Tái mở hồ sơ tham nhũng của cố Tổng thống Indonesia Mohamed Suharto

Thứ Ba, 25/08/2015, 09:30
Tờ Straits Times vừa dẫn quyết định của Tòa án Indonesia yêu cầu gia đình cố Tổng thống Mohamed Suharto phải trả lại cho nhà nước số tiền tương đương 318 triệu USD. Quyết định kể trên được giới truyền thông công khai hôm 11/8 và đây được coi là phán quyết nặng nề nhất đối với gia đình cố Tổng thống Mohamed Suharto. Khi viết trên Twitter, con trai út của ông Mohamed Suharto là Hutomo Mandala Putra coi đây là một sự "trả thù dưới danh nghĩa công lý". 6 người con của ông Mohamed Suharto và Quỹ học bổng Yayasan Beasiswa Supersemar phải có trách nhiệm hoàn lại số tiền kể trên cho nhà nước.
Nhiều cáo buộc, nhưng không phải hầu tòa

Hơn 7 năm trước (26/3/2008), một tòa án dân sự từng phán quyết, ông Mohamed Suharto tuy vô tội tham nhũng, nhưng Quỹ học bổng Yayasan Beasiswa Supersemar phải trả 110 triệu USD cho nhà nước.

Theo thống kê, sau khi ông Mohamed Suharto bị lật đổ (tháng 5/1998), một nhóm điều tra đã được thành lập và họ phát hiện tới 7 quỹ liên quan đến cố Tổng thống. Quỹ học bổng Yayasan Beasiswa Supersemar là vụ đầu tiên xem xét đến trách nhiệm của ông Mohamed Suharto. Theo nhà báo Keith Loveard, có nhiều quỹ cùng nghi vấn liên quan đến vấn đề này và Yayasan Beasiswa Supersemar là một trong số đó.

Sau hơn 31 năm cầm quyền (từ tháng 3/1967 đến tháng 5/1998), ông Mohamed Suharto đã bị công tố viên Tòa án tối cao Jakarta Dachamer Munthe tuyên bố, cơ quan chức năng đã thu thập đủ chứng cứ chứng minh trong thời gian nắm quyền, ông Mohamed Suharto và người thân trong gia đình đã biển thủ 1,5 tỷ USD từ Quỹ học bổng Yayasan Beasiswa Supersemar.

Theo giới truyền thông, sau khi từ nhiệm, ông Mohamed Suharto ẩn cư trong gia viên tại khu vực Menteng của Jakarta, hiếm khi xuất hiện công khai. Ngày 29/5/2000, ông Mohamed Suharto bị quản thúc tại gia sau khi nhà cầm quyền chính thức mở cuộc điều tra về tham nhũng trong thời gian cựu Tổng thống nắm quyền. Khi đó cảnh sát đã phát hiện nhiều căn hầm bí mật với những đường ngầm thông nhau giữa các ngôi nhà của các thành viên trong gia đình ông Mohamed Suharto.

Ngày 9/7/2007, công tố viên kiện ông Mohamed Suharto để thu hồi tiền cho công quỹ. Ngày 24/9/2007, Tòa án tối cao Jakarta tái xét xử ông Mohamed Suharto về tội tham nhũng, nhưng cựu Tổng thống không phải xuất hiện tại tòa vì lý do sức khoẻ. Hơn 15 năm trước (22/4/2000), Văn phòng Viện trưởng Viện Kiểm sát từng thông báo, toàn bộ gia sản của gia đình ông Mohamed Suharto đã bị phong tỏa và sung công.

Vợ chồng, con cái ông Mohamed Suharto.

Toàn bộ vụ này được tiến hành bí mật, chỉ những người có liên quan mới được biết và họ cũng chỉ nhận lệnh vào phút cuối. Những người tham gia vụ án này cho biết, ngay từ tháng 7/1998, cơ quan chức năng đã nhận được tin báo về những nghi vấn xung quanh tới việc di chuyển của những khoản tiền lớn có nguồn gốc từ Indonesia tới các ngân hàng Thụy Sỹ và Áo.

