về các vụ việc lừa đảo này.

Hình ảnh “Trung úy Công an” giả mà anh T. nhận được.

Liên tục cảnh báo nhưng vẫn có người bị lừa

Không may mắn như anh T., bà T.T.M (SN 1968, nơi cư trú phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 TP Hồ Chí Minh) đã bị lừa chuyển hơn 1,9 tỷ đồng cho nhóm lừa đảo có thủ đoạn tương tự.

Dù trước đó đã đến trình báo vụ việc tại Công an TP Hồ Chí Minh, bà T.T.M tiếp tục gửi đơn lên Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an (ngày 7-3-2019) để tố cáo thủ đoạn của nhóm lừa đảo, mong lấy lại được số tiền lớn của mình và gia đình đã bị mất một thời gian khá dài trước đó.

Bà T.T.M kể lại, vụ việc của bà xảy ra từ cuối tháng 5-2018. Lúc đó, bà bỗng dưng nhận được một cuộc gọi đến số điện thoại cố định cơ quan nơi bà làm việc nói bà có đứng tên một tài khoản tại một ngân hàng đang nợ số tiền là gần 37 triệu đồng. Để đảm bảo an toàn và trong sạch cho bà, bà được người này giúp kết nối với Công an Hà Nội (qua số 0692196242) để bà báo án. 

Sau đó, bà T.T.M được một người tự xưng là Trung úy Lê Văn Long, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội, cho bà T.T.M biết rằng bà có liên quan đến một vụ chiếm đoạt tiền ngân hàng và rửa tiền trong đường dây của Nguyễn Thành Phúc (tên giống với trường hợp anh T. kể trên) là người quản lý của một ngân hàng số tiền 20 tỷ đồng, và Phúc đã khai ra bà T.T.M là người đã bán cho ông này số tài khoản là 10% với số tiền thực tế trên tài khoản. 

Cơ quan Công an đã có trong tay bằng chứng và nhân chứng, đồng thời có lệnh bắt khẩn cấp với bà T.T.M trong vòng 24h. Tuy nhiên, Trung úy Long cho biết do bà T.T.M tự báo án nên sẽ báo lại với tòa án để không bắt và sẽ cho bà cơ hội phối hợp điều tra…   

Sau đó, bà T.T.M đã đọc hết các thông tin, số sổ tiết kiệm có ở các ngân hàng để Trung úy Long ghi vào báo án để trình cấp trên xin không đóng băng các tài khoản của bà. Chưa dừng lại, bà T.T.M còn được “Trung úy” này hướng dẫn cách trình bày với cấp trên là Phó Trưởng phòng Đặng Hoàng Nhơn (tự xưng) để xem sự phối hợp của bà có thành thật hay không… 

Với vị phó trưởng phòng này, bà T.T.M được ông ta liên hệ bằng nhiều số điện thoại 1310040, 01296019610, 0692196242, 01255623890, 01296006744, 0880560385, 01257783898, 01255216344.

“Ông này đã yêu cầu tôi ra hai ngân hàng khác nhau để mở tài khoản thanh toán (có đăng ký sử dụng dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại 0946655824 - đây là số do bọn chúng cung cấp) và yêu cầu tôi ra Ngân hàng VietBank và SCB Bank chuyển tiền từ sổ tiết kiệm sang hai tài khoản mới mở để chúng giám định nguồn gốc tiền. Khi đó, các đối tượng hứa hẹn với tôi sẽ hoàn trả lại số tiền nếu sau khi giám định xác định là tiền sạch”, bà T.T.M kể lại. 

Vì tin tưởng các đối tượng lừa đảo là cán bộ Công an đang giúp đỡ mình nên bà T.T.M đồng ý thực hiện theo hướng dẫn, chuyển tiền hai lần (lần đầu bà T.T.M chuyển hơn 477 triệu đồng; lần hai chuyển 1,5 tỷ đồng).

“Tôi không hiểu tại sao mình lại nghe lời và làm theo các yêu cầu của họ mà không có chút suy nghĩ. Sau khi đã thực hiện giao dịch xong, tôi mới suy nghĩ lại và đã nhắn tin cho một cô bạn đồng nghiệp nói về vụ việc. Qua đó, tôi mới biết mình bị lừa”, bà T.T.M buồn bã chia sẻ.

Anh T. và bà T.T.M trình bày lại sự việc.

Theo Thượng tá Nguyễn Duy Thanh, trước đó, Công an TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đã có văn bản cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo này. Các đối tượng lừa đảo đã mạo danh điều tra viên, cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thông báo nạn nhân về việc bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, rửa tiền mà cơ quan Công an đang tiến hành điều tra.

Sau đó, đối tượng dò hỏi các thông tin về tài khoản ngân hàng, tiền gửi tại các ngân hàng của bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm. Chúng sẽ yêu cầu bị hại ra ngân hàng khác để mở một tài khoản và đăng ký dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại do các đối tượng lừa đảo giả danh Công an cung cấp. 

Đối tượng lừa đảo nói mục đích là để kiểm tra, xác minh, giám định số tiền này có liên quan đến đường dây tội phạm hay không và giám sát tài khoản này của bị hại. Từ đó, buộc nạn nhân cung cấp toàn bộ tên đăng nhập và mã kích hoạt để chuyển tiền sang tài khoản khác bằng Internet Banking.

Với thủ đoạn như vậy, các đối tượng làm cho bị hại nghĩ rằng tiền vẫn trong tài khoản đứng tên mình nên không mất. Mặt khác, đối với các nhân viên của các ngân hàng khi khách hàng đến giao dịch chuyển/nộp tiền vào tài khoản của chính khách hàng nên nghĩ rằng không phát sinh vấn đề lừa đảo gì, từ đó không biết để cảnh báo cho khách hành về nguy cơ bị lừa đảo.

Trước thực tế phức tạp nói trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi tương tự. Bởi trong thực tế, nếu cơ quan Công an làm việc sẽ có thư mời ghi rõ thời gian, địa điểm và người dân tới trực tiếp trụ sở để làm việc. Công an không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, do đó, khi nghe những cuộc điện thoại này, người dân cần tắt máy mà không cần quan tâm.

Phú Lữ
.
.
.