Thái Lan:

Trẻ 6-7 tuổi bị ép đấu võ kiếm sống

Thứ Hai, 21/11/2016, 19:31
Trong các trận đấu, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy các võ sĩ nhí mang thương tích trên người mà vẫn phải lên đài chiến đấu. Nếu chúng để bị thua quá nhiều, ông chủ sẽ bỏ rơi và không tiếp tục nuôi dưỡng những "kẻ vô dụng" như vậy nữa. Hàng ngày, các bé phải luyện tập với tốc độ cao.


Muay Thái là bộ môn võ thuật Thái Lan nổi tiếng thế giới. Thậm chí người dân địa phương còn nói rằng: "10 người đàn ông có tới 9 người đánh võ". Điều ấy đủ để thấy rằng môn võ này phổ biến đến mức nào. Đối với những trẻ em nghèo, Muay Thái còn là hy vọng để đổi thay số phận.

Tại Thái Lan hiện, có tới hơn 30.000 trẻ em ngày ngày đều phải kiếm sống thông qua môn võ nổi tiếng này. Độ tuổi trung bình của chúng chỉ từ 6-7 tuổi, nhưng để có miếng cơm manh áo, chúng phải đánh đổi bằng đau đớn và thương tích trên thân thể mà khó có thể hồi phục được.

Những hình ảnh về bạo lực trẻ em của Muay Thái.

Một cuộc thi đấu đẳng cấp có thể khiến võ sĩ Muay kiếm được khoảng 62 triệu Việt Nam đồng, trở nên nổi tiếng, tận hưởng những chiếc xe hơi sang trọng, và các cô gái xinh đẹp bên mình.

Nhưng đối với những đứa trẻ nhỏ nghèo khó, chúng chỉ có thể đánh võ kiếm sống trên thị trường chợ đen. Hơn nữa thu nhập sau mỗi trận đấu chỉ vỏn vẹn "62.000 Việt Nam đồng".

Theo quy định của Chính phủ, tuyển thủ chính thức tham gia vào cuộc đua không được ít hơn 15 tuổi. Do đó những đứa trẻ đáng thương này chỉ có thể hoạt động trong thị trường chợ đen.

Nhiều bậc phụ huynh có trẻ nhỏ đều đưa chúng đến Câu lạc bộ Muay Thái. Người chủ sẽ có trách nhiệm đối với việc ăn ở và luyện tập của chúng. Những võ sĩ nhí này mỗi ngày đều phải thức dậy vào sáng sớm lúc 5 giờ và bắt đầu với các bài luyện tập khắt khe như đánh vào bao cát trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Hay thậm chí phải đánh võ với người có cân nặng hơn mình. Khi chúng giành chiến thắng, hầu hết số tiền thưởng đều bị người chủ lấy đi, còn lại một ít thuộc về cha mẹ của đấu sĩ nhí.

Muay Thái vốn mang tính sát thương và tấn công rất mạnh, dễ dàng gây ra nguy hiểm đến tính mạng của đối thủ. Do đó việc các võ sĩ nhí thường xuyên xuất hiện với bộ dạng mặt mày sưng húp hay mất răng là việc quá "phổ biến".

Thậm chí một số võ sĩ nhí còn bị đánh cho gẫy chân gẫy tay, xương mặt bị biến dạng cũng không phải là hiếm. Hơn nữa vì chúng đang trong giai đoạn phát triển, các trận đấu khốc liệt đã để lại những chấn thương lớn đến đại não của chúng, khiến nhiều trẻ bị chậm phát triển trí não, suy giảm trí tuệ nhanh chóng.

Thậm chí nguy cơ bị bệnh Parkinson (liệt rung) cao, một loại rối loạn thoái hoá của hệ thần kinh trung ương gây ảnh hưởng đến tình trạng cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ thể.

Nhưng với tình trạng như vậy, các bậc cha mẹ của những võ sĩ nhí này cho rằng điều này còn tốt hơn nhiều so với việc chúng phải làm các công việc lao động nặng khác, hay thậm chí là mại dâm trẻ em và sử dụng ma túy…

Có nhiều bé gái cũng tham gia tập luyện Muay Thái.

Vì vậy vẫn có rất nhiều phụ huynh bảo trì quan niệm cố hữu này và muốn cho con em họ bước vào môi trường đấu võ chuyên nghiệp để rèn luyện và đào tạo, đồng thời kiếm được nguồn "lợi nhuận" ổn định.

Những đứa trẻ vẫn đang còn ở tuổi ăn tuổi chơi vậy mà đã phải trải qua các cuộc rèn luyện và thi đấu khắc khổ. Tâm hồn thơ ngây non nớt của các em sớm bị những thứ bạo lực và đấu đá che lấp.

Chính quyền địa phương tuy đã có những biện pháp để ngăn chặn tình trạng này nhưng có lẽ tất cả những biện pháp đó đều chưa thực sự triệt để. Điều này khiến cho hàng ngày hàng giờ, các em nhỏ tại Thái Lan vẫn phải đổ máu trên những võ đài để thu lợi cho các ông chủ giàu có.

Chúng ta chỉ có thể hy vọng điều này sẽ sớm có thể khắc phục và cải thiện, để nụ cười có thể trở lại trên môi các em…

Nguyễn Minh
.
.
.