Tại sao thủ lĩnh PKK muốn giải trừ vũ khí?

Thứ Sáu, 13/03/2015, 08:00
Ngày 28/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan đã hoan nghênh lời kêu gọi giải trừ vũ khí của thủ lĩnh Đảng Công nhân người Kurd (PKK) Apdullah Ocalan (đang bị giam giữ), đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ lời kêu gọi này.
Bởi trước đó, ông Apdullah Ocalan đã kêu gọi các chiến binh của mình ngừng hoạt động thù địch và rút khỏi bạo lực như một phần trong tiến trình hòa bình, để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài khoảng 3 thập kỷ qua, cướp đi sinh mạng của gần 40.000 người. Ông Apdullah Ocalan cũng kêu gọi PKK tham dự Hội nghị giải trừ quân bị với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Vì sao Tổng thống Tayip Erdogan lại quan tâm tới lời kêu gọi của thủ lĩnh PKK và ông Apdullah Ocalan có ảnh hưởng như thế nào tới người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ sự quan tâm

PKK bị Mỹ, Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố, khi phát động chiến dịch đòi thành lập một nhà nước độc lập của người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ (năm 1984). Washington coi PKK là tổ chức khủng bố quốc tế (mặc dù PKK chưa hề gây ra một vụ tấn công nào vào công dân hay trụ sở Mỹ) và thủ lĩnh PKK là người cần phải tiêu diệt. Chính CIA đã phát hiện nơi ở của Apdullah Ocalan khi ông dùng điện thoại di động liên lạc với người của mình.

Và ngay lập tức, CIA đã thông báo cho cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ thông tin quý báu này. Tuy Israel không trực tiếp tham gia vào vụ bắt Apdullah Ocalan, nhưng chính Mossad đã thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ về chuyến đi Moskva của thủ lĩnh PKK (tháng 10-1998). Ngoài ra, Israel còn giúp lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ những kinh nghiệm trong đấu tranh chống PKK.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan.

Năm 1984, PKK chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh vũ trang chống Ankara nhằm thành lập một quốc gia người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả những hoạt động kể trên của ông Apdullah Ocalan đã khiến thủ lĩnh PKK trở thành mục tiêu săn đuổi của lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy ông Apdullah Ocalan thường xuyên thay đổi chỗ ở, nhưng cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ luôn biết chính xác nơi ẩn náu của thủ lĩnh PKK.

Khi biết Syria cho ông Apdullah Ocalan tá túc, Ankara đã ra tối hậu thư, yêu cầu nước này phải trục xuất hoặc giao nộp thủ lĩnh PKK. Trước sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ, Syria đã phải trục xuất ông Apdullah Ocalan. Sau khi rời Syria, ông Apdullah Ocalan đã đến Moskva, rồi tới Italia thì bị bắt tại sân bay Roma ngày 20 /10/1998 vì sử dụng hộ chiếu giả. Khi đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm mọi cách, kể cả gây sức ép để dẫn độ ông Apdullah Ocalan, nhưng toà án Italia đã bác bỏ yêu cầu bắt giữ và trả tự do cho thủ lĩnh PKK.

Ngày 16/1/1999, ông Apdullah Ocalan rời Italia sang Hy Lạp. Ngày 2/2/1999, Hy Lạp trục xuất ông Apdullah Ocalan và bị từ chối khi xin vào Hà Lan. Hà Lan đề nghị ông Apdullah Ocalan sang Kenya, sống trong tư dinh của Đại sứ Hy Lạp ở Nairobi. Đêm 15, rạng sáng 16/2/1999, ông Apdullah Ocalan bị bắt khi đang ẩn náu trong tư dinh của Đại sứ Hy Lạp ở Nairobi (Kenya).

Lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ không thể bắt được ông Apdullah Ocalan tại tư dinh Đại sứ Hy Lạp ở Nairobi nếu không có sự tiếp tay của một số cơ quan tình báo như CIA (Mỹ), Mossad (Israel), EYP (Hy Lạp) và Moukharabat (Iraq). Giới chuyên môn cho rằng, Hy Lạp, Mỹ, Israel và Iraq đã tiếp tay cho Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ bắt ông Apdullah Ocalan.

Tới bản án tử hình

Trong quá trình thẩm vấn ông Apdullah Ocalan, Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép bất cứ một phóng viên nước ngoài nào tham dự, những luật sư được chỉ định bào chữa đều từ chối vì sợ bị PKK trả thù. Theo hồ sơ cảnh sát, có tới 3 Bộ trưởng Hy Lạp phải từ chức vì có "dính líu" tới ông Apdullah Ocalan. Đó là Bộ trưởng Nội vụ Alekos Papadopoulos, Bộ trưởng Ngoại giao Theodoros Pangalos và Bộ trưởng Trật tự công cộng Philipos Petsalnikos. Ngoài ra, chính phủ Kenya cũng phải cải tổ nội các vì ông Apdullah Ocalan bị bắt bên ngoài dinh thự của Đại sứ Hy Lạp ở phía Bắc Nairobi.

