Tại sao Phần Lan vẫn sử dụng “chữ thập ngoặc?”

Thứ Năm, 11/10/2018, 11:32
Những vị khách, đặc biệt là người nước ngoài, vào kho chứa máy bay của Bảo tàng Không quân Phần Lan, khi nhìn thấy một chiếc máy bay được trang trí bằng ký hiệu chữ Vạn - hay “chữ thập ngoặc”, họ thường bị bất ngờ.


Chữ Vạn của Phần Lan

Ông Kai Mecklin, Giám đốc Bảo tàng và cựu phi công của Không quân Phần Lan (FAF), nói: "Những lúc đó, chúng tôi phải giải thích cho du khách rằng hình chữ Vạn của chúng tôi không liên quan gì đến chữ Vạn của Đức Quốc xã. Không quân Phần Lan đã dùng hình chữ Vạn làm biểu tượng của mình từ lâu trước khi Hitler và Đức Quốc xã chọn nó làm biểu tượng".

Và trong khi thực tế việc Không quân Phần Lan đã chấm dứt việc sử dụng ký hiệu chữ Vạn trên máy bay của mình từ nhiều thập kỷ trước, ngày nay người ta vẫn có thể dễ dàng tìm thấy chữ Vạn trên cầu vai của Không quân và Học viện Không quân Phần Lan. Ông Mecklin nói: "Đối với chúng tôi, hình chữ Vạn là biểu tượng của tự do và độc lập".

Cận cảnh hình chữ Vạn trên đuôi của một chiếc máy bay chiến đấu cũ của Phần Lan, được lấy tại kho chứa máy bay của sân bay Helsinki-Malmi.

Nhưng một số người thấy sự tồn tại của chữ Vạn trong văn hóa Phần Lan là vấn đề, đặc biệt là khi Phần Lan nằm giữa hai khu vực mà chữ Vạn không tượng trưng cho tự do, mà cho Đức Quốc xã. Và khi các phái cực hữu ở Phần Lan ngày càng trở nên mạnh hơn, họ có thể buộc người Phần Lan phải thay đổi cách họ xem xét vị trí của biểu tượng chữ Vạn trong xã hội hiện đại của mình.

Mecklin đã kể câu chuyện vào năm 1918, một người Thụy Điển tên Eric von Rosen đã vẽ hình chữ Vạn trên cánh một chiếc máy bay mà ông đã quyên góp cho Quân đội Phần Lan, lực lượng lúc đó đang chiến đấu cho Phần Lan độc lập - một trận chiến mà người da trắng cuối cùng đã thắng.

Chữ Vạn sau đó đã trở thành biểu tượng chính thức của Không quân Phần Lan, và vẫn như vậy cho đến khi Phần Lan và Liên bang Xôviết, cùng với Mỹ chung sức đánh bại Đức Quốc xã, ký một hiệp ước đình chiến sau chiến tranh. Là một phần của mối quan hệ mới, người ta hiểu rằng máy bay quân sự Phần Lan sẽ không còn mang theo hình chữ Vạn nữa.

Nhưng hình chữ vạn vẫn có thể được tìm thấy trong biểu tượng của Không quân Phần Lan và ít nhất một đơn vị Quân đội Phần Lan ngày nay. Giáo sư Teivo Teivainen tại Đại học Helsinki thường phải đi giải thích rất nhiều về những chữ Vạn trên các di tích thời chiến tranh xung quanh thủ đô Phần Lan cho các sinh viên nước ngoài, tin rằng cần phải thay đổi.

Điều đặc biệt khiến giáo sư Teivainen lo lắng là việc các lực lượng vũ trang tiếp tục sử dụng hình chữ Vạn có thể tạo ra những khó khăn cho Phần Lan nếu họ buộc phải chung lưng với các nước thuộc khối NATO để chống lại kẻ thù trong một cuộc chiến nào đó, bởi "Họ chỉ biết chữ Vạn biểu tượng cho Đức Quốc xã”, ông Teivainen nói, và vì thế "Luôn luôn có rủi ro vì nó sẽ gây hiểu nhầm".

Nên để hay nên bỏ?

