Thách thức trước thềm hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân mới

Chủ Nhật, 21/07/2019, 16:45
Ngày 17-7, hai phái đoàn Mỹ và Nga đã gặp nhau ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ) để thảo luận về khả năng ký kết một hiệp ước giới hạn vũ khí hạt nhân mới với mong đợi Trung Quốc cũng sẽ tham gia.


Cuộc gặp ở Geneva diễn ra chỉ 2 tuần trước khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Liên Xô năm 1987. Hiệp ước này cấm sản xuất, thử nghiệm và triển khai tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và tên lửa đạn đạo có tầm bắn 500-5.000 km. Washington tin rằng Moskva đang phát triển và triển khai một hệ thống tên lửa vi phạm Hiệp ước INF nhưng Nga đã bác bỏ cáo buộc này. 

Ngoài ra, theo báo The New York Times, Nhà Trắng cũng không quan tâm đến việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới sẽ hết hạn vào năm 2021.

Tha thun M-Nga-Trung?

Thay vào đó, Hãng tin AP cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố ông kỳ vọng đạt được một thỏa thuận kiểm soát vũ khí “thế hệ kế tiếp” cùng Nga và Trung Quốc và sẽ bao gồm tất cả loại vũ khí hạt nhân. 

Chủ nhân Nhà Trắng cũng đã trực tiếp đề cập dự định này với Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) 2019 hồi tháng 6. 

Tổng thống Putin tỏ ý quan tâm đến đề xuất này nhưng cũng chia sẻ rằng ông vẫn muốn tiếp tục gia hạn Hiệp ước START 2010 thay vì một thỏa thuận mới hoàn toàn.

Nhiều chuyên gia nhận định các động thái gần đây của Mỹ cho thấy giới lãnh đạo Washington đã có sự biến chuyển trong quan điểm về cách tiếp cận song phương Mỹ-Nga truyền thống về kiểm soát vũ khí. Theo đó, cường quốc này cho rằng cách tiếp cận trên chỉ là một di sản sót lại từ thời kỳ Chiến tranh lạnh và không phù hợp trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện đại, khi Trung Quốc đang trỗi dậy với vị thế là một cường quốc hạt nhân.

Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra một tháng trước Hội nghị thượng đỉnh G20, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ không bao giờ tham gia một thỏa thuận cùng Mỹ và Nga do “chưa có tiền lệ và cơ sở cho sự tồn tại của một thỏa thuận kiểm soát vũ khí ba bên”. Bắc Kinh vì vậy cũng sẽ không cử phái đoàn tham gia cuộc gặp ở Geneva. Cường quốc châu Á này từ lâu luôn khẳng định chỉ duy trì số lượng vũ khí hạn chế để tự vệ. Tuy nhiên, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ đã dự báo kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới.

Tại Diễn đàn Hòa bình thế giới lần thứ 8 do Đại học Thanh Hoa và Học viện Ngoại giao Trung Quốc tổ chức mới đây, nhiều học giả nhận định chỉ khi cả Mỹ và Nga phải cắt giảm số lượng vũ khí của mình xuống mức rất nhỏ và tiến tới giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân thì Bắc Kinh mới đồng ý tham gia thỏa thuận kiểm soát chung. 

Các chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng Bắc Kinh thật sự không cần phải tuân theo bất kỳ yêu cầu kiểm soát vũ khí nào do nước này đã đề ra nguyên tắc không tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân trừ khi bị tấn công trước. Một động thái khác là quân đội Trung Quốc cũng không đặt đầu đạn hạt nhân lên tên lửa trong thời bình.

Khi đu tht vng

Theo ý kiến chuyên gia Daryl Kimball thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA), khả năng Mỹ, Nga chịu từ bỏ hoàn toàn Hiệp ước START 2010 để ký một thỏa thuận tay ba khác cùng Trung Quốc sẽ rất khó xảy ra. Ông nhận định các bên sẽ không thể nào đàm phán kịp trước thời hạn năm 2021 và một giải pháp khả dĩ hơn sẽ là gia hạn START 2010 thêm 5 năm nữa.

Thực tế, các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí được nhiều kỳ vọng giữa các quan chức Mỹ và Nga đã khởi đầu tệ hơn dự báo. Các cuộc thảo luận dự kiến diễn ra ở Geneva trong 2 ngày, nhưng đã bị rút ngắn chỉ còn 1 ngày. 

