Thách thức mới với cảnh sát Thụy Điển

Thứ Tư, 12/07/2017, 20:49
Lực lượng cảnh sát tại Thụy Điển đang phải đối mặt với sự gia tăng của các đối tượng cực đoan tại xứ sở Bắc Âu.


Mặc dù các công tố viên tuyên bố, không thấy có sự liên kết trực tiếp giữa nhóm phát xít mới mang tên "Phong trào kháng chiến Bắc Âu" với các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở châu Âu, nhưng mức án từ 1 năm 6 tháng đến 8 năm 6 tháng vừa được tuyên đối với 3 đối tượng "phát xít mới" thực hiện 2 vụ tấn công bằng bom mới đây, vẫn được coi là một thách thức lớn đối với Thụy Điển.

Trong phán quyết đưa ra hôm 7-7, Tòa án quận Gothenburg cho biết, 3 đối tượng "phát xít mới" Viktor Melin, 23 tuổi, Jimmy Jonasson, 50 tuổi và Anton Thulin, 20 tuổi, đang hoặc từng là thành viên của "Phong trào kháng chiến Bắc Âu", được biết tới là một trong những nhóm cực hữu bạo lực nhất ở Thụy Điển.

Tòa án quận Gothenburg cũng đã phán quyết, theo đó Viktor Melin phải chịu mức án 8 năm 6 tháng, Jimmy Jonasson lĩnh 5 năm tù, còn Anton Thulin bị kết án 1 năm 6 tháng tù. Bởi 3 đối tượng "phát xít mới" đã tiến hành vụ tấn công bằng bom nhằm vào một hiệu sách hồi tháng 11-2016 và một trung tâm tạm trú của người xin tị nạn ngày 5-1-2017 tại thành phố Gothenburg, chưa kể âm mưu tấn công một trung tâm tị nạn khác.

Tuy không có ai chết trong 2 vụ tấn công kể trên, nhưng 1 nhân viên phụ trách công tác nhập cư bị thương nghiêm trọng.

Phiên tòa hôm 7-7 được tiến hành sau khi cảnh sát bắt 2 đối tượng "phát xít mới" hồi thượng tuần tháng 2 và 1 tên bị tạm giam mới đây.

Theo ông Mats Ljungqvist, thành viên của Văn phòng công tố chống khủng bố Thụy Điển, 3 tên này đang hoặc đã từng là thành viên của "Phong trào kháng chiến Bắc Âu".

Cảnh sát Thụy Điển tuần tra trên đường phố.

Cảnh sát cho biết, có nhiều yếu tố cho thấy những vụ việc của Viktor Melin, Jimmy Jonasson và Anton Thulin có liên hệ với 2 vụ xảy ra mấy tháng trước cũng tại thành phố Gothenburg và dường như mang động cơ chính trị.

Vụ đầu tiên xảy ra hôm 11-11-2016, khi một quả bom phát nổ bên ngoài quán cà phê nổi tiếng Syndikaliskt Forum Kafe, nhưng không có ai bị thương. Vụ thứ hai diễn ra khi cảnh sát phát hiện một thiết bị nổ chưa được kích hoạt tại một khu trại ngoài trời được sử dụng làm nơi ở tạm thời cho người di cư hôm 25-1.

Theo giới truyền thông, cảnh sát vẫn phải nâng cao cảnh giác sau vụ một công dân Uzbekistan có cảm tình với các nhóm thánh chiến điều khiển một xe tải đánh cắp, lao vào đám đông người đi bộ tại khu vực trung tâm mua sắm ở Thủ đô Stockholm hôm 7-4, khiến 5 người chết và 15 người bị thương.

Hơn 1 tháng trước (22-5), sân bay Landvetter đã phải sơ tán khẩn sau khi cảnh sát phát hiện dấu vết chất nổ trong một chiếc túi khả nghi.

Chiếc túi khả nghi được phát hiện gần quầy thông tin trong khu vực ga đến của sân bay Landvetter và đội rà phá bom mìn được điều tới hiện trường.

Các chuyến bay chuẩn bị cất cánh từ sân bay Landvetter tại thời điểm phát hiện chiếc túi khả nghi đều bị hoãn, trong khi toàn bộ hành khách trong khu vực ga đến phải sơ tán để đảm bảo an toàn.

Thượng tuần tháng 7, người đứng đầu Cơ quan tình báo nội địa Anders Thornberg khuyến cáo, khoảng 3.000 đối tượng có tư tưởng cực đoan quá khích, trong đó có 2.000 người mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan đang cư trú ở Thụy Điển. Và con số này đã tăng gần gấp 10 lần trong 7 năm qua bởi năm 2010 mới có khoảng 200 phần tử Hồi giáo cực đoan cư trú tại Thụy Điển.

Cũng theo ông Anders Thornberg, từ năm 2012 đến nay, khoảng 300 đối tượng từ Thụy Điển tới Syria và Iraq gia nhập hàng ngũ IS, trong đó có 140 đối tượng đã trở về nước, còn 50 đối tượng được cho đã chết tại nước ngoài.

Theo nhận định của ông Anders Thornberg, mặc dù có ít phần tử Hồi giáo cực đoan có "tinh thần và khả năng" tiến hành các vụ tấn công, nhưng số đối tượng này đều được xác định là có mối liên hệ chặt chẽ với khủng bố.

Gần 1 tháng trước (16-6), hãng AFP từng dẫn số liệu từ Cơ quan tình báo nội địa cho biết, tuy số lượng các phần tử Hồi giáo cực đoan tại nước này đã tăng tới mức "chóng mặt", nhưng chỉ có một số ít đối tượng có khả năng thực hiện một vụ tấn công khủng bố. Đây là tình hình "nghiêm trọng", là thách thức mang tính lịch sử.

Và một trong những nguyên nhân chính dẫn tới "vấn nạn" kể trên là do bộ máy tuyên truyền tư tưởng của IS đã tập hợp được các nhóm hồi giáo cực đoan khác nhau.

Trường hợp công dân Thụy Điển Osama Krayem bị buộc tội là thủ phạm vụ đánh bom tàu điện ngầm ở Thủ đô Brussels (Bỉ) năm 2016 luôn là lời cảnh tỉnh đối với cảnh sát trong việc quản lý đối tượng "cộm cán".

Trịnh Huyền My
.
.
.