Những vụ di chuyển này đã khiến Bộ Tài chính Mỹ chú ý bởi nó có liên quan tới ông Mohamed Suharto. Và một trong những nguyên nhân chính khiến ông Mohamed Suharto chưa bị bất cứ một toà án nào tuyên án bởi luật sư luôn thành công trong việc đưa ra chứng cứ "không đủ sức khoẻ hầu toà".

Lục tử đều có phần

Sau khi bị tạp chí Time Asia réo tên (24/5/1999) về vụ biển thủ trị giá 73 tỷ USD, gia đình ông Mohamed Suharto đã làm đơn kiện. Theo tạp chí Time Asia, phóng viên của họ đã phát hiện ra dấu vết của số tiền trị giá 15 tỷ USD do ông Mohamed Suharto và 6 người con gửi ở nước ngoài. Và để có được bài báo trên, phóng viên của tạp chí Time Asia tại 11 quốc gia đã tiến hành điều tra trong 4 tháng. Ngoài ra, họ còn nhấn mạnh, 6 người con của ông Mohamed Suharto có cổ phần ở ít nhất 564 công ty tại Indonesia và hàng trăm công ty khác trên thế giới.

Vợ chồng ông Mohamed Suharto.

Luật sư Todung Mulya Lubis của tạp chí Time Asia từng tuyên bố, phán quyết của Tòa án tối cao Indonesia (tháng 9/2007) là một đòn đánh vào tự do báo chí và mỉa mai bởi toà án này đang xét xử vụ biển thủ trị giá 1,5 tỷ USD của ông Mohamed Suharto. Điều đáng nói là trong khi Toà án chưa thể khai đình và luôn đứng trước cáo buộc tham nhũng, nhưng ông Mohamed Suharto vẫn thắng kiện. Và ngay sau khi nhận được phán quyết của toà, cựu Tổng thống đã tuyên bố tặng 67 triệu USD cho người nghèo trong tổng số 106 triệu USD mà tạp chí Time Asia phải bồi thường vì tội phỉ báng ông Mohamed Suharto.

Theo các nhà điều tra, con gái Siti Hardiyanti Hastuti có cổ phần tại hơn 90 công ty. Mặc dù có trong tay tới 700 triệu USD, nhưng bà cũng nợ tới 435 triệu USD, trong đó có khoản vay 70 triệu USD của chính phủ Brunei. Cho tới nay, nhiều tài sản giá trị của Siti Hardiyanti Hastuti đã bị chính phủ Indonesia tịch thu như quốc hữu hoá Bank Central Asia, ngân hàng tư nhân lớn nhất Indonesia. Siti Hardiyanti Hastuti từng làm Bộ trưởng phụ trách các vấn đề xã hội trong nội các của bố.

Người ta ước tính con trai trưởng Bambang Trihatmodjo có số tài sản lên tới 3 tỷ USD cùng 38% cổ phần ở Bimantara Citra, một trong những nghiệp đoàn lớn nhất Indonesia với 27 công ty con. Nhưng Bambang Trihatmodjo cũng là con nợ của số tiền trị giá 521 triệu USD, trong đó đáng kể nhất là khoản nợ 400 triệu USD của công ty điện thoại di động Satelindo.

Con trai út Hutomo Mandala Putra sở hữu số tài sản trị giá khoảng 800 triệu USD và là một trong những cổ đông lớn của 90 công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ, khí hoá lỏng; có 60% cổ phần ở Humpuss Group, một tập đoàn lớn có tới 60 công ty con trong các ngành xây dựng, dược phẩm. Tuy nhiên, Hutomo Mandala Putra cũng nợ tới 1,4 tỷ USD, trong đó đáng kể nhất là khoản nợ 1,1 tỷ USD của công ty ôtô Timor Putra Nasional.

Tiếp đến là cậu Sigit Harjojudanto với số tài sản khoảng 800 triệu USD, cùng 40% cổ phần trong tập đoàn Humpuss Group và là cổ đông lớn của nhiều công ty khác. Cô con gái Siti Hutami Endang Adiningsih với biệt danh Mamiek có vẻ nghèo nhất khi chỉ sở hữu số tài sản trị giá 30 triệu USD.

Ông Mohamed Suharto tuyên thệ nhậm chức Tổng thống.

