Thái Lan - "thiên đường" của tội phạm buôn người và "chăn dắt" trẻ ăn xin?

Thứ Tư, 23/07/2014, 14:00

4 năm trước, khi mẹ Fil đưa cậu từ Campuchia sang Thái Lan cậu mới chỉ là một bé trai 10 tuổi, ý định của bà mẹ trẻ thật xấu xa, bà ép con ra đường ăn xin quanh các địa điểm hấp dẫn khách du lịch của Pattaya. 

Nhưng Fil đã từ chối chấp nhận hành vi ngược đãi của người phụ nữ sinh ra mình, cậu chạy trốn, rồi "nhập hội" với những đứa trẻ đường phố "hành nghề" ăn cắp vặt ở Phố đi bộ nơi có khu đèn đỏ nhếch nhách của Bangkok để kiếm ăn qua ngày. Chúng ngủ không một manh chiếu hay tấm chăn ở sau cửa hàng ăn và gom những đồng tiền nhàu nét móc được của người ta để mua những vắt mì cầm hơi, chúng chia sẻ tất cả mọi thứ cho nhau.

Cuối cùng những kẻ buôn người đã "tuyển dụng" Fil để xin tiền cho chúng, những kẻ "chăn dắt" cho Fil chỗ ngủ, mặc dù phải sống chật chội trong một căn phòng nhỏ cùng với những đứa trẻ ăn xin khác và thường xuyên bị bỏ đói.  Sống dưới sự kiểm soát của bọn tội phạm, Fil biết rất ít ngoại trừ thực tế bọn đó là người Campuchia, khi đó, thật chua xót, Fil cảm thấy ở với người lạ tốt hơn ở với mẹ. Tuy nhiên, cậu chưa từng được tiêu những đồng tiền mà mình kiếm ra, ngược lại, Fil bị những kẻ bóc lột ép phải giao nộp toàn bộ số tiền mà cậu lăn lê trên đường để xin du khách.

Cậu phải làm việc liên tục 12 giờ/ngày ở nhiều địa điểm khác nhau thuộc Pattaya. Mặc dù, còn bé, Fil luôn hiểu cái "nghề" cậu đang làm trên đất Thái là bất hợp pháp và có thể bị gửi trở lại Campuchia bất kỳ ngày nào, đó là lý do cậu vâng lời "ông chủ" và răm rắp tuân theo sự chỉ đạo của hắn. "Ông ấy dặn bọn cháu tránh xa cảnh sát. Cháu không thể trở về Campuchia. Mặc dù cháu phải làm việc rất cực trên đường phố, họ vẫn chăm sóc tốt hơn mẹ cháu," Fil thổ lộ, lời kể của cậu thật cám cảnh.

Những đối tượng nữ thường giả vai bà mẹ nghèo khổ phải cùng con nhỏ ăn xin trên đường phố ở Thái Lan.

Cuối cùng Fil đã được Trung tâm Phát triển và Phúc lợi trẻ em Pattaya giúp đỡ. Bây giờ, cậu được đi học và sẽ ở lại trung tâm cho đến khi đủ 18 tuổi, tuy nhiên, giống như những đứa trẻ khác từng là nạn nhân của bọn tội phạm buôn người, tương lai trước mắt Fil đang trở nên mờ mịt. Fil có thể bị gửi trở về quê nhà, hoặc cố gắng dành được giấy phép cư trú hoặc đơn giản "biến mất" cùng với lực lượng lao động vô danh giống như nhiều người đồng hương của cậu. Khi được hỏi, có muốn trở về quê nhà, Fil thẳng thắn đáp lại rằng cậu thích ở lại Thái Lan hơn.

Ông Witanapat, Chủ tịch chương trình ngăn chặn vấn nạn trẻ em ăn xin thuộc Quỹ Nhi đồng Thái Lan và đã làm việc về vấn đề buôn người trong suốt thập kỷ qua. Ngày đầu thành lập, quỹ chỉ là một trung tâm tìm kiếm người mất tích và chương trình cứu giúp trẻ em ăn xin nhen nhóm ý tưởng từ đó.

"Năm 2004, chúng tôi nhận được báo cáo từ một gia đình người Thái về trường hợp con trai của họ mất tích. Chúng tôi xâu chuỗi mọi manh mối và phát hiện cháu trai bị bắt có bà bị ép làm ăn xin. Sau khi chúng tôi chứng kiến trường hợp này, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến nhiều đứa trẻ ăn xin mà chúng tôi thấy trên đường phố không chỉ vì cái đói, cái nghèo, mà còn vì nạn buôn người", ông Witanapa cho biết. Sau ngày thành lập, Quỹ Nhi đồng Thái Lan nhanh chóng phát hiện ra hầu hết trẻ em ăn xin là người Campuchia, và nhiều trẻ bị bán cho bọn tội phạm buôn người ở Thái Lan với giá 1.500-3000 bath ở Poipet, cùng với lứa hứa về các khoản thanh toán trong tương lai.

