Tây Ban Nha bắt nhóm tội phạm buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia

Thứ Ba, 10/04/2018, 17:19
Các nhà chức trách Tây Ban Nha vừa bắt giữ một mạng lưới buôn bán bò sát với quy mô lớn, cho thấy việc buôn bán này không những đem lại lợi nhuận cao mà còn chịu rủi ro thấp.


Ngày 9-3, Bộ Môi trường Tây Ban Nha và lực lượng an ninh quốc gia cùng với Cảnh sát châu Âu (Europol) đã triệt phá thành công một mạng lưới buôn bán động vật hoang dã, bắt giữ hơn 600 cá thể bò sát có nguy cơ tuyệt chủng hoặc trong danh sách cần được bảo vệ. 

Những cá thể bò sát này đang được vận chuyển từ các nước châu Mỹ, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương sang thị trường châu Âu, giao cho những kẻ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp để bán giết thịt hoặc làm vật nuôi nhằm kiếm lời.


Phần lớn cá thể bò sát thu được trong vụ bắt giữ có nguy cơ tuyệt chủng hoặc trong danh sách cần được bảo vệ.

Đầu mối đầu tiên của cuộc điều tra là những kẻ bị bắt giữ ở Hà Lan vào tháng 9-2016. Tại đây, 3 người Tây Ban Nha đã bị chính quyền Hà Lan bắt giữ sau khi các nhân viên hải quan phát hiện hơn 250 cá thể bò sát có nguồn gốc Mexico được giấu trong vali của họ. Số động vật trên được dự định chuyển đến Tây Ban Nha, ước tính giá trị thị trường chợ đen khoảng 186.000 USD (khoảng 423 triệu đồng).

Các cuộc điều tra cho thấy 3 người nói trên là một trong những mắt xích của đường dây buôn bán động vật hoang dã đa quốc gia, bao gồm các nước như: Mêhicô, Úc, New Zealand, Fiji, Oman và Nam Phi. Chúng sử dụng hình thức "con lai" để nhập khẩu bất hợp pháp các loại bò sát này vào châu Âu và được bán tại các chương trình thương mại chuyên biệt.

 Không những thế, những kẻ này còn giả mạo các tài liệu thương mại bắt buộc đối với việc sở hữu hợp pháp các loài động vật này. Kết quả là nhiều loài bò sát bị tịch thu đã chết và để đông lạnh, một hành động cho phép những kẻ buôn bán động vật trái phép sử dụng các tài liệu pháp lý về động vật chết cho những loài buôn bán bất hợp pháp tương tự.

Phần lớn các loài bò sát bị bắt giữ đều là những loài được cảnh báo nằm trong danh sách những loài bị đe dọa và được bảo vệ theo Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), một thỏa thuận quốc tế nhằm ngăn chặn hành động buôn bán động vật hoang dã toàn cầu.

Mạng lưới buôn bán động vật hoang dã mở rộng ở Tây Ban Nha vừa qua như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về lợi nhuận và khả năng xuyên biên giới của thương mại bất hợp pháp, cũng như các giới hạn của các nỗ lực thực thi pháp luật hiện tại để chống lại nó.

Theo Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu chống lại tội phạm tổ chức xuyên quốc gia, buôn bán động vật hoang dã là một trong những tổ chức tội phạm xuyên quốc gia hoạt động có thể mang về lợi nhuận cao nhất trên thế giới, tạo ra từ 7 đến 23 tỷ USD lợi nhuận phi pháp hàng năm.

Dù việc buôn bán trái phép động vật sinh lợi lớn, nhưng dường như những chính sách để chống lại hành động phi pháp này lại ít nhận được sự quan tâm của các cơ quan hơn là thuốc và súng. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc buôn bán động vật hoang dã vẫn đang diễn ra và ngày càng có quy mô rộng lớn.

Một trở ngại nữa cho việc triệt phá nhóm tội phạm nói trên là các chiến dịch chống buôn bán động vật hoang dã ở Tây Ban Nha đều tập trung vào các loài động vật biểu tượng như mèo và voi, trong khi các loài nguy cơ cao khác lại ít được quan tâm.

Theo Tổ chức Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC), mặc dù các loài bò sát không phải là loài thường xuyên bị đem ra buôn bán, nhưng chúng lại là loài động vật quý hiếm thứ hai bị buôn bán trên toàn thế giới, chiếm 28% tổng số động vật bị bắt giữ trên thế giới từ năm 1999 đến 2015.

Triệu Mẫn
.
.
.