Tại sao Mỹ thiết lập hệ thống cảnh báo khủng bố mới?

Thứ Hai, 14/12/2015, 19:00
Tuyên bố tại diễn đàn do Tạp chí Defense One tổ chức hôm 7-12 của Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson cho thấy, Washington đang xem xét đưa vào sử dụng hệ thống cảnh báo khủng bố mới để giúp người dân nước này nhận biết về các nguy cơ khủng bố, kể cả trong trường hợp các cơ quan chức năng chưa phát hiện được các âm mưu tấn công. Và hệ thống cảnh báo khủng bố mới sẽ đáng tin cậy hơn so với hệ thống cũ.

Theo giới truyền thông, hệ thống cảnh báo khủng bố mới sẽ thay thế hệ thống cảnh báo khủng bố quốc gia đã ra mắt 4 năm trước, nhưng chưa bao giờ hoạt động do chỉ giới hạn cảnh báo với những mối đe dọa cụ thể và đáng tin. Còn hệ thống cảnh báo cầu vồng bằng mã màu dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush bị đánh giá là không còn phù hợp vì hầu như không cung cấp được thông tin hữu ích giúp người dân biết phải làm gì trong trường hợp xảy ra khủng bố.

Đây là hệ thống cảnh báo khủng bố thứ 3 do Bộ An ninh nội địa thiết lập kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001. Được biết, hệ thống cảnh báo khủng bố mới sẽ khắc phục hạn chế của hệ thống cũ khi đưa ra cảnh báo rộng rãi tới công chúng, thay vì chỉ gửi cảnh báo tới các quan chức chính phủ, các cơ quan thực thi luật pháp và doanh nghiệp tư nhân.

Bộ trưởng Jeh Johnson còn cho biết, các lực lượng an ninh và cảnh sát đang phải đối phó với làn sóng tấn công khủng bố mới, được gọi là "tấn công lấy cảm hứng từ những kẻ khủng bố", chứ không phải các cuộc tấn công trực tiếp dưới sự chỉ đạo của các nhân vật cấp cao IS hay al-Qaeda. Cũng trong ngày 7-12, Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu Bộ An ninh nội địa và Bộ Ngoại giao phải xem xét lại chương trình thị thực hôn phu-hôn thê diện K1 (cho phép công dân nước ngoài tới Mỹ để kết hôn với công dân Mỹ), từng bị cặp đôi Syed Farook và Tashfeen Malik lợi dụng để xả súng vào trung tâm người khuyết tật hôm 2-12 tại thành phố San Bernardino, California.

Đồng thời khẳng định, mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố là hiện hữu, nhưng chúng ta sẽ đánh bại hiểm họa này. Theo ông Barack Obama, chủ nghĩa khủng bố đã chuyển sang một giai đoạn mới - thay vì những kế hoạch tấn công phức tạp và quy mô như vụ 11-9-2001, các phần tử khủng bố thực hiện những hành động bạo lực đơn giản như xả súng, mà điển hình là vụ việc tại Fort Hood năm 2009, Chattanooga đầu năm nay và gần đây nhất là San Berna dino.

Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson.

Và để hạn chế vũ khí rơi vào tay các phần tử cực đoan, ông chủ Nhà Trắng kêu gọi Quốc hội Mỹ cấm tất cả những đối tượng nằm trong danh sách cấm bay được phép sở hữu súng, đồng thời siết chặt quy định mua vũ khí có khả năng gây sát thương cao.

Ngày 8-12, với 407 phiếu thuận và 19 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Luật Điều chỉnh Chương trình miễn thị thực 2015, nhằm siết chặt các quy định về việc nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân của 38 quốc gia đang được hưởng quy chế miễn thị thực của nước này.

Và với luật mới, Mỹ sẽ ngăn chặn tất cả những đối tượng từng tới Iraq, Syria, Iran và Sudan sau ngày 1-3-2011 được phép hưởng quy chế miễn thị thực của Washington. Đây là hành động lập pháp quan trọng thứ hai liên quan tới lĩnh vực an ninh được Quốc hội Mỹ đưa ra kể từ sau vụ tấn công khủng bố tối 13-11 tại thủ đô Paris, Pháp.

Cũng trong ngày 8-12, hãng tư vấn an ninh Mỹ The Soufan Group công bố báo cáo cho biết, từ tháng 6-2014 đến nay đã có khoảng 27.000-31.000 tay súng nước ngoài từ 86 quốc gia đến Syria và Iraq, chủ yếu để gia nhập IS. Con số này cao hơn gấp đôi mức 12.000 tay súng đến Syria và Iraq trong khoảng thời gian từ tháng 6-2013 đến tháng 6-2014. Đồng thời cảnh báo, kể cả khi IS bị tiêu diệt tại Syria và Iraq, thì hàng nghìn thành viên IS cực đoan vẫn là mối đe dọa khủng khiếp đối với thế giới.

Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) vừa cảnh báo, IS sẽ lan khắp thế giới, trừ khi bị thiệt hại đáng kể ở Syria và Iraq. DNI còn cho rằng, IS có khả năng thành lập "nhà nước Hồi giáo", sau khi xây dựng được một mạng lưới gồm các nhóm cực đoan cam kết trung thành hoặc ủng hộ ở 10 quốc gia (Syria, Iraq, Algeria, Libya, Ai Cập, Saudi Arabia, Yemen, Nigeria, Afghanistan và Pakistan). Trong khi đo,á FBI cho biết, 2 sát thủ thực hiện vụ xả súng đẫm máu hôm 2-12 tại thành phố San Bernardino, bang California khiến 14 người chết, từ lâu đã bị coi là những phần tử cực đoan. Và sau vụ thảm sát tồi tệ nhất trong vòng 3 năm qua ở thành phố San Bernardino, nhiều người dân đã mua vũ khí để tự vệ. Doanh số bán ra tăng vọt và nhiều khách hàng muốn có sẵn súng ngắn và súng trường để tự vệ trong trường hợp bị tấn công.

Khắc Tuấn
.
.
.