Thạc sĩ dỏm và 3 lần ứng tuyển vào "công chức"

Chủ Nhật, 08/04/2018, 15:55
Trong khi đang trong thời gian bị Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an TP. Đà Nẵng điều tra làm rõ tố giác của Trường Đại học Đông Á về việc dùng bằng Thạc sĩ giả để vào làm việc tại trường… thì Nguyễn Hữu Tuấn Huy (40 tuổi, trú P. Nam Dương, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) vẫn, tiếp tục hành vi sử dụng bản sao các văn bằng, chứng chỉ giả để ứng tuyển làm giảng viên tại Trường Đại học H.B (Hà Nội).

Nghiêm trọng hơn, Huy lập trang web và quảng cáo trên Facebook để tự tuyển sinh liên thông, bằng 2, sau ĐH, đào tạo CNTT, Anh văn...

Ngày 2-4, Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an TP. Đà Nẵng cho biết: Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Tuấn Huy  về tội làm giả con dấu tài liệu cơ quan, tổ chức.

Theo kết quả điều tra, Tuấn Huy đã sử dụng văn bằng, chứng chỉ, tài liệu giả để nộp hồ sơ xin việc qua Sở Nội vụ và được Sở Thông tin-Truyền thông TP. Đà Nẵng tiếp nhận, bố trí công tác tại Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông từ ngày 2-3-2009 đến 1-9-2010.

Sau thời gian này, Huy đã nộp hồ sơ và xin tuyển dụng vào bộ phận tuyển sinh Đại học Đông Á Đà Nẵng và công tác tại đây đến tháng 9-2017 thì bị buộc thôi việc vì lý do: Tự ý phát tán hồ sơ nhân sự qua email, tung tin xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo nhà trường.

Đối tượng Nguyễn Hữu Tuấn Huy đã bị khởi tố về tội làm giả con dấu tài liệu cơ quan, tổ chức.

Còn theo đơn trình báo của Trường Đại học Đông Á: Sau khi tiếp nhận hồ sơ xin vào làm việc tại trường của Huy, căn cứ văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận do Huy cung cấp, nhà trường đã đồng ý tuyển dụng, ký hợp đồng lao động và sắp xếp Huy làm việc tại bộ phận tuyển sinh của trường.

Tuy nhiên, sau một thời gian Huy làm việc tại trường đã xuất hiện nhiều dấu hiệu, hành vi sai phạm nghiêm trọng trong chuyên môn công tác. Cụ thể, lợi dụng quyền hạn chuyên môn tại bộ phận tuyển sinh, Huy đã tự ý sử dụng email cá nhân phát tán hồ sơ nhân sự, đưa tin sai sự thật về nhà trường.

Trong quá trình công tác, về tư cách đạo đức của Huy cũng có biểu hiện thiếu chuẩn mực gây mất đoàn kết nội bộ, thường xuyên bôi nhọ lãnh đạo nhà trường, gây ảnh hưởng đến uy tín nhà trường.

Đặc biệt, qua công tác thanh kiểm tra, Ban giám hiệu Trường Đại học Đông Á đã phát hiện những văn bằng thạc sĩ, chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn của Huy (do Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cấp) có dấu hiệu giả mạo…

Từ thông tin do Trường Đại học Đông Á cung cấp, Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an TP. Đà Nẵng đã phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh tiến hành rà soát, xác minh các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ liên quan.

Kết quả, giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh; bằng tốt nghiệp đại học ngành Tin học, giấy chứng nhận bảo vệ thành công luận án thạc sĩ của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cấp cho Huy đều làm giả. Phía Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Nguyễn Hữu Tuấn Huy không có tên trong danh sách bảo vệ luận án thạc sĩ của nhà trường...

Đáng lo ngại hơn, đang trong thời gian bị Công an TP. Đà Nẵng điều tra về hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ, tài liệu giả để lừa dối cơ quan, tổ chức theo khoản 1, Điều 267 Bộ luật Hình sự... thì từ giữa năm 2017 đến nay, Huy lại tiếp tục dùng các bản sao để xin "ứng tuyển" làm giảng viên vào Trường Đại học H.B tại Hà Nội.

Không những thế, trên trang facebook cá nhân, Huy còn đăng tải các thông tin tuyển sinh liên thông các bậc học, văn bằng 2, sau đại học, tổ chức đào tạo chứng chỉ kỹ năng CNTT chuẩn, Anh văn khung năng lực Châu Âu A1, A2 và B1, B2…

Những văn bằng giả mà Huy sử dụng để xin việc làm.

Khi phát hiện ra sự việc tái tiếp diễn sai phạm này của Huy, cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng đã đề xuất Trường Đại học H.B tại Hà Nội hợp tác để xác minh, làm rõ hành vi, tính chất, mức độ sai phạm của Huy. Đồng thời, có biện pháp xử lý thích đáng, đúng quy định pháp luật đối với Huy…

Tuy chân dung "thạc sĩ" dỏm và những tấm văn bằng giả của Nguyễn Hữu Tuấn Huy đã bị Công an TP. Đà Nẵng lật tẩy, nhưng vụ việc không chỉ còn là hồi chuông cảnh báo, đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của những trường đại học bị Huy lừa đảo, lỡ tuyển dụng Huy vào làm việc…

Mà hiện hệ lụy từ vụ "thạc sĩ" giả đã khiến dư luận, phụ huynh và sinh viên không khỏi nghi ngại đặt câu hỏi về  "chất lượng đào tạo". Liệu vẫn còn những con sâu bằng giả, thạc sĩ dỏm nào đang "khoác danh" trí thức đứng chân trên các giảng đường?; liệu còn những tri thức mua bằng giả này vẫn len lỏi làm công chức trong các cơ quan, doanh nghiệp?...

