Tàu sân bay hạt nhân bá chủ của đại dương

Thứ Hai, 14/05/2012, 16:51
Đã nhắc đến Mỹ, không thể không nhắc đến hải quân Mỹ - lực lượng hải quân lớn mạnh nhất thế giới với thứ vũ khí đáng sợ nhất trên biển: tàu sân bay - thứ vũ khí được mệnh danh là "lãnh thổ di động trên biển" của nước Mỹ, thứ vũ khí góp phần lớn vào chiến thắng của Mỹ và phe đồng minh trong Thế chiến hai. Mỹ không phải quốc gia duy nhất sở hữu tàu sân bay, tuy nhiên chỉ có duy nhất quốc gia này sử dụng thành công, hiệu quả và biến tàu sân bay trở thành "lãnh thổ di động". Vậy, điều gì đã làm nên thành công của hải quân Mỹ với con bài chiến lược tàu sân bay?

Lãnh thổ di động của nước Mỹ

Nhắc đến nước Mỹ, ngoài nền kinh tế phát triển, khoa học kỹ thuật hiện đại, điều mà nhiều người nhớ đến đây là quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới. Đây là điều không phải bàn cãi khi mà ngân sách dành cho quốc phòng của quốc gia này là khoảng 700 tỷ USD, chiếm 4,7% GDP, lớn hơn tổng chi phí quốc phòng của 20 quốc gia đứng kế tiếp trong danh sách những nước chi nhiều nhất cho quốc phòng.

Tàu sân bay hay hàng không mẫu hạm là một loại tàu chiến đặc biệt được thiết kế để triển khai thu hồi máy bay trên biển. Ngoài ra, tàu sân bay còn được các quốc gia sở hữu sử dụng như một căn cứ không quân trên biển. Tàu sân bay là những chiếc tàu chiến lớn nhất đang được sử dụng trên biển, được hải quân các nước, đặc biệt là Mỹ coi là trung tâm, là soái hạm của các hạm đội.

Hiện trên thế giới có khoảng 150 tàu sân bay nhưng chỉ có 21 chiếc được sử dụng. Trong số các cường quốc, duy nhất có Mỹ hiện đang sử dụng số lượng lớn tàu sân bay và coi nó là vũ khí chiến lược trong các cuộc tranh chấp trên biển.

Tính cho đến nay, gần như tất cả các cuộc chiến tranh Mỹ triển khai quân đều tại các quốc gia "phía bên kia đại dương", tàu sân bay với những đặc điểm của mình là cách hiệu quả nhất để Mỹ triển khai quân tới bất cứ vùng biển nào trên thế giới mà không cần sự hỗ trợ từ các quốc gia khác.

Trong Thế chiến hai, mỗi lần Mỹ triển khai tàu sân bay là mỗi lần quốc gia này giành chiến thắng tuyệt đối (ít nhất là trên biển). Tàu sân bay có thể nói chính là thứ vũ khí đã đem lại chiến thắng cho quân đội Mỹ. Ngay cả trong những chiến dịch như chiến tranh Iraq, tàu sân bay cũng đóng góp không nhỏ vào chiến thắng của Mỹ.

Ngay cả trong thời gian hòa bình, tàu sân bay cũng là một vũ khí hữu hiệu của Mỹ. Mỗi khi gặp rắc rối trên biển hay có tranh chấp với quốc gia nào về vấn đề biển, Mỹ không cần nói hay làm gì nhiều, quốc gia này chỉ cần đơn giản cử một hoặc hai hạm đội tàu sân bay đến vùng biển kể trên, coi như mọi việc đã được giải quyết. Thực tế, đã rất nhiều lần Mỹ dùng cách này để chiếm lợi thế trên bàn đàm phán.

