Tăng "kỷ lục" những vụ tấn công, bắt cóc và tra tấn

Thứ Hai, 07/11/2016, 13:44
Trung tâm tư vấn và dịch vụ (CSU) - một tổ chức phi chính phủ ở Zimbabwe cho hay, tổ chức này đã ghi nhận hàng trăm vụ việc liên quan đến bạo lực chính trị, chủ yếu do các lực lượng công quyền Zimbabwe thực hiện trong thời gian qua.


Bạo lực chính trị ở Zimbabwe tăng mạnh trong năm 2016, với mức kỷ lục các vụ tấn công, bắt cóc và tra tấn.

Những con số đáng báo động

Theo số liệu thống kê của CSU, tính đến ngày 21-10-2016, khoảng 654 trường hợp liên quan đến bạo lực chính trị đã được ghi nhận trong năm nay, cao hơn nhiều so với 476 trường hợp được ghi nhận trong năm 2015.

Tính đến ngày 21-10-2016, khoảng 654 trường hợp liên quan đến bạo lực chính trị đã được ghi nhận trong năm nay.

Theo CSU, phần lớn những cuộc tấn công đàn áp do các lực lượng vũ trang quốc gia thực hiện, bao gồm cả cảnh sát, quân đội và cơ quan tình báo. Nạn nhân là những người ủng hộ phe đối lập và các nhà hoạt động xã hội dân sự.

Những vụ bạo lực chính trị chủ yếu xảy ra ở hai thành phố lớn nhất của Zimbabwe là Harare (334 vụ) và Bulawayo (92 vụ). Đây được coi là những "trung tâm" hoạt động của phe đối lập chính trị.

45% nạn nhân thuộc các đảng phái chính trị không xác định và có liên kết rõ ràng với phong trào đối lập. Hơn 52% ủng hộ đảng đối lập chính thức - Phong trào Thay đổi vì Dân chủ (MDC-T).

Obert Gutu, phát ngôn viên của MDC-T cho biết, MDC-T là một trong những đảng phái chính trị lớn nhất và phổ biến nhất ở Zimbabwe, trong những năm qua, chính quyền đương nhiệm thường nhắm mục tiêu tấn công vào người ủng hộ MDC-T.

"Những gì đang diễn ra cho thấy, bạo lực chính trị ở Zimbabwe đang gia tăng với mức độ vô cùng nghiêm trọng. Nhiều vấn đề cần được tiếp tục làm rõ như việc tiêm chất gì đó vào cơ thể các nạn nhân, bắt cóc thân nhân những nhà hoạt động nhân quyền để gây sức ép…

Nhà nước và đảng cầm quyền đang tấn công các đảng đối lập, coi đó là mối đe dọa quyền lực. CSU hiện đang cung cấp các dịch vụ y tế cho nạn nhân của bạo lực ở Zimbabwe. Thực tế cho thấy, số người tìm kiếm sự trợ giúp y tế và tư vấn từ CSU rất cao", Frances Lovemore, giám đốc của CSU nhận định.

Bắt cóc, tra tấn và đe dọa tấn công tình dục

Ostallos Gift Siziba, một nhà lãnh đạo phong trào biểu tình sinh viên tại Đại học Zimbabwe nói với phóng viên tờ Guardian (Anh) rằng, anh bị các nhân viên an ninh bắt cóc và tra tấn ngay tại trụ sở hoạt động của đơn vị này. "Đó là thời điểm mà tôi đã phải trải qua sự tra tấn tàn bạo, vô nhân đạo.

Tôi đã bị treo ngược chân lên trần nhà, đầu cắm xuống đất và bị 21 thanh niên đánh đập cho đến khi ngất đi. Họ bắt tôi phải cung cấp thông tin về những nhà hoạt động nhân quyền khác", Siziba nói.

Sau đó, Siziba được chuyển đến đồn cảnh sát trung tâm Harare. Tại đây, anh tiếp tục bị đánh đập. "Tôi đã mất rất nhiều máu vì những vết thương ở khắp cơ thể. Tôi không được uống nước, không được gọi điện cho cha mẹ, luật sư hay bất cứ ai",  Siziba nói tiếp.

Những gì mà Siziba trải qua cũng khớp với lời khai của các nạn nhân khác. Một số nạn nhân khác cho biết, đã bị tiêm một chất gì đó vào người trong quá trình bị thẩm vấn, giam giữ. Có nạn nhân bị đe dọa tấn công tình dục.

Linda Masarira, một cựu nhân viên đường sắt quốc gia, hiện là nhà hoạt động chính trị độc lập nói rằng, cô cũng từng bị cảnh sát Zimbabwe bắt giữ và tra tấn. Cô bị bắt  6-7 vì cáo buộc tham gia vào các cuộc biểu tình bạo lực. Cô đã bị giam giữ 84 ngày trước khi được tại ngoại. "Tôi đã bị lạm dụng về thể chất và tinh thần. Tôi là người phụ nữ duy nhất bị bắt.

Khi ngồi trên xe vận chuyển người bị giam giữ, hai người đàn ông trên xe đã chạm vào cơ thể tôi. Cảnh sát đã dùng gậy baton chọc vào người tôi. Nhân phẩm và lòng tự trọng của tôi đã bị chà đạp", Linda Masarira nói.

Sau khi dẫn đầu một cuộc biểu tình yêu cầu cải thiện điều kiện sống trong nhà tù nữ giới Chikurubi, Linda Masarira được chuyển đến một nhà tù khác và bị biệt giam tại đây trong 18 ngày.

Theo nhận định của CSU, làn sóng phản đối Tổng thống 92 tuổi Mugabe gia tăng mạnh trong năm nay trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới sẽ diễn ra vào năm 2018.

Phe đối lập đã "xoáy" vào những vấn đề đang đặt ra trong xã hội mà chính quyền Zimbabwe hiện chưa thể giải quyết như nạn đói tràn lan, tình trạng thiếu tiền mặt khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản…

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.