Câu hỏi về việc chữ Vạn nên được nhìn thấy khi nào, ở đâu và như thế nào ở nơi công cộng đã trở nên nhạy cảm hơn với sự gia tăng của một phong trào nhỏ, nhưng ngày càng gia tăng: cánh hữu ở Phần Lan.

Phong trào Chống đối Phần Lan (hiện đang bị chính phủ tìm cách cấm) tập hợp những người Phần Lan cực hữu. Họ không sử dụng hình chữ Vạn làm biểu tượng, nhưng luôn có khả năng chữ Vạn được dùng trong các cuộc biểu tình. Nếu điều đó xảy ra, câu hỏi về việc các lực lượng vũ trang Phần Lan sử dụng cùng một biểu tượng như Đức Quốc xã của Hitler có thể trở thành một chấn động.

Tuy nhiên, theo nhà sử học hàng không Phần Lan Carl-Fredrik Geust thì những mối quan tâm như vậy đã bị thổi phồng. "Lý do tại sao chúng tôi vẫn còn sử dụng chữ Vạn Phần Lan và sử dụng rất hạn chế, là do chúng tôi tôn trọng truyền thống và ký ức lịch sử - và không chỉ riêng của chúng tôi", ông nói.

Ông Carl-Fredrik cũng chỉ ra rằng hình chữ Vạn đã được sử dụng như một vật trang trí và biểu tượng huyền diệu từ thời cổ đại, và đầu thế kỷ 20 nhiều quốc gia phương Tây đã sử dụng nó như một biểu tượng của may mắn. Chính vì thế mà Von Rosen, người được coi là cha đẻ của Không quân Phần Lan, đã quyết định vẽ hình chữ Vạn trên chiếc máy bay mà ông đã trao cho Phần Lan.

Trong khi việc Von Rosen giới thiệu hình chữ Vạn cho Phần Lan không liên quan đến Chủ nghĩa Quốc xã, nhưng bản thân Van Rosen về sau lại có liên quan. Năm 1923, em gái ông kết hôn với Hermann Göring, và ông có quan hệ với các đảng Xã hội Chủ nghĩa Thụy Điển.

Năm nay, Không quân Phần Lan sẽ tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập . Liệu chữ Vạn sẽ mang đến may mắn hay tranh cãi vẫn chờ thời gian trả lời. Và chính quyền Phần Lan cũng không muốn xem xét việc này. "Hiện tại Bộ Quốc phòng không có kế hoạch hạn chế hoặc xem xét việc sử dụng hình chữ Vạn", Kristian Vakkuri, phát ngôn viên Bộ cho biết.

Gọi là “chữ”, nhưng thực ra chữ Vạn của Phật giáo và chữ Vạn (chữ thập ngoặc) mà Hitler dùng làm biểu tượng cho Quốc xã đều là những biểu tượng. Người Việt gọi hai biểu tượng này bằng hai tên gọi khác nhau, nhưng người Tây phương đều gọi là Swastika, vì cả hai có hình thức bề ngoài trông giống nhau. 

Một số tài liệu Phật giáo, thậm chí cả một số Bách khoa toàn thư, đã cố gắng chứng minh rằng hai biểu tượng này có hình dạng khác nhau - khác nhau về chiều quay và khác nhau về tư thế thẳng đứng hoặc nghiêng: chữ Vạn quay thuận chiều, “chữ thập ngoặc” quay ngược chiều; chữ Vạn thẳng đứng, “chữ thập ngoặc” đổ nghiêng. 

Nhưng thực tế không đúng như thế: chữ “Vạn” của Phật giáo sử dụng cả hai chiều quay trái ngược nhau, “chữ thập ngoặc” của Đức Quốc xã sử dụng cả hình đứng lẫn hình nghiêng. Tóm lại về hình thức bề ngoài, hai biểu tượng này hoàn toàn giống nhau.

Tuy nhiên, tìm hiểu lịch sử của chữ Vạn, chúng ta sẽ thấy rằng Swastika đã xuất hiện từ thời cổ đại, ngay từ đầu nó không chỉ là biểu tượng của riêng Phật giáo, mà là biểu tượng của rất nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau.

Hòn Rồng
.
.
.