Có một điều nghe qua có vẻ khá kỳ lạ: có nhiều quốc gia có tàu sân bay, vậy tại sao chỉ một mình Mỹ có khả năng triển khai và sử dụng tàu sân bay có hiệu quả nhất? Tại sao chỉ có Mỹ là quốc gia duy nhất có thể "dọa" đối thủ bằng tàu sâu bay? Hãy cùng "thâm nhập" binh đoàn tàu sân bay của Mỹ và đặc biệt là Nimitz, tàu sân bay lớn nhất thế giới để tìm hiểu điều này.

Sức mạnh vượt trội

Điểm nổi trội đầu tiên của các tàu sân bay hiện đang hoạt động của Mỹ là nằm ở động cơ mà quốc gia này sử dụng trong các tàu sân bay đang hoạt động. 10/11 chiến tàu sân bay của Mỹ sử dụng hệ thống động cơ năng lượng hạt nhân.

Như các bạn đã biết, sức mạnh và tầm quan trọng của tàu sân bay nằm ở việc nó có thể hoạt động nhiều ngày liên tục ở trên biển và làm các nhiệm vụ "xa nhà" và dài ngày. Việc sở hữu động cơ hạt nhân khiến cho các tàu sân bay của Mỹ có thể nói là sở hữu nguồn năng lượng gần như vô tận, không bao giờ lo "hết xăng" hoặc phải quan tâm đến chuyện nạp nhân liệu.

Lấy ví dụ như siêu chiến hạm Nimitz, chiếc tàu sân bay này sở hữu hai lò phản ứng hạt nhân với 4 tuabin hơi nước. Mỗi động cơ hạt nhân này có công suất 150 MW, thừa đủ cho một thành phố cỡ nhỏ hoạt động bình thường. Với động cơ này, các siêu chiến hạm của hải quân Mỹ có khả năng vươn xa tới mọi nơi trên thế giới mà không cần cập cảng tiếp nhiên liệu - một ưu thế mà không hải quân nước nào có được. Trên thế giới, ngoài Mỹ, chỉ có duy nhất Pháp là sở hữu tàu sân bay năng lượng hạt nhân.

Tàu sân bay, hay hàng không mẫu hạm, là một loại tàu chiến được thiết kế để triển khai và thu hồi lại máy bay trên thực tế hoạt động như một căn cứ không quân trên biển. Vì vậy các tàu sân bay cho phép lực lượng hải quân triển khai không lực ở các khoảng cách lớn không phụ thuộc vào các căn cứ ở gần đó để làm căn cứ trên mặt đất cho máy bay. Các lực lượng hải quân hiện đại với những con tàu như vậy coi chúng là trung tâm của hạm đội, vai trò trước đó do tàu chiến đảm nhận.

Sự thay đổi này, một phần vì sự phát triển của chiến tranh trên không thành một phần quan trọng trong chiến tranh, đã diễn ra trong Thế chiến thứ hai. Các tàu sân bay không có hộ tống được coi là dễ bị các tàu khác, máy bay, tàu ngầm hay phi đạn tấn công và vì thế phải di chuyển trong một đội tàu sân bay. Trong lực lượng hải quân của nhiều nước, đặc biệt là Hải quân Hoa Kỳ, một tàu sân bay được coi là tàu chính.

Các tàu sân bay hiện đại có sàn bay phẳng, sàn bay được dùng làm nơi cất cánh và hạ cánh cho các máy bay. Máy bay cất cánh lên phía trước, ngược chiều gió, và hạ cánh từ phía sau. Các tàu sân bay có thể chạy với tốc độ, ví dụ lên tới 35 knot (65 km/h), ngược chiều gió khi máy bay cất cánh để tăng tốc độ gió biểu kiến, nhờ vậy giảm được tốc độ cần thiết của máy bay so với con tàu.

Trên một số chiếc, một hệ thống phóng máy bay hoạt động bằng hơi nước được sử dụng nhằm đẩy máy bay về phía trước trợ giúp thêm vào sức mạnh của động cơ máy bay, cho phép máy bay cất cánh ở một khoảng cách ngắn hơn bình thường, thậm chí với hiệu ứng của gió ngược chiều từ phía trước tới.

