Thái Lan:

Thắt chặt quản lý sim điện thoại để chống khủng bố

Thứ Năm, 18/08/2016, 11:34
Các kết quả điều tra mới nhất về 11 vụ đánh bom tại 5 khu vực gồm thị trấn nghỉ dưỡng Hua Hin, bãi biển Phuket, tỉnh Surat Thani hôm 12-8 cho thấy, các quả bom đã được kích nổ bằng điện thoại di động. Điều này càng thúc đẩy chính quyền Bangkok sớm thực thi các biện pháp mới về quản lý sim, thẻ điện thoại nhằm ngăn chặn và chống khủng bố.


Phó phát ngôn viên cảnh sát Thái Lan Piyaphand Pingmuang cho hay, cảnh sát Thái Lan đang dốc sức điều tra 11 vụ đánh bom từ tối 11-8 đến sáng 12-8 tại 5 khu vực khác nhau. Kết quả khám nghiệm hiện trường bước đầu cho thấy, các quả bom đều là bom tự chế nhằm gây sát thương cao và việc kích hoạt bom nổ kép bằng điện thoại di động là để tăng tối đa thương vong tại khu vực hiện trường.

Ngay sau đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã ra lệnh siết chặt an ninh ở các thành phố và khu vực đông người trên khắp nước này, đặc biệt là những địa điểm du lịch. Đồng thời, ông Prayut Chan-o-cha cũng thúc giục Ủy ban Viễn thông và truyền thanh quốc gia (NBTC) sớm hoàn tất kế hoạch thực thi các biện pháp mới để chống khủng bố.

An ninh được thắt chặt ở Thái Lan sau loạt vụ nổ bom liên tiếp. Ảnh: SCMP.

Cụ thể, từ năm 2017, du khách nước ngoài tới Thái Lan muốn sử dụng điện thoại di động phải dùng thẻ sim đúng quy định để nhà chức trách có thể dò tìm. Quy định mới này không chỉ áp dụng đối với khách du lịch, mà nhằm vào tất cả các công dân nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan. Những người dùng điện thoại di động để tiếp cận các dịch vụ wifi cũng phải đăng ký, nếu không đăng ký sẽ không sử dụng được dịch vụ điện thoại và không truy cập được Internet, ngoại trừ các cuộc gọi khẩn cấp tới cảnh sát và bệnh viện.

Đối với khách nước ngoài tới Thái Lan nhưng mang theo điện thoại và thẻ sim điện thoại trong nước họ nhưng đã đăng ký dịch vụ chuyển vùng và gọi ra nước ngoài, họ vẫn có thể tiếp tục sử dụng sim điện thoại này nhưng phải đăng ký với các nhà chức trách.

Tổng thư ký Văn phòng Ủy ban viễn thông và truyền thanh quốc gia Thái Lan Takorn Tantasith cho biết, việc triển khai kế hoạch này là nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia, nhưng lại không vi phạm các quyền tự do cá nhân của người dùng.

Còn với khách dùng điện thoại là công dân Thái Lan, khi mua sim thẻ điện thoại, chủ nhân phải đăng ký các thông tin cá nhân như họ tên, số chứng minh thư, số điện thoại với nhà cung cấp dịch vụ. Ông Takorn Tantasith cũng giải thích rằng, biện pháp này đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng  như các nước châu Âu, Australia, Nhật Bản, Malaysia và Singapore…

Được biết, hồi tháng 6, Đức cũng đã công bố một số biện pháp chống khủng bố mới trong đó đáng chú ý là việc các cơ quan an ninh Đức có thể chia sẻ thông tin tình báo với các nước bên trong châu Âu hoặc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Khi dó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere còn cho biết thêm rằng, Chính phủ Đức sẽ yêu cầu những người mua điện thoại trả trước hoặc sim điện thoại phải trình giấy tờ tùy thân. Pakistan cũng sử dụng biện pháp này song còn bổ sung thêm quy định, các chủ thuê bao điện thoại di động phải đăng ký vân tay với cơ sở dữ liệu quốc gia của chính quyền.

Từ năm 2017, việc dùng sim điện thoại đối với người nước ngoài ở Thái Lan sẽ được thắt chặt. Ảnh: Daily Mail.

Nghĩa là, khi mua sim điện thoại, người mua phải xuất trình thẻ căn cước và lăn dấu vân tay trên một thiết bị được gọi là kiểm tra sinh trắc học. Nếu dấu vân tay của người đó phù hợp với tên của họ trong một cơ sở dữ liệu của chính phủ trước đó thì họ có thể được giữ thẻ SIM, nếu không dịch vụ viễn thông của họ sẽ bị cắt đứt.

Chính quyền Islamabad thừa nhận đây là quy định cực kỳ khó khăn cho các nhà mạng và khách hàng song tất cả là vì an ninh quốc gia. Sau khi kiểm soát chặt chẽ SIM điện thoại, chính phủ dễ dàng phát hiện, ngăn chặn những hoạt động khủng bố và hoạt động tội phạm khác. Còn tại Pháp, trong thời gian diễn ra Euro 2016, Chính phủ đã đưa ra một ứng dụng mới được xây dựng và phát triển sau vụ đánh bom và xả súng kinh hoàng tại thủ đô Paris hồi tháng 11 năm ngoái.

Ứng dụng này có tên gọi SAIP, được người dùng điện thoại di động tải xuống để nhận cảnh báo khi có nguy hiểm. Khi người dùng SAIP đi vào khu vực tiềm ẩn rủi ro và được phát hiện bởi thiết bị định vị, những dòng cảnh báo cũng tự động xuất hiện ngay cả trên màn hình bị khóa. Trong trường hợp có tin nhắn thông báo từ SAIP, góc dưới điện thoại sẽ xuất hiện nút chỉ dẫn có tên: "Hành động như thế nào". Chỉ cần nhấn vào nút này, người dùng sẽ biết mình cần phải làm gì để thoát khỏi nguy hiểm.

Khánh Chi
.
.
.