Tây Phi nỗ lực bài trừ nạn ép buộc trẻ em làm trong trang trại cacao

Thứ Ba, 06/08/2019, 14:10
Phần lớn trẻ em Tây Phi có gia cảnh nghèo đói, từ nhỏ đã phải bắt đầu làm việc trong các trang trại cacao gia đình, hoặc đi làm thuê. Do hoàn cảnh quá khó khăn cộng thêm lời hứa hẹn trả lương cao từ những kẻ buôn người, nhiều trẻ em đã bị lừa tới làm việc tại các trang trại cacao ở vùng xa xôi.


Bị đánh đập, bóc lột sức lao động

Chocolate là sản phẩm có thành phần chủ yếu từ hạt cây cacao, được trồng chủ yếu ở các khu vực như Tây Phi, châu Á và Mỹ latin. Hai quốc gia Tây Phi gồm Ghana và Bờ Biển Ngà là nguồn cung cấp chủ yếu, chiếm hơn 70% sản lượng cacao thế giới. Cacao thu hoạch tại các trang trại ở hai nước này phần lớn được bán cho những công ty sản xuất chocolate lớn trên thế giới như Nestlé (Thụy Sĩ), Hershey & Mars (Mỹ)…

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, năm 2017, có tới hơn hai triệu lao động trẻ em trong các trang trại cacao, hầu hết các em có độ tuổi từ 12 đến 16. Một ngày làm việc của trẻ em thường bắt đầu lúc 6 giờ sáng và chỉ kết thúc khi trời tối. Công việc của các em hết sức nặng nhọc và nguy hiểm, như sử dụng cưa máy để phát quang cây rừng, trèo lên cây hái quả cacao bằng dao rựa...

Trẻ em phải làm việc như nô lệ tại các đồn điền cacao.

Ngoài ra, các em còn phải vác những bao tải quả cacao nặng hơn 45kg và kéo chúng ra khỏi rừng. Anh Aly Diabate, người từng làm việc tại trang trại cacao khi còn nhỏ nhớ lại: "Một số bao tải quả cacao còn to hơn người tôi. Phải cần tới hai người mới có thể đặt bao tải đó lên đầu. Mà nếu không vác nó đi nhanh, tôi sẽ bị đánh đòn".

Sau quá trình thu hoạch quả cacao, mỗi đứa trẻ phải tách vỏ bằng dao để lấy hạt. Những vụ tai nạn khi dùng dao tách hạt cacao vẫn thường xảy ra, để lại trên cơ thể các em nhiều vết sẹo, phần lớn ở tay, chân hoặc vai. Bên cạnh đó, tại các trang trại cacao ở Tây Phi, trẻ em cũng tiếp xúc nhiều hóa chất nông nghiệp.

Cây cacao tại khu vực nhiệt đới như Ghana và Bờ Biển Ngà thường bị nhiều loại côn trùng gây hại và lựa chọn duy nhất của các trang trại là phun hóa chất công nghiệp. Ở Ghana, lao động trẻ em khoảng 10 tuổi là những người phun hóa chất công nghiệp có độc tố này mà không được trang bị bất kỳ quần áo bảo hộ nào.

Không được đi học, trong khi thu nhập chỉ khoảng 8 USD mỗi tuần, trẻ em tại các trang trại cacao khó có hy vọng thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo đói. Những năm gần đây, nhà chức trách còn phát hiện nhiều em bị bán vào các trang trại cacao ở Tây Phi, bị ép làm việc mà không được trả lương, bị đối xử như nô lệ.

Những giải pháp khắc phục

Mỗi năm, ngành công nghiệp chocolate thu về khoảng 100 tỷ USD doanh thu và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã chi tổng cộng hơn 148 triệu USD trong 18 năm để giải quyết vấn đề nhức nhối liên quan lao động trẻ em.

Từ khi Nghị định thư Harkin-Engel ra đời tháng 9-2001, tiếp theo đó là tuyên bố chung các năm 2005, 2008 và 2010 đã đặt ra mục tiêu cho những công ty sản xuất chocolate lớn cam kết loại bỏ dần lao động trẻ em khỏi chuỗi cung ứng, xây dựng tiêu chuẩn chứng nhận sản phẩm cacao được tạo ra mà không có bất kỳ hình thức lạm dụng lao động trẻ em nào.

Các quan chức hàng đầu của hãng Hershey & Mars, Nestlé và năm công ty chocolate lớn khác trên thế giới đã ký kết thỏa thuận. Ngoài ra, Chính phủ Bờ Biển Ngà, Ghana, cùng nhiều tổ chức vì người lao động và cộng đồng người tiêu dùng đều ủng hộ những cam kết này.

Bà Abby McGill, Tổ chức Diễn đàn quốc tế về quyền lao động cho biết: "Chúng tôi đã đấu tranh trong một thời gian dài, nhằm yêu cầu Nestle có trách nhiệm giải trình đối với việc sử dụng nguồn lao động bất hợp pháp, đồng thời yêu cầu mức bồi thường cho các nạn nhân".

Song song việc tạo ra hệ thống riêng để giám sát lao động trẻ em, các công ty chocolate lớn nhất còn chuyển sang mua sản phẩm thông qua bên thứ ba như tổ chức Fairtrade, Utz và Rainforest Alliance. Đây là những tổ chức thương mại uy tín có kiểm tra và dán tem bảo đảm các sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn sản xuất nghiêm ngặt, bao gồm cấm lao động trẻ em.

Mục tiêu giảm 70% lao động trẻ em vào năm 2020 của các tổ chức và công ty lớn trong ngành công nghiệp chocolate dựa trên một số giải pháp mới. Trước hết, đó là sáng kiến thuê nông dân địa phương làm người giám sát các trang trại cacao và báo cáo tình trạng lao động trẻ em. Nếu phát hiện bất kỳ trường hợp nào, những nông dân này khuyến khích gửi trẻ đến trường và cung cấp sự hỗ trợ cho các em. Trong các chương trình thí điểm, hệ thống giám sát mới đã giảm 30% lao động trẻ em trong ba năm.

Từ năm 2005 đến nay, đã không ít lần các chính phủ và đại diện nhiều công ty sản xuất chocolate lớn nhất thế giới ngồi lại bàn bạc, đưa ra các tuyên bố chung về việc chấm dứt sử dụng lao động trẻ em ở tất cả trang trại trồng cây cacao. Năm 2020 sẽ là mốc thời hạn mới cho cam kết của các "ông lớn" trong ngành công nghiệp này nhằm tiến tới giảm 70% lao động trẻ em, theo Nghị định thư Harkin-Engel về chấm dứt các hình thức lao động trẻ em trong ngành sản xuất cacao, đặc biệt là ở các nước châu Phi.

Nguyễn Minh
.
.
.