Tại sao Thượng viện Mỹ quyết chiến với NSA và CIA?

Thứ Hai, 08/06/2015, 14:00
Nhà Trắng đã chỉ trích Thượng viện Mỹ về "sự thiếu trách nhiệm" ngay sau khi biết kết quả bỏ phiếu tại phiên họp khẩn để xem xét thông qua dự luật cải cách phương thức thu thập tin tức tình báo của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) hôm 31/5. Bởi kể từ 12h ngày 1/6, nhân viên của NSA phải chấm dứt mọi chương trình thu thập dữ liệu điện thoại và theo dõi cuộc gọi sau khi Thượng viện Mỹ từ chối gia hạn "Đạo luật yêu nước" (Patriot Act). 

Theo giới chuyên môn, NSA đã mất quyền thu thập dữ liệu và nghe lén điện thoại, sau khi một số điều luật then chốt trong "Đạo luật yêu nước" (được Tổng thống George W. Bush ký thông qua ngày 26/10/2001) không tìm được tiếng nói chung trong Thượng viện về việc gia hạn khoản 215 trong Patriot Act. 

Giới chuyên môn đã có phản ứng ngay sau khi "biết tin dữ", bởi từ nay họ sẽ phải tự tìm phương pháp khác để điều tra và kiếm tìm nghi phạm khủng bố sau khi "Đạo luật yêu nước" hết hiệu lực. Không những không được tiếp tục thu thập dữ liệu điện thoại của hàng triệu người Mỹ và lưu giữ chúng trong 5 năm như trước, NSA còn không được phép nghe trộm điện thoại để tìm dấu vết của nghi phạm khủng bố. Bên cạnh đó, việc tạm dừng hệ thống của NSA còn ảnh hưởng tới quá trình nhập dữ liệu giữa các công ty viễn thông và tình báo Mỹ.

Nhưng ngày 3/6, với 67 phiếu thuận và 32 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua "Đạo luật nước Mỹ Tự do" (USA Freedom Act) mới được chính quyền của Tổng thống Barack Obama đệ trình nhằm chấn chỉnh hoạt động của NSA.

Giám đốc CIA John Brennan (trái) và Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch.

Theo đó, chương trình do thám của NSA sẽ bị điều chỉnh đáng kể - trong vòng 6 tháng, các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật sẽ không thể thu thập dữ liệu điện thoại quy mô lớn. Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Patrick Leahy coi đây là thời khắc lịch sử, là đợt chấn chỉnh lớn đầu tiên đối với các luật do thám trong vòng nhiều thập kỷ qua. Nhưng lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell lại cho đây là "một bước thụt lùi".

Trong khi đó, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) cho rằng: Chính phủ Mỹ có nhiều công cụ khác cho phép việc thu thập dữ liệu cần thiết, không cần tới hệ thống của NSA. Bởi theo dự luật "Đạo luật nước Mỹ tự do", NSA thay vì được tự ý thực hiện chương trình do thám trên diện rộng như trước đây, sẽ phải xin phép khi muốn thu thập dữ liệu điện thoại từ các công ty viễn thông. Và căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, tòa án sẽ quyết định việc cấp phép thực hiện cho NSA.

Hơn 4 năm trước (26/5/2011), Tổng thống Barack Obama không những ký mở rộng, mà còn bổ sung 3 điều luật then chốt của "Đạo luật yêu nước", khi cho phép NSA thu thập dữ liệu điện thoại, nghe lén điện thoại và do thám những "con sói đơn độc". Bộ trưởng Tư Pháp Loretta Lynch cho rằng, nước Mỹ đang phải đối mặt với sự mất hiệu lực nghiêm trọng trong an ninh quốc gia. Trước đó, ông James Clapper, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ cảnh báo, Mỹ đã để tuột mất khả năng quan trọng hỗ trợ phát hiện ra những tổ chức khủng bố nước ngoài tiềm tàng.

Giám đốc CIA John Brennan vừa cảnh báo (31/5), việc cho phép kết thúc các chương trình do thám quan trọng có thể làm tăng các mối đe dọa khủng bố. Ngoài ra, ông John Brennan cũng cố gắng thuyết phục các thượng nghị sỹ rằng, chương trình thu thập dữ liệu điện thoại của hàng triệu người Mỹ không liên quan đến khủng bố, không phải là hành động lạm dụng quyền tự do dân sự, mà chỉ nhằm mục đích bảo vệ công dân. Phát biểu trong chương trình "Face the Nation" của kênh truyền hình CBS, Giám đốc CIA còn cảnh báo, các nhóm như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang thận trọng theo dõi diễn biến này ở Mỹ để tìm lỗ hổng hoạt động.

Gần 3 tháng trước (12/3), Tổng thống Barack Obama từng phải dàn xếp mâu thuẫn giữa Thượng viện và CIA (bùng phát sau khi CIA phát hiện trong kết quả điều tra chưa công bố của Thượng viện có nội dung một bản báo cáo của CIA thuộc diện không được truy cập).

Thượng viện cho rằng, nhân viên CIA đã lục soát trái phép máy tính của các nhân viên Ủy ban Tình báo Thượng viện đang điều tra chương trình thẩm vấn và bắt giữ dưới thời Tổng thống Bush. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Diane Feinstein đã chỉ trích CIA vi phạm nguyên tắc phân quyền của Hiến pháp Mỹ, và yêu cầu CIA phải xin lỗi. Nhưng Giám đốc CIA John Brennan đã bác bỏ chỉ trích của bà Diane Feinstein, đồng thời yêu cầu Bộ Tư pháp vào cuộc. Đó là bê bối lớn nhất từ trước đến nay giữa CIA với Thượng viện (kể từ thập niên 1970). Và việc này diễn ra trong bối cảnh nhiều nghị sĩ bày tỏ quan ngại về những vi phạm của CIA và NSA trong các chương trình do thám.

Tuệ Sỹ
.
.
.