Thách thức của công tố viên đặc biệt Robert Mueller

Thứ Năm, 27/07/2017, 15:41
Hãng Reuters vừa dẫn lời các cố vấn và trợ lý của Tổng thống Donald Trump về những nghi ngờ đối với công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cựu Giám đốc FBI James Comey, cùng nhóm điều tra và đang điều tra để làm rõ về "xung đột lợi ích" nhằm hạ uy tín của họ.


Theo tờ New York Times, nhóm điều tra của ông Robert Mueller đã tặng hàng nghìn USD cho một số thành viên đảng Dân chủ, trong đó có cựu Tổng thống Barack Obama, còn ông Jeannie Rhee (luật sư trong nhóm của ông Robert Mueller) là người đại diện cho Quỹ Clinton. 

Tổng thống Donald Trump khẳng định, ông biết một số thành viên trong nhóm của ông Robert Mueller có "xung đột lợi ích" tiềm ẩn và sẽ công bố thông tin vào thời điểm thích hợp. Đồng thời cảnh báo, ông Robert Mueller vượt quyền nếu điều tra các vấn đề không liên quan như tài chính cá nhân của Tổng thống. 

Tuy nhiên, các cố vấn và trợ lý của Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo, việc sa thải ông Robert Mueller sẽ gây nên sự hỗn loạn về luật pháp và chính trị. Bởi ông Robert Mueller được Bộ Tư pháp bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt hồi cuối tháng 5, để lãnh đạo cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Ông Donald Trump từng bày tỏ mối quan ngại khi ông Robert Mueller là bạn của ông  James Comey bởi họ đều từng làm Giám Đốc FBI. Phát biểu trong chương trình "Fox & Friends" của kênh truyền hình Fox, ông Donald Trump tuyên bố: ông Robert Mueller là bạn "bạn rất tốt của ông James Comey" và đó là điều rất đáng nghi ngại. 

Được biết, ông Robert Mueller còn điều tra xem liệu ông Donald Trump có cản trở công lý hay không. Bởi cựu Giám đốc FBI James Comey từng cáo buộc ông Donald Trump tìm cách ngăn cản cuộc điều tra của mình. Theo giới truyền thông, ông Robert Mueller được phép điều tra mọi khía cạnh liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ và ra quyết định khởi tố. 

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Theo thống kê, tính đến nay ông Robert Mueller đã huy động hơn 10 luật sư để hỗ trợ cuộc điều tra của mình. Và họ đã phỏng vấn Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Mike Rogers và cựu Phó Giám đốc NSA Richard Ledgett.

Động thái kể trên diễn ra trong bối cảnh ông Robert Mueller yêu cầu quan chức Nhà Trắng bảo lưu toàn bộ số tài liệu (bao gồm email, tin nhắn, thư thoại, ghi chú hoặc hồ sơ) có liên quan tới cuộc gặp gỡ hồi tháng 6-2016 giữa Donald Trump Jr., con trai cả của Tổng thống với một luật sư người Nga, tại tòa nhà Trump Tower ở thành phố New York. 

Theo hãng AP và Reuters, nữ luật sư Natalia Veselnitskaya, người đã gặp ông Donald Trump Jr., từng đại diện cho một đơn vị thuộc Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB), trong một vụ tranh cãi pháp lý về quyền sở hữu năm 2011-2012. 

Được biết, ông Donald Trump Jr. không phải điều trần trước Thượng viện, sau khi đạt được thoả thuận với ông Dianne Feinstein và ông Chuck Grassley. 

Theo tờ New York Times, ông Donald Trump Jr. đồng ý gặp nữ luật sư Nga  sau khi được hứa hẹn cung cấp một số thông tin có thể làm hại ứng cử viên Hillary Clinton. Và khi đó, Chủ tịch Ủy ban vận động tranh cử của ông Donald Trump là ông Paul Manafort đã cùng ông Jared Kushner, con rể của Tổng thống cũng tham dự cuộc gặp kể trên. 

Hơn 10 ngày trước (11-7), ông Donald Trump Jr. công bố một loạt email cho thấy từng gặp một luật sư Nga (tháng 6-2016) để thảo luận về những thông tin được coi là bất lợi cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố, sẽ không bổ nhiệm ông Jeff Sessions làm Bộ trưởng Tư pháp nếu biết người này "bỏ của chạy lấy người". 

"Sessions lẽ ra không bao giờ nên tự cứu bản thân. Nếu có ý định tự cứu mình, ông ấy nên báo tôi trước khi nhận việc. Tôi lẽ ra đã chọn người khác. Jeff Sessions đã đưa ra một câu trả lời tồi tệ.", tờ New York Times dẫn lời ông Donald Trump trong cuộc phỏng vấn ngày 19-7. 

Bởi 4 tháng trước, ông Jeff Sessions thông báo rút lui khỏi mọi cuộc điều tra hiện tại hoặc sắp tới về bất cứ vấn đề nào liên quan đến chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Nhưng theo tờ Washington Post, Đại sứ Nga tại Washington Sergei Kislyak đã thảo luận với ông Jeff Sessions, khi đó là Thượng nghị sỹ, cố vấn của ông Donald Trump. 

Và trong một diễn biến liên quan, ông Christopher Wray vừa được 20 thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện thống nhất phê chuẩn làm Giám đốc FBI, thay thế người tiền nhiệm James Comey. Mặc dù được Tổng thống Donald Trump đề cử, nhưng ông Christopher Wray lại từ chối cam kết trung thành với ông chủ Nhà Trắng. 

"Lòng trung thành của tôi là với Hiến pháp, với pháp quyền và với sứ mệnh của FBI. Không ai có thể yêu cầu tôi bất kỳ lời tuyên thệ trung thành nào vào bất kỳ lúc nào trong quá trình này", ông Christopher Wray tuyên bố tại buổi điều trần ở Thượng viện hôm 12-7.

Mạnh Phong
.
.
.