Tại sao cuộc đảo chính tại Burundi thất bại?

Thứ Hai, 25/05/2015, 11:30
Đã có những phản ứng khác nhau sau khi giới chức Burundi cho biết (15/5), Thiếu tướng Godefroid Niyombare, thủ lĩnh cuộc đảo chính bất thành tại Burundi đã bị bắt cùng với 3 quan chức cấp cao của quân đội và cảnh sát.
Trong số 3 người này có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Cyrille Ndayirukiye. Giới truyền thông Burundi đưa tin như vậy, nhưng theo hãng Reuters và AFP, Thiếu tướng Godefroid Niyombare "vẫn đang lẩn trốn", trong khi các nhân vật cấp cao tham gia cuộc đảo chính đã ra đầu hàng.

Theo người phát ngôn Tổng thống Burundi Gervais Abayeho cho biết, Tướng Godefroid Niyombare và các đồng phạm tham gia cuộc đảo chính sẽ bị xét xử theo pháp luật. Cũng trong ngày 15/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeffrey Rathke đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ bạo lực gia tăng sau khi chính phủ Burundi áp dụng biện pháp mạnh tay nhằm trả đũa những người tham gia cuộc đảo chính vừa qua. Mỹ đã hối thúc Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza không theo đuổi nhiệm kỳ thứ ba, sau khi quốc gia châu Phi này phải hứng chịu hậu quả từ âm mưu đảo chính.

Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những căng thẳng và bất ổn đang diễn ra tại Burundi, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải đối thoại và hòa giải giữa những người Burundi để giải quyết cuộc khủng hoảng theo phương thức hòa bình, minh bạch và toàn diện.

Nga và Trung Quốc (2 trong số 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc) cho rằng, tranh cãi liên quan tới việc Tổng thống Pierre Nkurunziza ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 là vấn đề hiến pháp và nên giải quyết trong nội bộ Burundi.

Mặc dù Mỹ phản đối Tổng thống Pierre Nkurunziza theo đuổi nhiệm kỳ thứ ba (nhưng vẫn thừa nhận ông là Tổng thống hợp pháp của Burundi), và các tướng lĩnh quân đội, cảnh sát đã tiến hành cuộc đảo chính, nhưng bất thành, là câu hỏi khiến dư luận quan tâm. Bởi đảo chính bất thành đang đẩy Burundi rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ khi nội chiến sắc tộc ở nước này kết thúc cách đây 10 năm (2005-2015).

Và việc chạy đua để giành thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa của ông Pierre Nkurunziza đã khiến Burundi rơi vào tình trạng bạo loạn, khiến hàng chục người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chuyển thành các cuộc đụng độ kể từ hôm 26/4. Những người biểu tình không hài lòng trước việc Tòa án Hiến pháp ra phán quyết: vì Tổng thống Pierre Nkurunziza được Quốc hội bổ nhiệm năm 2005 chứ không phải do bầu cử, nên ông có quyền ứng cử thêm một lần nữa.

Và đảo chính đã diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Pierre Nkurunziza có chuyến công du tới Tanzania để đàm phán với lãnh đạo các quốc gia Cộng đồng Đông Phi (EAC - gồm Kenya, Rwanda, Uganda, Tanzania và Burundi) nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Burundi.

Tổng thống Pierre Nkurunziza.

Giới truyền thông cho rằng, sau khi ông Godefroid Niyombare bị cách chức Giám đốc cơ quan tình báo (tháng 2/2015), viên tướng này lập tức liên kết với những người "cùng cảnh ngộ" lên kế hoạch lật đổ Tổng thống Pierre Nkurunziza. Do đó, khi Tướng Godefroid Niyombare tuyên bố đảo chính (tối 13-5), thông tin này không gây bất ngờ với dư luận.

Phát biểu ngay sau khi tiến hành cuộc đảo chính, Tướng Godefroid Niyombare coi đây là nỗ lực nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực phản đối việc Tổng thống Pierre Nkurunziza ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 bởi đây là hành động vi phạm hiến pháp.

Sau khi ra lệnh đóng cửa sân bay Bujumbura, biên giới trên bộ và tuyên bố đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều quan chức quân đội và cảnh sát cấp cao, Tướng Godefroid Niyombare còn khẳng định, đang làm việc với các nhóm xã hội dân sự, lãnh đạo tôn giáo và chính trị gia để thành lập chính phủ chuyển tiếp. Và hàng trăm người đã xuống đường ăn mừng sau tuyên bố đảo chính của Tướng Godefroid Niyombare.

Khi đó, người phát ngôn lực lượng đảo chính Venon Ndabaneze còn khẳng định, họ đã kiểm soát toàn bộ thủ đô và số binh sỹ được triển khai đang đứng về phía lực lượng đảo chính. Nhưng trong ngày 14/5, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Burundi, Tướng Prime Niyongabo đã tuyên bố, âm mưu đảo chính của Tướng Godefroid Niyombare đã bị chặn đứng và Phủ Tổng thống vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng ủng hộ Tổng thống Pierre Nkurunziza.

Cũng trong ngày 14/5, Tổng thống Pierre Nkurunziza đã về nước ngay sau tuyên bố đảo chính bất thành của "Phó tướng đảo chính" Cyrille Ndayirukiye. Ông Cyrille Ndayirukiye thừa nhận thất bại vì vấp phải sự ủng hộ của quân đội. Bởi ngay trong ngày 14/5, các binh sỹ ủng hộ Tổng thống Pierre Nkurunziza đã giành lại quyền kiểm soát sân bay quốc tế ở thủ đô Bujumbura, nơi trước đó bị lực lượng ủng hộ đảo chính chiếm giữ.

Bộ trưởng Nội vụ Edourd Nduwimana cũng cho biết, lực lượng trung thành với Tổng thống Pierre Nkurunziza vẫn nắm quyền kiểm soát Phủ Tổng thống, Tòa nhà quốc hội, các trụ sở của Đảng Hội đồng Quốc gia bảo vệ nền dân chủ - Các lực lượng bảo vệ nền dân chủ (CNDD-FDD) cầm quyền, Đài Truyền hình và Đài phát thanh quốc gia.

Nhiệm Bình
.
.
.