Tên lửa phòng không S-400 Triumf có đáng sợ như quảng cáo?

Chủ Nhật, 23/06/2019, 18:56
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf đã có thêm tên lửa thông minh có khả năng bắn phá mục tiêu vượt đường chân trời, ông Sergei Druzin, Phó Tổng giám đốc phụ trách phát triển của Tập đoàn sản xuất tên lửa phòng không Almaz-Antey cho biết.


Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tiên tiến nhất của Nga

Sự khác biệt chính của hệ thống S-400 Triumf so với những tổ hợp trước đó là khả năng chống ồn và hiệu suất hỏa lực của nó. Số lượng mục tiêu có thể tấn công đồng thời của S-400 Triumf lớn hơn nhiều so với S-300. Điều này sẽ được đảm bảo, kể cả việc nhờ sự xuất hiện của tên lửa thông minh mới có hệ thống điều khiển, cho phép nó tận dụng phạm vi ứng dụng rộng nhất: ngoài khả năng tự hoạt động, nó còn có thể sử dụng thông tin từ nguồn bên ngoài, từ những radar khác”, ông Druzin cho biết.

Mỗi xe mang bệ phóng mang theo 4 quả đạn tên lửa đặt trong ống bảo quản (thời hạn tới 15 năm).

Hệ thống này cũng có thể tiến hành pháo kích với mục tiêu vượt đường chân trời, những mục tiêu không thể nhìn thấy trước radar, nhưng thông tin về chúng có sẵn trong hệ thống. Ông Druzin nói thêm rằng bộ chỉ huy của hệ thống, kết hợp với radar mạnh mẽ, sẽ cho phép quan sát tình hình trên không ở tầm xa, giúp đưa ra vấn đề và giám sát việc thực hiện chúng bằng những tổ hợp khác – S-300, “Pantsir”, cũng như những tổ hợp phòng thủ mặt đất khác.

S-400 Triumf là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tiên tiến nhất trong biên chế Quân đội Nga thời điểm hiện tại, được coi như vũ khí chủ lực bảo vệ bầu trời. S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung đến tầm xa, có thể tham gia tấn công hiệu quả tất cả các mục tiêu ở trên không trong tương lai. 

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 30km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay do thám, máy bay chiến lược và chiến thuật có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Thông thường, một tiểu đoàn S-400 thường biên chế: xe radar trinh sát, xe đài điều khiển hỏa lực và 8-12 xe mang bệ phóng tên lửa. Mỗi xe mang bệ phóng mang theo 4 quả đạn tên lửa đặt trong ống bảo quản (thời hạn tới 15 năm). S-400 thiết kế để phóng nhiều loại tên lửa có tầm bắn khác nhau.

 Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động.

Mỗi hệ thống S-400 đều có một số thiết bị trọng yếu. Ngoài bệ phóng còn có một trạm chỉ huy và 2 radar. Trong đó, một radar giám sát bầu trời, tìm kiếm mục tiêu. Sau khi mục tiêu rơi vào tầm ngắm, chiếc radar thứ hai sẽ bắt đầu bám theo hành trình của nó. Lúc này, bộ phận chỉ huy sẽ xin lệnh có loại bỏ mục tiêu hay không.

Có cường điệu hóa?

Tuy nhiên những lời quảng cáo "có cánh" của Nga với S-400 khiến nhiều người phải đặt câu hỏi rằng Triumf có thực sự thần diệu đến mức như một vũ khí của người ngoài hành tinh, hay chỉ là sự cường điệu hóa?

Một báo cáo được công bố hồi đầu năm 2019 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển (thường được gọi tắt là FOI), đã đặt câu hỏi về năng lực thực tế của hệ thống phòng không S-400 hiện đại của Nga. Khi kiểm tra kỹ, S-400 tỏ ra không đáng ngại lắm, đặc biệt là nếu các biện pháp đối phó tiềm năng được đưa ra. FOI kết luận trong một báo cáo rằng khả năng của Triumf kém hơn nhiều so với tuyên bố của Quân đội Nga và báo chí phương Tây.

FOI nói rõ, phân tích cho thấy phạm vi của hệ thống phòng không S-400 được quảng cáo là có tầm bắn 400km nhưng thực tế chỉ là 150 - 200km. Khi chống lại tên lửa bay thấp, thậm chí con số này có thể chỉ còn 20km.

Theo một báo cáo của FOI, tên lửa tầm siêu xa 40N6 vươn tới cự ly 400km chưa sẵn sàng hoạt động và đã gặp phải một số vấn đề trong quá trình phát triển và thử nghiệm.

Trong cấu hình hiện tại, S-400 chủ yếu được coi là mối đe dọa đối với các máy bay có giá trị lớn như chỉ huy cảnh báo sớm trên không (AWACS) hoặc vận tải ở độ cao từ trung bình đến lớn, trong phạm vi 200 - 250km. Ngược lại, tầm bắn hiệu quả khi chống lại máy bay chiến đấu có độ linh hoạt cao và tên lửa hành trình hoạt động ở độ cao thấp có thể chỉ khoảng 20 - 35km. Hơn nữa bất chấp sự tinh vi của nó, khẩu đội S-400 phụ thuộc vào một radar dẫn bắn duy nhất, bên cạnh đó thì số lượng mục tiêu có thể giao chiến cùng lúc là tương đối hạn chế.

Nhược điểm trên khiến hệ thống phòng không S-400 Triumf dễ bị tổn thương khi đối phương dồn hỏa lực nhằm vào đài radar trinh sát và kiểm soát hỏa lực trong một loạt đạn lớn. Ngoài ra nếu tên lửa 40N6 sớm đi vào trực chiến, nó cũng chỉ có thể phát huy hiệu quả và đạt tầm bắn tối ưu đối với các mục tiêu hoạt động ở độ cao trên 3.000m.

Trong trường hợp mục tiêu hạ thấp, do giới hạn đường chân trời vô tuyến điện từ mà tên lửa 40N6 sẽ không nhìn thấy ở cự ly xa, nó đòi hỏi phải được cập nhật tham số từ bên thứ ba như máy bay AWACS hay đài radar phía trước.

Ngọc Trang
.
.
.