Sau khi bị kết án tử hình, ông Apdullah Ocalan bị giam giữ trong một căn buồng rộng 6m2 tại nhà tù Imrali, nằm trên một hòn đảo đơn độc ở phía Nam thủ đô Ankara, nơi chuyên giam giữ những phạm nhân nguy hiểm và tử tù. Mặc dù nằm xa đất liền, lại chỉ giam giữ khoảng 200 phạm nhân, nhưng người ta phải huy động tới 5.000 cảnh sát bảo vệ và cấm tất cả thuyền bè ngoại quốc không được phép qua lại khu vực này.

Khác với những tử tù và phạm nhân khác trong nhà tù Imrali, ông Apdullah Ocalan không được phép nói chuyện với cảnh sát giam giữ mình, không được xem báo, vô tuyến, phóng viên không được phép ghi âm, ghi hình thủ lĩnh PKK khi phỏng vấn. Mọi hoạt động trong phòng giam của ông Apdullah Ocalan đều được giám sát 24/24 giờ. Nếu thuận lợi, mỗi tuần luật sư và người thân được gặp ông Apdullah Ocalan 60 phút dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát.

Mặc dù bị xét xử bí mật tại nhà tù Imrali (phía Nam thủ đô Ankara, nơi giam giữ những phạm nhân nguy hiểm) và bị kết án tử hình (theo điều 125 Bộ luật Hình sự Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng ông Apdullah Ocalan vẫn được PKK bầu làm thủ lĩnh của họ (4/3/1999). 

Trung tuần tháng 5/2005, Toà án Nhân quyền châu Âu đã ra phán quyết, theo đó ông Apdullah Ocalan, người bị kết án tử hình năm 1999, sau đó được giảm xuống chung thân (tháng 7/2002) sẽ được tái xét xử trong một phiên toà. 

Theo giới truyền thông, tuy đã xoá án tử hình (treo cổ) đối với thủ lĩnh PKK, nhưng Toà án tối cao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuyên bố, ông Apdullah Ocalan sẽ không được hưởng thêm bất cứ ân xá nào nữa - sẽ phải sống suốt đời trong tù.

Và những hệ lụy

Ông Apdullah Ocalan sinh ngày 4/4/1948 trong một gia đình lao động nghèo người Kurd ở Ankara. Khi đang theo học tại Trường Đại học Ankara, ông Apdullah Okalan đã quyết định bỏ học để tham gia cuộc đấu tranh đòi độc lập cho đồng bào mình và chẳng bao lâu trở thành thủ lĩnh, biểu tượng của người Kurd. Ông Apdullah Ocalan bị bắt lần đầu tiên ngày 7/4/1972 vì tội có tư tưởng cấp tiến, tham gia hoạt động chống chính phủ. Ngày 28/11/1978 (có tài liệu nói năm 1974), ông Apdullah Ocalan thành lập PKK và đảm trách chức Tổng Bí thư. Sau đó không lâu, ông Apdullah Ocalan ra nước ngoài thành lập Học viện Chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, tiến hành chiến tranh du kích chống lại chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ lĩnh PKK Apdullah Ocalan.

Đầu tháng 7/2002, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua quyết định bỏ án tử hình (một trong những điều kiện để nước này gia nhập EU), nhưng phải 3 tháng sau (tháng 10/2002) lệnh ân xá mới được ban ra đủ thấy tầm quan trọng của ông Apdullah Ocalan trong đời sống xã hội Thổ Nhĩ Kỳ tới mức nào. Theo giới truyền thông, cuộc sống của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được cải thiện, đặc biệt tiếng Kurd được phép giảng dạy, có kênh phát thanh riêng và đây có phần đóng góp không nhỏ của ông Apdullah Ocalan.

Cộng đồng người Kurd là dân tộc không có tổ quốc đông nhất thế giới hiện nay. Từ trước đến nay, người Kurd luôn coi vùng Tây Nam châu Á, Turkmenistan, ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Iraq, Tây Iran, Đông Bắc Syria và 1 phần Armenia là lãnh thổ của họ. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, các nước phương Tây đã hợp tác với người Arab tiêu diệt đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) và sau đó trao trả độc lập cho người Arab. Người Kurd tuy góp phần tạo nên chiến thắng này, nhưng không nhận được một phần đất nào (theo Hiệp ước Sevres năm 1920). Từ đó vấn đề đòi tự trị, độc lập cho người Kurd càng trở nên bức xúc và tạo thành mối bất ổn trong khu vực.

Lâu nay, vấn đề người Kurd đã trở thành mối quan tâm của dư luận. Theo ước tính hiện có khoảng 20 triệu (có tài liệu nói trên 30 triệu, thậm chí 40 triệu) người Kurd sinh sống trên thế giới, nhưng chủ yếu tập trung tại Thổ Nhĩ Kỳ (12 triệu); Iran (6 triệu); Iraq (4 triệu); Syria (1 triệu); Đức (550.000); Pháp (120.000); Nga (150.000); Armenia (80.000); Italia và Hy Lạp (15.000); Thuỵ Điển (80.000); các nước Bắc Âu (60.000); Lebanon (80.000); Mỹ (10.000).
Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.