Trên các tàu sân bay khác, máy bay không cần trợ giúp để cất cánh, yêu cầu trợ giúp cất cánh liên quan tới thiết kế máy bay và đặc điểm của nó. Ngược lại, khi hạ cánh trên một tàu sân bay, một số máy bay chỉ dựa vào một móc đuôi để ngoắc vào các dây hãm chạy ngang sàn bay của tàu để giữ chúng dừng lại trong một khoảng cách ngắn hơn bình thường. Một số loại khác dùng khả năng lơ lửng của nó để hạ thẳng đứng và vì thế cần phải giảm tốc độ khi hạ cánh.

Từ cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, việc hướng đường băng hạ cánh chéo một góc so với trục chính của con tàu đã trở nên phổ thông. Chức năng đầu tiên của kiểu đường băng chéo là cho phép máy bay nào không móc được dây hãm, gọi là "bolter" (chú ngựa bất kham), tiếp tục cất cánh mà không gặp phải nguy cơ lao vào các máy bay đang đỗ ở khu vực phía trước sàn bay. Đường băng chéo cũng cho phép hạ cánh một máy bay cùng lúc với việc phóng một máy bay khác ở đường băng trước.

Các vùng sàn bay bên hông của tàu chiến (đài chỉ huy, tháp kiểm soát bay, hệ thống thoát khí của động cơ và các thứ khác) được tập trung ở một vùng khá nhỏ được gọi là một "đảo". Rất hiếm tàu sân bay được thiết kế hay được chế tạo mà không có một đảo và kiểu thiết kế như vậy, chưa từng được thấy trên bất kỳ một tàu sân bay cỡ hạm đội nào.

Một hình dạng gần đây hơn, gọi là kiểu nhảy cầu (ski jump), được Hải quân Hoàng gia Anh sử dụng, có một đầu dốc lên ở phía trước đường băng. Nó được phát triển để có thể phóng được các máy bay VTOL (máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng) hay STOVL (máy bay cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng) như kiểu Sea Harrier hay F-35. Mặc dù máy bay có thể bay lên thẳng đứng ở trên boong, nhưng việc sử dụng bờ dốc sẽ tiết kiệm nhiên liệu. Vì sẽ không cần tới các máy phóng và dây hãm nữa, các tàu sân bay kiểu này sẽ giảm được trọng lượng, tính phức tạp, và khoảng không cần thiết để bố trí thiết bị. Hiện nay Hải quân Hoa Kỳ có 11 tàu sân bay đang hoạt động.

Hạm đội những chiếc tàu sân bay thuộc lớp Nimitz Hoa Kỳ sẽ tiếp tục được sử dụng (và trong một số trường hợp được thay thế) bởi chiếc tàu sân bay CVN-21/CVNX. Họ hy vọng rằng những chiếc tàu này sẽ lớn hơn và sẽ mang hơn 80 máy bay hay nhiều hơn nữa so với lớp Nimitz, và cũng sẽ được thiết kế để khó bị radar phát hiện.

Mỹ đang giữ vị trí đầu trong danh sách những nước sở hữu tàu sân bay. Đáng kể nhất là 10 chiếc tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz là những tàu quân sự lớn nhất trên thế giới. Chiếc George H.W. Bush trị giá 6,2 tỷ USD với boong tàu có thể chứa 90 máy bay và trực thăng chiến đấu.

Chiếc USS George Washington dài 332 m, nặng 97.000 tấn, có sức chứa hơn 5.500 người và 70 máy bay và trực thăng rất hiện đại, trang bị hai lò phản ứng hạt nhân cho phép tàu hoạt động trong 18 năm mà không cần tiếp tế nhiên liệu.

USS Ronald Reagan có tốc độ cao nhất là hơn 30 hải lý, chạy bằng năng lượng hạt nhân và có thể chạy liên tục trong suốt 20 năm mới phải nạp năng lượng.

