Tên khủng bố số một thế giới: Mờ tỏ chân dung

Thứ Sáu, 23/10/2020, 08:01
Dưới đây là những điều được biết – rất ít ỏi – về kẻ cầm đầu mới của tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo”, tuy không có nguồn gốc phù hợp với truyền thống của đạo Hồi nhưng vẫn “lên ngôi” và đang cố kiết phục hồi hào quang cũ của tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới…


Từ mùa thu năm 2019, nhóm khủng bố tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) phải nếm trải thời kỳ đen tối nhất của mình: bị mất phần lớn lãnh thổ ở Iraq và Syria vừa chiếm được, lực lượng thánh chiến (Jihad) hầu như kiệt quệ, chịu đòn giáng lớn nhất là thủ lĩnh của mình - Abu Bakr al-Baghdadi - bị xóa sổ trong một cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm Mỹ hồi tháng 10 năm 2019. Tuy nhiên, không đến một tuần sau, vị trí đó đã có người thay thế.

Dưới đây là những điều được biết – rất ít ỏi – về kẻ cầm đầu mới của tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo”, tuy không có nguồn gốc phù hợp với truyền thống của đạo Hồi nhưng vẫn “lên ngôi” và đang cố kiết phục hồi hào quang cũ của tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới…

Hoàng tử nhỏ của Iraq

Tên thật của thủ lĩnh mới là Amir Mohammed Abdul Rahman al-Mawli al-Salbi. Y ra đời vào khoảng năm 1976 tại thành phố Tal Afar, tỉnh Ninevehà (Iraq), nằm ở phía Tây Mosul. Ngay cái tên của đứa trẻ đã phần nào xác định số phận sau này của nó: Amir trong tiếng Arab có nghĩa là hoàng tử, công tước hay người chỉ huy. 

Xét về truyền thống thì gia đình y chính là người gốc Turmenia sống tại Iraq, trong một môi trường những cuộc sát phạt đẫm máu xảy ra như cơm bữa. Dân tộc thiểu số này đã dành một thời gian dài để đấu tranh đòi tách khỏi Iraq và thành lập một quốc gia dân tộc riêng rẽ. Mặc dầu Bagdad đã từ lâu có hứa sẽ đáp ứng nguyện vọng của dân tộc này, lần gần đây nhất, vấn đề đã được bàn thảo nghiêm túc vào năm 2007, nhưng quốc gia riêng thì đâu vẫn chưa thấy.

Từ bấy đến nay, các đại biểu của những dân tộc thiểu số vẫn phải bằng lòng với những lần họp hiếm hoi với chính phủ để bàn thảo những vấn đề cấp thiết và tranh chấp với những láng giềng người Kurd cũng trong tình cảnh đấu tranh đòi tách ra từ lâu.

Thời trẻ, chàng thiếu niên al-Salbi rời quê đến Mosul, nơi anh ta tốt nghiệp một trường đại học địa phương, nghiên cứu luật Islam, Shari'a (đạo luật hành vi hoặc luật tôn giáo của Hồi giáo). Học xong, y trở thành sĩ quan quân đội của Tổng thống Saddam Hussein và gia nhập đội ngũ Ba'ath (Đảng Xã hội Phục hưng Ả Rập). Không thể nói rằng al-Salbi hoàn toàn bỏ bẵng nghề được đào tạo – trong tương lai, học vấn tôn giáo sẽ giúp cho y chiếm giữ vị trí xứng đáng trong hàng ngũ những người theo đạo Hồi, nhưng hiện thời y tận tụy phục vụ chính quyền và sống cuộc sống tương đối bình lặng.

Cuộc sống đó kết thúc vào đầu những năm 2000. Khi đó, một liên minh quân đội nhiều nước do Mỹ cầm đầu đã đưa quân vào đất nước để lật đổ Tổng thống Hussein và nhân dân Iraq bị mất một thời gian dài sống trong bất an, họ buộc phải chiến đấu vì sự tồn tại – việc ấy không còn là riêng của người Turmenia và người Kurd.