Các cháu nhỏ tuổi từ 8 - 10 người Campuchia được các ông, bà chủ "chăn dắt" huấn luyện thành thục kỹ năng diễn "kịch đau khổ" để xin tiền khách du lịch ở các điểm đông du khách, chẳng hạn Pattaya.

Witanapat đã lãnh đạo một nhóm nghiên cứu đi đến thị trấn vùng biên Poipet nhờ sự giúp đỡ của tổ chức Tầm nhìn Thế giới và các tổ chức phi chính phủ khác, qua tìm hiểu, ông được biết bọn buôn người chỉ đơn giản đi vào những ngôi làng và đứa tiền cho cha, mẹ những đứa trẻ. Chúng hứa với những ông bố, bà mẹ rằng bọn trẻ sẽ làm việc ở Thái Lan và có thể gửi tiền về nhà, thậm chí được đi học.

"3 ngàn bath là một số tiền lớn đối với một người Campuchia. Đó là số tiền đủ lớn để khuyến khích cha mẹ sẵn lòng để con cái đi theo người lạ", ông Witanapat cho biết.  Nhưng người dân đã bị lừa, vì tất cả những lời hứa tốt đẹp của những kẻ buôn người không bao giờ có thực.

Chay, 12 tuổi, người Poipet, được một gã người Campuchia mua từ gia đình khi cậu tròn 10 tuổi. Kẻ mua Chay nói với cha mẹ cậu rằng cậu sẽ được làm việc ở Bangkok, nơi đây cậu có thể kiếm tiền gửi về nhà. Lần đầu, gã kia xuất hiện trong lớp vỏ bọc người tử tế. Nhưng sau đó, "lòng tốt" nhanh chóng phai nhạt dần, Chay đau đớn kể lại bọn buôn người rất hung ác. Gã kia mua chay để sống chung với một gia đình người Campuchia, ở đó cậu bị ngược đãi và bị ép làm cực nhọc như nộ lệ cho gia đình đó hàng ngày.

Khi cậu bé không đáp ứng được mong đợi, gia đình nhận "nuôi" Chay bán cậu trở lại cho "nguồn cung" và rồi cậu tiếp tục bị bán sang Pattaya cho một gia đình khác. Chay từng thầm nghĩ cuộc đời sẽ trở nên tốt đẹp hơn, tuy nhiên cậu đã nhầm.

Gia đình "cha, mẹ nuôi" mới của Chay cũng là một cặp vợ chồng người Campuchia. Họ làm việc cho một công trường xây dựng ở Pattaya, nơi đây Chay bị ép lao động nặng nhọc, mặc dù còn quá nhỏ tuổi và chưa đủ sức làm công việc xây dựng. Việc làm đó đã gây thương tích cho cơ thể Chay, và khi sự lạm dụng thể chất vượt quá ngưỡng chịu đựng, cậu bé đau khổ tiếp tục chạy trốn.

Cảnh sát Thái Lan bắt giữ một đối tượng người nước ngoài phạm tội buôn người.

Cậu tìm đến một người đàn ông Campuchia khác, người từng hứa giúp Chay trở về với gia đình. Nhưng một lần nữa, vận may của Chay nhanh chóng trở thành vị đắng, bởi gã kia là một "cò" đang đi dò "nguồn hàng" cho bọn một đường dây buôn người ở Pattaya. Tuy nhiên, sau một quãng đời đầy cay đắng, Chay đã may mắn được Trung tâm Phát triển và Phúc lợi trẻ em ở Pattaya cứu giúp.

Những người bạn quốc tế là một tổ chức phi chính phủ chuyên về các vấn đề trẻ em ở Đông Nam Á. Theo nghiên cứu của tổ chức này về vấn đề trẻ em ăn xin, được thực hiện từ năm 2005-2006, đã đưa ra một số dữ liệu mới nhất và toàn diện nhất về nạn buôn bán trẻ em trong khu vực. Theo đó, phần lớn trẻ em ăn người Campuchia không hẳn là nạn nhân của tội phạm buôn người, mà đau xót hơn, chính cha, mẹ những đứa trẻ đã đẩy con xuống vực thẳm cuộc đời. Theo một nghiên cứu của những người bạn quốc tế, có hơn 80% trẻ ăn xin được phỏng vấn thừa nhận bị cha, mẹ hoặc người thân bán và sống nhờ vào những đồng tiền đong đầy nước mắt của các cháu.