USS Theodore Roosevelt rộng 1,8 hecta, với trọng tải 88.000 tấn, chở gần 5.000 thủy thủ, được trang bị 90 trực thăng và máy bay chiến đấu.

Chiếc USS John C. Stennis được ví như khách sạn nổi, một thành phố thu nhỏ của nước Mỹ. Tàu có tổng cộng 19 tầng, với đầy đủ các dịch vụ thiết yếu, phòng phẫu thuật, đầu bếp chuyên nghiệp.

USS John C. Stennis được đưa vào trang bị ngày 9/12/1995 tại căn cứ Hải quân Bremerton, đã từng thực hiện nhiệm vụ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan ngày 23/2/2002. Neo đậu và hoạt động ở biển North Arabian, USS John C.Stennis Group là căn cứ xuất kích của các máy bay chiến đấu siêu hiện đại F/A-18C. Lực lượng không quân ở đây được trang bị các máy bay chiến đấu hiện đại F/A-18, F/A-18E, EA-6B Prowler, S-3 Viking, E-2C Hawkeye và SH-60 Seehawk.

USS John C. Stennis có trọng tải lên tới 97.000 tấn, tàu có chiều dài 333m và bề ngang 78m. Tàu USS Stennis hiện đang giữ kỷ lục là tàu chiến cao nhất trên thế giới với độ cao từ đáy đến đỉnh cao nhất của radar lên tới 74m (tương đương một tòa nhà 24 tầng). Trong khi các tàu sân bay truyền thống tiêu thụ trung bình 2 triệu lít xăng cho mỗi 3 ngày hoạt động, tàu USS Stennis (bằng công nghệ hạt nhân) thường cần 20-25 năm mới tái nạp nhiên liệu một lần. USS John C.Stennis Group được lắp 2 động cơ nguyên tử, có tầm hoạt động xuyên đại dương thế giới và chạy với tốc độ gần 60km/h, có thể mang được 3 triệu thùng nhiên liệu để tiếp dầu cho máy bay và số lượng vũ khí đủ để thực hiện các chiến dịch quân sự dài ngày mà không cần phải tăng cường thêm.

USS John C. Stennis còn được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không tầm gần, tầm xa và hệ thống tác chiến điện tử để đối phó với các đòn tiến công từ trên không, trên vũ trụ, trên biển và trên đất liền.

Bất chấp những tranh cãi ngày càng tăng về giá thành, chi phi cũng như tính thích hợp của những chiếc tàu sân bay, các lực lượng hải quân trên khắp thế giới vẫn tiếp tục bổ sung vào kho vũ khí của mình những chiếc tàu sân bay với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ sau thế chiến II.

Theo đuổi sản xuất tàu sân bay

Dù là nước sở hữu số lượng tàu sân bay nhiều hơn tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi việc sản xuất thêm những chiếc tàu sân bay để củng cố sức mạnh vượt trội của Hải quân nước này.

Các cường quốc hải quân có tiếng khác như Anh, Pháp và Nga cũng không phải là ngoại lệ. Ngoài ra, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang nỗ lực chạy đua để kết nạp thêm tàu sân bay vào lực lượng quân đội của họ.

Hải quân Mỹ dự kiến sẽ “trình làng” tàu Gerald R. Ford, tàu chỉ huy thuộc nhóm 3 siêu tàu sân bay lớp mới, vào năm 2015. Mỗi chiếc siêu tàu sân bay này có trị giá khoảng 9 tỉ USD.

Các nước thành viên NATO khác đang bổ sung thêm cho hạm đội tàu sân bay của họ gồm Anh, hiện đang đóng hai chiếc, và Pháp đang cân nhắc mua chiếc tàu sân bay hạt nhân thứ hai. Tây Ban Nha và Italia vừa mới trình làng hai chiếc tàu sân bay mới.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang trong quá trình đại tu và nâng cấp những chiếc tàu sân bay thời Xô Viết. Ấn Độ cũng đang đóng chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên của họ.