Từ đó, al-Salbi mau chóng tìm đến phái Hồi giáo cấp tiến: y sung vào hàng ngũ của chi nhánh tại Iraq thuộc nhóm khủng bố “al-Qaeda”, sẵn sàng chiến đấu vì đất nước và đức tin của mình. Ở đó, y thăng tiến đến chức phụ trách toàn quyền các vấn đề tôn giáo và trạng sư luật Shari'a (là luật quy định hành vi theo khuôn phép của Hồi giáo) – thật là phù hợp với sự học ở Mosul. Nhân đây cũng phải kể thêm rằng công vụ này kéo dài không lâu: ngay trong năm 2004, al-Salbi đã bị đặc nhiệm Mỹ bắt sống và y phải vào trại thanh lọc Camp Bucca. Đây là trại tù do chính quyền Mỹ mở ra trên đất Iraq ở vùng biên giới giáp Iran để giam giữ những nhóm tù nhân khác nhau, kể cả những người không kết được tội gì).

Máy ấp trứng "nhà nước Hồi giáo"

Camp Bucca – cái thành trì u ám đó nằm giữa sa mạc là nơi giam giữ nhiều người Islam, bọn Mỹ dồn vào đây tất cả những “người Iraq khả nghi”, không hiếm khi những người đó là thành viên bằng thật của “al-Qaeda”, như al-Salbi vậy. Người ta rất sợ phải vào Camp Bucca không chỉ vì điều kiện giam giữ ở đấy rất nặng nề, mà còn vì tin chắc rằng đã vào đấy thì sẽ không bao giờ có ngày trở về đội ngũ của những đoàn quân thánh chiến, sẽ phải đầu hàng trong cuộc đấu tranh vì đất nước và đức tin.

Nhưng kết quả thì ngược lại: nhà tù đó trở thành chỗ lý tưởng cho những người theo đạo Hồi, thậm chí người ta còn gọi đấy là lò ấp trứng của tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo”. Chính tại đây là nơi gặp nhau của những tên cấp tiến nguy hiểm nhất, những tên chủ mưu lý tưởng của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” trong tương lai.

Một trong số tù nhân ở đây nhớ lại: “Nếu như không phải trại này mà ở Bagdad hay một chỗ nào khác thì chúng tôi sẽ chẳng bao giờ tụ tập được một thành phần đông đủ. Đơn giản vì chỗ ấy hiểm lắm”. Thế là Camp Bucca trở thành chỗ không những an toàn, mà còn rất gần, chỉ cách lãnh đạo “al-Qaeda” chừng đôi mét.

Kẻ từng cầm đầu tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” - Abu Bakr al-Baghdadi.

Một trong số tù nhân của trại 

Chính trại tù đó là nơi từng giam giữ tên “khalip” tương lai của tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” là Abu Bakr al-Baghdadi (trong thể chế Hồi giáo, “khalip” là lãnh tụ tôn giáo tối cao, người kế tục nhà tiên tri Muhammad). Khi ấy y đã là thành viên của “al-Qaeda tại Iraq” và bị bắt khi vừa bước chân vào nhà một người bạn, mà người bạn ấy đang trong diện bị truy nã.

Trong con người al-Baghdadi với vẻ ngoài lặng lẽ không có gì nổi bật ấy, người ta đã không thấy một tên khủng bố tương lai nên đã chuyển y vào khu vực của những người khả nghi nguy hiểm để cho y diễn giảng về tôn giáo và hướng dẫn các tù nhân khác sống tương ứng với cách hiểu đạo Hồi của mình. Chính trong hoàn cảnh đó, y đã quen al-Salbi.

Amir al-Salbi ngồi trong nhà tù mất bao lâu, chính xác thì không thể biết. Các nhà nghiên cứu thiên về phía cho rằng, sau khi được thả ra, hắn tiếp tục làm việc cho “al-Qaeda” – lại vẫn giữ những cương vị cũ như hồi trước khi bị bắt và trên thực tế trở thành một trong số những nhà tư tưởng của tổ chức, nhận biệt danh tôn kính là “Giáo sư” hoặc “Kẻ hủy diệt”. Cũng không thể rõ những người mới quen trong trại Camp Bucca có liên lạc với hắn hay không: chí ít ra thì al-Salbi đã khá đủ cẩn thận, kịp giấu tất cả để khỏi để lại dấu vết và không rơi vào tay bọn Mỹ một lần nữa.

Ở trại Camp Bucca ra, cả al-Baghdadi cũng gia nhập nhóm. Đầu tiên y lo việc biên soạn chiến lược tuyên truyền, đến năm 2014 đã trở thành “khalip” dưới cái tên Abu Bakr al-Baghdadi. Al-Salbi cùng với những tay súng khác đã tuyên thệ trung thành với y. Điều đáng lưu ý là đến thời điểm đó, “al-Qaeda tại Iraq” đã dứt khoát biến thành tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo”: tách khỏi “al-Qaeda” gốc, thay đổi một vài cái tên và bắt đầu tham gia chiến đấu trên lãnh thổ Syria.

