Thái Lan: Mạnh tay với nạn buôn người

Thứ Năm, 27/07/2017, 13:02
"Có nhiều người tham gia đường dây buôn người này. Đừng đánh đồng tất cả quân nhân trong nước vào một nhóm", hãng BBC dẫn lời Thủ tướng Thái Lan, khi ông Prayuth Chan-ocha kêu gọi người dân không đổ lỗi về nạn buôn người cho quân đội.

Và lời kêu gọi này được đưa ra ngay sau khi Tòa tuyên mức án 27 năm tù cho cựu Trung tướng quân đội Manas Kongpan - bị kết tội buôn người và phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia.

Và ông Manas Kongpan nằm trong số hơn 100 bị cáo (chủ yếu là người Thái Lan, cùng công dân Myanmar và Bangladesh) phải hầu tòa hôm 19-7 ở Bangkok.

Ông Manas Kongpan nguyên là người phụ trách việc bắt giữ những người nhập cư trái phép (chủ yếu là người Bangladesh và người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar) vào Thái Lan từ năm 2009. Và là quan chức cấp cao đầu tiên của quân đội bị bắt và kết án vì buôn lậu dân nhập cư.

Trung tướng Manus Kongpan lĩnh án 27 năm tù.

Dư luận coi đây là nỗ lực lớn của Thái Lan trong việc ngăn chặn nạn buôn người qua quốc gia này. Bởi theo giới truyền thông, hàng ngàn người tị nạn đã bị bỏ mặc ngoài biển năm 2015 khi họ cố gắng chạy trốn khỏi miền nam Thái Lan vào Malaysia và những nơi khác. Và cuộc khủng hoảng gia tăng sau khi quốc tế gây áp lực với Chính phủ Thái Lan về các mạng lưới buôn lậu người.

Ngoài ông Manas Kongpan, cựu Thị trưởng Patjuban Aungkachotephan đã bị tòa kết án 75 năm tù với tội danh tương tự.

Những người còn lại bị tuyên với mức án từ 4 đến 94 năm tù giam. 94 năm tù là mức án cao nhất được tòa tuyên đối với Soe Naing, kẻ có biệt danh Anwar, người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar.

Soe Naing bị cảnh sát coi là kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu người và có liên quan tới cái chết của hàng chục người di cư.

Theo giới truyền thông, cựu Trung tướng Manas Kongpan bị bắt từ tháng 6-2015, sau khi người ta phát hiện hàng chục ngôi mộ sơ sài trong những khu rừng gần biên giới giữa Thái Lan với Malaysia.

Và hơn 100 người đã bị bắt trong năm 2015 sau khi 36 xác chết được phát hiện tại các ngôi mộ ở phía nam Thái Lan. Các ngôi mộ nằm trong một lán trại nơi những kẻ buôn người bắt người di dân làm con tin cho đến khi gia đình họ phải nộp tiền chuộc.

Nhiều người chết vì đói hoặc sốt rét. 8 năm trước (2009-2017), khi trả lời phỏng vấn hãng BBC, ông Manas Kongpan từng tuyên bố, Thái Lan đối xử nhân đạo với dân nhập cư, sau khi cựu Trung tướng bị cáo buộc thả hơn 1.000 người Rohingyas ra giữa biển trên các con thuyền không có động cơ.

Cũng trong năm 2009, tờ South China Morning Post từng đăng bài điều tra vạch trần tội ác của ông Manas Kongpan trong các vụ buôn bán người nhập cư. Khi đó ông Manus Kongpan là Đại tá.

Hơn 2 năm trước (4-6-2015), ông Manas Kongpan đã phải trình diện cảnh sát và bị thẩm vấn 8 giờ liền. Khi đó, Thiếu tướng cảnh sát Somyot Poompanmoung cho biết, họ có đủ bằng chứng về tội trạng của ông Manas Kongpan.

Theo giới truyền thông, cuộc điều tra bị kéo dài bởi nhiều nhân chứng, phiên dịch và cảnh sát bị đe dọa.

Người nhà nạn nhân buôn người bên ngoài phiên tòa tại Thái Lan hôm 19-7.

Dư luận cho rằng, nếu Thiếu tướng cảnh sát Paween Pongsirin không đào tẩu và xin tị nạn ở Australia sau khi tiết lộ nhiều quan chức cấp cao liên quan tới đường dây buôn người kể trên, có lẽ vụ án này đã chìm xuồng.

Bởi khi xin tị nạn chính trị tại Australia (10-12-2015), Thiếu tướng Paween Pongsirin (chỉ huy cuộc điều tra đường dây buôn người ở Thái Lan) tuyên bố, một số nhân vật có ảnh hưởng trong Chính phủ, quân đội và cảnh sát Thái Lan muốn sát hại ông.

 Khi đó, giới truyền thông Thái Lan từng dẫn lời Thiếu tướng Paween Pongsirin cho biết, ngay từ đầu cuộc điều tra vụ buôn người tị nạn Hồi giáo Rohingya, ông đã bị gây sức ép. Và nhóm điều tra của ông Paween Pongsirin bị giải tán chỉ sau 5 tháng hoạt động, bất chấp nhiệm vụ chưa hoàn thành.

Thiếu tướng Paween Pongsirin cho rằng, việc điều ông tới Sở chỉ huy cảnh sát các tỉnh miền Nam hồi đầu tháng 11-2015 là âm mưu muốn mượn tay người khác sát hại ông. Bởi đây là khu vực có nhiều nhân vật bị ảnh hưởng lợi ích từ các vụ buôn người bị triệt phá thời gian qua.

Và sau khi nhận lệnh thuyên chuyển công tác, Thiếu tướng Paween Pongsirin đã nộp đơn xin từ chức và được Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan Chakthip Chaijinda chấp thuận hôm 16-11-2015.

Thiếu tướng cảnh sát Thatchai Pitaneelaboot cũng từng bị nhắc nhở rằng, các cuộc điều tra của ông "đã hủy hoại hình ảnh Thái Lan".

Gần 2 năm trước (hôm 11-12-2015), Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan Chakthip Chaijinda từng tuyên bố: Nếu Thiếu tướng Paween Pongsirin tiết lộ danh tính của những người đã đe dọa ông, cảnh sát sẽ điều tra. Nhưng nếu xác minh những cáo buộc của Thiếu tướng Paween Pongsirin không đúng sự thật, cảnh sát Thái Lan sẽ kiện ông về tội phỉ báng.

Tuệ Sỹ
.
.
.