Ông Supakorn cho biết mạng lưới của ông đã phát hiện ra một người Thái làm "bang chủ cái bang" của một nhóm khoảng 40 người Campuchia điều hành và giám sát hầu như tất cả trẻ em ăn xin đang hành "nghề" ở Pattaya. "Đây là một trong những ngành kinh doanh sinh lợi nhất ở Pattaya. Nhiều người hưởng lợi từ nó", ông Supakorn nói. Mỗi đứa trẻ ăn xin đều có riêng một khu vực được phân định rõ, và không được phép vượt qua qui tắc đó. Ông Supakorn giải thích: Những người có quan hệ với đường dây buôn người muốn làm "nghề" phải trả phí bảo kê.

Theo ông Witanapat, người giám sát những đứa trẻ ăn xin không phải là đối tượng buôn người. Những "người giám sát" được bọn buôn người thuê với giá 6.000 bath/tháng để theo chân trẻ đến các điểm được chỉ định, chẳng hạn chợ tạm, đền, chùa hoặc trạm trung chuyển giao thông công cộng: Tàu điện ngầm hoặc điểm dừng, đỗ xe buýt.

Theo nhận định của báo chí Thái Lan, Luật bảo vệ trẻ em của Thái Lan có "kẽ hỡ", vì có điều nhấn mạnh một bà mẹ ép con của mình phải làm "nghề" ăn xin không bị truy tố tội buôn người, do đó bọn tội phạm đã lợi dụng điểm đó để thuê những người phụ nữ lớn tuổi giả làm mẹ của những đứa trẻ.

Theo ông Supakorn, trẻ em ăn xin được chia thành 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là những đứa trẻ xuất thân từ gia đình nghèo khó nhập cảnh trái phép vào Thái Lan để xin tiền. "Nhóm ăn xin này độc lập và nói chung không phụ thuộc bất kỳ băng đảo tội phạm", ông Supakorn cho hay.

Nhóm thứ 2 và phổ biến hơn cả là những đứa trẻ bị mua qua, bán lại giữa những đường dây buôn người. Có khi nhờ mánh khéo và "dẻo miệng" bọn buôn người lừa được cả một gia đình để Thái Lan làm "nghề" ăn xin. Khi họ vừa chân ướt, chân ráo đặt lên đất Thái, những tay buôn người nhanh chóng thực hiện kế "qua cầu rút ván" và ngầm báo với cảnh sát rằng có những người đến Thái Lan làm việc không đúng với qui định của pháp luật. Thế rồi, khi cha, mẹ bị bắt và bị trục xuất, cũng là lúc đường dây buôn người giữ những đứa trẻ, sau đó bắt chúng ra đường xin ăn để bóc lột sức lao động và chiếm đoạt tiền bạc.

Sau khi tiến hành nghiên cứu thực địa rộng lớn. Ông Witanpat nhận thấy vấn đề trẻ em ăn xin chủ yếu liên quan đến tệ nạn buôn bán người chú không đơn thuần là vấn đề nghèo đói. Do đó, Quỹ Nhi đồng Thái Lan đã liên lạc với cơ quan cảnh sát triệt phá các đường dây "chăn dắt" trẻ ăn xin.  Tuy nhiên, sau 3 tháng, "làn sóng cái bang" lại tiếp ngoi lên trên đất Thái Lan, đặc biệt ở thủ đô Bangkok và địa điểm du lịch hấp dẫn như Pattaya. Vì vậy, ông Witanapat cùng các đồng nghiệp công tác tại Quỹ Nhi đồng Thái Lan phải vắt óc thảo luận cùng nhau đưa ra giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề trẻ em ăn xin.

Quỹ Nhi đồng Thái Lan đã phát hiện ra 80% trẻ ăn xin ở Thái Lan là người Campuchia, còn lại là người Myanmar và người Lào, chỉ có thiếu số trẻ em Thái Lan. Đạo luật Bảo vệ trẻ em Thái Lan giao quyền cho lực lượng cảnh sát giải quyết các loại tội phạm liên quan đến trẻ em. Tuy nhiên, Quỹ Nhi đồng kịch liệt phê bình phía cảnh sát đã làm được rất ít, đùn đẩy công việc cho nhiều cơ quan khác nhau đang tìm cách giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, cũng theo Quỹ Nhi đồng, nạn tham nhũng đã cản trở quá trình giải quyết vấn đề trẻ em ăn xin, cũng như làm chậm trễ quá trình điều tra và triệt phá các dường dây mua bán trẻ em ở Thái Lan

Phạm Hữu Tùng
.
.
.