Thái Lan: ‘Mặt tối’ đằng sau bóng áo cà sa

Thứ Ba, 03/03/2015, 08:00
Nạn tham nhũng đang khiến Phật giáo Thái Lan liên tục chao đảo và ngày càng mất uy tín trước công chúng và Phật tử.
Chị Chalita Chinwanno thường đến chùa cùng với cha mẹ ít nhất 2 lần/tháng để tham thiền và cầu nguyện. Người phụ nữ 30 tuổi chia sẻ, chị thường đến chùa thắp hương lễ phật, tụng kinh, tham gia nhiều nghi lễ khác nhau để cầu an bình giữa nhịp sống thành phố ngột ngạt và tất bật.

Nhưng tín ngưỡng của chị đang được thử thách bởi hàng loạt vụ bê bối tham nhũng trong Giáo hội Phật giáo Thái Lan xuất hiện ngày càng nhiều. "Tôi cố gắng bỏ qua những mặt chưa tốt và chỉ nhìn vào mặt tốt," chị Chalita cho hay, mặc dù bản thân chị thừa nhận các vụ bê bối đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo ở Thái Lan.

6 tháng trước, Hội đồng Tăng lữ Tối cao, tức Giáo hội Phật giáo Thái Lan đã bị chao đảo bởi những sai trái về hành vi của tu sĩ được lặp đi lặp lại.

Hồi tháng 1, Phra Phromsuthi, trụ trì chùa Wat Sa Ket, một trong những tu viện Phật giáo cổ kính và danh giá nhất xứ Chùa Tháp đã bị Hội đồng Tăng lữ cách chức vì ông ta đã biển thủ 2 triệu bath tiền công đức để làm lễ trà tì cho trụ trì tiền nhiệm. 2 tháng sau, Phra Kru Wisit, trụ trì chùa Wat Hiranyararm ở huyện Pho Thale, tỉnh Phichit đã bị khai trừ khỏi Giáo hội vì lấy 1,2 triệu bath tiền công đức để đầu tư vào… chứng khoán.

Những vụ việc khác xảy ra trong thời gian gần đây gồm: một số sư bị bắt vì "tàng trữ" 120 ngàn viên ma túy tổng hợp hoặc bị bắt trong tình trạng say xỉn mà điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, chẳng hạn xe máy hoặc phạm tội buôn bán động vật hoang dã.

Phật tử cúng dường các nhà sư ở tỉnh Loei (Ảnh: Báo bưu chính Bangkok).
"Tôi cảm thấy Văn phòng Phật giáo Quốc gia nên tích cực hơn nữa để phòng chống tai họa này", Ployaphan Sirinthip một người bạn của chị  Chalita, đồng thời là một Phật tử nói lên tâm tư của mình.

Chị Sirinthip nói tiếp: "Ngược lại, nếu không tỉnh thức kịp thời, thì Tăng đoàn sẽ hoàn toàn bị phá hỏng và đi ngược lại giáo pháp Phật giáo".

Văn phòng Phật giáo quốc gia, cơ quan duy nhất có thể can thiệp khi có hoạt động bất hợp pháp xảy ra sẽ được mang ra ánh sáng công lý, đã bảo vệ được những tăng sĩ chân chính. "Chúng tôi có một hệ thống rất rõ ràng. Mỗi một ngôi chùa trong tổng số 30.000 chùa ở Thái Lan đều được quản lý bởi một vị trụ trì, tu sĩ này sẽ phải thường xuyên báo cáo thông tin đến Hội đồng Tăng lữ tối cao",  người phát ngôn Văn phòng Phật giáo quốc gia Somchai Surchartri cho biết.

"Nếu một tu sĩ có hành vi bất minh, thì sẽ có hàng loạt biện pháp xử lý tùy thuộc vào mức độ phạm tội, biện pháp cứng rắn nhất của chúng tôi là bắt hoàn tục", ông Somchai khẳng định. Tuy nhiên, tiếng nói từ cả công chúng lẫn nội bội Hội đồng Tăng lữ đã vang lên để kêu gọi xử lý nghiêm khắc những tu sĩ vi phạm giáo pháp.

Theo Báo Bưu chính Bangkok Tăng đoàn Tối cao Thái Lan đã cố che giấu mọi khuyết điểm của lớp tu sĩ cấp cao hơn bởi vì có quá nhiều tiền bạc và quyền lực đổ dồn vào đây, trừ khi giành được sự chú ý của công chúng. "Thật không may, điều đó giống như mọi điều khác khi mà tiền và quyền gắn liền với nhau", cựu tu sĩ giải thích. Vấn đề này đã trở thành tâm điểm chú ý của các tầng lớp chính trị cấp cao nhất của Thái Lan. Thủ tướng Thái Lan Prayut Cha-o-cha gần đây tuyên bố cứng rắn ông sẽ chịu trách nhiệm cá nhân khi truy tố một sư trụ trì phạm tội tham nhũng.

Hội đồng Cải cách Quốc gia đang soạn thảo bản hiến pháp mới nhằm đấu tranh, ngăn chặn nghiêm ngặt mọi hành vi tham nhũng, gây hại cho giáo pháp trong Giáo hội Phật giáo Thái Lan.

Chị Ployphan và chị Chalita cùng gia đình rất thất vọng về tình trạng đã nêu, họ có lúc không còn muốn ngày ngày tụng kinh.

Cha chị Ployphan không còn đi đến chùa cùng gia đình, trong khi đó anh trai của chị Chalita, từng là một Phật tử, bây giờ tự nhận là người không tôn giáo. "Sư sãi luôn vướng vào tham nhũng. Họ cũng chỉ là hạng phàm phu tục tử mà thôi", chị Ployphan thở dài ngao ngán, than.

Phạm Hữu Tùng
.
.
.