Tanzania cấm phù thủy hành nghề “mê tín dị đoan”, bảo vệ người bạch tạng

Thứ Ba, 27/01/2015, 11:38
Ngày 14/1, Chính phủ Tanzania ra thông báo, nước này đã chính thức cấm các phù thủy hành nghề nhằm cố gắng ngăn chặn tình trạng giết hại oan ức người mắc hội chứng bạch tạng để lấy bộ phận cơ thể làm tà phép.

Trả lời phỏng vấn hãng Thông tấn Pháp (AFP), ông Isaac Natanga, người phát ngôn Bộ Nội vụ Tanzania cho biết: "Bất kỳ ai làm nghề phù thủy sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những vụ tấn công người bạch tạng".

Lệnh cấm được ban hành sau khi xảy ra vụ một nhóm đối tượng nam cầm dao rựa với sắc mặt dữ tợn xông vào một gia đình ở khu vực phía Bắc Mwanza bắt cóc một bé gái 4 tuổi. Kể từ đó, cảnh sát đã bắt giữ 15 nghi phạm, bao gồm cha đẻ và 2 người cậu bị tố cáo đồng lõa. Tuy nhiên, cho đến nay, tung tích của cháu bé vẫn bặt vô âm tín.

Theo các chuyên gia Liên hợp quốc, có ít nhất 74 người mắc hội chứng bạch tạng bị sát hại ở Tanzania- một quốc gia thuộc khu vực Đông Phi từ năm 2000.

Sau khi tình trạng sát hại người bạch tạng tăng vào năm 2009, Chính phủ Tanzania phải xây dựng nhiều nhà trẻ để bảo vệ các cháu nhỏ.

Song song với lệnh cấm, Chính phủ cũng triển khai một chiến dịch giáo dục nhằm chấm dứt nạn mê tín, dị đoan giết người bạch tạng.

Bộ trưởng Nội vụ, ông Mathias Chikawe cho biết: "Chúng tôi sẽ kiên quyết giải quyết vấn nạn bắt cóc và sát hại người bị bạch tạng.

Tuy nhiên, lệnh cấm không bao gồm các thầy lang sử dụng thảo mộc chữa bệnh. Cần phải phân biệt rõ, ở Tanzaniathầy phù thủy thường truy sát người bạch tạng để làm tà phép mê tín, nhưng thầy lang chỉ dùng cây cỏ chữa bệnh.

Ông Chikawe cũng cho biết Chính phủ và Hiệp hội người bạch tạng Tanzania đã thống nhất thành lập một đơn vị đặc biệt tiến hành các hoạt động đặc biệt ngăn chặn bắt cóc và sát hại người bạch tạng.

"Chúng tôi chống lại kẻ lừa dối người dân cũng như thầy bói và thầy bùa lu loa rằng, người dân sẽ trở nên giầu có bằng cách sở hữu bùa ngải", ông Chikawe trả  lời phỏng vấn báo chí Pháp. "Người dân cân phải biết rằng, cách duy nhất để trở nên giàu có là thông qua lao động cần cù, chăm chỉ và không nên sử dùng bùa ngải", ông nói thêm.

Trẻ em bạch tạng ở Tanzania (Ảnh: AFP).

Theo các chuyên gia, ở Tanzania hiện nay có khoảng 1.400 người bạch tạng - hội chứng di truyền gây thiếu sắc tố da khiến da trắng bệch, tóc vàng và mắt đỏ. Ở các quốc gia phương Tây, hiện có 20.000 người bạch tạng.

Trong tháng 8 năm ngoái, một chuyên gia nhân quyền Liên hợp quốc cảnh báo, các vụ tấn công người bạch tạng tăng cao do chiến dịch tranh cử Tổng thống Tanzania sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay được cho là sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt, thúc giục các nhà vận động chính trị đến gặp các thầy phù thủy để tìm “sức mạnh".

Những kẻ làm nghề phù thủy ở Tanzania rất độc ác và không còn nhân tính. Chúng thường bán các bộ phận cơ thể người bạch tạng với giá khoảng 600 USD, nếu thi thể nạn nhân còn nguyên vẹn giá sẽ là 75.000 USD, chính vì điều này đã khuyến khích bọn tội phạm ráo riết truy tìm, bắt cóc và giết hại người bạch tạng.

Hiện nay, ca sĩ bạch tạng người Tanzania, anh Salif Keita đang tích cực vận động một chiến dịch quốc tế chống lại nạn vấn nạn đầy tội ác này, đồng thời cố gắng hết sức mình để thay đổi suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu, mê tín của người dân đối với những người bạch tạng.

Trúc Phạm
.
.
.