Thái Lan quyết bắt cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra

Thứ Năm, 25/01/2018, 08:44
Lãnh đạo các cơ quan chức năng có liên quan đến việc truy tìm và đưa cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra về nước đang phải "vắt chân lên cổ" để hoàn thành nhiệm vụ, nếu không sẽ bị truy tố theo Điều 157 Bộ luật hình sự Thái Lan.

Tuyên bố của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan được tờ The Bangkok Post dẫn lại cho thấy, lãnh đạo các cơ quan chức năng có liên quan đến việc truy tìm và đưa cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra về nước đang phải "vắt chân lên cổ" để hoàn thành nhiệm vụ, nếu không sẽ bị truy tố theo Điều 157 Bộ luật hình sự Thái Lan. 

Bởi theo ông Prawit Wongsuwan, công tố viên, cảnh sát và Bộ Ngoại giao phải tăng cường phối hợp chặt chẽ để truy tìm bà Yingluck Shinawatra và đưa cựu Thủ tướng về nước. "Vẫn không loại trừ khả năng bà Yingluck sử dụng hộ chiếu được cấp bởi một quốc gia khác", ông Prawit Wongsuwan nói. 

Động thái kể trên diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao nhận được xác nhận từ Ngoại trưởng Anh Boris Johnson - bà Yingluck Shinawatra đã ở London từ tháng 9-2017. Ngoại trưởng Don Pramudwinai cũng xác nhận, bà Yingluck Shinawatra đã đến London và giới chức Thái Lan đã liên hệ với những người đồng cấp Anh để tìm cách xác định nơi ở chính xác của nữ cựu Thủ tướng. 

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Anh không tiết lộ tình trạng pháp lý của bà Yingluck Shinawatra tại nước này và liệu nữ cựu Thủ tướng có xin visa hay tị nạn hay chưa.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.

Theo giới truyền thông, Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp (OAG) vẫn chưa chính thức yêu cầu dẫn độ bà Yingluck Shinawatra về nước bởi không có đủ thông tin về nơi ở hiện tại của cựu Thủ tướng. 

Theo ông Amnat Chotchai, Trưởng bộ phận đối ngoại của OAG, họ chưa thể đề nghị Chính phủ Anh dẫn độ nữ cựu Thủ tướng vì chưa có thông tin chính xác về nơi ở hiện nay của bà Yingluck Shinawatra. Vẫn theo ông Amnat Chotchai, sau khi Cảnh sát Hoàng gia xác thực vị trí và nơi ở hiện tại của bà Yingluck Shinawatra, OAG mới có các bước tiếp theo. 

Cảnh sát Hoàng gia cũng xác nhận, Interpol chưa phát cảnh báo quốc tế đối với bà Yingluck Shinawatra do cơ quan chức năng Thái Lan không cung cấp thêm hồ sơ và chứng cứ. 

Phó Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia, Tướng Srivara Ransibhramanakul thông báo (sau khi nhận chỉ thị của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha), cảnh sát phải "làm tất cả những gì có thể" để truy tìm và đưa bà Yingluck Shinawatra về nước "đối mặt với công lý". 

Tướng Srivara Ransibhramanakul cho biết, Cảnh sát Hoàng gia đã liên hệ với giới chức Anh thông qua Interpol để truy tìm tung tích nữ cựu Thủ tướng. Về phần mình, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho rằng, không nên nhìn nhận việc đưa bà Yingluck Shinawatra về nước là một vấn đề quá lớn. 

"Nếu anh em nhà Shinawatra được đưa về nước, đó sẽ là điều rất tốt. Nhưng vấn đề này liên quan đến nước ngoài và chúng ta không có khả năng kiểm soát. Vẫn còn nhiều phương diện khác cần cân nhắc", ông Prayut Chan-o-cha tuyên bố.

Sau khi chính quyền xác nhận bà Yingluck Shinawatra đã đến London, đảng Puea Thai cũng tuyên bố, nữ cựu Thủ tướng đang ở Anh. Dư luận quan tâm tới tuyên bố của bà Tida Thavornseth, lãnh đạo Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ chống độc tài (UDD) - phe Áo Đỏ ủng hộ bà Yingluck Shinawatra - không có cơ hội để đưa nữ cựu Thủ tướng về Thái Lan. 

Tổng thư ký của Puea Thai Phumtham Wechayachai cũng khẳng định, đảng này không liên lạc với bà Yingluck Shinawatra trong nhiều tháng qua. Theo giới truyền thông, dư luận Thái Lan dậy sóng sau khi 2 bức ảnh được lan truyền trên mạng cho thấy, bà Yingluck Shinawatra đang ở London, bất chấp việc Bộ Ngoại giao Thái Lan đã thu hồi hộ chiếu của nữ cựu Thủ tướng. 

Phó Cảnh sát trưởng quốc gia Srivara Rangsipramanakul khẳng định, những bức ảnh mà cảnh sát có trong tay là thật. Ông Phichai Nariphathaphan, cựu Bộ trưởng Năng lượng, 1 trong những lãnh đạo của Pheu Thai cũng xác nhận, các bức ảnh chụp bà Yingluck Shinawatra tại các trung tâm mua sắm ở London là thật.

Theo tờ The Nation, bà Yingluck Shinawatra đã xin visa loại 1 (visa khởi nghiệp), cho phép cựu Thủ tướng ở lại Anh tối đa 3 năm 4 tháng. Theo quy định của Anh, công dân các nước ngoài Khu vực kinh tế châu Âu và Thụy Sĩ có thể xin visa loại 1 nếu đầu tư tối thiểu 200.000 bảng Anh. Và người sở hữu visa này có thể xin gia hạn thời gian lưu trú thêm 2 năm và có thể xin định cư nếu đã lưu trú tại Anh được 5 năm. 

Theo giới chuyên môn, việc thu hồi hộ chiếu của bà Yingluck Shinawatra có thể không ngăn được nữ cựu Thủ tướng xin tị nạn chính trị ở châu Âu bởi nhiều quốc gia phương Tây không đòi hỏi người xin tị nạn phải có hộ chiếu. Được biết, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã hủy 4 hộ chiếu (2 hộ chiếu cá nhân và 2 hộ chiếu ngoại giao) của bà Yingluck Shinawatra.

Cựu Thủ tướng kiêm lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejajiva cho rằng, còn quá sớm để kết luận bà Yingluck Shinawatra đang tìm cách xin tị nạn chính trị tại Anh. Đồng thời nhấn mạnh, xin tị nạn chính trị là vấn đề giữa bà Yingluck Shinawatra với một quốc gia nào đó mà không ai có thể can thiệp. Ông Abhisit Vejjajiva cũng nhận định, bà Yingluck Shinawatra có thể đề nghị nhập cảnh vào các nước với tư cách nhà đầu tư doanh nghiệp.
Thiện Lân
.
.
.