Trong khi đó, Nga đang có kế hoạch hiện đại hoá tàu sân bay mang tên Đô đốc Kuznetsov vào năm tới, để kéo dài thêm thời gian hoạt động đến sau năm 2030. Nga còn có kế hoạch mua tàu tấn công Mistral của Pháp.

Về phần mình, Brazil đã hoàn thành việc nâng cấp, trang bị mới cho chiếc tàu sân bay Foch mà họ mua lại của Pháp. Con tàu này giờ có tên mới là Sao Paolo và sẽ đóng vai trò là tàu đô đốc của Hải quân Brazil. "Việc sở hữu tàu sân bay là để thể hiện sức mạnh”, Phó Đô đốc Philippe Coindreau, chỉ huy đội đặc nhiệm của Hải quân Pháp thực hiện các cuộc tấn công vào Libya từ hôm 22/3 đến giờ, cho biết. Theo ông Coindreau: “Một chiếc tàu sân bay rất phù hợp với những kiểu xung đột như ở Libya và điều này đã được chứng tỏ hàng ngày".

Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đang tham gia vào chiến dịch can thiệp quân sự của NATO ở Libya. Con tàu có trọng tải 42.000 tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân này đã được trợ giúp bởi một con tàu sân bay khác của Italia. Đó là tàu Giuseppe Garibaldi có trọng tải 14.000 tấn. Không có chiếc siêu tàu sân bay nào của Mỹ tham gia vào cuộc chiến ở Libya dù nước này tham gia từ giai đoạn đầu.

Ông Lee Willett, một chuyên gia thuộc một tổ chức cố vấn ở thủ đô London, cho biết, cuộc chiến ở Libya đã cho thấy sự hữu ích của những chiếc tàu sân bay đối với hải quân các nước có lợi ích trong khu vực. Pháp và Italia, hai quốc gia thành viên NATO gần nhất với bờ biển đất nước Bắc Phi, đã chọn cách triển khai tàu sân bay cho chiến dịch ở Libya dù họ có các căn cứ không quân ở ngay gần đó.

"Trên khắp thế giới, có những lực lượng hải quân lớn và không lớn lắm đang nghiên cứu cách xây dựng sức mạnh không quân từ trên biển. Họ có thể không muốn trở thành những cường quốc trên toàn cầu nhưng chắc chắn muốn có sức mạnh nhất định trong khu vực".

Hiện tại, rất khó xác định con số chính xác tàu sân bay đang hoạt động trên thế giới bởi nhiều tàu sân bay xuất hiện dưới dạng tàu chiến đổ bộ, tàu sân bay trực thăng hoặc thậm chí là tàu khu trục… Tuy nhiên, việc hàng loạt nước đang đổ xô đầu tư chế tạo hoặc mua tàu sân bay để củng cố sức mạnh trên biển của họ là điều rõ ràng và chắc chắn.

Tàu sân bay hạt nhân Mỹ đến gần Iran

Hàng không mẫu hạm huyền thoại USS Enterprise đang hoạt động tại Đại Tây Dương trong chuyến hải hành cuối cùng, và có thể sẽ tới gần vùng biển của Iran.

USS Enterprise cùng thủy thủ đoàn 3.100 người rời Căn cứ Hải quân Norfolk ở bang Virginia hôm 11/3, CNN đưa tin. Đây là chuyến đi thứ 22 của tàu sân bay này trong lịch sử nửa thế kỷ tồn tại. USS Enterprise sẽ được triển khai vào các chiến dịch khu vực tại Hạm đội 5 và Hạm đội 6 của hải quân Mỹ, bao gồm việc thực thi nhiệm vụ ở châu Âu, châu Phi và cả Trung Đông, trong đó có các điểm nóng hiện nay như Iran và Syria.

