Thái Lan:

Cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban đối mặt với án tù

Thứ Năm, 01/02/2018, 16:48
Sau khi nộp gần 19.000 USD, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban và 8 thủ lĩnh phong trào "Áo Vàng" trong các cuộc biểu tình chống Chính phủ năm 2013 và 2014 đã được phóng thích, nhưng họ bị cấm ra nước ngoài cho tới khi phiên tòa kết thúc.


Theo giới truyền thông, tại phiên tòa hôm 24-1, ông Suthep Thaugsuban đã bị truy tố với tội danh phản quốc và khủng bố liên quan tới các cuộc biểu tình bạo lực dẫn đến đảo chính quân sự năm 2014. Cả 9 người kể trên đều không nhận tội và luật sư của họ đang cố gắng bảo vệ thân chủ trong các cuộc tranh luận tại tòa. 

Phát biểu với báo giới, Phó phát ngôn viên của công tố Nhà nước Prayut Petkhun cho biết, ông Suthep Thaugsuban và 8 chính trị gia khác của đảng Dân chủ bị cáo buộc tội phản quốc, tụ tập bất hợp pháp và kích động biểu tình. Ngoài ra, ông Suthep Thaugsuban và ông Chumpon Julsai, cựu Nghị sỹ đảng Dân chủ, còn bị cáo buộc thêm tội khủng bố. Bởi bạo lực liên quan đến các cuộc biểu tình do 2 ông đứng đầu đã khiến 28 người chết. 

Theo cáo buộc của các công tố viên, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban là người dẫn đầu làn sóng biểu tình của phe "Áo Vàng" tại Thủ đô Bangkok phản đối chính quyền của bà Yingluck Shinawatra khiến thành phố bị tê liệt trong một thời gian khá dài và nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan đã phải ra đi hồi tháng 5-2014. 

Theo thống kê, kể từ năm 1946, khi nhà vua Bhumibol Adulyadej lên trị vì, Thái Lan đã trải qua 9 cuộc đảo chính và có hơn 20 Thủ tướng phải ra đi.

Cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban.

Theo giới truyền thông, chính phủ của bà Yingluck Shinawatra đã bị lật đổ sau khi Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) và những người ủng hộ đổ ra đường phố trong 7 tháng. 

Khi đó, ông Suthep Thaugsuban tuyên bố: Sẽ bắt nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và các thành viên trong Chính phủ để buộc họ phải từ chức. Và tuy bị phát lệnh truy nã, nhưng cảnh sát không thể bắt ông Suthep Thaugsuban bởi xung quanh cựu Phó Thủ tướng luôn có khoảng 40 vệ sĩ được trang bị súng ngắn bảo vệ. 

Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul khi đó đã ra lệnh cho cảnh sát, phải sử dụng biện pháp thận trọng để bắt người bị cáo buộc tội nổi loạn, nhưng từ chối bình luận về khả năng xảy ra đấu súng giữa cảnh sát và vệ sĩ của ông Suthep Thaugsuban. 

Giới truyền thông cho rằng, cuộc vận động người dân xuống đường biểu tình, chống tham nhũng do ông Suthep Thaugsuban phát động với tư cách Tổng thư ký PDRC thực chất là cuộc chiến chống lại vai trò lãnh đạo của gia tộc Shinawatra. Bởi gia tộc Shinawatra là gia đình chính trị thành công nhất ở Thái Lan. 

Ông Suthep Thaugsuban từng kêu gọi phá hủy các doanh nghiệp của nhà Shinawatra - nếu yêu nước, các bạn hãy tẩy chay sản phẩm của nhà Shinawatra. Và theo nhận định của chuyên gia Nicholas Farrelly đến từ Đại học Quốc gia Australia, ông Suthep Thaugsuban là chính trị gia kỳ cựu, là nhân vật gây tranh cãi - sẵn sàng sử dụng đòn bẩn trên chính trường. Đài RFI từng dẫn những ngôn từ khá thô tục của ông Suthep Thaugsuban khi chỉ trích nữ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Theo tiết lộ của Wikileaks, Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok từng nhận xét (năm 2008) - trong khi ông Abhisit Vejjajiva, Chủ tịch đảng Dân chủ thể hiện là một nhà trí thức có đạo đức, thì ông Suthep Thaugsuban lại là người dàn xếp ở hậu trường của đảng này và có dính líu đến hành vi vô đạo đức và tham nhũng. 

Khi làm Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã dưới thời Thủ tướng Chuan Leekpai, ông Suthep Thaugsuban đã cấp giấy sở hữu 592 lô đất tại tỉnh Phuket cho 489 nông dân. Và theo cáo buộc của giới truyền thông, có 11 gia đình giàu có quan hệ thân thiết với ông Suthep Thaugsuban đã được cấp đất. 

Và khi giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách an ninh kiêm Giám đốc Trung tâm Giải quyết tình trạng khẩn cấp dưới thời Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, ông Suthep Thaugsuban đã gây tranh cãi với quyết định cho phép binh sĩ trấn áp phe biểu tình khiến hơn 90 người chết và hơn 2.000 người bị thương. 

Theo hãng AFP, khoảng 3,5 năm trước (28-7-2014), ông Suthep Thaugsuban từng phản bác cáo trạng giết người liên quan tới cuộc trấn áp đẫm máu những người ủng hộ phe "Áo Đỏ" đối lập khi nắm quyền. Theo cáo buộc tại tòa, khi đảm trách ghế Phó Thủ tướng, ông Suthep Thaugsuban có liên quan (ra lệnh trấn áp) trong cái chết của hơn 90 người tại trung tâm Thủ đô Bangkok. 

Hơn nửa năm trước (24-7-2017), Tòa Phúc thẩm đã điều chỉnh bản án của Tòa Hình sự dành cho 6 thủ lĩnh "Áo Vàng" - giảm từ 2 năm xuống 8 tháng và cho phép họ đóng tiền bảo lãnh tại ngoại. 6 người kể trên đều là lãnh đạo của Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) và họ từng bị tòa tuyên phạt 2 năm tù giam vì cầm đầu cuộc biểu tình chiếm giữ Tòa nhà Chính phủ trong suốt 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 12-2008), chống lại 2 Thủ tướng Samak Sundaravej và Somchai Wongsawat bởi họ "là người của gia tộc Shinawatra".

Thiện Lân
.
.
.