Tại sao Thụy Điển chưa công khai nội dung thẩm vấn nhà sáng lập WikiLeaks?

Thứ Hai, 21/11/2016, 14:11
Đây là câu hỏi được dư luận đặt ra sau khi Trưởng công tố Thụy Điển Ingrid Isgren tới Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) và tiến hành cuộc thẩm vấn nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange dưới sự chủ trì của công tố viên Ecuador.


Những người ủng hộ ông Julian Assange tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Ecuador ở London, trong khi nhà sáng lập WikiLeaks bị các công tố viên thẩm vấn bên trong.

Giới chuyên môn cho rằng, việc cơ quan tư pháp Thụy Điển thẩm vấn ông Julian Assange (từ 14-11) được coi là nỗ lực để khai thông bế tắc ngoại giao kể từ khi nhà sáng lập WikiLeaks xin tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London từ tháng 6-2012.

Ông Julian Assange.

Đây là lần đầu tiên ông Julian Assange bị thẩm vấn kể từ sau lần lấy lời khai ban đầu của cảnh sát Thụy Điển liên quan tới cáo buộc cưỡng dâm và tấn công tình dục 2 phụ nữ mà nhà sáng lập WikiLeaks tiếp xúc khi đến Thụy Điển năm 2010.

Và đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi bị truy bắt, ông Julian Assange có thể đưa ra ý kiến cá nhân về những cáo buộc chống lại mình trước cơ quan tư pháp Thụy Điển.

Theo giới truyền thông, sau buổi thẩm vấn hôm 14-11, Trưởng công tố Ingrid Isgren và một người phụ trách điều tra Thụy Điển đều từ chối trả lời báo chí. Nhưng luật sư Per Samuelsson cho biết, ông hy vọng vụ án này sẽ kết thúc khi cuộc điều tra hoàn tất.

Đồng thời phê bình nhà chức trách không cho ông vào phòng thẩm vấn. Tuy bà Ingrid Isgren đến Đại sứ quán Ecuador, nhưng người thẩm vấn ông Julian Assange là công tố viên Ecuador.

Danh sách câu hỏi thẩm vấn ông Julian Assange được cơ quan chức năng Thụy Điển soạn và công tố viên Ecuador đọc. Bà Ingrid Isgren chỉ ghi nhận những phản ứng của ông Julian Assange khi được thẩm vấn.

Cơ quan tư pháp Thụy Điển cho biết, trong trường hợp ông Julian Assange chấp nhận cho lấy mẫu ADN, sẽ không có bất cứ tuyên bố công khai nào sau khi thẩm vấn.

Luật sư người Thụy Điển Per Samuelsson, đại diện cho ông Julian Assange thông báo, cuộc thẩm vấn có thể kéo dài trong vài ngày. Luật sư Per Samuelsson còn cho biết, đã nhiều lần yêu cầu để thân chủ được thẩm vấn và ông Julian Assange luôn muốn trao đổi với cảnh sát Thụy Điển để làm trong sạch danh tính của mình. Và họ muốn kết thúc cuộc điều tra này.

Trong thông cáo báo chí của Viện Công tố Thụy Điển hôm 14-11 chỉ nói, Ecuador đồng ý yêu cầu của Thụy Điển trong việc thụ lý vụ án hình sự và xét xử do một công tố viên Ecuador thực hiện. Và nếu ông Julian Assange đồng ý, họ sẽ lấy mẫu ADN.

Nhà vận động nhân quyền Peter Tatchell cho biết, ông Julian Assange đã xin tị nạn và được cấp quy chế tị nạn chính trị theo đúng luật pháp quốc gia và luật quốc tế về nhân quyền và nhà sáng lập WikiLeaks sẵn sàng trả lời thẩm vấn.

Ông Peter Tatchell cũng hỏi tại sao lại phải mất nhiều thời gian để công tố viên Thụy Điển đến nay mới thẩm vấn ông Julian Assange. Ông Julian Assange bị cáo buộc hiếp dâm và quấy rối tình dục ở Thụy Điển năm 2010, nhưng nhà sáng lập WikiLeaks từ chối đến Thụy Điển vì sợ nước này có thể dẫn độ tới Mỹ.

Giới chuyên môn nhận định, cho dù Thụy Điển đồng ý ngưng cuộc điều tra, nhưng nhà sáng lập WikiLeaks vẫn bị bắt vì vi phạm qui định tại ngoại ở Anh.

Ông chủ WikiLeaks bị thẩm vấn vì bị cáo buộc cưỡng hiếp.

Trong một diễn biến liên quan, Kênh truyền hình Nga RT cho biết, ông Gavin MacFadyen, Giám đốc WikiLeaks, người sáng lập Trung tâm báo chí điều tra (CIJ), đã qua đời ở tuổi 76.

Ông Gavin MacFadyen là nhà báo điều tra tiên phong và là nhà làm phim có tên tuổi. Ông Gavin MacFadyen vừa là bạn thân, vừa là cố vấn của ông Julian Assange. Năm 2003, ông thành lập CIJ, tổ chức chuyên điều tra những câu chuyện bí mật và đào tạo phóng viên.

Và trong cuộc đời làm báo, ông Gavin MacFadyen đã thực hiện hơn 50 điều tra liên quan đến nhiều lĩnh vực như ô nhiễm môi trường, phong trào tân phát xít ở Anh, CIA, cướp biển, gian lận trong bầu cử ở Nam Phi... và từng làm việc cho nhiều chương trình điều tra của các kênh truyền hình PBS Frontline, Panorama, BBC.

Gần 1 tháng trước (23-10), nhóm tin tặc Anonymous tuyên bố, đã đánh sập hệ thống email của chính phủ Ecuador để trả đũa việc nước này cắt đường truyền internet của nhà sáng lập WikiLeaks. Anonymous còn đính kèm ảnh chụp màn hình truy cập vào trang web dịch vụ email của chính phủ Ecuador với thông báo "connection timed out" - lỗi kết nối hết thời gian, để khẳng định hệ thống email bị đánh sập và không thể truy cập. Ngày 18-10, Ecuador tuyên bố, đã cắt đường truyền Internet của ông Julian Assange vì WikiLeaks tiết lộ các tài liệu có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Mỹ.
Khắc Tuấn
.
.
.