Tại sao CIA phải "vá lỗ hổng"?

Thứ Tư, 11/03/2015, 14:00
Gần 5 năm trước (16/4/2010), thông tin trên tờ New York Times cũng từng khiến dư luận xôn xao khi đặt câu hỏi, tại sao người ta muốn truy cứu trách nhiệm đối với cựu Giám đốc CIA Porter Goss cho dù ông phải từ chức dưới thời cựu Tổng thống Bush.

Tờ New York Times cho rằng, ông Porter Goss đã bật đèn xanh để ông Jose Rodriguez, người đứng đầu đơn vị bí mật của CIA tại thời điểm đó hủy những cuốn băng ghi lại hành vi thẩm vấn sai luật. Do đó, cựu Giám đốc CIA Porter Goss phải chịu trách nhiệm đối với vụ scandal thẩm vấn các nghi can khủng bố. Được biết, những cuốn băng bị hủy từng ghi lại hình ảnh cuộc thẩm vấn đối với 2 nghi can khủng bố là Abu Zubaydah và Abd al-Rahim al-Nashiri.

Khi mới ngồi vào ghế Giám đốc CIA, ông Porter Goss đã cam kết, sẽ cung cấp thông tin tình báo một cách độc lập và khách quan cho Tổng thống và Quốc hội, nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Dư luận từng cho rằng, việc sa thải ông Porter Goss là cách dễ nhất để Tổng thống Bush thoát khỏi "sự liên quan" đối với những bê bối của CIA.

Giám đốc CIA John Brennan.

Dư luận, nhất là giới chuyên môn đang đặc biệt quan tâm tới thông tin trên tờ New York Times khi dẫn lời Giám đốc CIA John Brennan cho biết, cơ quan này đã lên kế hoạch tái cơ cấu lớn nhất trong lịch sử 68 năm hoạt động (1947-2015), nhằm vá lại những lỗ hổng tình báo đang ngày một lớn. Theo đó, nhân viên CIA sẽ được chia vào "10 trung tâm sứ mệnh" thay vì bị tách rời và ít tương tác như hiện nay.

Ngoài ra, ông John Brennan còn thành lập một ban mới (Ban đổi mới kỹ thuật số, có vị trí ngang hàng với 4 ban đã tồn tại nhiều năm qua trong CIA) để theo dõi và tận dụng các tiến bộ về công nghệ mạng. Theo tờ Washington Post, đợt cải tổ này diễn ra trong bối cảnh Giám đốc CIA John Brennan đang phải đối mặt với những thách thức liên quan tới việc tăng cường hiệu quả hoạt động gián điệp tại Syria, Iraq và tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Còn theo hãng Reuters, mục đích của việc tái cơ cấu là nhằm tập trung vào hoạt động không gian mạng và đổi mới kỹ thuật số trong công tác thu thập thông tin.

Động thái của CIA diễn ra sau tuyên bố hồi hạ tuần tháng trước của Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia James Clapper. Bởi ngày 25-2, Tổng thống Barack Obama đã chỉ đạo ông James Clapper thành lập cơ quan tình báo mới mang tên "Trung tâm tích hợp thông tin tình báo về các mối đe dọa trên mạng" (CTIIC).

Sau khi được thành lập, CTIIC sẽ là thành viên mới cùng hoạt động với Trung tâm Tích hợp truyền thông và An ninh mạng (NCCIC), Lực lượng đặc biệt điều tra về tội phạm mạng quốc gia (NCIJTF) và Bộ Chỉ huy mạng của Mỹ. Tuy là thành viên trong làng tình báo Mỹ, nhưng CTIIC không thu thập tin tình báo, tiến hành điều tra trực tiếp hoặc làm thay chức năng hiện tại của một số đơn vị hoặc trung tâm mạng của chính phủ Mỹ. Ngoài ra, CTIIC cũng không cung cấp hay tiếp nhận bất cứ thông tin nào cho các cơ quan thuộc khu vực tư nhân.

Được biết, CTIIC sẽ có khoảng 50 nhân viên, được điều động từ các bộ, ngành liên quan và họ chịu trách nhiệm điều phối và tích hợp thông tin liên quan tới các mối đe dọa từ tin tặc. Nhiệm vụ chính của CTIIC là tập trung vào việc kết nối thông tin để kịp thời phát giác các mối đe dọa của tin tặc nước ngoài, cũng như những sự cố do tin tặc gây ra ảnh hưởng tới các lợi ích của Mỹ.

Quyết định của Giám đốc CIA John Brennan còn liên quan tới việc thừa nhận đã tiết lộ thông tin tuyệt mật cho người tình Paula Broadwell của cựu Giám đốc CIA David Petraeus. Ngày 3/3, ông David Petraeus đã thừa nhận trước Bộ Tư pháp Mỹ về việc cung cấp cho người tình Paula Broadwell danh tính một số sĩ quan chìm, chiến thuật tác chiến, ghi chú ngoại giao và mã an ninh quốc tế...

Gần 2 năm trước (tháng 4/2013), FBI đã tìm ra những cuốn sổ đen tại tư dinh của cựu Giám đốc CIA, nhưng khi đó ông David Petraeus đã nhiều lần dối trá và khẳng định không hề tiết lộ thông tin mật. Theo thỏa thuận nhận tội do ông David Petraeus ký được trình lên tòa án liên bang ở Bắc Carolina, cựu Giám đốc CIA sẽ tránh được một phiên xử bẽ bàng. Nhưng theo tờ The Guardian và New York Times, cựu Giám đốc CIA David Petraeus vẫn đang phải đối mặt với mức án 2 năm tù treo, cùng khoản tiền phạt 40.000 USD.

Trước đó, ông David Petraeus cũng từng xin từ chức để tránh phải điều trần trước Quốc hội (dự kiến diễn ra ngày 15/11/2012) về vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự Mỹ tại Benghazi, Libya hôm 11/9/2012 khiến Đại sứ Chris Stevens thiệt mạng. 

Ông David Petraeus là nhân vật cấp cao thứ hai trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama xin từ chức (8/11/2012) sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton quyết "dứt áo ra đi" trước đó. Tướng 4 sao David Petraeus "ngã ngựa" bởi người viết tiểu sử cho cựu Giám đốc CIA, bà Paula Broadwell, từng là người tình đã ghen với bà Jill Kelly nên mọi việc mới bung bét.

Phương Anh
.
.
.