"USS Enterprise sẵn sàng và có đủ năng lực như nó đã có trong suốt 50 năm qua", sĩ quan chỉ huy tàu, thuyền trưởng William C. Hamilton, khẳng định trong một thông báo.

Theo dự kiến, hàng không mẫu hạm này tới biển Arab vào ngày 20/3, tức là sau gần 10 ngày trên biển. Đi cùng USS Enterprise là 3 tàu khu trục có tên lửa hành trình và nhiều chiến hạm khác.

USS Enterprise là tàu sân bay hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Nó có biệt danh là "Big E" và là tàu chiến thứ 8 của hải quân Mỹ mang tên USS Enterprise. Đây còn là tàu chiến dài nhất của Mỹ và cả thế giới với độ dài 342 m. "Big E" là ngôi sao của hải quân Mỹ trong suốt những năm tồn tại, và từng xuất hiện trong bộ phim Top Gun của tài tử Tom Cruise hồi năm 1986.

Tàu sân bay cao tuổi nhất của Mỹ sẽ được "về hưu" tại Norfolk vào ngày 1/12. Tất cả các thiết bị còn có thể sử dụng sẽ được gỡ ra, thiếu úy Brynn Olson, quyền sĩ quan phụ trách các vấn đề công chúng trên tàu, cho biết. USS Enterprise sau đó được kéo tới bang Washington và sẽ bị tháo rời thành nhiều mảnh tại đây.

Hàng không mẫu hạm này không thể trở thành một viện bảo tàng vì việc loại bỏ 8 lò phản ứng trên tàu sẽ dẫn tới việc phá hủy phần lớn cấu trúc, khiến nó không thể được sửa chữa đủ để trở thành một nơi trưng bày.

Hải quân Mỹ tuyên bố triển khai hàng không mẫu hạm thứ hai tới vùng Vịnh Ba Tư, trong bối cảnh căng thẳng leo thang quanh chương trình hạt nhân của Iran. Chiến hạm được điều động là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Enterprise.

Việc USS Enterprise tới sát cánh cùng hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln, đánh dấu lần thứ tư hải quân Mỹ cùng lúc có hai tàu sân bay tại cả Vịnh Ba Tư và biển Arab trong một thập kỷ qua, AP dẫn lời chỉ huy Amy Derrick-Frost của Hạm đội 5 đóng tại Bahrain.

Theo bà Derrick-Frost, hai tàu sân bay nói trên sẽ hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Afghanistan và các nỗ lực chống hải tặc ở ngoài khơi bờ biển Somalia. Các hàng không mẫu hạm này cũng tuần tra các tuyến vận chuyển dầu mỏ chiến lược tại vùng Vịnh, vốn từng bị Iran đe dọa đóng lại nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế.

Việc triển khai tàu sân bay thứ hai là một việc làm bình thường và không liên quan cụ thể tới một mối đe dọa nào, bà Derrick-Frost cho biết thêm. USS Enterprise hiện có căn cứ nhà tại Norfolk, bang Virginia, Mỹ.

Đây là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của hải quân Mỹ và đang trong chuyến làm nhiệm vụ cuối cùng trước khi bị loại bỏ vào mùa thu năm nay, sau hơn nửa thế kỷ hoạt động. USS Enterprise sẽ được kéo tới bang Washington và bị tháo rời thành nhiều mảnh tại đây.

Tàu USS Enterprise xuất hiện tại vùng biển gần Iran trong bối cảnh căng thẳng leo thang quanh chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Tehran. Các nước phương Tây và Mỹ vẫn đang tìm cách áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào kinh tế Iran để ngăn nước này tiếp tục tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, Iran tỏ ra không hề nao núng và liên tiếp có những cuộc tập trận để thể hiện sức mạnh quân sự. Tehran cũng tuyên bố không chấp nhận các điều kiện tiên quyết trước vòng đàm phán về hạt nhân sắp tới

Trần Tú – Nam Phong
.
.
.