Mặc dù Liên hợp quốc đã vào cuộc, và Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cũng từng cam kết quyết tâm chống tham nhũng, nhưng ảnh hưởng của cựu Tổng thống Mohamed Suharto tại Indonesia vẫn còn rất lớn nên việc xét xử không dễ. Vụ xét xử và phóng thích trước thời hạn đối với con trai út Hutomo Tommy Putra của ông Mohamed Suharto là minh chứng rõ nhất.

Năm 2002, Hutomo Tommy Putra bị tuyên phạt 15 năm tù vì tội tổ chức ám sát Chánh án Toà án tối cao Syafiuddin Kartasasmita, người đã kết án Hutomo Tommy Putra 18 tháng tù vì tội tham nhũng (26/7/2001). Nhưng chỉ sau 4 năm bóc lịch, con út của ông Mohamed Suharto đã được phóng thích. Giới truyền thông từng đưa tin, Hutomo Tommy Putra nhiều lần dùng máy bay riêng chở hàng triệu USD đi đánh bạc tại một số sòng bạc nổi tiếng như Las Vegas, London, Perth, Atlantic...

Những đánh giá khác nhau

Theo nhiều nhà kinh tế Indonesia và nước ngoài, nếu không có những chính sách quyết liệt của ông Mohamed Suharto khi chấp chính thì không có đất nước Indonesia ngày nay. Khi mới lên nắm quyền, ông Mohamed Suharto đã vực dậy nền kinh tế được coi bên bờ sụp đổ nhờ những chính sách kịp thời, táo bạo. Để có thể đưa Indonesia trở thành một trong những con hổ kinh tế châu Á, ông Mohamed Suharto đã áp dụng "tính mạnh mẽ và sự quyết đoán" và nhờ đó mà các vấn đề nhạy cảm như sắc tộc, đoàn kết dân tộc đã được giải quyết khá ổn thỏa. 

Theo kết quả điều tra của nhiều tổ chức trong và ngoài Indonesia, hiện vẫn có một bộ phận người dân luyến tiếc thời kỳ ông Mohamed Suharto cầm quyền. Các chính sách của ông Mohamed Suharto sẽ tiếp tục được phát huy nếu cựu Tổng thống không thực thi chế độ gia đình trị, chuyên chế và tham nhũng.

Theo học giả George Aditjondro, tác giả của 2 cuốn sách nổi tiếng nói về gia đình cố Tổng thống, ông Mohamed Suharto và gia đình cùng tâm phúc đã xây dựng thành công nhiều đế chế kinh doanh với sự tham gia của nhiều quan chức trong chính phủ trước đây và hiện nay. Chính điều này đã khiến cho chính phủ hậu Mohamed Suharto không muốn điều tra tới cùng vì sợ "cháy nhà ra mặt chuột". Sự tham nhũng của ông Mohamed Suharto nổi tiếng tới mức Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick từng có cuộc thảo luận khá chi tiết với Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono nhằm giải quyết dứt điểm "vụ án thế kỷ" này.

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính tại châu Á năm 1997-1998 là một trong những tác nhân chính khiến ông Mohamed Suharto phải ra đi hồi tháng 5/1998. Mặc dù nâng mức sống của người dân Indonesia lên khá cao, nhưng ông Mohamed Suharto cũng để lại một di sản mà trải qua 3 đời Tổng thống vẫn không giải quyết được. Vì phiên toà của ông Mohamed Suharto mà cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono từng phải đối mặt với không ít chỉ trích.

Vụ tham nhũng của ông Mohamed Suharto là một trong những chủ đề gai góc nhất đối với cựu Tổng thống Megawati và cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono. Khi nữ Tổng thống Megawati ân xá cho ông Mohamed Suharto (đầu năm 2002) sau khi cựu Tổng thống xuất viện, lập tức Bộ trưởng Tư pháp Yusril Mahendra tuyên bố, ông không có ý định từ bỏ bản cáo trạng buộc tội tham nhũng 583 triệu USD trong 31 năm chấp chính của ông Mohamed Suharto.

Tuệ Sỹ - Trọng Hậu
.
.
.