Về tổ chức tự xưng "Nhà nước Hồi giáo"

Trong năm 2014, tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” nhanh chóng chiếm được phần lãnh thổ phía Bắc Syria và Iraq – đúng ở cái chỗ mà người Kurd muốn thành lập một quốc gia của mình. Chỉ trong vòng một năm, hơn 3 triệu người Iraq đã phải dời nhà di tản để tránh hiểm nguy, trong số những người này có gần một triệu người Kurd.

Với al-Salbi, kẻ có cả tuổi thơ từng quan sát những cuộc giao tranh giữa các dân tộc khác nhau, thì cuối cùng đã xuất hiện cơ hội để chiến đấu thực sự với các loại kẻ thù. Hắn rất nhanh chóng chiếm được một trong số cương vị cao nhất và chỉ ít lâu sau đã được đồng bọn gọi bằng “Giáo sư”, rồi “Kẻ hủy diệt”: tên khủng bố này không hiếm khi làm rõ trắng đen với những ai phẫn uất với những việc làm của al-Baghdadi.

Nghe nói các phương pháp của al-Salbi càng ngày càng tàn nhẫn hơn, các kế hoạch thanh trừng “những kẻ bất tín” ngày càng tinh vi hơn. Al-Salbi chính là một trong số những kẻ đã ra lệnh chặt đầu hàng nghìn người Yazidi ở Iraq vì những người này thuộc về dân tộc thiểu số lại theo công giáo.

Khi ấy, tổ chức tự xưng “N hà nước Hồi giáo” quả là được sống trong kỷ nguyên “vàng son” của mình: quân khủng bố tiếp tục chiếm hết thành phố này đến thành phố khác ở Syria và Iraq, chặt đầu hàng nghìn dân lành. Trong tháng 3, chúng đã cho nhóm hạt nhân xuất hiện ở Tây Phi: tên cầm đầu tổ chức “Boko Haram” là Abubakar Shekau đã tuyên thệ trung thành với khalip. Quân khủng bố đã kịp thu hút những người ủng hộ từ khắp thế giới và gieo rắc nỗi sợ hãi vào tất cả những ai trông thấy lá cờ đen của chúng.

Những tay súng của tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo”.

Tuy nhiên, đầu mùa thu năm 2019, tình hình đã thay đổi hẳn: phần lớn những lãnh thổ chiếm được bắt đầu bị đối phương thu hồi, chúng phải gánh chịu hết thất bại này đến thất bại khác. Tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” tiếp tục mở ra những mặt trận khác: những phần tử cực đoan giết chết những quân nhân Nga, mật phục giăng bẫy các chiến binh của quân đội Syria và hứa hẹn sẽ chiếm lại Mali và Levant (bao gồm Liban, Syria, Jordan, Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, đôi khi cũng bao gồm cả Cộng hòa Síp, Sinai và Iraq). Trong băng ghi âm được công bố vào giữa tháng 9, tên al-Baghdadi có nói: “Công việc ở những mặt trận khác nhau đang tiến triển hàng ngày”.

Cả thế giới nín thở chờ xem tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” sẽ giở những trò gì. Thế nhưng, chúng đã bị dính đòn rất sớm: ngày 27 tháng 10, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố đã tiêu diệt được tên trùm khủng bố. “Y đã chết như một kẻ hèn nhát, vừa chạy trốn, vừa khóc lóc… Thế giới đã trở nên an toàn hơn”, ông Trump kể lại.

Cho tới lúc ấy, tên tội phạm số một đã được công bố là “chết” mấy lần rồi, nhưng phải tới mùa thu năm 2019 thì mới được xác minh là thật: cái chết của al-Baghdadi đã được cả đặc nhiệm Iraq, cả tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” xác nhận.

Người Òurmenia từ dòng dõi Muhammad

Đến thời điểm đó thì trên thực tế, quân khủng bố đã chẳng còn dự trữ để tiến hành những hoạt động tiến công tích cực, và cái chết của nhà tư tưởng chủ yếu, thủ lĩnh tối cao đã đẩy tất cả bọn chúng phải thụt lùi vài bước.

Mặc dầu vậy, khi còn sống, al-Baghdadi là người không đích thân kiểm soát toàn bộ quá trình, tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” không thể thiếu người cầm đầu mới, cho nên việc tìm kiếm người kế tục cần phải tiến hành thật nhanh. Việc đó được làm dễ dàng đến ngạc nhiên: chưa đầy một tuần sau, bọn khủng bố đã xác định được người mà chúng muốn tôn làm khalip – đó chính là “Kẻ hủy diệt - Giáo sư chặt đầu người” Amir Mohammed Abdul Rahman al-Mawli al-Salbi.

