Tập Cận Bình: Quân đội phải tách bạch với kinh tế

Thứ Hai, 24/07/2017, 14:54
Trong bối cảnh có nhiều tranh cãi quanh việc quân đội có nên tham gia các hoạt động kinh tế thuần túy hay không, chúng ta cùng nhìn sang cách hành xử của nước láng giềng là Trung Quốc trong vấn đề này.


Tháng 3-2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với vai trò là người đứng đầu của Ủy ban Quân ủy Trung ương, đã ra thời hạn 3 năm để quân đội nước này chấm dứt mọi hoạt động kinh tế.

Bước đi mạnh mẽ của ông Tập

Theo các nhà phân tích Trung Quốc, đây là một động thái nằm trong nỗ lực của ông Tập nhằm giúp lực lượng vũ trang ít tham nhũng hơn và "nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội".

Hãng tin Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Chính phủ Trung Quốc, lúc đó cho biết Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc (CMC) thông báo rằng sau 3 năm, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và lực lượng Cảnh sát quân đội của quốc gia sẽ không được phép thành lập bất kỳ dự án thương mại mới nào, bao gồm khách sạn và bệnh viện cung cấp dịch vụ cho công chúng. Các chuyên gia cho biết các dự án xây dựng do quân đội điều hành cũng sẽ bị cấm. Các hợp đồng hiện tại sẽ không được gia hạn khi hết hạn.

CMC cũng ban hành hướng dẫn về cách chấm dứt các hợp đồng hiện tại, để tránh những vấn đề phát sinh trong việc loại bỏ các dịch vụ đó. Các nhà quan sát cho biết một số chức năng như vậy có thể được quản lý bởi các tổ chức xã hội trong tương lai.

Quân đội Trung Quốc. 

Động thái này là một bước đi trong việc thực hiện các kế hoạch được ông Tập đưa ra vào năm 2015, nhằm làm cho lực lượng vũ trang Trung Quốc chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Năm 2015, ông Tập tuyên bố khoảng 300.000 nhân viên quân đội sẽ bị mất việc làm trong những năm tới, và các quan chức cho biết quân đội sẽ tập trung vào việc nâng cấp vũ khí và tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như chiến tranh trên không và công nghệ vũ trụ.

"Lợi nhuận sẽ làm giảm khả năng chiến đấu của quân đội”, tờ nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân viết. Trong khi đó, tờ Global Times dẫn lời một giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, cho biết: "Các dịch vụ thanh toán đôi khi có thể khuyến khích tham nhũng, và quân đội nên tập trung vào quốc phòng hơn là kinh tế".

Nhiệm vụ chính trị quan trọng

Ủy ban Quân sự Trung ương mô tả nỗ lực tách bạch quân đội với kinh tế là "một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc xây dựng lực lượng vũ trang". Tân Hoa Xã cũng lưu ý rằng, CMC "kêu gọi các đơn vị ở tất cả các cấp thực hiện đầy đủ quyết định". Điều này được nhìn nhận như một ám chỉ đến việc một số sĩ quan quân đội đã tỏ vẻ khó chịu trước việc cắt giảm nhân sự quân đội. 

Một chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng việc cấm cung cấp các dịch vụ kinh tế sẽ gây tổn hại đến lợi ích của nhiều sĩ quan, những người dựa vào đó như là một nguồn "thu nhập xám".

Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu tham gia vào các hoạt động thương mại - bao gồm các hoạt động kinh doanh thuần túy như điều hành các quán karaoke và câu lạc bộ đêm - trong những ngày đầu cải cách kinh tế dưới thời Đặng Tiểu Bình trong những năm 1980. Năm 1998, cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã kêu gọi đàn áp các hoạt động này, nhưng vẫn còn một số thả lỏng, cho phép quân đội tiếp tục một số hoạt động kinh doanh có lợi cho các sĩ quan đào tạo.

Tuy nhiên, ông Tập, người có cha là một tướng lĩnh cộng sản nổi bật, đã cho thấy mình sẵn sàng để đối chọi với những xung đột lợi ích mạnh mẽ trong lực lượng vũ trang. Ông đã giám sát việc bắt giữ một số tướng lĩnh hàng đầu như là một phần của chiến dịch chống tham nhũng “Đả hổ diệt ruồi”, bao gồm sĩ quan cao cấp nhất của Trung Quốc Từ Tài Hậu (Xu Caihou), người đã chết trước khi được đưa ra xét xử. Ông Tập cũng đã tổ chức lại cấu trúc chỉ huy quân đội. Và năm 2015, ông đã kêu gọi một quân đội có thể đặt lợi ích của Đảng Cộng sản lên hàng đầu.

Đồng thời, ông Tập nhấn mạnh rằng điều này sẽ làm cho quân đội Trung Quốc "mạnh hơn". Bộ Quốc phòng Trung Quốc năm 2015 cũng đã đưa ra một Báo cáo Trắng kêu gọi một quân đội hiện đại hơn, với cách tiếp cận dựa trên "chủ động phòng thủ" và dự báo hải quân lớn hơn. Và ông Tập đã chủ trì một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn.

Khác biệt giữa “tăng gia sản xuất” và “kinh doanh”

Một điểm cần khách quan ghi nhận là hầu hết quân đội tại các quốc gia trên thế giới đều có tham gia hoạt động kinh tế trong một số ngành công nghiệp nặng và nông nghiệp ở mức giới hạn, giúp họ có khả năng tự duy trì, từ đó giảm gánh nặng chi phí quốc phòng cho đất nước.

Tuy nhiên, việc quân đội được quyền tham gia vào các hoạt động kinh tế thuần lợi nhuận với danh nghĩa nhiệm vụ quốc phòng sẽ khiến mọi sự bị méo mó. Nhiều học giả khẳng định nguyên lý tổ chức của lực lượng vũ trang sẽ không bao giờ hòa hợp với nguyên tắc quản trị kinh doanh. Một khi quân đội dấn thân vào thế giới kinh danh, logic của lợi thế kinh tế, hiệu quả quản trị và sự mở rộng kinh doanh khiến cấp bậc quân sự mất đi giá trị, mô hình chóp bu tạo nên đặc trưng của quân đội mất đi bản chất của mình.

Điều này dẫn đến các vấn đề chính. Một là, sự lệch pha của mô hình quản lý từ cao xuống thấp theo cấp bậc quân đội trong mô hình kinh doanh thường được nối lại bởi tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu. Hai là, quân đội bị kéo ra khỏi quỹ đạo hoạt động đáng lẽ nó phải đi theo, như huấn luyện để tăng cường sức chiến đấu. Ba là, các nguồn lực quốc phòng thường rất hay được xem là nhàn rỗi khi không có chiến sự. Vậy nên không khó để những công ty quân đội sử dụng chúng để tạo ra lợi nhuận, và điều đó làm tổn hại tính cạnh tranh của thị trường.

Bảo Ngân
.
.
.