Ông Trump đã cử các quan chức hàng đầu của Mỹ để thảo luận về khả năng thỏa thuận chung bao gồm cả Trung Quốc với phái đoàn Nga, đứng đầu là Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov. 

Phía Mỹ được dẫn đầu bởi Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan và bao gồm Tim Morrison, một phụ tá cao cấp tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, đại diện của Lầu Năm Góc, Tham mưu trưởng Liên quân và Cơ quan An ninh Quốc gia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Cung điện Grand Kremlin vào ngày 5-6 tại Moskva, Nga.

Vẫn chưa rõ tại sao cuộc họp bị rút ngắn. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ sau cuộc hội đàm nói rằng phái đoàn Mỹ đã đưa ra vấn đề về tầm nhìn của Tổng thống, một tầm nhìn mới về hướng kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga và Trung Quốc. Họ cũng nói rằng phái đoàn đã "nhấn mạnh những lo ngại về việc phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân phi chiến lược và thiếu minh bạch đối với các nghĩa vụ hiện có".

Cuộc gặp tại Geneva diễn ra vào thời điểm nguy hiểm trong mối quan hệ giữa các đối thủ trong Chiến tranh lạnh trước đây với kho dự trữ hạt nhân lớn. Bên cạnh các cáo buộc từ Mỹ rằng Nga đã tham gia chi phối cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, quan hệ giữa Moskva và Washington đã xuống thấp lịch sử khi ông Putin sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và ủng hộ Tổng thống Bashar Al-Assad ở Syria. 

"Việc lập lại tình hữu nghị giữa Mỹ và Nga là rất khó có thể sớm xảy ra", Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Vladimir Lavrov, nói với Hãng thông tấn nhà nước TASS hôm 17-7.

Thật vậy, hồi đầu tháng này, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một dự luật thành luật đình chỉ sự tham gia của Nga vào Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), hiệp định kiểm soát vũ khí thời Liên Xô duy nhất giữa Nga và Mỹ vẫn còn tồn tại cho đến năm nay. 

Thỏa thuận được ký bởi Tổng thống Mỹ lúc đó là Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev năm 1987 đã cấm phát triển và triển khai các tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Tuy nhiên, khi Donald Trump vào Nhà Trắng năm 2017, ông dường như quyết tâm loại bỏ Hiệp ước INF. 

Cuối năm 2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Moskva triển khai một tên lửa vi phạm thỏa thuận và đặt cho ông Putin thời hạn 60 ngày để tuân thủ. Nga đã bác bỏ các cáo buộc. Moskva cũng đã cáo buộc Mỹ vi phạm các điều khoản của thỏa thuận.

Vn phi ch

Các đại diện của Trung Quốc đã không tham gia cuộc đối thoại tại Geneva trong lần này và vẫn chưa rõ trong trường hợp nào Bắc Kinh có thể bị thuyết phục tham gia một thỏa thuận vũ khí với Mỹ và Nga. Cho đến nay, Trung Quốc cho biết họ không quan tâm đến việc tham gia các cuộc đàm phán. 

"Hiện tại, chúng tôi không thể thấy các điều kiện tiên quyết hoặc cơ sở để Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Geng Shuang gần đây nói với các phóng viên ở Bắc Kinh.

Sự sụp đổ của Hiệp ước INF và việc ông Trump thúc đẩy đàm phán lại một thỏa thuận với Nga đã đặt ra câu hỏi về tương lai của một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân khác, START mới. Các quan chức Mỹ cho biết họ không có ý định thảo luận về START mới, được ký vào năm 2011 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Dmitry Medvedev. Một phát ngôn chính thức của Mỹ nói với tờ Reuters rằng sẽ còn quá sớm để thảo luận về thỏa thuận, và mô tả nó như là một vấn đề trong năm tới.

Theo Pavel Luzin, một nhà phân tích an ninh Nga, START mới chắc chắn đang bị đe dọa. "Cái chết của Hiệp ước INF cùng với sự thiếu tin tưởng giữa Mỹ và Nga và cuộc đối đầu hiện tại giữa họ khiến cho các cuộc đàm phán tiếp theo trong lĩnh vực giải trừ hạt nhân đầy thách thức", ông nói.

Bàng Cương
.
.
.