Thế giới biết gì về thủ lĩnh mới của "nhà nước Hồi giáo"

Khi còn sống, bản thân tên Al-Baghdadi đã tỏ ý muốn rằng người thay thế y sẽ là một người quen theo đường Trại Camp Bucca của Mỹ, thậm chí y có nói ra điều đó hồi tháng 8 năm 2019. Khi đó, lời tuyên bố ấy có vẻ như lời đồn đại, chí ít ra thì cũng rất khó trở thành hiện thực: không một ai có thể ngờ rằng vỏn vẹn chỉ hai tháng sau, thủ lĩnh tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” lại bị quân Mỹ truy kích đến cùng.

Sau cái chết của người tiền nhiệm, al-Salbi được Hội đồng lãnh đạo tối cao của tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” đề cử làm người thay thế với cái tên mới là Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi và nhận được sự cam kết trung thành từ các chi nhánh tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” ở Bangladesh, Somalia, Pakistan, Yemen, Tunisia, Tây Phi, Trung Phi, Mali, Burkina Faso, Lybia, Syria, Azerbaijan…, trái ngược với tiên đoán của các cơ quan tình báo trong liên minh do Mỹ dẫn đầu, rằng, bởi không phải là người Arab nên vị trí lãnh đạo của al-Salbi sẽ không được các chi nhánh IS ở nơi khác công nhận.

Theo lệ, tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” sử dụng biệt danh cho các thủ lĩnh của mình để tránh mọi sự theo dõi, nhưng trong trường hợp với al-Salbi còn có những nguyên nhân tế nhị hơn nhiều. Đứng đầu tổ chức phải xuất thân từ dòng dõi của đấng tiên tri Muhammad, phải là đại biểu của người Semit – dân tộc đa số ở Trung Cận Đông.

Nhưng với người đứng đầu mới này, tình hình có khác: những người Turmenia là dân tộc thiểu số ở Iraq, họ nằm trong các dân tộc Turk thuộc hệ dân Á Âu, định cư ở miền Bắc, Trung và Tây lục địa Á - Âu và không có quan hệ gì với dòng dõi của bậc vĩ đại Muhammad. Có lẽ chính vì thế mà sự lựa chọn rơi vào cái tên al-Qurashi – nó có liên quan đến tên đặt thuở mới lọt lòng mẹ của đấng tiên tri Muhammad.

Theo IBTimes Asia Pacific / USA thì đây là ảnh Amir al-Salbi (al-Qurashi).

Mặc dù có rất nhiều tin đồn rằng người ta đã bắt được al-Salbi rất nhanh chóng - từ hồi còn mùa Xuân, nhưng kỳ thực thì hắn vẫn được tự do và rất có thể ẩn nấp đâu đó ở Mosul, nơi ngày trước hắn đã tốt nghiệp đại học. Tên khủng bố này bao giờ cũng làm một người ra quyết định hoặc cố vấn mạnh mẽ, người điều hành "hậu trường": nếu như al-Baghdadi có thể không xuất hiện trước công chúng trong vòng dăm năm, để rồi sau đó công nhiên lên trang nhất các báo, thì thủ lĩnh mới này không một lần mở mặt để khỏi lộ “danh phận” của mình. Cũng chẳng nên tin rằng bức ảnh chân dung lan truyền trên mạng là thật của al-Qurashi.

Đặc vụ Mỹ vẫn cứ đang tiếp tục tìm kiếm cho bằng được tên tội phạm số một mới ngoi lên. Được biết, ngay từ trước khi triệt hạ al-Baghdadi, Bộ Ngoại giao Mỹ đã coi al-Salbi là ứng viên tiềm năng vào vị trí thủ lĩnh mới của IS và treo thưởng 5 triệu USD để bắt giữ người này. Trong tháng 6 năm 2020, họ đã hứa tăng tiền thưởng lên gấp đôi tặng cho người cung cấp thông tin bắt được al-Qurashi một khoản tiền chẵn 10 triệu USD – đúng như số tiền trước đây cho việc lấy được đầu al-Baghdadi.

