30 năm vụ ám sát Thủ tướng Indira Gandhi:

Tại sao bộ phim Kaum De Heere không được công chiếu?

Thứ Sáu, 19/09/2014, 17:00

Theo đúng kế hoạch, bộ phim Kaum De Heere (còn gọi là Những viên kim cương của cộng đồng) được công chiếu hôm 22/8, nhưng do sự phản đối quyết liệt của đảng Quốc đại ở bang Punjab nên cơ quan chức năng đã tạm ngừng phát hành bộ phim này để tránh kích động biểu tình bạo lực. Bởi trong phim, Kaum De Heere, lãnh đạo cộng đồng người theo đạo Sikh kể lại số phận của 2 vệ sĩ người Sikh là Satwant Singh và Beant Singh, đã bắn chết nữ Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, bà Indira Gandhi cách đây gần 30 năm (31/10/1984).

Sau khi ám sát Thủ tướng Indira Gandhi, Beant Singh đã bị cảnh sát bắn chết ngay tại hiện trường, còn Satwant Singh bị kết án treo cổ sau đó. Theo bộ phim Kaum De Heere, hành động của Satwant Singh và Beant Singh có thể nhằm trả thù việc bà Indira Gandhi đã ra lệnh cho quân đội xông vào Đền Vàng tại Amritsar, một trong những ngôi đền linh thiêng nhất của đạo Sikh, để lùng sục các phần tử vũ trang đòi vùng đất riêng cho người Sikh. Hàng ngàn người Sikh có thể đã thiệt mạng trong đợt tấn công này. Và vụ ám sát bà Indira Gandhi đã thổi bùng làn sóng bạo động nhắm vào cộng đồng người Sikh khiến khoảng 3.000 người thiệt mạng…

Đảng Quốc đại ở bang Punjab đe dọa biểu tình nếu Kaum De Heere được trình chiếu và đề nghị Thủ tướng Narendra Modi cấm phát hành bộ phim. Ủy ban Thanh niên Quốc hội Punjap cáo buộc tổ chức khủng bố nước ngoài đã tài trợ cho bộ phim Kaum De Heere.

Trong khi đó, Dal Khalsa, tổ chức chính trị của cộng đồng người theo đạo Sikh có trụ sở tại thành phố Amritsar, bang Punjab đã yêu cầu huỷ lệnh cấm vì nó "làm tổn thương người Sikh". Nhà sản xuất phim Ravinder Singh cũng có phản ứng về lệnh cấm này - tại sao những vụ ám sát chính trị gia trên thế giới đều được đưa lên màn ảnh, nhưng vụ ám sát bà Indira Gandhi lại không thể?

Bà Indira Gandhi bị Satwant Singh và Beant Singh bắn ngay trong khu vườn của tư dinh Thủ tướng tại số 1 đường Safdarjung ở thủ đô New Dehli. Khi đó, bà Indira Gandhi đang vừa đi vừa nói chuyện với diễn viên người Anh Peter Ustinov xung quanh cuộc phỏng vấn của bộ phim tư liệu thực hiện cho truyền hình Ireland, cùng với 5 vệ sỹ,  thì một loạt đạn (8 viên) được bắn ra từ 2 khẩu Browing của Satwant Singh và Beant Singh.

Thủ tướng Indira Gandhi.

Mặc dù lực lượng cảnh vệ đã phản ứng rất nhanh (bắn gục Beant Singh, bắt sống Satwant Singh), đưa chủ nhân vào ngay bệnh viện cấp cứu, nhưng cũng không sao cứu được Thủ tướng Indira Gandhi thoát khỏi bàn tay tử thần. Bà Indira Gandhi được hỏa táng ngày 3/11/1984 tại Shakti Sthal, gần Raj Ghat (nơi hỏa táng ông Mahatma Gandhi).

Ngày 11/11/1984, tại New Dehli, ông Rajiv Gandhi mang theo 15 giỏ và 3 bình đựng tro hài cốt của bà Indira Gandhi bay tới Hymalaya dưới sự tháp tùng của một tư tế để thả giỏ tro hài cốt được bọc bằng nhiễu đỏ xuống sườn núi tuyết ngàn năm không chảy này; một bộ phận khác trải xuống vùng đất đầu nguồn sông Hằng, và một bộ phận nữa rải xuống khu vực Jammu.

Hai tháng trước khi xảy ra vụ ám sát, một số người đã hỏi bà Indira Gandhi rằng, khi ra lệnh điều quân đội tấn công Đền Vàng do các phần tử cực đoan người Sikh chiếm giữ, liệu thủ tướng có nên tin dùng những vệ sỹ người Sikh hay không.

Khi đó, bà Indira Gandhi đã liếc nhìn Beant Singh đang đứng bên cạnh và trả lời: bên cạnh tôi có một người bạn Sikh tốt thế này thì còn sợ gì nữa! Sau đó (tháng 7/1984), ông Nass Caw, Cố vấn An ninh quốc gia, cựu Cục trưởng tình báo đã đề nghị bà Indira Gandhi đưa các vệ sỹ người Sikh ra khỏi đội bảo vệ của thủ tướng, nhưng bất thành. Đây được coi là sai lầm lớn nhất của bà Indira Gandhi, vì đã tạo điều kiện để sát thủ ra tay.

Ngay sau khi tin Thủ tướng Indira Gandhi bị ám sát được công bố, có nhiều thông tin nói rằng, CIA đứng đằng sau vụ án này, còn lực lượng cực tả người Sikh loan tin, mạng sống của bà Indira Gandhi là cái giá trả cho 600 người Sikh bị chết trong cuộc xung đột hồi tháng 6/1984. Chỉ mấy giờ sau cái chết của bà Indira Gandhi, những cuộc bạo loạn của các tín đồ, giáo phái khác nhau đã diễn ra trên khắp đất nước Ấn Độ khiến hơn 1.000 người chết và bị thương.

Theo kết quả khám nghiệm tử thi, cả 8 viên đạn bắn ra từ 2 khẩu Browing của Satwant Singh và Beant Singh đều trúng nạn nhân - 7 viên xuyên thủng ngực và 1 viên trúng tim. Ngay sau khi biết tin, Tổng thống Mỹ Reagan đã thức dậy lúc nửa đêm để bày tỏ thái độ: Tôi vô cùng kinh hoàng trước vụ ám sát vô nhân đạo này, và xin bày tỏ lòng thương tiếc khôn cùng trước sự qua đời của bà Indira Gandhi.

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher nói: Ấn Độ đã mất đi một con người dũng cảm vô song, một nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng, giầu nhân tính và tôi mất đi một đồng sự, một người bạn hiền từ, sáng suốt"

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.