 Tại TP. Đà Nẵng, cơ quan CSĐT những năm vừa qua cũng đã liên tục phát hiện, triệt phá không ít đường dây, đối tượng làm bằng giả đặc biệt nghiêm trọng. Một vụ án thạc sĩ "bằng giả" tương tự như của Trường Đại học Đông Á đã từng diễn ra vào tháng 10-2012 tại Trường Đại học dân lập Duy Tân (Đà Nẵng).

Bấy giờ, Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an TP. Đà Nẵng nhận được tin báo của trường Duy Tân về việc phát hiện một đối tượng sử dụng bằng đại học giả của trường.

Sau hơn 2 tháng lần theo dấu vết, Công an Đà Nẵng đã phát hiện một đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoạt động với quy mô lớn ngay trên địa bàn thành phố.

Đường dây này chuyên làm giả và cung cấp văn bằng, chứng chỉ giả cho các đối tượng có nhu cầu ở khắp miền Trung - Tây Nguyên để sử dụng vào mục đích cá nhân do các đối tượng Đặng Tuấn Anh; Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Hằng Minh (40 tuổi, trú tại K814/54 Trần Cao Vân, Đà Nẵng) cầm đầu.

Qua khám xét nơi ở của 3 đối tượng này, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều vật chứng, phương tiện để làm giả văn bằng, chứng chỉ của các trường đại học, cao đẳng, THCN, THPT trên địa bàn.

Các vật chứng thu giữ gồm 20 con dấu giả làm bằng đồng và nhôm, con dấu tên chức danh của Ban Giám hiệu các trường; hàng trăm phôi con dấu đã chế tác trên phim nhựa để thực hiện làm giả văn bằng, chứng chỉ các cấp học, chữ ký của hiệu trưởng các trường và con dấu, chữ ký của UBND các cấp để phục vụ cho việc chứng thực bản sao công chứng.

Nhan nhản rao bán, hướng dẫn sử dụng mua bán bằng giả trên những trang web, trang mạng xã hội.

Đặc biệt cơ quan Công an thu giữ trên 1.000 bản sao phôi văn bằng ĐH, CĐ, THCN, THPT… cho thấy đường dây này làm giả từ A tới Z… Công an TP. Đà Nẵng cũng cung cấp: Trong quá trình triệt phá đường dây làm bằng giả này đã phát hiện hàng trăm bản sao văn bằng giả cho thấy đã có rất nhiều đối tượng ở khắp miền Trung - Tây Nguyên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả của đường dây này.

Báo động hơn, các đối tượng sử dụng văn bằng giả này chủ yếu là để xin việc tại các doanh nghiệp tư nhân, không ít "cán bộ, công chức" Nhà nước muốn củng cố vị trí, nâng bậc lương cũng tìm đến cơ sở bằng giả của nhóm tội phạm này để mua bằng…

Cũng theo cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng thì: Mặc dù những tội phạm làm bằng giả đã phải nhận lấy bản án nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, tội phạm làm bằng giả vẫn tái xuất hiện do bởi chính những đối tượng bất chấp pháp luật, vi phạm đạo đức đã muốn sử dụng bằng giả để làm "bàn đạp" cho sự phát triển của chính mình như trường hợp "thạc sĩ"  dỏm Nguyễn Hữu Tuấn Huy.

Thêm vào đó, việc làm bằng giả lại quá dễ dàng, thậm chí nhiều đối tượng còn rao bán, hướng dẫn mua văn bằng giả công khai trên mạng xã hội, trang web. Và lực lượng Công an, lực lượng chức năng dù đã phá nhiều vụ án với hàng ngàn bằng cấp, giấy tờ giả, thế nhưng vẫn chưa thể phát hiện được hết số bằng cấp giả đã được đưa vào hồ sơ của không ít người trong hệ thống cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp hay thậm chí là trường đại học.

Thực tế hiện nay bệnh sính bằng cấp đã tạo điều kiện cho những kẻ sản xuất bằng giả có nơi tiêu thụ và gây lãng phí xã hội rất lớn.

Trên thực tế, khi yêu cầu các tiêu chí về bằng cấp, chứng chỉ, đa số các cơ quan, đơn vị hiện nay chỉ yêu cầu có đủ và chủ yếu là xem xét kỹ về học lực loại như thế nào mà không xem xét nhiều về hình thức, bộ phận tuyển dụng không hề được trang bị kĩ năng để phát hiện bằng giả hay bằng thật, đa số các phòng tổ chức nhân sự cũng không có người đủ chuyên môn về vấn đề này.

Hơn nữa, mức độ cảnh giác cũng chưa cao bởi trong quá trình tuyển dụng và sau khi tuyển dụng, các loại văn bằng chứng chỉ của người mới được tuyển cũng không được gửi đến các cơ quan có chuyên môn thẩm định như Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an hay Phòng Kĩ thuật hình sự Công an các tỉnh, và chi phí để thẩm định cũng không phải là nhỏ… thì vấn đề này càng phức tạp và khó kiểm soát hơn…

Hoài Thu
.
.
.