Trong khi đó, ngay từ ngày đầu lên làm “khalip”, al-Qurashi đã bị cấm tham gia vào bất cứ thương vụ tài chính nào có liên quan đến Mỹ, còn tài sản của hắn rơi vào vòng pháp chế của nước Mỹ thì đã bị khóa. Bằng cách đó, hắn đã đi qua đầy đủ các nghi lễ khi kết nạp: nhận một danh xưng mới và tiền thưởng lớn cho cái đầu của mình, rơi vào danh sách những tên khủng bố nguy hiểm nhất.

Nỗ lực tìm ra al-Qurashi không chỉ vì tiền thưởng tối đa, mà còn vì chỉ được sử dụng tối thiểu những thông tin được biết về hắn: ví dụ, thông qua người anh em ruột của hắn là Àdele-Salbi. Người này hiện sống tại Thổ Nhĩ Kỳ và là thành viên của đảng “Mặt trận Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ”. Ngoài người đó ra, thủ lĩnh mới của tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” còn có một người con trai nhưng không có tài liệu nào về gã. Hiện thời đặc vụ chưa lần ra dấu vết của tên tội phạm khủng bố số một.

Con quái vật không đầu

Trước al-Qurashi, một nhiệm vụ hết sức phức tạp đã đề ra: hắn cần phải biết tận dụng mọi cơ hội để phục hồi sinh lực cho tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” đang ở trong tình trạng dở khóc dở mếu. Bọn khủng bố, tất nhiên, đang cố gắng vận dụng mọi cơ hội để có thể lại thét ra lửa như hồi 2014, thế nhưng xét trên toàn cầu thì triều đại của “khalip” rất rời rạc và vụn vỡ. Người ta nghe thấy tin tức về nó ít đi rất nhiều - ở cả nước Mỹ, ở cả Syria đều ra tuyên bố về vô hiệu hóa, giải giáp các nhóm của tổ chức này từ trước cái chết của al-Baghdadi, còn việc chiếm lại các thành phố như tên thủ lĩnh đã chết có hứa hẹn thì quân khủng bố không thể.

Bây giờ, tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” vẫn còn một hy vọng để phục hưng – đó là ở Iraq.  Theo một số tài liệu cho biết, tháng 12 năm 2019, bọn cực đoan đã khôi phục được hoạt động tích cực ở miền Bắc đất nước và tiến hành hàng trăm cuộc tấn công trong vòng hai tuần. Mạng lưới của chúng trong những vùng không đông dân cư trên thực tế không bị đụng đến, tiền cho các thành viên tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” tháng tháng vẫn được chuyển đều đều, ở đấy vẫn tiến hành đào tạo các tay súng. Màng lưới chằng chịt ấy cho phép họ đứng vững ngay trong cả trường hợp xảy ra tình trạng chiến tranh nghiêm trọng. 

Có lẽ, trọng tâm của tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” nhằm nhiều hơn vào những người theo đường lối của họ ở rải rác trên khắp thế giới, hơn là nhằm vào sức lực của bản thân. Ngay cả khi nhóm không thể đứng vững ở Syria, ở Iraq thì việc thiếu đất, thiếu lãnh thổ cũng không làm thay đổi ảnh hưởng nghiêm trọng của nó ở những lĩnh vực khác. Bọn khủng bố vẫn có thể sử dụng mạng xã hội và phân khúc mờ ám của internet để thu nạp thêm những con người mới và thực hiện những cuộc tấn công ở những nước khác nhau. 

Ngoài việc cố gắng phục hồi sự hoành tráng đã có, trước mắt al-Qurashi còn lừng lững những nhiệm vụ khác: hắn cần phải chứng tỏ mình xứng đáng là một thủ lĩnh, là người cổ vũ để củng cố một tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” đã bị vụn nát trên thực tế. Tuy đã có uy tín khá cao, làm người cầm đầu mới của tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo”, nhưng hắn cũng bị người ta không tôn trọng cho lắm “trong tầm nhìn” - và nếu như trước kia bản thân hắn đã quét sạch những tay súng thiếu tin tưởng vào thủ lĩnh, thì giờ đây hắn đã không thể đích thân thực hiện việc đó.

Thế nhưng nhiệm vụ số một cho thủ lĩnh mới của tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” sẽ không phải là việc phục sinh con quái vật không đầu, thậm chí cũng không phải là củng cố uy tín, mà là để sống sót một cách sơ đẳng. Những chiến hữu thân cận nhất của người tiền nhiệm al-Baghdadi đã bội phản y, thì sẽ không có bất cứ lý do nào họ lại không làm điều đó với al-Qurashi.

Đăng Bẩy (tổng hợp)
.
.
.