Thách thức mới của cảnh sát Âu-Mỹ

Thứ Năm, 14/01/2016, 15:41
Ngày 9-1, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố ủng hộ việc trục xuất những người nhập cư bị kết tội xâm hại tình dục, cưỡng bức phụ nữ trong đêm Giao thừa vừa qua. 

Tuyên bố của bà Angela Merkel được đưa ra trong bối cảnh nổ ra cuộc biểu tình rầm rộ của phong trào PEGIDA cực hữu phản đối chính sách nhập cư tại Cologne. Chiều 9-1, đụng độ đã xảy ra tại cuộc tuần hành kể trên khiến lực lượng cảnh sát phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông quá khích.

Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức Tobias Plate, cảnh sát liên bang đã xác định được danh tính 31 đối tượng tham gia các vụ quấy rối tình dục đêm 31-12-2015, trong số này có 18 người nhập cư đang xin tị nạn tại Đức.

Cảnh sát trưởng thành phố Koln Wolfgang Albers bị sa thải.

Tính đến ngày 9-1 đã có 170 đơn kiện, trong đó khoảng 2/3 nạn nhân khai đã bị tấn công tình dục và 2 người bị hiếp dâm. Ngày 8-1, Cảnh sát trưởng thành phố Koln Wolfgang Albers đã bị sa thải vì để xảy ra hàng loạt vụ tấn công, cướp và quấy rối tình dục tập thể trong đêm Giao thừa vừa qua.

Cảnh sát thành phố Koln bị chỉ trích nặng nề vì không triển khai lực lượng để kịp thời xử lý vụ việc, trong khi lại thông báo trên trang mạng Twitter rằng "người dân thành phố đã được đón một đêm Giao thừa trong vui vẻ và thanh bình".

Trước đó (5-1), Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đã nghiêm khắc phê bình lực lượng cảnh sát. Còn cơ quan chức năng Đức cảnh báo, các nước phương Tây đang phải đối mặt với nguy cơ khủng bố lớn nhất từ trước đến nay, hơn cả vụ khủng bố hôm 11-9-2001 tại Mỹ.

Ngày 6-1, Bộ trưởng Nội vụ, Tư pháp và di trú các nước Đan Mạch, Thụy Điển và Đức đã họp khẩn tại Brussels, Bỉ để tìm biện pháp siết chặt kiểm soát đường biên giới của khu vực Schengen, vốn bị coi là đang tạo ra những lỗ hổng an ninh do cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Ngày 8-1, Cơ quan phối hợp phân tích đe dọa (OCAM) của Bỉ đã quyết định tiếp tục duy trì cảnh báo ở mức 3 tại nước này, trong đó nhấn mạnh mối đe dọa an ninh là "có thể" và "có thể xảy ra".

Ngày 7-1, khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình VTM của Bỉ, Công tố viên liên bang Frederic Van Leeuw đã nhấn mạnh đến nguy cơ xảy ra một vụ khủng bố vào ngày 15-1 tại Bỉ. Và chính phủ Bỉ cũng đã thông qua việc duy trì quân đội nhằm đảm bảo an toàn cho một số địa điểm và trụ sở cơ quan và quyết định này được áp dụng tới ngày 20-1.

Trong khi đó, cảnh sát Pháp cho biết, theo nhận diện của gia đình, người đàn ông bị bắn chết hôm 7-1 khi cầm dao và đeo đai bom giả xông vào một đồn cảnh sát ở quận 18, phía Bắc thủ đô Paris là người Tunisia có tên gọi Tarek Belgacem, chứ không phải Sallah Ali, người Casablanca như nhận diện ban đầu theo dấu vân tay.

Bộ trưởng Tư pháp Pháp Christiane Taubira cũng cho biết, người này được xác nhận không liên quan đến bất kỳ một tổ chức cực đoan nào và cũng không có trong hồ sơ của lực lượng cảnh sát chống khủng bố. Còn theo tờ Financial Times, lực lượng cảnh sát Anh đã phải trả cho các tập đoàn viễn thông xứ sở sương mù hàng triệu bảng Anh/năm để có được thông tin về khách hàng. 34 đơn vị cảnh sát và cơ quan chức trách địa phương Anh cho biết, trong năm 2014, họ đã chi trên 6,7 triệu bảng Anh để đổi lấy thông tin về các cá nhân từ tập đoàn viễn thông.

Trong 5 năm qua, Anh đã chi hơn 37 triệu bảng Anh cho các tập đoàn viễn thông để trao đổi thông tin, trong đó có BT, Vodafone, EE và Virgin Media.

Về phần mình, cảnh sát Mỹ vừa bắt 2 đối tượng đến từ Trung Đông với cáo buộc liên quan tới khủng bố ở bang California và bang Texas (7-1).

Trong khi đó, cựu Phó Giám đốc Văn phòng Tình báo Trung Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ Wayne White nhận định, với quá nhiều mục tiêu dễ bị tấn công, chính phủ Mỹ và chính quyền địa phương đang gặp khó khăn trong việc ngăn chặn làn sóng khủng bố từ "những con sói đơn độc" hoặc các nhóm lẻ. Và khủng bố sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn tại Mỹ trong năm 2016.

Còn theo chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến lược RAND Colin Clarke, cái khó hiện nay là không có đường hướng cụ thể để tiêu diệt chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, còn IS đã hiện diện mạnh mẽ trên mạng truyền thông xã hội, trong khi Mỹ và đồng minh chưa có các biện pháp đối phó hữu hiệu.

Nhằm nâng cao trình độ, tính hiệu quả và chất lượng của lực lượng cảnh sát, kể từ tháng 1-2016, những cảnh sát làm việc ở thủ đô Prague, Cộng hòa Czech sẽ bị sa thải nếu chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Những cảnh sát bị thải hồi sẽ gặp khó khăn khi tìm công việc mới và không nhận được tiền bồi thường mất việc. Hiện có khoảng 150 cảnh sát Prague không đồng tình với việc này và sẽ kiện ra tòa để đòi sự công bằng cho tất cả mọi người.
Nhiệm Bình
.
.
.